Chuyện Queensland: Cường Nguyễn, chuyên viên điện tử

01.jpg

Cường Nguyễn

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Tiếp tục loạt bài giới thiệu các tiểu thương nghiệp trong cộng đồng người Việt ở Brisbane, hôm nay, chúng tôi kính mời quý thính giả cùng hai phóng viên Hưng Việt và Mỹ Dung đến gặp anh Cường Nguyễn, một chuyên viên về điện tử, đã tự mở một cửa hiệu sửa ráp các loại máy móc về điện tử như điện thoại di động, lap top, máy tính v.v…


Xuất phát từ nhu cầu cần có thêm chút lợi tức để trang trãi cho việc học vào những ngày mới sang Úc như một du sinh, nhưng với một niềm đam mê rất lớn đối với điện tử, anh Cường Nguyễn đã theo đuổi nghề này trong hơn 10 năm qua.

Kính mời quý thính giả cùng nghe anh Cường Nguyễn trải lòng qua cuộc chuyện trò với chúng tôi…

Hưng Việt: Dạ xin chào anh Cường Nguyễn.

Cường Nguyễn: Dạ vâng con xin chào chú Hưng Việt và chị Mỹ Dung. Và xin chào tất cả các thính giản đài SBS.

Mỹ Dung: Dạ chào anh Cường Nguyễn.

Hưng Việt: Anh Cường, anh có thể cho biết là anh mở cửa hiệu sửa chữa các máy móc điện tử này đó là từ bao lâu rồi?

Cường Nguyễn: Dạ xin thưa với chú Hưng Việt và chị Mỹ Dung và thính giả nghe đài là nghề này của con xuất phát từ hồi con mới qua Úc, tận 10 năm trước khi con còn là du học sinh thì con cũng đã tiếp xúc với thiết bị điện tử cũng khá nhiều bên Việt Nam, con chỉ là vừa đi học vừa đi làm thì con có sửa điện thoại và laptop cho mọi người ở cộng đồng người Việt ở Brisbane mình. Hồi đó chỉ là một nghề con kiếm thêm và cũng là một cái hobby thôi, cũng dạng như là giải trí, vừa kiếm thêm một chút chi phí đi lại và sinh hoạt thôi. Nhưng mà con mới mở cái tiệm này ở đây khoảng tầm một năm rưỡi thôi, dạ.

Mỹ Dung: Vậy trước đó thì anh theo học cái ngành nào? Anh làm cái nghề này là anh có theo cái khóa huấn luyện nào không?

Cường Nguyễn: Dạ vâng, ở Việt Nam vào năm 2008 thì con có theo học ngành hàng hải Việt Nam, nhưng sau khi qua đây, con lại học về ngành IT, nên thực sự là nó không có liên quan gì nhiều với lĩnh vực con đang làm hiện tại.

Về lĩnh vực điện tử thì thực sự con cũng không qua một khóa học gì, tất cả đều từ sở thích của con, con là tìm hiểu qua internet, con đọc tài liệu, con mày mò đam mê vậy nên bây giờ con cũng có một kiến thức nhất định để tự tin mà sửa chửa thiết bị điện cho mọi người.

Hưng Việt: Như vậy theo anh muốn làm cái nghề này đó, thì ngoài cái kiến thức ra đó mình có cần những cái kỹ năng nào khác như là phải khéo tay hay là phải kiên nhẫn hay là những cái kỹ năng nào khác nữa hay không?

Cường Nguyễn: Dạ vâng, yếu tốt quan trọng nhất của nghề điện tử là thật sự phải có đam mê. Nói đến điện tử thì chú và chị đây nhìn xung quanh mình cái gì cũng liên quan đến điện tử hết. Tất cả những gì xung quanh cuộc sống của ta cũng đều có điện tử hết. Lĩnh vực điện tử rất là rộng, nên lúc mà học mình rất là dễ nản.

Lúc đầu con mới bắt đầu học con thấy nó quá nhiều linh kiện, mình cũng phải học thuộc những linh kiện đó là gì, chức năng của nó ra sao. Thời gian đầu con cũng rất là nản, nhưng lúc con coi về những cái hướng dẫn điện tử, thì con lại thấy nó khơi dậy niềm đam mê.

