Chuyện Queensland: Chăm sóc người cao niên

Berlasco court caring centre staff.jpg

(Từ trái) chị Hoàng Ngọc Dung, chị Tiêu Mỹ Dung, bà Elaine Irving (Office Administrator) và ông Das Nadarajan (Facility and Commissioning Manager)

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Theo phong tục, tập quán của người Việt mình thì khi lớn tuổi, các bậc cha mẹ thường có con cháu sống bên cạnh để chăm nom, săn sóc. Nhưng vì công ăn việc làm, hoàn cảnh sinh nhai nên đôi lúc thật khó chu toàn cho cha mẹ già, đặc biệt là những khi ốm đau, bệnh tật. Và một trong những giải pháp cho sự khó khăn đó là gì?


Hôm nay chúng tôi mời quý thính giả cùng đi thăm viếng một viện dưỡng lão tên là Berlasco House do ECCQ (tức Ethnic Community Council Qld - Hội đồng các Cộng đồng Sắc tộc Queensland) quản trị để tiếp xúc với hai nhân viên người Việt ở đó là các chị Hoàng thị Ngọc Dung và Tiêu Mỹ Dung.

Hưng Việt: Dạ, xin kính chào chị Ngọc Dung và chị Tiêu Mỹ Dung ạ.

Ngọc Dung: Dạ xin chào anh Hưng Việt và chị Mỹ Dung cùng quý thính giả của đài SBS

Tiêu Mỹ Dung (Berlasco): Dạ, em Mỹ Dung. Em xin chào anh Hưng Việt và chị Mỹ Dung cùng quý thính giả của đài SBS.

Mỹ Dung (SBS): Dạ em xin chào hai chị Dung.

Mỹ Dung: Dạ như vậy thì ai sẽ là người được vào ở trong Berlasco này, rồi nếu mà người ta muốn vào thì làm sao để nộp đơn hay là có cần giấy giới thiệu gì không hả chị?

Ngọc Dung: Ông bà có thể vào trong Berlasco nếu có đủ điều kiện. Nếu ông bà trên 65 tuổi, không có khả năng tự chăm sóc cho mình tại nhà và để được vào nhà chăm sóc cao niên này do chính phủ tài trợ thì ông bà phải được kiểm tra phê duyệt bởi một nhóm có tên là Aged Care Assessment Team.

Mỹ Dung: Như chị nói như vậy thì vào đây ở có tốn chi phí gì không hả chị?

Ngọc Dung: Sau đây là một vài tổng quát ngắn gọn về chi phí. Có 3 yếu tố chính cho chi phí cho chăm sóc người cao niên. Thứ nhất là chi phí cơ bản hàng ngày, thứ hai là chi phí chỗ ở và thứ ba là chi phí chăm sóc.

Và em nói sơ về chi phí cơ bản hàng ngày. Đó là sinh hoạt phí hàng ngày ví dụ như là ăn uống, giặt giũ, điện nước, dọn dẹp vệ sinh, nhiều thứ lắm. Thì hiện tại cái giá tương đương là $56.87 một ngày.

Rồi cái thứ hai là chi phí chỗ ở, thì phòng ở Berlasco, nó có giá dao động từ $550.000 đến $750.000 và khoản này có thể thanh toán dưới dạng một lần và được hoàn lại toàn bộ, hoặc là kết hợp giữa thanh toán một lần và thanh toán chỗ ở hàng ngày, và một cách khác nữa là hoặc chỉ thanh toán hàng ngày.

Thanh toán dưới dạng một lần thì được hoàn lại đầy đủ nhưng mình thanh toán hàng ngày thì không được hoàn lại.

Ngoài ra nếu ông bà được quyết định đánh giá là mình hạn chế về khả năng chi trả chỗ ở cho mình hàng ngày, thì chính phủ sẽ giảm chi phí này cho ông bà.

Hưng Việt: Thưa chị, chị có thể cho biết đội ngũ nhân viên gồm có bao nhiêu người và có những cái toán chia ra làm việc ra sao?

Ngọc Dung: Dạ đội ngũ nhân viên của chúng em đó thì có bác sĩ, bệnh nhân có lịch khám thì bác sĩ đến chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân theo lịch như vậy và ngoài ra khi cần thì tụi em vẫn liên hệ với bác sĩ 24/24, Khi mà cần cấp cứu là cứ gọi bác sĩ.

Rồi còn nhân viên thì có điều dưỡng và có tụi em kêu là assistant in nurse, phụ tá để chăm sóc, có công nhân dọn dẹp nữa và đội ngũ của nhà bếp, đội ngũ vệ sinh, những cái gì mà hư hỏng thì cũng có đội ngũ bảo trì chăm sóc.

