Chuyện Queensland: Nghiệp đoàn TCF bảo vệ quyền lợi cho những người làm nghề may tại nhà

01-Tại văn phòng.jpg

Cô Ngạn Lý

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Nhiều người Việt sinh sống ở Úc đang làm nghề may vì công việc tương đối dễ dàng và có thể làm tại nhà. Nhưng ít người biết ở Úc có Nghiệp đoàn Dệt May, Quần Áo và Giày Dép (TCF) có thể bênh vực cho quyền lợi của họ.


Để hiểu rõ hơn, kính mời quý thính giả theo dõi cuộc nói chuyện sau đây giữa phóng viên Hưng Việt và cô Ngạn Lý, một nhân viên liên lạc của nghiệp đoàn này.

Hưng Việt: Dạ xin kính chào chị Ngạn ạ.

Ngạn Lý: Dạ chào anh Việt. Chào quý vị thính giả của đài SBS.

Hưng Việt: Dạ trước hết xin chị có thể vui lòng tự giới thiệu chị với thính giả của Đài SBS hay không ạ?

Ngạn Lý: Dạ, cảm ơn anh đã hỏi. Trước đấy em học đại học ở Việt Nam với chuyên ngành hoàn toàn khác với cái nghề hiện nay em đang làm cho nghiệp đoàn dệt may. Sau khi em sang Úc thì em cũng vẫn làm nghiệp vụ tài chính kế toán của em, nhưng mà cơ duyên gần đây thì em lại chuyển sang làm cho Nghiệp đoàn Dệt May.

Hưng Việt: Dạ lý do nào chị chuyển sang như thế ạ?

Ngạn Lý: Thực ra thì em nghĩ nó cũng là một cái duyên vì những công việc cũ ít nhiều liên quan đến công tác cộng đồng. Khi mà em biết Nghiệp đoàn đang tìm một người để hỗ trợ cộng đồng người Việt ở đây thì em nghĩ, ồ đây là một cái cơ hội cho mình để có thể góp một phần giúp đỡ cộng đồng người Việt của mình, cái đấy cũng là điều em rất là quan tâm.

Hưng Việt: Thế thì quý quá. Như vậy bây giờ mình bước sang cái lãnh vực mà chị đang làm việc đó, là chị làm ở trong cái Nghiệp đoàn Dệt may, Quần áo và Giày dép - tiếng Anh là TCF. Thưa chị có thể cho biết chút xíu về cái nghiệp đoàn đó hay không ạ?

Ngạn Lý: Dạ vâng ạ. Như anh và quý vị cũng biết thì những công nhân gia công trong ngành dệt may, quần áo và giày dép ở Úc và trong đó có người Việt mình thì thường đặc biệt dễ bị bóc lột, bị lạm dụng rồi thường làm việc trong những môi trường không được an toàn. Và nghiệp đoàn Dệt may Quần áo và Giày dép gọi tắt là TCF Union sẽ là nghiệp đoàn đại diện cho lực lượng công nhân làm may tại nhà trên toàn nước Úc để đảm bảo cho những công nhân này sẽ được đối xử công bằng, thực hiện những chính sách theo đúng pháp luật và được làm việc trong những môi trường an toàn.

Theo kinh nghiệm của chúng em thì những người làm may tại nhà thì họ thường bị bóc lột, bị lạm dụng theo rất là nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên họ cũng có những điểm chung như là phần lớn họ là người di dân hoặc người tị nạn, rồi điều kiện lao động của họ thường là khá biệt lập. ảnh hưởng đến sức khỏe. Rồi quyền tự chủ của họ đối với công việc rất là ít. Bên cạnh đó họ lại còn bị những cái sức ép về việc phải hoàn thành công việc đúng thời hạn rất là cao. Chính vì vậy mà thời gian làm việc của họ thường là không giới hạn. Bên cạnh đó họ còn chịu những sức ép như là đối xử phân biệt không có đầy đủ quyền lợi những người làm trong hãng này, rồi luôn luôn bị những người liên lạc đe dọa là nếu không thì họ sẽ cắt việc. Hệ quả là họ sẽ không nhận được những cái mức lương tối thiểu dành cho công nhân ngành may. Và lúc nào người ta cũng phải làm việc trong cái tình trạng là ồ tôi phải cố gắng, cố gắng không thì tôi sẽ bị mất job, rất là ảnh hưởng đến tinh thần.