Và cái thứ hai, nếu học ngành điện tử mà để làm được việc hoặc là sửa, thì đúng là mình cũng phải có khéo tay nữa. Dạ, khéo tay ở đây là sao? Tức là chú với chị có thể nhìn những cái linh kiện điện tử trên màn hình đó rất là nhỏ, mình không thể thấy bằng mắt thường được mà mình phải để dưới kính phóng đại mình mới thấy và mình sẽ phải hàn những con linh kiện đó lên cái board mạch.

Con thì không khéo tay đâu nhưng mà con đã luyện tập rất là nhiều tức là ngày nào con cũng phải nhìn dưới ống kính đó tập hàn. Con nghĩ cũng phải mất ít nhất sáu tháng để làm quen với cái việc hàn những linh kiện siêu nhỏ như vậy. Mình cũng phải có kinh nghiệm về đôi tay của mình thì mình mới có thể mà hàn đúng chỗ mà không có bị lệch hay là không bị quá xấu.

Cái đó cũng có về năng khiếu, nhưng mà luyện tập thì nó sẽ thành công thôi. Nói chung là phải đam mê và phải kiên trì để mà luyện tập và học hỏi thì mới làm theo ngành điện tử này.

Dạ, nên điện tử rất là phổ biến ở đây nhưng mà con cũng khá là bất ngờ tại vì con cũng không thấy nhiều người theo ngành điện tử. Thì có thể là họ chưa đủ kiên trì để mà theo cái ngành này.

Hưng Việt: Nhìn chung quanh đây thì tôi thấy anh sửa chữa đủ loại máy móc hết, laptop, desktop, điện thoại, đủ thứ hết. Thì anh có chuyên môn về một loại máy nào không?

Cường Nguyễn: Dạ vâng, 10 năm trước, khi con qua đây là con chuyên sửa về laptop. Đến tận bây giờ laptop vẫn là thiết bị mà con tự tin nhất để sửa tại vì con làm việc với laptop rất là nhiều. Sau này con mới nhận thấy là có thể sửa laptop không chưa đủ để mà mình có thể trang trải cuộc sống thì con bắt đầu qua học sửa điện thoại và sửa những vật dụng trong nhà.

Nói về độ khó thì mỗi thiết bị đều có một độ khó riêng. Nhiều người nói rằng sửa laptop và điện thoại khó hơn sửa ampli hay TV, theo con nghĩ, cái đó là không đúng. Tại vì mỗi cái mình sửa quen thì mình mới thấy nó dễ, chứ nếu mà so sánh như vậy là cũng khập khiễng. Con cũng bị đam mê điện tử nên lúc mà con nhìn vào những thiết bị nào con đều muốn sửa nó, muốn biết cách nó hoạt động như thế nào.

Mỹ Dung: Rồi từ đó giờ cái ca nào mà anh thấy khó nhất?

Cường Nguyễn: Dạ vâng, nếu mà sửa về điện tử thì có nhiều ca rất là khó, con không thể sửa được. Nói chung là lúc mà mình nhận đồ của khách, mình cũng phải nói với họ là mình phải cân nhắc, tại vì có những thiết bị điện tử không phải là không sửa được mà nó sẽ tốn rất là nhiều tiền nên những thiết bị đó có lẽ là không nên sửa mà mua một thiết bị mới nó sẽ hay hơn nhiều.

Hưng Việt: Khi sửa một cái thiết bị thì anh cần phải có những cái spare parts, thì cái sự đặt mua những cái spare part đó có gặp nhiều trở ngại khó khăn hay không? Anh đặt mua từ đâu?

Cường Nguyễn: Dạ vâng, vấn đề đó chắc chắn là sẽ khó tại vì culture của Úc mình là không có sửa nhiều nên người ta sẽ không bán những cái spare parts, đa số những cái spare parts đó con mua là đều từ Trung Quốc cả. Trung Quốc là một cái thị trường rất là lớn bán linh kiện điện tử, có thể phải đợi hai tuần đến bốn tuần cái part đó về để mà sửa.

