Chuyện Queensland: Dược sĩ Trang Trần

TT-01.jpg

Dược sĩ Trang Trần

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Khi chúng ta cầm một cái toa bác sĩ bước vào một tiệm thuốc tây, công việc của người dược sĩ không phải chỉ đơn thuần là lấy một hộp thuốc có kê trong toa rồi bán cho khách hàng. Nó còn đòi hỏi những kỹ năng gì? Những kiến thức ra sao? Và sự tinh tế như thế nào?


Để hiểu rõ về những điều trên, kính mời quý thính giả theo dõi cuộc nói chuyện của chúng tôi với cô dược sĩ Trang Trần ở Brisbane với hơn 25 năm kinh nghiệm trong ngành chuyên môn này.

Hưng Việt: Xin chào cô Xuân Trang.

Xuân Trang: Dạ chào anh Hưng Việt, chị Mỹ Dung và thính giả của đài SBS.

Mỹ Dung: Dạ chào chị Trang.

Hưng Việt: Dạ trước hết xin cô cho biết lý do nào cô bước chân vào ngành dược khoa này?

Xuân Trang: Dạ lúc đó cũng mới ở Việt Nam qua cũng không có lâu lắm, em thực sự lúc đó cũng hổng biết học cái ngành gì, cũng thấy là thích cái ngành đó là tại vì mình có thể giúp đỡ mọi người, có cơ hội gặp gỡ nhiều người, hơn nữa mình có thể làm bán thời, một khi mình có gia đình mình có nhiều thời gian cho gia đình mình hơn, với lại ông anh học bác sĩ cho nên ba mẹ cứ muốn con học bác sĩ em phải học dược để có gì hai anh em có thể làm việc với nhau. Vậy thôi, Dạ.

Hưng Việt: Ở Nam Úc, khi mà muốn vào học Dược ở đại học thì ở đây họ cần điểm OP khá cao còn ở Nam Úc thì nó có cái điều kiện tuyển chọn nào hay không?

Xuân Trang: Nếu nói theo thời của em thì cái điểm vô cũng hơi cao thì mình mới được vô ngành Dược. Với lại lúc đó ở Adelaide chỉ có một trường Dược thôi.

Mỹ Dung: Dạ chị hành nghề được bao lâu rồi chị? Mà trong một tiệm thuốc tây hay là trong viện bào chế vậy chị?

Xuân Trang: Dạ em đa số là làm ở tiệm thuốc tây thôi, không có làm ở trong bào chế. Có những lúc mình làm những cái kem thoa rất là simple em chỉ bán cho ngoài retail pharmacy thôi.

Gần đây thì tiệm thuốc tây có làm những cái bào chế thuốc thường kêu là Compounding Pharmacy thì người dược sĩ muốn làm trong đó phải có training thêm một thời gian ngắn nữa. Cũng có nhiều bác sĩ đưa toa qua bào chế những cái thuốc giống như những cái hormone để cho mấy người lớn tuổi một chút xài, hay là những loại mà không làm sẵn được đó nhưng mà thường là giá private, hổng phải trong nhà nước tài trợ.

Hưng Việt: Thưa chị, khi bước vào một tiệm thuốc Tây, tôi đưa một cái toa đó, thì thường được nói là chờ chút xíu, thì ở bên trong đó người dược sĩ hay là người phụ tá đó làm những cái gì với cái toa đó?

Xuân Trang: Tùy theo loại toa nào. Nếu mà toa cho những trẻ em thường thuốc trụ sinh là bằng bột. Thì việc đầu tiên là mình phải biết em bé đó bao nhiêu tuổi, có dị ứng gì không, trong thời gian qua có xài qua chưa. Rồi có những người dispensary assistant tức là người phụ tá cho dược sĩ, nhưng mà tụi em vẫn là người checking, coi người đó có uống thuốc qua chưa, hiện đang uống thuốc gì, có bị dị ứng hay là có đúng với cái độ không, mấy thứ thuốc uống có những ảnh hưởng phụ khác thì tụi em cũng phải check. Cho nên có đôi khi cũng phải cần thời gian để làm những việc đó. Make sure it’s safety first.