Hưng Việt: Thưa chị còn về vấn đề lương bổng thì sao? Họ có bị ép chịu một cái tiền lương mà dưới cái mức tối thiểu do chính phủ ấn định hay không ạ?

Ngạn Lý: Những người mà giao hàng cho người làm may tại nhà thường họ sẽ giao theo đơn vị sản phẩm tức là thí dụ theo một cái áo, một cái quần, một cái chi tiết nào đấy sẽ được bao nhiêu tiền thì dưới hình thức đấy người ta có thể sẽ bị giấu đi cái tiền lương thực trả tức là không biết được là bao nhiêu tiền một giờ và bên cạnh đó họ còn không có những quyền lợi khác như những công nhân trong hãng nữa cơ.

Hưng Việt: Còn cái phương diện tinh thần nó ra sao?

Ngạn Lý: Về phương diện tinh thần thì như anh cũng biết là những người làm may tại nhà phần lớn là phụ nữ, vậy thì bên cạnh đó họ còn gánh những cái trách nhiệm là hoàn thành những công việc nhà khác rồi chăm sóc con, chăm sóc gia đình. Chính vì vậy mà ngoài cái việc căng thẳng với công việc thì họ cũng phải làm sao để hoàn thành những công việc khác. Chính vì thế mà cái sức nặng gánh ép về mặt tinh thần khá là cao. Trong khi đó họ không thể chia sẻ được những cái khó khăn đấy với những người khác bởi vì họ ít tiếp xúc, ít gặp mà cũng chẳng có thời gian để gặp người khác, thậm chí những người trong gia đình cũng không thể chia sẻ được. Chính vì vậy và cái sức ép tinh thần đó vô hình thôi nhưng mà nó rất là lớn trên vai của những người phụ nữ này.

Hưng Việt: Chị có cái số liệu hay là nghiệp đoàn có cái dữ liệu nào cho biết bao nhiêu phần trăm của những người làm nghề may bị trầm cảm về tinh thần do những cái sức ép đó hay không ạ?

Ngạn Lý: Thực ra thì hiện nay lực lượng làm may tại nhà này lực lượng lao động đang bị giấu, bị ẩn đi. Cho nên là số liệu mà thống kê để gọi là chính xác thì nó sẽ không thể có và cũng không thể đủ hết đúng hết được anh.

Hưng Việt: Như vậy dù sao đi nữa họ cũng là những người mà cần được giúp đỡ bởi vì họ bị áp lực, họ chịu sức ép về tinh thần. Thì nghiệp đoàn TCF có thể giúp đỡ họ bằng cách nào?

Ngạn Lý: Theo luật hiện hành hiện nay, những người làm may tại nhà phải có đầy đủ những quyền lợi như những người làm may trong hãng, trong xưởng may bình thường. Tuy nhiên thông tin đến những người may tại nhà là rất hạn chế. Có hẳn một cái bộ luật lao động dành cho những người làm may tại nhà mang tên là Bộ luật Lao động Ngành Dệt May Da Giày và các Ngành Liên Quan 2020.

Hưng Việt: Trước hết thì mình hỏi tại sao nó bị hạn chế, tại sao mà những người lãnh mối mà giao hàng cho họ không có những thông tin như thế để mà họ phân phối đến những người lãnh đồ may?

Ngạn Lý: Theo em hiểu thì những người giao đơn hàng cho những người làm may tại nhà thì chỉ phổ biến rất là hạn chế, làm sao mà họ hoàn thành được đơn hàng, làm sao mà trả tiền theo đơn vị sản phẩm, chứ họ không nói về những quyền lợi khác mà những người làm may tại nhà được hưởng. Vì vậy ở đây chúng ta thấy một điều rất quan trọng là những người làm may tại nhà cần hiểu đúng và đủ về quyền lợi hợp pháp mà mình được hưởng. Rồi sau đó họ có cái căn cứ để họ lên tiếng.

Hưng Việt: Chị có thể cho biết một vài cái thí dụ cụ thể về những cái quyền lợi mà người may tại nhà phải được hưởng hay không?