Đó là một cái trở ngại khi con làm cái nghề này, có nhiều khách họ không muốn để cái vật dụng của họ quá lâu ở đây, tại vì họ cũng quan tâm đến cái dữ liệu của họ đó thì họ không cảm thấy an toàn.

Thật tình mà nói thì ở đây ít, rất là ít tiệm điện mà sửa chuyên về những cái thiết bị vi mạch thì con lại thích làm cái ngành nghề bên cái mảng đó hơn thành ra việc con sửa cũng sẽ lâu hơn ở ngoài, ở ngoài là họ sửa một laptop thì họ có thể thay nguyên một cái mother board.

Con thì con sửa, nên cái thời gian nó sẽ lâu hơn bên ngoài một chút, nhưng mà như vậy cũng sẽ tiết kiệm được cho khách hàng, đó là điều con hướng tới.

Cái thứ hai đó là đam mê, tại vì con rất là đam mê sửa, con nhìn vào cái cái sơ đồ như vậy thì con đam mê như cái câu giải đố đó, lúc mà mình giải được thì mình sẽ thấy rất là thích, rất là vui và nó thoả mãn cái đam mê của mình.

Hưng Việt: Như vậy theo anh thấy nhiều khi một khách hàng đem một cái máy tới để mà sửa đó thì nó sẽ mất nhiều công phu, nó sẽ tốn rất nhiều tiền về spare part đó. Thì anh có đề nghị với họ là thôi nên mua một cái máy mới hơn là cố gắng mình sửa cái máy này không? Hay là anh quyết tâm là anh sẽ sửa cho được thôi.

Cường Nguyễn: Dạ vâng vấn đề đó là cái vấn đề mà con đặt lên hàng đầu. Lúc mà con thấy người ta đem đến một cái máy hư quá nặng có thể vì quá cũ rồi con nói với họ ngay lúc đó luôn là muốn giữ lại máy này mà sửa thì con vẫn có thể sửa cho họ, nhưng mà con cũng tư vấn cho họ rằng tại vì sửa máy không đáng bao nhiêu nhưng mà tiền sửa có thể là nó hơn cái máy, nếu họ vẫn chấp nhận sửa thì con vẫn sửa. Nhưng mà cái giá con đưa ra thì nó cũng không đến nổi là quá cao, nhưng mà con thì vẫn giữ một cái mức giá giống như là để cho mọi người thấy rằng vẫn xứng đáng với con và cũng có thể họ vẫn có khả năng chi trả cho cái phần tiền sửa đó. Đó là cái điều mà con luôn đặt lên hàng đầu cho mỗi thiết bị con sửa là con phải cân bằng được cái giá trị của cái máy và cái đồng tiền mà họ bỏ ra có đáng hay không. Cái đó là cái con luôn cân nhắc, dạ.

Hưng Việt: Rồi cái bước kế tiếp là nếu người khách hàng thấy sửa mà tốn tiền nhiều quá đó mà họ cũng không tha thiết đem nó về giữ nhà nữa thì họ bán lại cho anh, anh có muốn mua nó rồi để anh sửa rồi anh bán cho người khác theo cái giá second hand không?

Cường Nguyễn: Dạ cái đó thì con chưa có làm, nhưng mà đã có những người khách đó, họ tới đây thì con cũng báo giá như vậy nhưng cũng tư vấn cho họ là có thể là không đáng để sửa thì họ vẫn để lại thiết bị cho con, bảo là họ cho con để con lấy những cái spare parts đó có thể là sửa những thiết bị khác.

Hưng Việt: Tự một mình anh điều hành thương nghiệp này hay là anh có người phụ giúp? Đồng hương đem máy móc tới nhờ anh sửa đó nó có quá nhiều để anh tự một mình anh kham nổi hay không?

Cường Nguyễn: Dạ, lúc mới bắt đầu thì con cũng không có nhiều khách đâu nhưng mà sau này mình làm thì cũng có người giới thiệu cũng rất là bận con làm nhiều khi tới tận 11 rưỡi, 12 giờ tối con mới về nhà.