Mỹ Dung: Dạ chị có thể cho biết số người hiện nay đang cư ngụ ở Berlasco là bao nhiêu không chị?

Ngọc Dung: Hồi trước ở Indooroopilly thì tụi em sẽ đập ra, tụi em xây lại mới nên tụi em mướn một cái chỗ khác là ở Brookfield. Ở Brookfield giao thông không có tiện lợi nên họ cũng ngại đến đây, chỉ có một số bệnh nhân cũ ở Indooroopilly chuyển đến đây thôi. Và thứ hai nữa, đây là một cái chỗ tạm thời rồi sau này khi Indooroopilly xây xong thì tụi em chuyển về đó nên họ cũng ngại chuyển tới chuyển lui. Và thứ ba nữa là vì trong hai năm qua, tình hình Covid nên người ta không muốn người nhà vô đây trong tình hình khó khăn đó nên người ta để người thân ở nhà người ta chăm sóc. Mà bây giờ tình hình đã ổn trở lại rồi, cũng có một số khá đông người ta đã nộp đơn, người ta chờ sẵn rồi, khi nào tụi em chuyển về Indooroopilly thì họ sẽ đồng ý về đó.

Mỹ Dung: Dạ chị, Berlasco là một nơi sống độc lập cho người cao niên hay là một cái nhà dưỡng lão hả chị?

Tiêu Mỹ Dung: Đây là trại dưỡng lão chị. Người già ở đây có thể được chăm sóc trong một thời gian ngắn hạn đến 63 ngày trong một năm, hoặc là có thể cư trú vĩnh viễn ở đó.

Hưng Việt: Như chị Dung nói đó là một nhà dưỡng lão tức là việc cơm nước, giặt giũ quần áo, rồi clean cái phòng này kia sẽ có người lo hết phải không ạ?

Tiêu Mỹ Dung: Dạ, có chăm sóc tất cả từ A đến Z. Mình mỗi ngày mình phải hỏi coi họ có thích ăn món gì để order cho ngày mai. Ở đây người ta lo chu đáo.

Hưng Việt: Thưa chị như vậy thì khi vào đây ở thì thân chủ có phải ký một cái hợp đồng là ở đây bao lâu không?

Tiêu Mỹ Dung: Dạ thưa anh cái đó là tùy người nhà của bệnh nhân. Đôi khi có thể họ mắc đi holiday hoặc là đi đâu thì họ mang vô đây ở tạm.

Ngọc Dung: Chúng tôi có ký hợp đồng và khi ông bà mà chấp nhận ký hợp đồng ở thường trú thì ông bà có cái quyền lợi là giữ chỗ ở Berlasco.

Những người đến ở thì có hai loại: loại ngắn hạn tối đa họ có thể ở được 63 ngày một năm.

Thí dụ như là respite gia đình bận rộn hay là người ta đi holiday một tuần hay hai tuần thì có thể gửi người nhà đến đây ở hoặc là đăng ký dài hạn permanent tức là ở luôn cho tới khi nào mình muốn.

Mỹ Dung: Dạ ở đây Berlasco cung cấp những cái dịch vụ gì hả chị?

Tiêu Mỹ Dung: Ở đây cung cấp chỗ ở và các bữa ăn, giặt giũ, các hoạt động giải trí, lễ hội văn hóa, chăm sóc thuốc men và liên hệ với cộng đồng, tất cả v.v...

Hưng Việt: Thưa chị chị có đề cập tới những cái dịch vụ đó nhưng mà ngoài ra thì những người ở Berlasco House được những nhóm văn nghệ hay là ca hát họ tới họ giúp vui cho mình giải trí là một, cái thứ hai nữa là có những cái hoạt động nào mà về sức khỏe cho họ hay không, thí dụ những cái lớp Yoga hay là những cái lớp dancing hoặc là tập thể dục này kia hay không?

Tiêu Mỹ Dung: Dạ nói về cái nhóm mà trình diễn văn nghệ đó anh thì ở ngoài đó có thể nhiều người người ta cũng rất thương mấy người già, người ta cũng lại trình diễn cho free, rồi có cắt tóc lại mỗi tuần, rồi có bác sĩ lại cắt móng chân, mình chỉ được quyền cắt móng tay chứ móng chân mình hổng có cắt, rồi mọi lần có Taichi nữa. Sướng lắm. Mấy người già ở rất là thích, giả tỷ họ thích coi phim gì là vặn cho coi, rồi tập thể dục đủ thứ hết.

