Chuyện Queensland: Chuyên viên xét nghiệm Lê Minh Tuấn

04 - Tuấn Lê trong phòng thí nghiệm.jpg

Tuấn Lê trong phòng thí nghiệm

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Là một thành viên hoạt động rất hăng say tích cực trong cộng đồng người Việt ở Brisbane, anh Lê Minh Tuấn còn là một chuyên viên xét nghiệm.


Kính mời quý thính giả theo dõi cuộc mạn đàm của chúng tôi với anh Lê Minh Tuấn về công việc trong lĩnh vực đặc biệt này.

Hưng Việt: Dạ xin chào anh Tuấn ạ

Tuấn Lê: Dạ xin chào anh Hưng Việt, và chị Mỹ Dung cùng thính giả của đài SBS.

Mỹ Dung: Dạ chào anh Tuấn.

Hưng Việt: Thưa anh Tuấn anh có thể cho thính giả được biết là cơ quan Sullivan Nicolaides Pathology có thể thử nghiệm những loại gì và loại nào là khó khăn nhứt?

Tuấn Lê: Dạ, Sullivan Nicolaides Pathology mình xin nói tắt là SNP. Trong SNP có rất nhiều các loại xét nghiệm khác nhau. Mà mỗi loại tùy thuộc vào yêu cầu của bác sĩ với bác sĩ chuyên khoa người ta gửi tới.

Trong SNP có khoảng tám cái phân khoa. Đầu tiên là Biochemistry thử về các chất hóa học ở trong cơ thể của mình - body fluids.

Thứ hai là Cytogenetic có nghĩa là Di truyền Tế bào học, nó test về cái di truyền ở trong cái tế bào của mình giống như là DNA hoặc là RNA

Thứ ba là Cytology là Tế bào học để biết về cấu trúc của tế bào. Bác sĩ nhìn vô bác sĩ sẽ biết được đó là loại ung thư gì. Mỗi tế bào có hình dạng khác nhau để phù hợp với môi trường chỗ đó. Thí dụ trong bao tử thì nó có cái loại tế bào để làm cái nhiệm vụ thẩm thấu thức ăn.

Thứ tư là Histology, em làm ở đó. Nó kêu là Mô học. Bác sĩ sẽ nhìn vô cái cấu trúc của cái mô. Trên cơ thể mình thấy được cái gì không bình thường là có thể thử để tìm ra cái bệnh của cái đó.

Thứ năm là Immunology Serology có nghĩa là xét nghiệm về hệ miễn dịch của mình để coi chức năng của hệ miễn dịch mình có hoạt động bình thường hay không.

Thứ sáu là Microbiology là vi sinh vật học. Cái department đó họ thử nước tiểu, nước miếng, đờm hay là phân. Thí dụ như con vi khuẩn đó nó gây ung thư, trong thời gian tới bao lâu nữa thì cái bệnh ung thư nó sẽ phát triển mạnh hơn.

Thứ bảy là Molecular Pathology thì cái này thế kỷ 21 nó mới phát triển thôi, với tiến bộ của kỹ thuật về y khoa họ sẽ nhận dạng được cái con vi khuẩn hay vi trùng đó bằng phân tử học.

Cuối cùng là test khi mà đứa bé đó còn ở trong bào thai. Thử nước ối để biết được là đứa bé này có triệu chứng hay là có nguy cơ sẽ bị mắc bệnh về di truyền hay không.

Bây giờ có thêm một cái thử mới mà SNP mới làm là thử để biết được là chất kim loại bệnh nhân đã bị nhiễm bao lâu rồi. Thí dụ như họ đi làm ở trong hầm mỏ đi hoặc là cư dân sống ở trong cái vùng đó thì họ bị rụng tóc hay là bị cái gì đó và cái chất kim loại đóng ở trong chân tóc.

Đó là những cái test cơ bản mà mỗi cái test có những cái test nhỏ nhỏ... nữa nhiều lắm. Thí dụ như ung thư nó có nhiều loại ung thư lắm nhưng mà Cytology biết được là ung thư ở giai đoạn mấy hoặc là ung thư loại gì. Cytology là department họ sẽ thử trước khi đưa qua Histology bên department của em làm, mà khi đưa qua bên em rồi là có nghĩa là phải cắt cái đó rồi thì mới được.

