Chuyện Queensland: Cô Anh Trần và khóa học chăm sóc cao niên

01 - Cô Anh Trần.jpg

Cô Anh Trần

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Sự chăm sóc sức khỏe các bậc cao niên ngày càng được chú trọng nhiều hơn với những lớp huấn luyện đào tạo các nhân viên cung cấp dịch vụ này do chính phủ tài trợ. Một trong những lớp đó đã được Cộng đồng Người Việt Tự Do tiểu bang Queensland điều hợp từ năm ngoái với các học viên đã tốt nghiệp hồi tháng Tám vừa rồi.


Theo Văn phòng Thống kê Úc, tỷ lệ số người cao niên (65 tuổi trở lên) ở Úc đã tăng từ 8.3% vào năm 1970, lên đến 12% vào năm 1995 và đến ngày 30 tháng Sáu năm 2020 đã đạt đến con số 16%.

Nguyên nhân chính của sự gia tăng tuổi thọ của dân chúng Úc là sự chăm sóc sức khỏe các bậc cao niên ngày càng được chú trọng nhiều hơn với những lớp huấn luyện đào tạo các nhân viên cung cấp dịch vụ này do chính phủ tài trợ.

Tuần này, chúng tôi kính mời quý thính giả theo dõi cuộc mạn đàm với cô Anh Trần, một học viên vừa tốt nghiệp, về những cảm nghĩ của cô đối với các lợi ích, khó khăn cũng như niềm hứng khởi theo học khóa huấn luyện nói trên.

Hưng Việt: Xin kính chào chị Anh Trần.

Anh Trần: Dạ, em xin chào anh Hưng Việt và chị Mỹ Dung, cùng thính giả của Đài SBS.

Mỹ Dung: Dạ, xin chào chị Anh Trần. Trước tiên, chị có thể chia sẻ động lực nào mà thúc đẩy chị theo học khóa Aged Care này không chị?

Anh Trần: Dạ thưa em cũng không có chắc nữa, là tại vì sau khi em lập gia đình thì em phải nghỉ việc ở nhà lo cho gia đình và con nhỏ và em lúc đó toàn thời là một bà nội trợ cùng bố mẹ già ở chung cho nên em cũng cần phải chăm sóc. Bây giờ thì con em nó cũng đã lớn. Nhìn thấy mọi người ai cũng có cái công việc, em cũng ham muốn mình được đi làm trở lại. Nhưng mà vì ở nhà nhiều năm cho nên khi em đi xin việc làm nó rất là khó khăn. Em đã bị từ chối nhiều lần vì cái tuổi của mình nó hơi lớn. Bây giờ họ cần tuổi trẻ nhiều hơn. Cho nên em cũng hơi thất vọng và em nghĩ em không có cơ hội để mà trở lại làm hãng xưởng như xưa nữa.

Thì vào khoảng tháng 8 năm ngoái. Em có một cô bạn đọc được trên trang mạng Facebook của Cộng đồng có một bản tin là sẽ mở khóa học Aged Care tại trung tâm cộng đồng. Bạn em đã khuyến khích em, “cứ đi học đi chị, học khóa này thì chị sẽ xin được việc làm dễ hơn”. Sau đó thì em cũng đọc được cái bài đăng của Cộng đồng. Có hai phần thật là hấp dẫn, phần thứ nhất là khóa học miễn phí, và cái thứ hai là nếu mà học sinh có số lượng người đông thì sẽ có thông dịch. Cái đó như là một cái lời mời gọi đã thúc đẩy em tìm đến Cộng đồng, nơi mà em chưa bao giờ tới, dù em đã ở đây rất lâu. Và như thế, em đã tìm hiểu khóa học, và em đã cứ như vậy mà đi cho đến lúc cuối cùng.

Hưng Việt: Thưa chị, khóa học kéo dài bao nhiêu tuần và mỗi tuần học mấy tiếng?

Anh Trần: Dạ, lúc ban đầu thì nói khóa học là khoảng chừng sáu tháng, mỗi tuần thì có hai ngày vào thứ Hai và thứ Tư. Mỗi ngày tụi em sẽ bắt đầu từ 9 giờ sáng tới 2 giờ rưỡi chiều nhưng mà vì trình độ của tụi em chắc có lẽ hơi thấp, bài làm của tụi em cũng chậm, cho nên cuối cùng kéo dài đã là 9 tháng mới xong ạ.