Hưng Việt: Thưa chị, đôi khi người bán thấy tên thuốc mà bác sĩ viết xuống cái toa thì họ nói là chính xác cái thuốc này là tụi tôi không có, nhưng mà có một loại generic, thì có thể quý vị có đồng ý không? Thưa chị có thể vui lòng giải thích dùm là thuốc generic là thuốc gì? Nó có công hiệu giống y như cái thuốc mà bác sĩ ra toa hay không?

Xuân Trang: Dạ, thường là một loại thuốc muốn ra ngoài thị trường bán đó, thì cái hãng đó phải đưa lên TGA để người ta kiểm chứng, thì phải qua một thời gian cỡ khoảng 7-8 năm, thì cái hãng đó phải bỏ tiền ra rất là nhiều. Trong thời gian bao lâu đó, không có ai được dùng cái tên đó hoặc là dùng cái công thức đó để mà ra thuốc. Sau cái thời gian đó thì những cái công ty khác có thể dùng cái formula đó để làm một loại thuốc giống y chang như vậy, cũng phải đưa lên TGA testing. Có thể nó màu khác, hoặc là cái bao bì nó khác, cái label nó có thể hơi khác chút xíu nhưng mà cái công dụng nó vẫn phải giống như cái trước mới là được dùng generic.

Cái lợi của generic là không có qua khởi đầu thử nghiệm, thì nó sẽ rẻ hơn, bây giờ nhà nước thường muốn cho dân mình dùng cái generic nhiều hơn, tại vì bên Medicare không có phải trả tiền nhiều. Có đôi khi generic bán nhiều hơn là cái thuốc original. Nhưng mà nhiều người cứ nghĩ là tại vì nó rẻ quá, nó không tốt giống như cái thuốc đầu tiên. Thật ra thì cũng có vài trường hợp những cái chất bột mà để dành làm viên thuốc nó có thể khác chút xíu, thì có thể mấy người dùng nó bị dị ứng. Nhưng mà đại đa số thì cũng không có vấn đề gì.

Hưng Việt: Bây giờ tôi muốn đề cập tới một cái chương trình gọi là PBS là Pharmaceutical Benefit Scheme đó, thì thưa chị chương trình này thì nó bao gồm những lợi ích gì? những ai được hưởng? và chương trình đó chỉ áp dụng được cho một số loại thuốc nào thôi hay cho tất cả mọi loại thuốc?

Xuân Trang: Dạ trong PBS kêu là thuốc được tài trợ đó. Chỉ có một số ít không quan trọng lắm như những thuốc giảm cân hay là những loại thuốc chích ngừa kêu là private prescription, tức là nhà nước không tài trợ, nhưng mà những cái thuốc mà không có trong PBS đó, nếu có private health insurance thì mình có thể claim một số tiền lại. Chớ thuốc máu cao hoặc là thuốc tiểu đường, đại đa số là những cái thứ đó là nhà nước tài trợ hết. Những người mà có concession card hoặc là mấy người pension thì hiện giờ chỉ trả $7.3 đồng, có tiệm bớt 1 đồng thì được $6.3 đồng thôi. Rồi những người mà không có concession card thì maximum chỉ trả là $30 đồng thôi. Có những loại thuốc rất là mắc, thuốc trị Covid antiviral đó có thể lên $1.100, $1.200 nhưng mà nếu như mình có toa bác sĩ thì chỉ trả có $30 đồng thôi hoặc là có pension thì chỉ trả $7.3.

Hưng Việt: Chính phủ dựa vào đâu để mà xếp một cái loại thuốc nào đó vào cái chương trình PBS?

Xuân Trang: Theo em biết thì thường những cái thuốc mới vừa ra, người ta sẽ đưa qua những cái committee, so they sit out together, rồi bắt đầu ngồi tính những cái nào cần thiết, những cái nào không cần thiết.