Em quên một cái department quan trọng nhất luôn đó là Haematology. Mà thường thường người mình kể cả người Úc luôn nữa hể mà nghe nói tới xét nghiệm là họ chỉ nói là thử máu hả.

Hưng Việt: Khi mà lấy cái sample đó gửi tới SNP thì nó vô cái department nào hay là chia ra nhiều department mà nó có cái khả năng giúp để mà chẩn đoán những cái loại bệnh như thế nào?

Tuấn Lê: Khi gửi cái mẫu máu vô SNP thì cái mẫu máu đó sẽ đi tới Haematology Department là về huyết học, họ sẽ nhìn vô tờ giấy giới thiệu của bác sĩ gia đình yêu cầu là phải làm cái xét nghiệm gì. Có nhiều loại xét nghiệm.

Em làm 20 năm là về Histology thành ra cái kiến thức mà về những những department khác không có nhiều giống như hồi lúc mình mới học, tại vì mỗi ngày đó là mỗi cái department nó có những cái cập nhật mới, những cái phương pháp thử mới mà cái người đi làm đó phải theo dõi hoài, phải học hoài.
03 - Tuấn Lê và vợ Bằng Hùynh Mai.jpg
Tuấn Lê và vợ Bằng Hùynh Mai
Hưng Việt: Anh Tuấn làm việc bao nhiêu năm rồi và khi mà mới vào làm đó thì cái điều kiện để mà được tuyển dụng vào làm ở SNP đó là anh cần phải có những cái bằng cấp như thế nào?

Tuấn Lê: Dạ em làm ở SNP được 21 năm. Khi còn học ở QUT thì em đi thực tập, những Department khác có vài người Việt Nam rồi nhưng mà cái department của em thì em là người Việt đầu tiên. Mình làm thực tập thôi nhưng mà họ thấy mình vui vẻ, tin tưởng được rồi họ thấy mình cũng hòa đồng với mọi người, mình không có rụt rè, mình làm siêng năng - cái đó là điều quan trọng - thì sau đó em xin việc thì họ nhận luôn. Điều kiện bằng cấp để mình làm công việc đó phải là Bachelor of Medical Science, bây giờ họ đổi cái tên lại là Bachelor of Medical Laboratory Science. Khi mà mình tốt nghiệp xong đó thì mình có cái title là Scientist, thì dịch ra tiếng Việt nghe nó bự lắm giống khoa học gia. Thật ra thì em nghĩ chắc là chuyên viên y tế thì đúng hơn. Đó là mình nói về cái bằng cấp phải làm để trở thành scientist nhưng trong cái lab không chỉ có Scientist không, có thêm hai vị trí nữa đó Lab assistant, Lab technician. Lab assistant chỉ cần một người học hết lớp 10 là được rồi. Phụ tá phòng thí nghiệm thì mình vô trong mình làm bất cứ chuyện gì. Một cái nữa đó là Lab technician làm việc dưới scientist. Thì có những việc cần quyết định thì Lab Technician mới hỏi ý kiến của Scientist thì Scientist mới quyết định là phải làm cái gì.

Hưng Việt: Rồi bây giờ cái mẫu thử nghiệm vô thì có loại thử nghiệm người ta cần gấp, có những cái có thể chờ được, ai là người quyết định là làm cái này trước thử nghiệm cái kia sau?

Tuấn Lê: Khi bệnh nhân vô phòng mổ - thí dụ là ung thư ngực đi. Bác sĩ vô mổ cho bệnh nhân thì sẽ có hai người, một là Pathologist và một người là Technician hoặc là Scientist đi vô có một cái phòng riêng. Bác sĩ cắt cái khối u đó ra là mình làm liền trong vòng 10 phút phải có kết quả tạm thời. Còn nếu khi thử lên mình nhuộm màu xung quanh để mình biết được. Khi cắt là mình sẽ cắt thêm một cái phần không có bị ung thư để cho bác sĩ coi, dựa trên cái đó bác sĩ sẽ nói với bác sĩ mổ là “chưa, tôi vẫn còn thấy cái tế bào ung thư nằm ở trên bìa của cái khối u đó. Bây giờ đề nghị ông cắt thêm một chút xíu nữa”, chừng nào mà nó hết thấy thì thôi, kêu bằng clear, thì mình sẽ ngưng. Cứ mỗi lần đem ra như vậy là trong vòng 5 đến 7 phút mình phải có kết quả liền.