Mỹ Dung: Dạ, ngoài lý thuyết ra thì khóa học có giờ thực tập hông chị?

Anh Trần: Dạ thưa có ạ. Thầy đã tổ chức những cái buổi đi đến trụ sở chính ở Coorparoo để thực tập những thiết bị hỗ trợ để chúng em có thể học dùng mấy cái thiết bị hỗ trợ đó, để mà đưa bệnh nhân lên rồi chuyển bệnh nhân qua wheelchair. Rồi tụi em thay drap giường hay là tụi em thay quần áo cho bệnh nhân. Thầy đã cho tụi em học thêm về sơ cứu, về hô hấp nhân tạo, về cách băng bó… Khi mà tụi em học đến cái bài mà đưa khách hàng từ wheelchair vô xe, tụi em cũng phải biết cách làm sao và khách hàng đi ra khỏi xe như thế nào để tụi em biết cách mà làm đúng và phải giữ đúng cái tư thế để không bị thương, sau khi mà mình không giữ đúng tư thế thì cái lưng của mình sẽ dễ bị chấn thương thì cũng không tốt cho công việc của mình.
02.JPG
(Từ trái) Ông Vish Chilumkurti (Giảng viên), cô Nguyễn Tuyết Linh (Phó CT CĐNV Queensland), cô Anh Trần, cô Kylie (Cơ quan CEA)
Hưng Việt: Chị học chín tháng như vậy sẽ có rất nhiều bài thì theo chị cái bài học về vấn đề gì là khó nhất mà cái bài nào nó dễ nhất?

Anh Trần: Theo em thì bài học về cơ thể của con người là khó nhất. Tại khi mà tất cả chúng em nhận cái bài đó tụi em rất là ngạc nhiên là tụi em chỉ học khóa Aged Care thôi, nhưng mà cái bài học có nghiêng về phần tất cả các bệnh và những cái từ y học toàn bộ là về cơ thể của con người mà tụi em không có biết nhiều thành ra em thấy bài đó rất là khó để mà nhớ về danh từ y học, về bệnh, về những bộ phận của con người, từng phần, từng phần trong cơ thể mình.

Còn bài dễ thì em thấy chắc có lẽ là bài đầu tiên về khóa học Aged Care để mà mình hỗ trợ cho những người khuyết tật hay những người già.

Mỹ Dung: Dạ, rồi em nghe nói là chị đã được việc làm ngay từ giữa học kỳ, đó là do chị tự tìm hay là trường CEA giúp đỡ vậy chị?

Anh Trần: Dạ đúng là em tự tìm nhưng cũng nhờ sự khuyến khích của cô bạn đã làm cái công việc này trước. Cô bạn em nói rằng là, “vừa học vừa làm cũng không sao. Chị cứ xin thử đi. Khi đi làm rồi thì chị mới thấy rằng là chị có học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm”. Cho nên em cũng xin thử thôi. Thì thật là may mắn là…, thực sự em chưa có bằng cấp gì hết, em chỉ là đang học khóa training thôi, nhưng cô case manager nhận em vì em đã chăm sóc bố mẹ nhiều năm cho nên cổ nhận em tại vì nhu cầu của Aged Care. Em bắt đầu công việc vào khoảng sau ba tháng em học. Dạ.

Mỹ Dung: Và cái công việc của chị ra sao hả chị?

Anh Trần: Dạ em đã làm được có thể nói là quân bình mỗi tuần là khoảng 30 giờ cũng có thể hơn nữa. Em rất là yêu thích công việc này. em có thể sắp xếp công việc tùy theo em muốn để em có thêm thời gian đưa đón con đi học. Ngày nào thì em cũng có shift hết. Công việc thì rất là thú vị, có khi cũng nhiều cái khó khăn nhưng mà có nhiều cái cũng dễ. Luôn luôn lúc nào cũng cho em cái sự tò mò, tìm tòi, có vẻ mới mẻ, đôi khi khó khăn thì em cũng phải tìm cách. Cho nên lúc nào em cũng không ngừng học hỏi.

Hưng Việt: Thưa chị, chị lo về vần đề chăm sóc người cao niên người lớn tuổi. Thường thì những người lớn tuổi khó tính, nếu mà có thì chị làm sao để vượt qua trở ngại đó?

