Chuyện Queensland: Tìm hiểu các dịch vụ ngân hàng đã thay đổi thế nào trong những năm qua?

03 - Bà Hương Nguyễn và anh Thông Trần.jpg

Bà Hương Nguyễn và anh Thông Trần

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Ngày nay, với sự tiến bộ của kỹ thuật số, các dịch vụ về ngân hàng cũng thay đổi để thích ứng với nhu cầu của thị trường. Để tìm hiểu thêm về những thay đổi nói trên cùng một số thông tin khác, chúng tôi kính mời quý thính giả theo dõi cuộc nói chuyện sau đây giữa chúng tôi với bà Hương Nguyễn, Giám đốc cho Vay và anh Thông Trần, chuyên viên về IT, của ngân hàng ANZ ở Redbank Plains Plaza (Brisbane).


Hưng Việt: Xin kính chào chị Hương Nguyễn và chào anh Thông Trần.

Hương Nguyễn: Dạ xin chào anh Hưng Việt và chị Mỹ Dung và các thính giả của đài SBS.

Thông Trần: Dạ, xin chào thính giả của SBS và anh Hưng Việt với chị Mỹ Dung.

Mỹ Dung: Xin chào chị Hương với anh Thông. Thưa anh chị thì trước hết anh chị cho biết là bắt đầu làm việc trong ngành ngân hàng từ bao giờ và ở đâu hả anh chị?

Hương Nguyễn: Dạ, tôi xin trả lời trước nhé. Tôi bắt đầu làm việc trong ngân hàng từ 1987, coi như là 38 năm rồi và bắt đầu ở chi nhánh Goodna. Và tụi tôi dời về Red Bank này được năm năm rồi.

Thông Trần: Và Thông làm ở nhà băng này vừa hơn được bốn năm. Bắt đầu ở Mt Ommaney rồi qua bên Red Bank này được ba năm rồi.

Mỹ Dung: Dạ, trong bao nhiêu năm đó thì anh chị có nhận xét về phục vụ trong ngành ngân hàng đã có những cái thay đổi gì quan trọng không anh chị?

Hương Nguyễn: Tôi làm trong lãnh vực cho vay mượn thì thay đổi rất là nhiều. Ngày xưa thì mình chưa có computer, tất cả đều bằng là paperwork. Thành ra làm việc nó hơi chậm hơn bây giờ. Và bây giờ thì mọi sự nó dễ dàng và nhanh hơn.

Ngày xưa khi mà bắt đầu gặp một người thân chủ cho tới khi mà giao nhà hoàn toàn thì tất cả đều do một mình mình làm. Phỏng vấn khách hàng, làm hồ sơ cho họ, làm giấy tờ mortgage nhà xong rồi phải liên hệ với luật sư và chồng tiền là settlement đó. Thành ra liên hệ với khách hàng hầu như là từ bắt đầu cho tới khi hoàn tất cái nhà cho họ.

Còn bây giờ thì ai làm hồ sơ cho mượn tiền, phỏng vấn khách hàng, approve xong rồi là thôi, có một cái bộ phận khác sẽ lo về giấy tờ, rồi có một bộ phận khác sẽ đi về vấn đề chồng tiền, settlement.

Thủ tục thì vẫn như xưa nhưng mà nó sẽ nhanh hơn. Như ngày xưa tôi làm một cái hồ sơ có thể mất một ngày, hai ngày. Bây giờ một ngày mình phải làm ba, bốn cái hồ sơ.

Thông Trần: Thông thấy bây giờ là nhiều người xài digital hơn, ít vô chi nhánh của mấy cái nhà băng mà xài trên mạng nhiều hơn.

Hưng Việt: Thưa anh chị, thì cũng theo cái tiến trình mà sử dụng online với lại computer nhiều hơn đó. Thì trước đây, hồi thập niên 70 còn dùng check, ngân phiếu, rồi sau đó qua tới sử dụng ATM, rồi bây giờ gần như là các dịch vụ đều online hết. Thì thưa anh chị nghĩ là có thể một ngày nào đó chúng ta đi đến một cái xã hội không dùng tiền mặt nữa hay không?