Ngạn Lý: Dạ vâng, những quyền lợi cơ bản thứ nhất là trả bao nhiêu tiền trên một giờ, cái đấy sẽ là cái căn cứ để nói cao hay là thấp so với công nhân trong hãng. Ngoài cái tiền lương lãnh theo giờ đấy họ còn được hưởng các quyền lợi khác như một người công nhân đi làm ở trong hãng bao gồm là 11% tiền hưu trí, bốn tuần nghỉ phép năm, rồi hai tuần nghỉ bệnh. Đấy là quyền lợi cơ bản của một người đi làm toàn thời gian và nếu như mà chúng ta người làm may tại nhà làm theo tỷ lệ bán thời gian thì sẽ được hưởng theo tỷ lệ bán thời gian trên cái chế độ đấy và đương nhiên họ cũng như công nhân khác là họ cũng được nghỉ cuối tuần rồi các kỳ nghỉ lễ và được đầy đủ những quyền lợi trừ khi mà họ đồng ý làm vào những ngày đấy và họ có chế độ xứng đáng.

Hưng Việt: Thưa chị có đề cập tới vấn đề nghỉ thường niên cũng như là nghỉ bệnh đó thì cái số ngày được nghỉ như vậy nó căn cứ vào đâu bởi vì họ lãnh đồ may về, thì một ngày có thể họ làm 1 tiếng, ngày khác họ có thể làm 3 tiếng, ngày khác họ có thể làm 5 tiếng thì như vậy căn cứ vào đâu để mà cuối năm họ nói là tôi muốn nghỉ holiday thì phải cho họ nghỉ mấy ngày?

Ngạn Lý: Vâng, cái vấn đề này thì cũng dễ để tính thôi anh. Tức là khi mà bắt đầu là hợp đồng với người công nhân làm may tại nhà thì cái người mà giao đơn hàng hoặc là nhà máy hoặc công ty may hoặc hãng thời trang họ sẽ dựa trên cái năng suất lao động của người làm may thì họ sẽ tính ra được cái số giờ họ làm. Thì từ cái tỷ lệ đấy mình sẽ tính ra được tỷ lệ của toàn năm và tỷ lệ của các chế độ khác anh.

Hưng Việt: Thì khi mà họ nghỉ thường niên như thế đó hoặc là nghỉ bệnh như thế họ vẫn được lãnh lương.

Ngạn Lý: Đúng anh.
03-Ở Trung tâm Sinh hoạt CĐNV-Qld (Ngạn Lý bên trái).jpg
Ở Trung tâm Sinh hoạt CĐNV-Qld (Ngạn Lý bên trái)
Hưng Việt: Thì tựu trung là căn cứ vào một cái hợp đồng ngay từ đầu, trước khi cái người thợ đó bắt đầu, thì khi mà bắt đầu nên có một cái hợp đồng chứ không phải nói là bây giờ tôi muốn chị may cho tôi, rồi mình cứ nhận, mình không có hợp đồng gì hết thì mình dễ bị bắt ép phải không ạ?

Ngạn Lý: Tức là tình trạng phổ biến là những người giao đơn hàng là người ta không có hợp đồng gì hết, và không có thỏa thuận bằng văn bản, chính vì vậy mà những người làm may ở nhà người ta cũng không biết đâm ra lại cũng thiếu căn cứ để có thể claim lại những cái quyền lợi khác của mình. Đấy cho nên là cái căn cứ pháp lý nó rất là quan trọng.

Hưng Việt: Và vì không biết cho nên người thợ may từ trước tới giờ họ không có lên tiếng để mà đòi hỏi những cái quyền lợi đó.

Ngạn Lý: Dạ vâng anh, tại vì là họ cũng chỉ gặp những người giao hàng cho họ thôi, họ đâu có chia sẻ với những người khác. Họ cũng không biết là họ được những cái quyền lợi và mất những quyền lợi gì. Đâm ra là từ trước đến giờ là họ không biết về điều đấy và họ sẽ bị thiệt thòi rất là nhiều.

Hưng Việt: Nhưng mà bây giờ nếu mà họ biết được cái chuyện này, họ lên tiếng, họ nói một năm phải cho tôi nghỉ mấy ngày, vân vân vân vân thì có cái nguy cơ là họ sẽ bị cho thôi việc hay là họ sẽ bị cắt cái số số lượng may tại nhà chăng?

Ngạn Lý: Thực ra thì một trong những nguyên tắc chính của nghiệp đoàn dệt may là bảo đảm cho cuộc sống hay là công việc của người làm may tại nhà không bị ảnh hưởng bởi cái việc tiếp xúc với nghiệp đoàn trừ trong trường hợp là họ đồng ý rằng là tôi sẽ lên tiếng công khai còn không thì mọi thông tin về người làm may tại nhà tiếp xúc với nghiệp đoàn sẽ được giữ kín. Tất cả những cái xử lý về mặt pháp luật hay là việc tạo sức ép thay đổi thì sẽ là lên các công ty và các hãng may giao hàng chứ không phải sức ép lên công nhân may tại nhà ấy, không để xảy ra tình trạng là công việc và cuộc sống của người may tại nhà bị ảnh hưởng bởi việc tiếp xúc với nghiệp đoàn.