Ngọc Dung: Có tổ chức tour bus, đi bus trip, có thể mình đọc sách đi bộ. Và ở đây có nhóm vật lý trị liệu, những ông bà cô bác nào mà yếu thì người ta vẫn đến tập hoặc là Berlasco có hợp tác với những cái nhóm tập Yoga ngày thứ Bảy, Chủ Nhật.

Thí dụ như ngày hôm nay có đoàn văn nghệ này đến, mình cho các bác sinh hoạt xã hội, không để các bác cô lập trong phòng. Lúc nào cũng khuyến khích là, dạ hôm nay tụi con có chương trình này chương trình kia các bác có đi không. Hoặc là một bệnh nhân nào đó sinh nhật tụi con mời bác ra ngoài cùng chung vui với tụi con này kia, mời bệnh nhân ra là uống trà cà phê ăn bánh, tạo điều kiện cho các bác có giờ sinh hoạt xã hội chung.

Hưng Việt: Thưa chị Berlasco House của ECCQ là một cơ quan đa văn hóa đa sắc tộc thì những người cư ngụ trong này chắc là thuộc về nhiều nguồn gốc văn hóa ngôn ngữ đúng không ạ? Thì như vậy ở đây có dịch vụ thông ngôn hay không?

Tiêu Mỹ Dung: Ở trong này tụi em là đa văn hóa, nhân viên ở trong này người Việt người Hoa người Indo, Ấn Độ đủ thứ tiếng nói, nếu mà cần tiếng nào thì mình ở đây điều động cho nhân viên lại nói chuyện trực tiếp và nếu cần không có mấy người mình ở đây thì sẽ mời thông dịch lại.

Hưng Việt: Nãy giờ hỏi chuyện tổng quát, bây giờ vào chi tiết một chút xin hai chị cho biết là công việc mà của hai chị làm ở đây đó là gồm có những gì?

Ngọc Dung: Công việc của chúng em đó là sáng sớm đến thì chúng em sẽ dự một buổi giao ban, nghe lại tình hình của bệnh nhân ngày hôm qua làm sao của điều dưỡng báo cho mình và mình sẽ ký mình làm ở những trại nào thì mình sẽ đến đó làm việc. Việc làm ở trong nguyên một ngày thì nói chung là mình phục vụ như ở nhà vậy. Mình giúp các bác ăn uống, có những bác tự ăn được thì mình set cái đồ ăn để lên bàn ra rồi các bác tự ăn, có những bác không tự ăn được thì mình phải đút. Rồi mình phải chăm sóc vệ sinh chu chỉnh cho các bác, giống như ở nhà mình sao thì mình chăm sóc cho các bác y như vậy. Tắm rửa, gội đầu, thay quần áo mỗi ngày. Có những bác mặc những cái tả, thì mình phải check thường xuyên coi có ướt hay có gì không mình thay để các bác cảm thấy thoải mái. Y tá thì chu cấp thuốc men hàng ngày theo đơn bác sĩ, nếu ngoài ra bệnh nhân có trở nặng hay có những lúc khác thường thì là phải báo cho bác sĩ và lúc đó bác sĩ sẽ cho thuốc thêm.

Tiêu Mỹ Dung: Có khi báo cáo là bữa nay 8 giờ sáng có thân nhân lại chở đi, bắt buộc mình phải mần cho cái người đó trước và mình mần cũng như mình ở trong nhà mình vậy đó. Cha mẹ mình có công chuyện đi thì mình phải mần trước. Mình mần cho chu đáo. Mấy người già thích mình mặc đồ đẹp, mà mỗi lần đem đồ đẹp ra thích lắm. Mấy người già chút trở lại thời trẻ rồi. Mình nói cái này mặc đẹp lắm nha. Mình nói cho động viên mấy bác đó thích lắm. Mỗi lần đi holiday là nói “mày đi holiday lâu lắm không có được đâu nha tao kêu boss không có cho mày đi”. Nói “Tụi con mần hoài rồi tụi con đâu có sức khỏe cho tụi con đi giải trí”. Ổng nghĩ, “ừ há cũng có lý, nhưng mà đi phải về nhanh nha”. “Ừ thế nào tụi này cũng về nhanh. Bác đợi đi”. Tội nghiệp lắm chị, mỗi lần về, “ồ Julie ồ Julie come back, Julie come back”. Tụi em cười. Vui lắm. Thành ra mấy bác cũng vui. Chỗ tụi em đôi khi mình mần cực nhưng mà mình thấy các bác cũng như là cha mẹ của mình thành ra mình chăm sóc mình không quản ngại gì hết. Tụi em thương lắm.