Hương Nguyễn: Thưa anh Việt, với vấn đề đó thì hiện tại rất phổ thông với giới trẻ. Hầu như thanh niên thiếu nữ bây giờ even không có mang cái thẻ, họ dùng trong cái phone của họ không thôi. Nhưng mà đối với người trung niên người hơi lớn tuổi thì họ vẫn dùng tiền mặt. Thì tôi nghĩ không thể nào chấm dứt được vấn đề mà tiền lưu dụng trong xã hội.

Hưng Việt: Nếu mà đích thân người thân chủ mà vào trong ngân hàng mặt giáp mặt thì mình không có sợ lầm lẫn. Nhưng mà ở trên mạng thì chúng ta dễ bị lừa đảo hơn. Thì thưa anh chị nghĩ sao về cái vấn đề đó?

Thông Trần: Theo Thông đó thì mình đừng bao giờ click mấy cái link hay là gửi tiền cho mấy người mình không biết. Nhà băng không bao giờ gửi mình cái link kêu mình bấm vô cái link này rồi kêu mình để số mật mã hay là account number của mình vô hết. Nếu mà mình nghi nghi, đừng có bấm gì hết, vô nhà băng hay điện nhà băng hỏi. Đừng bao giờ mà bấm cái gì mà mình không 100% là người bạn của mình hay là con của mình. Hay là mua bán cũng vậy, mình make sure là cái link hay cái SMS đàng hoàng.

Ai mà số điện thoại vô Thông biết cái số này không đúng hay nghe cái nhắn tin đó là thấy không đúng, trong cái điện thoại Thông block nó rồi, mấy cái email cũng vậy, thấy mà giống như mình mới thắng 100 đồng, 1 ngàn đồng, 10 ngàn này kia mình block nó.

Hưng Việt: Nhưng mà với những thành phần trẻ tuổi hơn thì dễ rồi bởi vì quen với lại kỹ thuật. Nhưng mà chúng ta đang nói chuyện đây là về những bậc cao niên, những người lớn tuổi thì đó là những người mà mình đáng quan tâm hơn, phải không?

Thông Trần: Dạ đúng, nếu có con cháu mình kêu mấy đứa đó giúp mình xài mấy cái điện thoại làm sao. Thông kêu ba mẹ đừng bao giờ bấm cái này, nếu có cái gì thì screenshot cái hình đó gửi qua cho Thông rồi Thông sẽ coi.

Hương Nguyễn: Vấn đề scam thì rất là nhiều, nhưng mà ngân hàng thì họ cũng có những hệ thống để bảo vệ khách hàng. Thí dụ như họ thấy một cái account mà những cái tiền đi ra đi vào một ngày quá nhiều lần họ sẽ tự động ngừng cái account đó, và sẽ liên lạc với khách hàng để họ kiểm chứng lại là cái đó có phải chính khách hàng làm hay là họ bị scam.

Với lại những cái khuyến cáo gửi cho khách hàng để có thể đề phòng. Và khi họ nghĩ là có những gì hơi nghi ngờ, sai lầm trong cái sổ băng của họ, thì họ có thể liên lạc với ngân hàng và ngân hàng sẽ điều tra, truy cứu những nguyên nhân đó để xem nó chính xác như thế nào. Đó là một cách để bảo vệ, nhất là những người hơi lớn tuổi thì họ đến đây rất là nhiều.

Hưng Việt: Thưa chị, nếu mà ngân hàng để ý thấy một ngày mà có nhiều chuyển khoản từ một cái trương mục nào đó thì họ sẽ chặn lại. Nhưng mà có phải lúc đó là đã trễ rồi không? Ngân hàng có cách nào giúp thân chủ lấy lại những số tiền đó không?

Hương Nguyễn: Khi anh chuyển qua một ngân hàng khác phải 24 tiếng sau nó mới clear thì ngân hàng có thể ngừng lại được. Nhưng mà cũng có những trường hợp ngân hàng không làm gì được.