Hưng Việt: Như vậy là ý của chị nói là mình trình bày với nghiệp đoàn rồi nghiệp đoàn sẽ đại diện mình tới cái hãng may để mà làm việc, vận động, rồi tranh đấu cho mình. Nhưng mà khi nghiệp đoàn tranh đấu như vậy, thì nghiệp đoàn phải cho họ biết là tôi đang vận động tranh đấu cho ông A hay bà B, là đang bị thiệt thòi cái gì chứ?

Ngạn Lý: Thực ra thì nghiệp đoàn sẽ tiếp xúc với cả công ty trên nhiều góc độ khác nhau chứ không phải riêng vì một cá nhân và thông tin từ công nhân may tại nhà sẽ là một trong những nguồn thông tin mà nghiệp đoàn thu thập để làm căn cứ làm việc với các công ty và các hãng thời trang và nghiệp đoàn cũng sẽ không dùng cái thông tin cá nhân cung cấp đấy để đấu tranh theo kiểu là trực tiếp đòi quyền lợi cho người này trừ trong trường hợp mà người ta ủy quyền cho nghiệp đoàn làm việc đấy anh.

Hưng Việt: Dạ, như vậy thì cũng khá yên tâm thưa chị. Nếu mà như vậy thì người công nhân nên tham gia vào nghiệp đoàn để là một member của union thì những cái điều kiện đòi hỏi là như thế nào? Đóng bao nhiêu tiền, niêm liễm v.v. và có những điều kiện nào khác hay không?

Ngạn Lý: Khi mà trở thành thành viên của nghiệp đoàn thì đúng là có đóng một cái mức phí tượng trưng theo tuần cho người làm may tại nhà nếu họ sẵn sàng tham gia vào làm thành viên của nghiệp đoàn. Nếu mà em không nhớ nhầm là không đến 10 đô một tuần. Trở thành thành viên của nghiệp đoàn thì thủ tục rất là đơn giản. Chỉ cần điền duy nhất một cái form, và mọi quyền lợi của công nhân làm may tại nhà thì sẽ được nghiệp đoàn trợ giúp và đảm bảo được thực hiện đúng theo pháp luật.

Hưng Việt: Chị đã đi tiếp xúc được nhiều với những người đồng hương của mình và mời họ tham gia nghiệp đoàn TCF hay chưa? Và nếu có rồi, thì mức độ thuyết phục của chị thành công được bao nhiêu phần trăm?

Ngạn Lý: Thực ra thì em cũng khá mới trong cái ngành này, tuy nhiên em cũng có rất là nhiều cơ hội được tiếp xúc với những người làm may tại nhà, có những người hiện nay bằng lòng với cái hiện trạng tức là họ bằng lòng với cái việc là công ty trả theo đơn vị và sau đó là không có quyền lợi gì hết. Có người thì họ rất là tiếc tại vì họ không biết sớm hơn và thời gian đã trôi qua quá lâu thì mình cũng không có cách nào để lấy lại được, có người cũng hơi chút e ngại khi họ nghĩ rằng là nghiệp đoàn là động đến một cái gì đấy nó liên quan đến nhà nước hay pháp luật gì đấy, thì giống như anh nói là sợ mất việc hoặc là sợ cho vào danh sách đen. Rồi đến cả cái văn hóa của người Việt mình là đôi khi cũng rất là e ngại, tôi nói ra thì tôi có làm ảnh hưởng tới những người đã từng cho tôi job, rồi những người đã từng giúp tôi trong lúc không có việc. Cho nên cái phản ứng của người làm may tại nhà cũng rất là đa dạng anh.

Hưng Việt: Chị có nghĩ tới vấn đề là sẽ tổ chức những cái buổi nói chuyện để mời đám đông tới để chị trình bày cùng một lúc cho nhiều người biết về cái vấn đề này hay không?

Ngạn Lý: Dạ vâng cảm ơn anh, đấy là một cái ý kiến rất là hay. Em cũng nhận được lời khuyên từ cái trung tâm cộng đồng người Việt của mình ở Darra thì em cũng đang tìm cơ hội thích hợp để tổ chức những cái workshop, hội thảo để những người quan tâm thực sự tập trung vào em có thể trình bày một cách đầy đủ thông tin chi tiết.