Hưng Việt: Thưa chị sở dĩ tôi nêu những câu hỏi về vấn đề tài trợ đó bởi vì có một loại máy mà tôi thấy quảng cáo trên TV là máy đo lượng đường Dexcom G6 được tài trợ cho những người bị tiểu đường loại 1 thôi. Thì trước nhất xin chị giải thích dùm công dụng của máy Dexcom G6? Và thứ hai nữa là tại sao chỉ cho cái người tiểu đường loại 1 thôi mà không cho người tiểu đường loại 2?

Xuân Trang: Dạ đeo Dexcom trong mình sẽ coi lượng đường mình trong 24 tiếng đồng hồ. Nó có một cái transmitter và một cái sensor, có thể detect cái lượng đường của mình. Còn như nếu mà mình prick cái tay thì chỉ thấy ngay lúc đó thôi. Với lại Type 1 Diabetes thì đa số những người trẻ bị nhiều hơn. Người ta kêu là insulin dependent, là lúc đó mình phải chích insulin để mình giữ lượng đường mình thấp xuống. Nhưng mà nếu chích insulin thường thường nó bị hyperglycemia tức là cái lượng đường của mình có đôi khi nó xuống rất là thấp, mà rất là thấp thì có nguy hiểm tới thân thể mình lắm.

Về cái Type 2, em nghĩ thường không có phải cần insulin, thường là dùng thuốc nhiều hơn. Có một số type 2 cần dùng insuline thôi. Có một số type 2 nếu mà muốn cũng được, nhưng mà phải cần có giấy tờ chứng minh là cái người này rất là cần thiết, hay là tại vì cái lượng đường thấp nhiều lần, hay là có những trường hợp phải vô bệnh viện này kia thì cũng có thể dùng cái đó. Nhưng mà nếu mà nhà nước cho Type 1, Type 2 chắc là tốn tiền dữ lắm cho nên chắc cũng hơi kỹ lưỡng cái vấn đề xài tiền đó.

Hưng Việt: Bởi vì một cái máy như vậy hình như trên cả ngàn đô phải không ạ?

Xuân Trang: Dạ, thường cũng trả $29 đồng thôi tại vì nhà nước tài trợ.

Hưng Việt: Hiện giờ có một cái luật hay là sắp sửa có một cái dự luật là cái hộp Paracetamol 100 viên, thì bây giờ chỉ được 20 hay là 30 viên thôi. Thì nó có hai luồng dư luận: thứ nhất là làm như vậy để tránh cho bệnh nhân lệ thuộc vào cái thuốc đó nhiều quá nó thành ghiền, dư luận thứ hai là bán mỗi lần chút ít như vậy thì họ phải đi nhiều lần, thí dụ mình ở đô thị mình ở gần tiệm thuốc tây thì không nói gì, nhưng mà những người ở vùng nông thôn đó thì rất là bất tiện cho họ. Thì riêng trong giới dược sĩ của cô đó, nghĩ sao về cái vấn đề này?
TT-04.jpg
Dược sĩ Trang Trần
Xuân Trang: Theo em biết thì hiện giờ chỗ em làm vẫn chưa có cái vấn đề restriction đó. Có một thời gian tại vì COVID, hàng vô rất là ít, thay vì mình bán hai, ba hộp cho một người thì những người khác không có, cho nên tụi em có cái limit. Theo em biết thì bắt đầu từ 1/2/2025 thì cái size của… đặc biệt là cái Paracetamol thôi, thay vì 20 viên còn xuống là 16 viên. Tại vì có những em thanh thiếu niên lạm dụng thuốc. Cái Paracetamol rất là nguy hiểm. Nếu mà mình uống lượng nhiều. Nếu mà 500mg á, mình uống maximum chỉ được có tám viên một ngày thôi. Nếu mình uống trong thời gian dài quá, ảnh hưởng gan rất là nhiều. Mấy năm nay, người ta find out là số lượng thanh thiếu niên chết, tự tử này kia vì ảnh hưởng của Paracetamol, cho nên người ta phải bớt cái pack size xuống ít hơn. Từ 1/2/25, 50 viên trở xuống là để là pharmacy only, tức là phải behind the counter, mua thuốc là phải hỏi rồi mới mua được.