Tụi em phải đem một cái giỏ theo, trong giỏ đó có liquid nitrogen để mình đông, mình làm cho nó cứng cái mẫu xét nghiệm đặng mình cắt. Trong đó có cái máy cắt sẵn luôn, nhưng mà nó cắt chỉ có bốn micron thôi, là một phần ngàn của milimetre để cho mình bỏ lên cái kính thì ánh sáng cái kính hiển vi đó lọt qua được, thì bác sĩ họ sẽ nhìn cái cấu trúc của tế bào đó như thế nào, định bệnh được là tế bào ung thư hoặc là coi được là cái mẫu đó đã cắt hết cái phần ung thư chưa. Mà cái máy đó nó đặc biệt lắm, nó sẽ giữ nhiệt độ là âm 20 độ.

Có thể bệnh bây giờ nhiều quá hay là sao đó, hồi cách nay 20 năm em làm một ngày khoảng chừng 900 bloc hà, bây giờ một ngày là hai ba ngàn, 4,000. Cho nên Histology là department em làm là 24/24 lúc nào cũng có người, người này đi vô thì người kia đi về, rồi chỉ có nghỉ chiều thứ Bảy cho tới sáng 9g00 sáng Chủ nhật thôi .

Mỹ Dung: Trong hơn 20 năm anh đi làm thì anh nhớ là anh có cái kết quả thử nghiệm nào mà anh đặc biệt ghi nhớ không?

Tuấn Lê: Dạ, khi em mới vô thì mình làm những cái test căn bản lắm. Sau một thời gian đó thì mình sẽ được gửi đi ra ngoài, vô bệnh viện làm. Trong vòng bảy hay 10 phút là mình phải có kết quả. Mà cái máy cắt đó đó cũng phải đòi hỏi cũng phải có kinh nghiệm mà sử dụng được mình mới làm cái thao tác nó nhanh. Thì có lần đó là em làm cả một cái mẫu xét nghiệm lớn bằng ngón tay vậy đó, thì cắt ra, cắt ra rồi nó còn nhỏ lại mà không biết làm sao mà ở trong đó em thấy được hai con Helico Bacteria, có hai con thôi mà nó nhỏ dữ lắm, thường thường là khi mà cái đường ruột của mình bị bệnh đó thì nó phải nhiều nhưng mà khi mà họ cắt làm sao đó mà bây giờ chỉ còn có may mắn còn được có hai con thôi. Nếu như mình làm mà lỡ mình không phát hiện hai cái con đó đó thì kết quả sẽ là bình thường không bị gì hết thì sau này có thể sẽ bị thưa kiện. Thì em làm được cái đó lần đầu tiên.

Hưng Việt: Thưa anh Tuấn trong thời gian 3 năm vừa qua chúng ta đều biết là có cái nạn dịch Covid thì không biết là SNP trong thời gian đó đó cái số lượng mà thử nghiệm nó có gia tăng gấp bội hay không? Vấn đề mà test PCR đó thì SNP có phụ trách cái phần đó hay không?

Tuấn Lê: Dạ thời gian đầu thì tất cả các dịch vụ ở trong bệnh viện những gì không quan trọng, không có nguy hiểm đến tính mạng đều ngưng lại hết, ngay cả bác sĩ gia đình cũng vậy, thì thời gian đó là tụi em cũng phải nghỉ ở nhà luôn. Khoảng chừng một tuần là phải đi làm trở lại. Thì khi đó bắt đầu thử covid test thì khi tụi em vô trở lại làm, một phần là mình làm cho cái department của mình nhưng mà phần lớn đó là tụi em phải đi qua bên cái department Molecular Pathology để mình giúp họ. Mình không có chuyên về đó nhưng mà mình có thể giúp mở cái bao specimen ra, dán cái mấy cái ID number vô... khi đó mình làm cái công việc của người trợ giúp. Rồi cái department Molecular Pathology thì họ làm chính. Lúc đó em nhớ là lần đầu khoảng 16,000 cái cái mẫu thử trong một ngày. Ở Melbourne đó là bị nặng nhất. Họ gửi lên đây cho mình để làm, lần đó em không có nhớ rõ là bao nhiêu nhưng mà có nghe mấy đứa bạn nói là 36,000 cái specimen hôm nay. Nhưng mà mình cũng phải gửi người qua đó làm. Có thời gian đó là mình phải cung cấp cái test kits, cung cấp cho các cái chi nhánh ở bên ngoài để người ta thử cho bệnh nhân.