Con nói thật đó là cũng một cái dở của con tại vì con rất thích sửa nên có nhiều thiết bị con dành quá nhiều thời gian cho nó, mà con sửa không được thì con cũng rất là khó chịu, con không muốn bỏ cuộc giữa chừng, con đã nhận người ta làm thì con muốn sửa tới cùng mặc dù biết là có thể là không được đâu, trong thâm tâm con nó muốn tìm ra câu trả lời cho cái thiết bị đó là hư cái gì.

Còn về vấn đề mà con run cái business, dạ vâng con vẫn run một mình thôi thưa chú. Để mà kiếm được một người đồng hành với con trong lĩnh vực này, con thấy nó cũng hơi khó. Kiếm một người chuyên về thay màn hình điện thoại hay là thay pin, thay này kia thì có thể con kiếm được rất là nhiều, nhưng mà kiếm một người mà biết đọc sơ đồ, biết hàn những cái siêu nhỏ như thế này thì rất là khó kiếm, dạ nên tới thời điểm bây giờ con có một bạn phụ con về cái mảng điện thoại, thay màn hình, thay pin này kia, và giúp con mở những vật dụng ra để con sửa, chứ chính xác thì con vẫn là một mình, dạ.
02.jpg
Hưng Việt: Anh nói là nhiều khi anh tốn tới 11 giờ, 12 giờ khuya để anh ráng anh sửa cho xong và anh gọi đó là cái điểm dở của anh, nhưng mà tôi không nghĩ đó là điểm dở đâu, tôi nghĩ đó là lương tâm nghề nghiệp của anh và sự thôi thúc muốn tìm cho ra cái căn bệnh của cái máy để mà anh sửa cho xong. Đó là một cái điểm tốt chứ không phải là một cái điểm dở đâu. Nhưng mà điều anh nói nó dẫn tới một câu hỏi khác là anh tới nhà của khách hàng để anh sửa cái máy cho họ nữa hả?

Cường Nguyễn: Dạ vâng thì có những thiết bị rất là lớn như là ghế massage hay là gì đó thì con phải tới tận nhà và con gỡ ra cho họ. Chắc là những người phụ nữ có thể họ không có biết gì nhiều về điện, thế nên họ cũng không thể nào mà gỡ cái thiết bị đó ra mà đem đến cho con được. Nên nếu con sắp xếp được thời gian con sẽ đến nhà của khách hàng và để giúp họ.

Với lại con cũng làm từng nhiều người là những người già ở Úc con thấy hoàn cảnh họ rất là tội mà họ nói những câu chuyện rất là xúc động, như là họ chỉ muốn sửa cassette cũ để họ nghe lại những cái băng đĩa cũ thôi. Mà thực chất lúc mà con đến nhà họ, con nhìn vào những cái cassette đó trời nó rất là cũ mà con thấy là nó không có đáng để sửa luôn. Nhưng mà con cũng hỏi thật lòng là tại sao mà họ muốn sửa những cái đó thì họ mới trả lời là tại vì đó là kỷ niệm của họ và người thân, họ vẫn muốn sửa thì con thấy cũng là một cái hay.

Như quá trình con đi làm như vậy con thấy đúng là không phải cái gì hiện đại quá người ta cũng thích nhưng mà người ta lại thích những cái đồ mà thuộc về ký ức của người ta. Con vẫn nhận sửa với giá rất là rẻ nhưng mà sau đó lại có những câu chuyện vui như vầy, họ nói rằng con lấy giá vậy sao con đủ lo cho gia đình thì họ vẫn cho con thêm, đó là người Úc đó họ cũng hỏi về gia đình của con, có con cái này kia không thì con vẫn nói thật lòng với họ thì họ vẫn cho con thêm, dạ.

Mỹ Dung: Anh nói ra anh sửa mấy cái ghế massage, laptop đồ đủ thứ hết vậy anh có thể kể sơ sơ là anh đã từng sửa những cái loại vật dụng nào không?