Thông Trần: Nếu thường thường mình chỉ mua đồ 100, 200, rồi tự nhiên cái Internet Banking mình gửi 10.000 ra hay 5.000 ra nhà băng thường thường là ngừng liền, rồi nhà băng sẽ nhắn tin cho mình.

Bấm 1 là yes, Bấm 2 là no, hay là liên lạc ngân hàng liền. Mà nếu ngân hàng không có thấy trả lời lại, nhà băng sẽ ngừng cái account của mình, nếu mình reply với 1 yes là có thể 10, 15 phút sau là cái tiền sẽ qua bên kia.

Hưng Việt: Nói về một vấn đề khác mà dư luận tỏ ra quan ngại đối với các dịch vụ của ngân hàng đó thưa chị Hương là gần đây có một số chi nhánh của ngân hàng phải đóng cửa có lẽ là để tiết kiệm những chi phí, nhưng mà ngược lại nó gây khó khăn cho những người mà thứ nhất là lớn tuổi, thứ hai là những người ở các vùng địa phương, họ phải đi xa. Thì thưa chị, một bên là tiền lời cho ngân hàng, một bên là dịch vụ tiện lợi cho khách hàng theo chị bên nào nặng hơn?

Hương Nguyễn: Thưa anh, bây giờ hầu như mọi người đều làm việc online nhất là sau cái vụ covid. Những người trẻ thì họ làm qua email nhiều hơn là họ tới ngân hàng. Lớn tuổi họ vẫn thích tới ngân hàng, nhưng mà giới trẻ một phần là công việc làm ăn, thứ nhì nữa là với cái hệ thống mạng, internet, digital, họ không có thích tới ngân hàng nhiều giống như ngày xưa. Còn bây giờ những người ở vùng quê xa họ không cần phải tới ngân hàng họ mới có thể rút tiền được. Bây giờ hầu như những cái supermarket đều có hệ thống để cho người ta rút tiền ra.

Hoặc là họ mua bán online nhiều thành ra cái vấn đề mà chi nhánh đóng cửa nhiều là tại vì cái service có thể còn đó nhưng mà không nhiều giống như ngày xưa. Cái demand nó bớt lại.

Hưng Việt: Thưa anh Thông, như vậy thì theo anh nghĩ, ngân hàng có nên mở những khóa huấn luyện cho những bậc cao niên biết cách sử dụng hệ thống trên mạng để dùng những dịch vụ của ngân hàng hay không?

Thông Trần: Nếu mà người khách vô chi nhánh của nhà băng sẽ có người giúp. Bây giờ khách quen rồi, khách nào cũng biết để tiền vô, biết rút tiền ra cái ATM. Có người làm ở ANZ, sẽ giúp hết. Rồi mấy người mà có cái app trên điện thoại, hay là mấy người mà không có cái app mấy người làm ở đây sẽ giúp mấy người đó download cái app, dạy xài. Nhiều người nói là quá dễ, tại sao hồi đó giờ mình không làm, tại không ai chỉ. Hay là mấy người chỉ làm dùm thôi mà không có chỉ. Thì ở nhà băng giống ANZ sẽ chỉ mình xài đúng.

Mỹ Dung: Nhưng mà cái đó là mình chỉ từng cá nhân chứ mình không có chỉ một số lượng lớn hả anh?

Thông Trần: Cái đó thì không, nhưng mà nếu mình lên mạng hay trên Youtube nó sẽ chỉ mình làm, cũng dễ lắm. Nhà băng này cũng y hệt nhà băng kia chỉ là nhà băng này màu khác, nhà băng kia màu khác thôi

Make sure là mình gửi tiền cho người nào đúng đừng theo cái youtube mà gửi cho mấy người ở trong youtube nha.

Hưng Việt: Bây giờ trở lại với chị Hương, thưa chị, chúng tôi nhận thấy là chị thường có đến tham dự những cái sinh hoạt của cộng đồng dưới danh nghĩa là của một ngân hàng. Thì cộng đồng cũng như các tổ chức trong cộng đồng của chúng ta thường được sự hỗ trợ của các ngân hàng, chị nghĩ tính cách quan trọng của sự hỗ trợ đó nó ra thế nào?