Mỹ Dung: Nãy giờ thấy anh kể thú vị quá, không biết là anh có những lời khuyên, những khuyến khích gì đối với các bạn trẻ muốn theo ngành này không?

Tuấn Lê: Dạ, trong cái khả năng của em thì em thật sự không dám khuyên các em sẽ làm cái gì tại vì bây giờ cái kiến thức của các em nhỏ sau này đó giỏi lắm, các em học được nhiều cái tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Nhưng nói về cái ngành này đó thì em có một cái đề nghị như thế này. Nếu như các em muốn học về y khoa thì ngành này là một cái bước đầu tiên để mà các em có thể học xa hơn. thí dụ như sau khi học ra bác sĩ gia đình đó thì các em có thể trau dồi thêm học thêm lên cao hơn nữa. Muốn trở thành một bác sĩ ở trong ngành Pathology là pathologist thì em nghĩ là phải mất ít nhất là 7 năm nữa tại vì bác sĩ Pathologist cho lời khuyên cho bác sĩ gia đình biết được là bệnh tình nó tới mức nào, loại bệnh gì để cho bác sĩ gia đình dựa trên cái kết quả đó để họ quyết định, để họ cho thuốc cho bệnh nhân. Thành ra là em nghĩ rằng là các bạn trẻ đó khi có yêu y khoa đó thì học lên pathologist rất là thú vị, rất là hay.

Nếu như mà mình đã học Medical Science rồi thì mình sẽ được miễn những cái môn nào mình đã học rồi.

Hưng Việt: Cuối cùng thì anh Tuấn còn có điều chi anh muốn chia sẻ thêm với thính giả?

Tuấn Lê: Dạ, nhân dịp này thì em muốn chia sẻ với thính giả mặc dù em không được quyền khuyên hay là cho ý kiến, nhưng mà em nghĩ, người Việt Nam mình nên làm theo lời của bác sĩ chỉ dẫn, thí dụ như chính phủ hay gửi về cho mình cái test kits mà thử về ung thư đường ruột thì mình nên đi thử thì em nghĩ điều đó tốt Chính phủ đã chăm sóc mình, tạo nhiều cái điều kiện cho mình, cái điều đó nó cũng giúp được để cho mình phát hiện nếu như ai có cái triệu chứng ung thư sẽ được phát hiện sớm mà phát hiện sớm đó, chữa trị sớm nó cũng giúp cho xã hội là nó giảm bớt cái phần ngân sách về chữa trị ung thư. Nhưng mà điều quan trọng nhất là mình nên làm theo lời chỉ dẫn của bác sĩ gia đình sẽ là người hiểu về bệnh tình của mình nhiều nhất, tuỳ theo tuổi và sức khỏe của một bệnh nhân mà bác sĩ sẽ yêu cầu mình thử máu bao nhiều lâu một lần.

Hưng Việt: Lời chia sẻ của anh Tuấn rất là hữu ích. Thay mặt cho cô Mỹ Dung và thính giả chúng tôi thành thật cảm ơn anh Tuấn Lê rất là nhiều. Anh đã chia sẻ những cái kinh nghiệm cũng như những cái kiến thức của anh về vấn đề thử nghiệm giúp cho cơ thể của con người hoạt động bình thường, tốt đẹp, điều hòa. Anh đang rất là bận rộn mà cũng dành thời giờ cho cuộc mạn đàm ngày hôm nay, xin cảm ơn anh. Kính chúc anh Tuấn và gia đình được nhiều sức khỏe bình yên và luôn luôn thăng tiến trong công việc.

Tuấn Lê: Dạ em cảm ơn anh Hưng Việt và chị Mỹ Dung rất nhiều, cảm ơn thính giả của đài SBS đã lắng nghe. Em hy vọng là cái buổi chia sẻ này sẽ giúp cho quý vị hiểu thêm một chút nào đó về cái xét nghiệm rồi từ đó thì quý vị nên chăm sóc sức khỏe của mình theo lời hướng dẫn chỉ dẫn của bác sĩ gia đình.

Mỹ Dung: Cảm ơn anh Tuấn nhiều.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung.

Share