Cường Nguyễn: Dạ thì nói chung là bây giờ thì chuyên về laptop nhất và điện thoại nhưng mà những vật dụng trong nhà thì con có đều có thể có sửa được như là loa hoặc là tivi hoặc là đa số là những cái vật dụng như là nồi cơm điện, này kia đó thì con vẫn sửa các vật dụng như đó, nói chung là thiết bị điện xung quanh mình. Có những vật dụng con chưa bao giờ mở ra đâu, nhưng mà con đã nhận sửa thì con sẽ phải tìm hiểu để coi bên trong đó có cái gì. Tại vì con cũng có kiến thức căn bản về điện tử, nên nhiều khi con mở ra con học cái thiết bị đó nó cũng nhanh hơn là người chưa biết gì, dạ. Thành ra con cũng muốn con nhận tất cả những đồ điện tử tại vì con vẫn muốn học thêm, vẫn thích học để mà phát triển hơn.

Hưng Việt: Cái điều mà anh nói làm tôi ngạc nhiên đó là anh sửa luôn cái ghế massage nữa. Cái ghế massage nó có những bộ phận điện tử sao?

Cường Nguyễn: Dạ có chứ. Cái ghế massage có nhiều bộ phận điện tử, những thiết bị có điện đi vào phải qua một cái board mạch điện tử nó program để xuất dòng điện ra các bộ phận khác, như là cái ghế massage chẳng hạn đi thì mình sẽ có những đầu điện vào như là 220 volt là điện xoay chiều thì lúc mà muốn qua cái massage nó phải chuyển thành điện một chiều để chạy motor, để mà nó rung hoặc là những bản điện tử mà mình cầm bấm để điều chỉnh các chế độ.

Hưng Việt: Một ứng dụng khác mà có thể xài nhiều về điện tử hơn lúc trước là cái xe hơi. Thì anh có sửa những cái bộ phận nào về điện tử trong xe hơi bao giờ chưa?

Cường Nguyễn: Dạ về xe hơi con không có sửa về điện tử nhưng mà con có lắp đặt hệ thống infotainment trong xe, TV, reverse camera hoặc là head unit đó thì con cũng có làm qua khá là nhiều rồi. Bắt đầu từ những người thân trong gia đình, bây giờ những dòng xe quá cũ thì họ không thể coi reverse camera, hoặc là họ không cái cái bản đồ Apple car player hay là Android Auto thì con sẽ lắp những cái unit đó cho họ. Nếu nói về điện tử của xe hơi thì con không sửa nhưng mà con có lắp đặt hệ thống sạc nhanh trên xe hơi hoặc là hệ thống xem phim, hệ thống chơi game trên xe hơi…

Hưng Việt: Ngoài vấn đề điện tử cho các máy móc thì có một vấn đề bây giờ hiện được nhiều người quan tâm là an toàn cho nhà cửa, thì những cái máy mà thu hình CCTV thì anh có nhận lắp ráp mấy cái đó không?

Cường Nguyễn: Dạ về hệ thống CCTV và hệ thống alarm cho nhà cửa thì con vẫn đang làm cái công việc đó. Con có những người bạn bên ngoài họ cũng chuyên làm về nhà cửa luôn. Họ làm chung với con về hệ thống camera an toàn cho nhà cửa, thì con vẫn nhận và set up luôn hệ thống alarm cho nhà cửa.

Con nói thật là nhiều khi làm công việc sửa chửa điện tử này, ngồi trong cái căn phòng này cứ nhìn dán mắt vào cái kính hiển vi đó, thì nhiều khi rất là đau đầu, mình ngồi mình không có vận động nhiều thì cũng rất là không tốt.

Sau, con lại offer thêm một service cho mọi người đó là con đi lắp camera cho người ta. Con cũng biết là cái vấn đề an toàn bây giờ hiện nay nó cũng hơi phức tạp một chút thời gian gần đây thì cũng rất là nhiều người muốn gắn camera con cũng sẽ đưa ra những mức giá hợp lý dành cho cộng đồng người Việt mình nhưng mà cũng không có phải là quá đáng với công sức của tụi con.