Hương Nguyễn: Dạ thưa anh Việt, ANZ rất là hỗ trợ trong những vấn đề sinh hoạt về community. Họ không có ngại chi phí để mà giúp đỡ tại vì nếu anh sinh hoạt, anh cho cộng đồng đó biết là anh ở đó thì dĩ nhiên khi họ cần họ sẽ tìm tới anh.

Mình cũng có được cái sự may mắn là họ rất quý trọng cái cộng đồng của mình. Thành ra khi có những sinh hoạt của cộng đồng, tôi luôn luôn đề nghị với ban giám đốc của tôi là khách hàng của mình, người Việt cũng đông, họ đã giúp cho công việc của mình rất là nhiều. Thành ra đó là một cách để mình có thể đóng góp lại cho cộng đồng. Đó là một cách support lại cộng đồng.

Tôi cũng rất là may mắn khi mà được support của những người giám đốc của tôi trong vấn đề giúp đỡ cộng đồng trong những sinh hoạt trong cộng đồng. Tôi cũng muốn ở đây mình có một chi nhánh để phục vụ cho người Việt của mình.

Hưng Việt: Thưa chị như vậy rất là quý bởi vì đó là một sự hỗ tương hai chiều. Sẵn nói về ANZ thì thưa anh chị ngoài sự hỗ trợ các cộng đồng sắc tộc, ANZ có hỗ trợ những sinh hoạt nào của chính mạch hay không?

Thông Trần: ANZ thì sponsor Australian Open đầu năm mỗi năm. Cái first major tennis tournament của thế giới.

Hưng Việt: Thưa chị Hương, trong bao nhiêu năm làm việc trong lãnh vực ngân hàng đó, chị có thể kể cho thính giả nghe một cái trường hợp nào chị đã đích thân giúp đỡ được cho một thân chủ qua được cái cảnh ngặt nghèo túng thiếu hay không.

Hương Nguyễn: Thưa anh Việt, cái câu hỏi này hơi khó. Anh biết lúc đó người Việt mình cũng mới ổn định vào trong cái xứ Úc này. Họ làm việc rất là cực nhọc, khó khăn và hầu như là nhiều thời gian. Tôi chưa gặp một trường hợp nào người Việt mình phải bán nhà cửa trả lại cho ngân hàng hoặc ngân hàng phải bán nhà cửa.

Người Việt của mình, nói cho đúng người Á Châu của mình, họ không có tiền đi chơi nhưng mà họ sẽ có tiền để trả tiền nhà, làm được một đồng sẽ save hết một đồng để trả tiền cho ngân hàng trước.

Thường thường khi họ vào vấn đề khó khăn như công ăn việc làm này kia thì họ sẽ liên lạc với tôi trước. Ngân hàng có những cái hướng dẫn để giúp họ vượt qua cái khó khăn đó.

Sau đó nếu mà cùng quá thì họ cũng cố vấn khách hàng làm những điều kiện có thể có lợi cho khách hàng nhiều hơn. Chứ còn thật tình mà nói tôi chưa gặp một cái khó khăn nào với người Việt của mình giống như người ta thường nói là không có tiền trả ngân hàng siết nhà. Chưa bao giờ chuyện đó xảy ra đối với cá nhân tôi.

Hưng Việt: Dạ thưa chị, bây giờ thí dụ như tôi muốn mượn tiền ngân hàng để mua một căn nhà đầu tiên nhé thì tôi phải có một số vốn là bao nhiêu để đặt cọc, tức là deposit trước khi chị chấp thuận cái đơn của tôi?

Hương Nguyễn: Thưa anh, thông thường thì ngân hàng sẽ đòi hỏi 20% đặt cọc. Nhưng nếu căn nhà đầu tiên thì ngân hàng cũng có thể cho anh mượn tới 95% của trị giá căn nhà, 5% anh phải có trong saving account của anh trong vòng sáu tháng.