Hưng Việt: Thưa chị theo chỗ chúng tôi được ông manager Das cho biết thì hai chị là nhân viên xuất sắc nhứt ở trong Berlasco House này. Xin chúc mừng hai chị. Nhưng mà hai chị có thể cho thính giả chúng tôi được biết là muốn được nhận vào làm việc ở đây thì hai chị có phải học những cái khóa huấn luyện nào, có những chứng chỉ gì hay không và hai chị đã làm việc ở đây được bao lâu rồi?

Ngọc Dung: Để vào làm được trong Aged care thì dễ lắm, mình chỉ cần học qua lớp Chăm sóc các người già Certificate III chỉ có ba tháng thôi. Nói chung là mình không cần phải nói tiếng Anh cao xa lắm đâu. Chỉ nói những tiếng cơ bản hàng ngày thôi. Thì tụi mình cũng phải ráng vừa chăm sóc và vừa học thêm tiếng Anh. Càng ngày tay nghề nó càng nâng cao hơn.

Tiêu Mỹ Dung: Cũng cơ duyên đưa tới, bên hội Chữ Thập Đỏ kêu chị Dung đi học Aged Care nó bảo trợ, thành ra chị Dung đi một mình chị Dung ngại, hai đứa hồi đó học chung English. Chỉ nói “Thôi bây giờ đi với chị đi để chị phỏng vấn”. Cái bà đó cũng dễ thương lắm. Bà đó đưa bài cho chị Dung làm, hỏi em “Julie muốn học không”, em nói em thích giữ con nít hà, bả nói “thôi đưa bài mần đại đi mần thử coi”. Cái mần xong bả nói, “ừ cũng được thôi Julie học luôn đi”, Ở đó tài trợ cho học luôn, sao học xong rồi tự nhiên mình thích, tự nhiên rồi học vừa xong khóa, tập sự làm một tuần cái cho vô mần. Em còn nhớ tới tháng 10, tới tháng 11 tới là em đúng 15 năm.

Hưng Việt: Xin chúc mừng hai chị đã làm việc rất là lâu năm. Như vậy theo hai chị thì đức tánh căn bản nào cần thiết nhất để mà có thể làm việc ở trong các ngành này thời gian dài như vậy?

Ngọc Dung: Em nghĩ là từ tấm lòng mình. Mình thương thì mình sẽ làm được tại vì đúng ra mình làm với các bác nhiều khi cái trí nhớ không nhớ đâu. Nhiều khi cũng khó chịu này kia lắm. Nói chung là kiên nhẫn và có tấm lòng là em nghĩ là làm được.

Tiêu Mỹ Dung: luôn luôn em nghĩ là cũng như cha mẹ của mình tự nhiên em cảm thấy em nghĩ vậy là em không có kể bất cứ cái gì. Cái job của mình là luôn luôn là phải kiên nhẫn. Mấy người mần trong mấy cái job này người nào cũng có cái trái tim nhân hậu, thương người. Mình thương người cũng như thương mình nữa chị. Em thì đạo Phật. Phật dạy là mình thương người ta cũng như là thương mình, đừng có nhìn lỗi của người ta mà hãy nhìn lỗi tự của mình. Nhưng mà mình học theo Phật mình con Phật, không giống một cũng phải giống phân nửa, một chút cũng được ha chị ha.

Hưng Việt: Điều đó một lần nữa chứng tỏ rằng hai chị đã thương yêu những người lớn tuổi và như vậy mới có thể đủ cái sức chịu đựng và trong lòng kiên nhẫn để mà chăm sóc những người cao niên ở đây. Thành ra thay mặt cho cô Mỹ Dung cũng như thính giả chúng tôi thành thật cảm ơn hai chị đã dành thì giờ quý báu của hai chị mà cho chúng tôi cuộc mạn đàm chiều hôm nay. Xin kính chúc hai chị được nhiều sức khỏe và luôn luôn được hưởng những niềm vui ở trong cái công việc này và cũng kính chúc luôn là cái chuyện trở lại địa điểm Indooroopilly sẽ được tốt đẹp. Cám ơn hai chị.

Ngọc Dung: Trước hết là cám ơn anh Hưng Việt và chị Mỹ Dung đã tạo điều kiện để giới thiệu Berlasco đến với tất cả thính giả.

Tiêu Mỹ Dung: Cho em xin cảm ơn

Mỹ Dung: Dạ em cảm ơn hai chị.

 

Để biết thêm chi tiết xin mời quý thính giả vào trang mạng “Berlasco court caring centre” hoặc “www. myagedcare.gov.au” hay qua số phone: (07) 3371 4377

 

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung



Share