Hưng Việt: Anh mở cái thương nghiệp này như vậy thì có cần phải xin giấy phép gì của chính phủ không?

Cường Nguyễn: Dạ có chứ cái business của con thì vẫn đăng ký ABN number dưới tên của con thì nói chung là con làm thì nó đúng là một cái business nó thẳng thôi, chứ nó cũng không có gì hết, dạ, Tất nhiên là hợp pháp, dạ vâng, thì chú có thể thấy đây con có máy tính tiền, đây có nói chung là cũng xuất invoice, nói chung là tất cả mọi người muốn xuất invoice, nhiều người họ muốn làm claim lại business, con vẫn xuất invoice cho họ, dạ.

Hưng Việt: Cảm ơn anh đã trả lời câu hỏi đó. Bởi vì như vậy, thính giả nào mà muốn có invoice cho công việc mà anh làm giùm họ đó, thì họ được yên tâm hơn để mà họ tiếp xúc.

Hưng Việt: Anh nói là anh đã bắt đầu theo cái ngành nghề này 10 năm nay từ khi anh qua đây như là một du sinh để mà du học. Thì khi mà qua đó là anh đi theo diện nào.

Cường Nguyễn: Dạ, khi mà con qua đây là theo diện du học sinh ạ, con học IT bên đây. Sau đó là con gặp bà xã con. Dạ vâng, bà xã con là người ở đây cũng khá là lâu rồi. Dạ vâng, thì con kết hôn với bà xã con và con ở lại. Dạ.

Hưng Việt: Cuối cùng thì anh Cường còn có điều chi anh muốn nói thêm, anh muốn nói thêm hay chia sẻ với thính giả của chúng ta hay không?

Cường Nguyễn: Dạ vâng, thì chia sẻ về cái ngành nghề này của con á, thì con cũng như là con cũng nói xong xuyên suốt chương trình rồi thì con cũng chia sẻ rồi nhưng mà con cũng muốn gửi đến các thính giả và các tất cả mọi người Việt ở Úc châu, mình là tại vì con cũng thấy là bây giờ cái cuộc sống này ngày dần khó khăn á, thì con cũng chỉ mong mọi người là sức khỏe và có nhiều may mắn và thành công trong công việc để mà mình vượt qua cái giai đoạn khó khăn này - như con gọi là cuộc sống đi. Vì con cũng thấy đang khó khăn nên con cũng chỉ muốn gửi lời đến tất cả mọi người như vậy thôi, dạ vâng, là sức khỏe và công việc thành công.

Hưng Việt: Dạ thay mặt cho cô Mỹ Dung và thính giả của SBS chúng tôi thành thật cảm ơn anh Cường Nguyễn rất là nhiều, anh đã dành thời giờ làm việc của anh cho chúng tôi có cái cuộc mạn đàm rất là lý thú này xin chúc anh nhiều sức khỏe. Và cái thương nghiệp này luôn luôn được thành công, và thu hút được rất nhiều khách hàng. Cảm ơn anh.

Cường Nguyễn: Dạ vâng, con cũng cảm ơn chú Hưng Việt và chị Mỹ Dung đã tới đây phỏng vấn con ngày hôm nay thật sự cũng là một cái bất ngờ, và con nghĩ đó cũng là một cái duyên. Dạ, tại vì con cũng chưa bao giờ nghĩ là con sẽ được phỏng vấn trên đài SBS. Tất nhiên là con cũng thấy rất là vui khi mà chú với chị ở đây hôm nay và con cũng xin gửi lời chúc tất cả toàn thể cô chú và những cái thính giả nghe đài SBS một cái ngày thật là tốt lành. Dạ dạ cảm ơn dạ.

Mỹ Dung: Dạ cảm ơn anh Cường Nguyễn.



Đồng hành cùng chúng tôi, Follow & Like 
Cập nhật tin tức mọi lúc mọi nơi tại 
Nghe SBS tiếng Việt trên trang mạng, hay trên ứng dụng SBS Radio, tải về từ 
hay 


Share