Anh Trần: Dạ, em không biết có phải mình may mắn không, thì em chưa gặp các bác khó như vậy, hầu như em thấy các bác Việt Nam mình hay là những anh chị mà em hỗ trợ đó rất là dễ thương. Các bác nói là, “tôi cũng hay học hỏi lắm đó”. Cho nên các bác cũng tự mình tự làm. Tụi em chỉ là hỗ trợ cũng có, đôi khi tụi em cũng làm việc thay cho các bác cũng có. Nhưng hầu hết em thấy là các bác rất là dễ thương. Em chưa gặp trường hợp là các bác khó khăn, bắt lỗi, bắt phải mình, nên em cũng không biết phải xử lý như thế nào nếu mà em gặp trường hợp như vậy. Có thể em nghĩ là nếu mà gặp trường hợp khó khăn thì mình phải kiên nhẫn, lắng nghe, rồi cũng phải tận tâm và cố gắng để giải quyết cho thân chủ của mình theo như lý thuyết mà em học.

Hưng Việt: Theo tôi nghĩ thì không phải là chị may mắn đâu mà đó là do cái tính tình với lại cái cách mà đối xử với thân chủ của chị, vui vẻ, kiên nhẫn, cái chánh là muốn giúp đỡ cái người thân chủ thành ra thân chủ rất là vui vẻ và hài lòng với chị, chứ không phải là do chị may mắn đâu, chị quá khiêm tốn thôi ha.

Thưa chị bây giờ trở lại cái khóa học 9 tháng đó, thì khi học như vậy chị có cảm nghĩ ra sao, cái cách giảng dạy rõ ràng hay không, có thực tế hay không và chị có hấp thụ được nhiều điều giúp cho cái việc làm sau này của chị không?

Anh Trần: Dạ chương trình thì em nghĩ là đã có bài bản, các thầy đã soạn rất là kỹ lưỡng và chính xác để cho tụi em học dễ dàng, làm việc thuận lợi. Chính thầy cũng là người đi làm công việc này trước, nên chắc thầy có nhiều kinh nghiệm nên khi mà thầy soạn những bài này, rồi thầy giảng dạy đều liên quan đến việc làm, cho nên tụi em dễ tiếp thu.

Nếu mà tụi em có những khó khăn hay là những cái gì không hiểu, hỏi thầy sẽ giảng lại trong lớp. Thầy luôn luôn lúc nào cũng sẵn sàng hỗ trợ, khi nào cần cứ gọi. Rồi một phần nữa là có nhiều bạn hay tìm hiểu thêm trên Google. Thầy giảng là một phần nhưng một phần là tụi em học, tự nhiên tụi em trở thành những cái group, những bạn học khá đó tìm tòi nhiều thì hỗ trợ cho những bạn dở. Cho nên là tụi em cứ như vậy mà nắm tay nhau mà học thôi.

Hưng Việt: Lớp có mấy người vậy chị?

Anh Trần: Lúc đầu thì trên 20 người nhưng sau khi bước vào học chừng một thời gian rồi có những người thì quá bận, không có đủ thời gian để làm bài. Có người thì thấy trình độ mình không đủ nên tự xin nghỉ. Nhưng thầy luôn luôn lúc nào cũng khuyến khích. Thầy nói là đừng có nản lòng, cứ cố gắng đi. Thầy sẽ không để cho một đứa nào bị trượt hết. Ai cũng sẽ học được hết, đó là lời khuyến khích của thầy đối với tụi em. Dạ, cuối cùng thì tụi em có khoảng 18 người học xong được cái khóa này.

Mỹ Dung: Dạ theo chị muốn thành công trong khóa học và cái công việc Aged Care này thì mình cần phải có những kỹ năng gì há chị?

Anh Trần: Dạ, muốn thành công trong khóa học thì em nghĩ mình phải nâng cao trình độ sinh ngữ của mình và luôn cố gắng học hỏi, trau dồi. Để tìm hiểu thêm thì mình cần học hỏi thêm trên Google. Các bạn cũng hỗ trợ chung với mình. Không biết thì mình cứ hỏi. Cứ hỏi thầy, hỏi bạn là những người gần với mình nhất.