Lý do là họ muốn nhìn thấy cái sự để dành tiền của anh. Và về vấn đề 95% đó thì anh phải đóng cái tiền Lender Mortgage Insurance - thì họ bảo đảm cho ngân hàng nhiều hơn bảo đảm cho khách hàng. Thí dụ trong trường hợp mới có vài tháng mà ngân hàng phải bán nhà của anh thì cái Lender Mortgage Insurance sẽ đền bù cho ngân hàng nếu mà ngân hàng bán mà không lấy đủ số tiền cho mượn.

Đối với người Việt của mình thường thường cha mẹ có những cái dư trong cái tài sản của mình. Thì nếu mà họ muốn giúp đỡ con cái họ có thể dùng cái tài sản của họ đặt cọc 20% để người con của mình có thể mượn được nguyên số tiền. Cái đó, có nhiều ngân hàng họ không áp dụng, nhưng mà đối với ngân hàng của tôi đang làm việc thì họ áp dụng cái chương trình đó. Thành ra có nhiều người họ không biết bố mẹ có thể dùng tài sản của mình để bước đầu start để mượn tiền cho họ.

Hưng Việt: Thưa chị, đối với những người mà mua nhà đầu tiên mua thì chúng tôi được biết là chính phủ tiểu bang cũng như liên bang có những cái trợ cấp. Chị có thể giải thích là có bao nhiêu cái trợ cấp và mỗi trợ cấp là khoảng bao nhiêu tiền thưa chị?

Hương Nguyễn: Thưa anh, chính phủ trợ cấp bây giờ rất là hiếm có, nó khó hơn ngày xưa, bây giờ người mua nhà đầu tiên dưới 500,000 thì không bị đóng stamp duty tiền thuế con tem. Nếu anh muốn mua nhà mà được trợ cấp với tiền mua căn nhà đầu tiên thì phải là căn nhà mới hoàn toàn, thì là 15.000, hoặc là builder xây xong nhưng mà chưa có ai dọn vào thì mới hợp đủ cái điều kiện. Chính phủ họ muốn khuyến khích cho cái công việc làm cho những người builder, những người xây cất. Đặc biệt là lúc mà Covid họ còn cho thêm 20 ngàn nữa, nhưng mà bây giờ họ bỏ cái đó rồi.

Mỹ Dung: Dạ trước khi kết thúc thì anh chị còn có điều chi muốn chia sẻ với quý thính giả hay không?

Hương Nguyễn: Dạ thưa chị Mỹ Dung nhân dịp này thì tôi cũng cám ơn những thính giả SBS và nói chung những người trong cộng đồng Việt mình đã support, giúp đỡ những cái ngân hàng dịch vụ, nhất là riêng cho cá nhân tôi. Chúng tôi thì lúc nào cũng ở đây nếu quý vị hay là bất cứ ai có cần những cái dịch vụ gì về ngân hàng hay là sổ băng account để dành tiền thì vẫn có thể liên lạc với chúng tôi.

Thông Trần: Thông cũng cảm ơn thính giả của SBS. Brisbane có hai người Việt Nam ở trong Red Bank và mấy chi nhánh ANZ kia cũng có mấy người Việt Nam giúp được.

Hưng Việt: Dạ, thay mặt cho thính giả và cô Mỹ Dung chúng tôi xin thành thật cảm ơn chị Hương Nguyễn và anh Thông Trần rất là nhiều trong một ngày bận rộn thứ Sáu đối với nhà băng mà anh chị cũng dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn này. Xin kính chúc anh Thông Trần và chị Hương Nguyễn luôn luôn được nhiều sức khỏe và có tất cả mọi sự thành công ở trong cái công việc của anh và của chị.

Hương Nguyễn: Tôi cũng xin cảm ơn anh Việt và chị Mỹ Dung đã cho tụi tôi có một cái cơ hội để nói chuyện về vấn đề công việc làm của tôi. Dạ xin cảm ơn anh Việt và chị Mỹ Dung thật nhiều.

Thông Trần: Thông chỉ muốn nói là thank you

Mỹ Dung: Dạ cám ơn chị Hương với anh Thông.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

Share