Nhưng mà ở lứa tuổi lớn của mình, có người không biết, uống Paracetamol rồi, uống Panadol, Osteo, hai ba thứ thuốc đều có Paracetamol trong đó hết. Cho nên cái bổn phận của dược sĩ là phải nhắc nhở. Nếu mà để ở behind the counter thì tụi em có thể nói chuyện với khách hàng tốt hơn. Cho nên tụi em nghĩ là nếu mà cái pack size hơi lớn một chút thì cần thiết nhất là phải giữ ở pharmacy, không nên bán ở ngoài tiệm giống như Woolworths hay là Coles tại vì không có restriction được. Trong tương lai thì dược sĩ phải bỏ cái label vô.

Hưng Việt: Một luồng dư luận khác từ giới dược sĩ là họ nói bán mà giảm đi như vậy đó thì cái income của họ sẽ bị giảm đi nữa thành ra họ phản đối thì cô nghĩ sao?

Xuân Trang: Thì cũng ảnh hưởng về bên vấn đề business nhưng em nghĩ thật ra về cái cách mà caring cho community, em vẫn nghĩ mình phải balance it out. Có lợi cho mình một phần nhưng mà cũng phải không có ảnh hưởng tới xã hội bên ngoài nữa. Tại vì cuối cùng bổn phận của người dược sĩ về cái ethical đó là mình phải caring for the consumer more than cái lợi nhuận của mình.

Hiện giờ có vấn đề em không biết là anh Việt biết là mỗi tháng bác sĩ cho là 60 viên hay 30 viên nhưng trong tương lai thì sẽ bán 60 viên, là tụi em phải lấy hàng vô nhiều hơn nữa tức là phải bỏ cái vốn ra rất là nhiều thay vì hồi xưa mình mua có 30 hộp Bây giờ mình phải mua 60 hộp cho cái tháng đó. Cho nên cái tiền mà để bỏ ra để mua trước là sẽ phải tốn nhiều hơn. Cash management hơi khó hơn một chút.

Hưng Việt: Nhưng mà ngược lại thì dân chúng welcome tại vì họ đi ít lần hơn.

Xuân Trang: Cái argument của dược sĩ cũng một phần là tại vì có những loại bệnh mấy người lớn tuổi mỗi tháng đi lại có những cái dược sĩ có thể pick up được, thí dụ như người ta có dị ứng về cái thuốc đó hoặc là cái thuốc đó không có work, thì tụi em trong vòng một tháng đó tụi em có thể contact bác sĩ hoặc là nói chuyện, hoặc là giúp đỡ cái người đó manage. Nhưng mà nếu mà hai tháng thì rất là lâu. Cho nên cũng không có tốt cho consumer lắm.

Hưng Việt: Đối với chị, một người mà muốn học về ngành dược hay muốn sau này ra làm dược sĩ, thì cần có những kỹ năng gì?

Xuân Trang: Em nghĩ là thứ nhất là mình phải thích cái ngành của mình tại vì nếu mình thích thì mình sẽ cảm thấy mọi ngày đi làm rất là vui vẻ. Cái thứ hai là, thích tiếp xúc với người ngoài những người thích làm về bào chế thì khác. Với lại caring, phải có cái tinh thần trách nhiệm nữa. Cái tinh thần trách nhiệm rất là quan trọng. Có những em nhỏ bây giờ nói không biết học ngành gì thì cứ suy nghĩ cái ngành dược đi, ngành dược cũng rất là Ok lắm. Hiện giờ làm được rất là nhiều, chứ không phải là chỉ ngồi bán thuốc tây hay là gì thôi, rất là đa dạng.