Em chỉ biết là em cứ cố thôi. Cứ thấy các bạn xong là em cứ phải ráng lên, ráng lên, thì các bạn cứ kéo em, kéo em. Cứ người này kéo người kia, cứ cố, cứ cố như vậy. Chính vì vậy mà em mới làm được.

Trong công việc, mình cũng cần phải có sinh ngữ tốt thì cũng giúp đỡ được trong công việc nữa chị. Mình đi làm mà thân chủ của mình muốn mình giúp đỡ trong vấn đề sinh ngữ, thí dụ như đôi khi mình cũng cần phải thông dịch mà nếu mình không giúp đỡ được thì nó cũng bị cản trở, rồi nhiều khi đưa thân chủ đi bệnh viện hay là đi bác sĩ, thì đúng là thân chủ lúc nào cũng có thông dịch, nhưng mà đôi khi mình biết thì thân chủ cũng an tâm hơn. Đó là theo em nghĩ như vậy.

Trong công việc thì em nghĩ rằng là mình cần phải có tinh thần trách nhiệm, mình luôn quan tâm và tìm hiểu coi nhu cầu của thân chủ mình cần cái gì, rồi phải vui vẻ và thành thật với thân chủ của mình, tận tâm và luôn biết lắng nghe, và nhất là phải kiên nhẫn. Đó là những cái kỹ năng mà em nghĩ ai ai làm công việc này đều có hết ạ.

Mỹ Dung: Dạ và cuối cùng thì chị còn có điều chi muốn chia sẻ với thính giả nữa không chị?

Anh Trần: Dạ em trong tâm tình biết ơn cộng đồng đã tổ chức khóa học Anged Care này. Cộng đồng đã cho em thêm một lần cơ hội để mà em có được việc làm. Cho nên em xin chân thành cảm ơn cộng đồng tự do Queensland và cũng cảm ơn CEA Group đã nắm tay chung với cộng đồng để mà tổ chức cái khóa học này để cho tụi em, riêng em và cho các bạn nói chung có cơ hội để làm công việc này.

Hiện tại bây giờ thì cộng đồng cũng đang mở thêm cái khóa mới. Hy vọng các bạn nào đang muốn thay đổi công việc của mình hay chưa có việc, cứ suy nghĩ thử đi, đến tìm hiểu và thử xem, học hỏi cái khóa này coi mình có cơ hội để thích hợp với công việc này hay không.

Em cũng không biết là mình có yêu thích cái công việc này được lâu dài hay không, nhưng hiện giờ em thấy rất là hứng thú và tận dụng hết khả năng của mình đang có để mà hỗ trợ chăm sóc cho những người cần thiết, nhất là đồng hương của mình. Em nghĩ sau này biết đâu khi về già em cũng được thế hệ sau giúp đỡ em như em đã giúp đỡ mọi người. Em kính chúc mọi người luôn mạnh khỏe và vui vẻ trong cuộc sống.
03 - Các học viên tốt nghiệp.JPG
Các học viên tốt nghiệp
Hưng Việt: Thay mặt cho cô Mỹ Dung và thính giả, chúng tôi thành thật chúc mừng chị Anh Trần đã tìm được một việc làm mới, tìm được một hướng đi mới trong cuộc sống và đã thành công trong cái việc học này. Kính chúc chị và gia đình được nhiều sức khỏe, bình an và được mọi sự tốt đẹp.

Anh Trần: Dạ em cảm ơn anh Hưng Việt, cảm ơn chị Mỹ Dung và cảm ơn thính giả Đài SBS.

Mỹ Dung: Dạ em cảm ơn chị Anh Trần.

Chúng tôi cũng chân thành cám ơn cô Phạm Kim Dung, điều hợp viên của văn phòng Cộng Đồng Người Việt Tự do Queensland đã giới thiệu và sắp xếp cho chúng tôi có cơ hội và phương tiện thực hiện cuộc phỏng vấn này.

Tuần sau, chúng tôi sẽ có cuộc nói chuyện với ông Vish Chilumkurti, giảng viên của lớp huấn luyện.

Muốn biết thêm chi tiết về các khóa huấn luyện như trên, xin quý vị liên lạc văn phòng Cộng Đồng Người Việt Tự do tiểu bang Queensland số: (07) 3375 6036

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

Share