Hưng Việt: Một câu hỏi này hơi ngoài lề chút xíu là nghiệp đoàn TCF có nghĩ đến việc là giúp cho những người muốn học về ngành may đó hoặc là muốn làm nghề may, họ biết may vá rồi nhưng mà họ không có máy móc dụng cụ gì hết. Nghiệp đoàn có nghĩ tới chuyện trợ giúp những đồng hương đó trong những cái lãnh vực đó hay không?

Ngạn Lý: Câu hỏi của anh rất là hay và theo em biết thì hiện nay nghiệp đoàn cũng đang liên hệ với một số trường nghề như là trường TAFE rồi các tổ chức hỗ trợ phụ nữ việc làm, khi mà đủ điều kiện thuận lợi thì cũng sẽ tổ chức những cái lớp học hỗ trợ cho những người muốn lập nghiệp với nghề may rồi từ đó phát triển lâu dài cho cái ngành may mặc của Úc.

Hưng Việt: Bây giờ nếu mà phải có một cái lời khuyên nào cho những người mà làm nghề may tại nhà đó thì chị có điều gì muốn trình bày?

Ngạn Lý: Dạ lời khuyên thì em không dám nói, nhưng mà em cũng rất mong muốn là những người làm may tại nhà hãy lên tiếng tại vì quý vị không hề đơn độc, có hẳn một Nghiệp đoàn Dệt may luôn ở bên cạnh quý vị sẵn sàng nghe quý vị chia sẻ và trợ giúp quý vị. Chính vì vậy mà việc duy nhất quý vị cần làm là lên tiếng.

Hưng Việt: Và nếu họ muốn lên tiếng, họ muốn liên lạc với nghiệp đoàn thì họ làm cách nào cơ?

Ngạn Lý: Hiện nay thì nghiệp đoàn Dệt May cũng vì là hỗ trợ người may tại nhà trên toàn nước Úc anh. Cho nên là nghiệp đoàn có một đội ngũ nhân viên liên lạc người may tại nhà ở tất cả các bang của Úc luôn sẵn sàng nghe câu chuyện của những người may tại nhà và sẽ có tìm cách tháo gỡ nếu như mà có vấn đề. Em là liên lạc người may tại nhà của nghiệp đoàn dệt may tại bang Queensland.

Hưng Việt: Dạ cuối cùng chị còn có điều gì chị muốn chia sẻ nữa hay không mà chúng tôi chưa có hỏi hoặc là chưa có đề cập.

Ngạn Lý: Thực ra cái công tác mà trợ giúp cộng đồng thì em thấy càng làm thì mình càng thấy ý nghĩa cao đẹp của nó nên em rất mong là cộng đồng của mình hãy mở lòng với những tổ chức có đầy đủ căn cứ pháp lý cũng như có cơ sở để cho họ có thể giúp mình. Em mong rằng là cộng đồng người Việt mình sẽ ngày càng có cuộc sống tốt hơn trên miền đất này.

Hưng Việt: Thưa thay mặt cho thính giả của chương trình Việt ngữ đài SBS, chúng tôi xin thành thật cảm ơn chị Ngạn Lý rất là nhiều. Chị đang bận rộn với công việc mà chị cũng dành thời giờ cho cuộc phỏng vấn này. Kính chúc chị được nhiều sức khỏe, bình an và luôn thành công trong mọi công tác cho nghiệp đoàn này.

Ngạn Lý: Dạ, em cũng rất là cảm ơn anh Việt cảm ơn và nhân đây thì em cũng xin cảm ơn tất cả những quý vị đồng hương, những thính giả của Đài Việt Ngữ SBS đã theo dõi chương trình. Và cũng kính chúc anh Việt với cả các quý vị một sức khỏe tốt và mọi sự thành công trong cuộc sống. Dạ cảm ơn anh.

Muốn biết thêm chi tiết, quý vị có thể liên lạc cô Ngạn Lý qua số phone: 0457 514 688 hoặc email: nly@tcfunion.org.au

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung
04-Ngạn Lý (đứng, áo trắng) - một lớp Anh ngữ của nghiệp đoàn TCF.jpg
Ngạn Lý (đứng, áo trắng) - một lớp Anh ngữ của nghiệp đoàn TCF


Share