Hưng Việt: Còn trí nhớ thì sao? Tôi phục mấy người như bác sĩ, dược sĩ lắm.

Xuân Trang: Bây giờ là tụi em phải nhớ cái chất nhiều hơn. Giống như nghề dạy nghề anh Việt ơi. Nhìn vô là biết thuốc máu cao, nhìn vô là biết thuốc tiểu đường tại vì nó có cái group. Nhưng mà có đôi khi có những cái mới quá, mình cũng không biết thì phải tra ra rồi tìm hiểu. Tại vì thường là không có nên guessing mấy cái chuyện đó.

Em nhớ hồi em mới ra trường là phải đọc toa bác sĩ viết bằng tay rất là khó đọc Nhưng mà bây giờ đỡ có cái là computerized đa số. Với lại bây giờ là làm theo kiểu e-script nữa, toa thuốc không có cần bằng giấy tờ nữa mà đưa qua scan cái QR code rồi đi thẳng vô luôn.

Em nghĩ hồi lúc mà em mới ra trường rất là sợ, hồi xưa mình làm cái năm intern mình có một người dược sĩ khác check cho mình, tới cái năm đầu tiên em làm là em làm 9 giờ sáng tới 9 giờ tối một mình, sợ lắm mỗi lần đọc cứ đọc tới, đọc lui, đọc tới, đọc lui.

Mỹ Dung: Vậy chị có những cái kinh nghiệm nào vui buồn chị chia sẻ với thính giả không?

Xuân Trang: Dạ khi hồi xưa em làm ở bên Adelaide đó là em coi ba generations luôn có bà ngoại, bà nội, đem hình con cháu vô mà rất là vui. Em nhớ cái lần mà em nói là em không có ở làm đó nữa, em dọn lên Brisbane, cái ngày chót mà em đi là em có hai cái trolley quà. Tại vì em làm cho cái country pharmacy nó rất là nhỏ với lại mấy người customer rất là hiền. Bây giờ em cũng vẫn còn liên lạc với mấy người khách của em hồi xưa ở Adelaide.

Mỹ Dung: Dạ bây giờ cuối cùng thì chị còn có điều chi muốn chia sẻ với thính giả nữa không?

Xuân Trang: Dạ em cảm ơn anh Hưng Việt với chị Mỹ Dung có cái interest về pharmacy. Em cảm thấy có một điều rất là hãnh diện cho người dược sĩ là bây giờ tụi em có thể làm rất là nhiều chuyện nè. Trong thời gian gần đây đa số dược sĩ là người chích ngừa cho COVID. Cho nên tụi em cũng nghĩ chắc tụi em cũng có giúp đỡ phần nào về chống cái COVID-19 kỳ này. Có bữa chích trên 100, 150. Hiện giờ thì Covid với flu chung hết cho nên nó hơi busy hơn.

Em nghĩ cũng hard work nhưng mà a lot of rewards. Em cũng thích có nhiều người vô nói chuyện vui vẻ rồi có những cụ già lớn tuổi cũng appreciate mình lắm. Em nghĩ, em rất là vui em chọn được ngành này.

Hưng Việt: Thay mặt cho cô Mỹ Dung và thính giả, chúng tôi thành thật cảm ơn cô Xuân Trang rất là nhiều đã dành thời giờ của cô hôm nay là một ngày nghỉ, không phải đi làm mà vẫn dành thời giờ cho cuộc nói chuyện với những câu chuyện rất là lý thú và những điều giải thích rất là hữu ích. Cảm ơn cô Xuân Trang và kính chúc cô và gia đình được nhiều sức khỏe, mọi sự may mắn.

Xuân Trang: Dạ cảm ơn anh Hưng Việt, cảm ơn chị Mỹ Dung, cảm ơn những thính giả đã nghe qua. Mong là sẽ giúp ích được chút nào về những phần về bên ngành dược của tụi em.

Mỹ Dung: Cảm ơn chị Xuân Trang rất nhiều

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung
TT-03.jpg
Dược sĩ Trang Trần

Share