Chuyện Queensland: Ca sĩ MC Hồ Lan

02.jpg

Ca sĩ MC Hồ Lan

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Trong hơn thập niên qua, làng văn nghệ ở Brisbane xuất hiện một khuôn mặt mới rất khả ái. Chẳng những có giọng hát hay, Hồ Lan còn là một người MC giới thiệu chương trình trong các buổi ca nhạc được nhiều người biết đến và mến chuộng.


Kính mời quý thính giả theo dõi cuộc nói chuyện sau đây giữa chúng tôi với chị Hồ Lan.

Hưng Việt: Dạ xin kính chào chị Hồ Lan ạ.

Hồ Lan: Dạ em xin chào anh Trần Hưng Việt, chị Mỹ Dung và thính giả đài SBS.

Mỹ Dung: Dạ em chào chị Hồ Lan.

Dạ thưa chị, trước hết thì chị cho thính giả biết là chị bước chân vào ngành âm nhạc từ hồi nào hả chị?

Hồ Lan: Dạ kính thưa thính giả đài SBS, anh Hưng Việt và chị Mỹ Dung. Trước khi bước vào ngành âm nhạc, Hồ Lan là nghệ sĩ ngâm thơ. Khi mà bước chân qua Úc thì ở Úc không có cái môi trường để ngâm thơ nên Hồ Lan ngưng. Từ thuở nhỏ đã có khiếu ca hát, nên Hồ Lan bén duyên với âm nhạc. Nhưng mãi đến năm 2008, có một ban nhạc mời Hồ Lan làm MC và Hồ Lan chuyên về MC từ đó.

Hưng Việt: Như vậy chị ca hát là 15 năm nay thế chị có đi qua những lớp huấn luyện về nhạc lý, về cách trình diễn hay không thưa chị?

Hồ Lan: Dạ thưa anh, vì rất thích ca hát nên Hồ Lan có tham gia các khóa học về thanh nhạc ở Nhạc viện Sài Gòn. Và đã quyết tâm làm ca sĩ từ hồi còn trẻ. Nhưng khi đi thi lại quá tam ba bận, Hồ Lan mới trúng tuyển vào đoàn ca nhạc nhẹ của Sài Gòn. Hồi đó Hồ Lan khoảng 25 tuổi. Nhưng có lẽ cái duyên làm ca sĩ không tới nên Hồ Lan phải ngưng ý định của mình từ đó.

Hưng Việt: Khi mà làm MC thì chị cũng trình diễn ca nhạc luôn thì chị thích là trình diễn những cái loại nhạc nào và tại sao?

Hồ Lan: Hồ Lan thích thể nhạc tình ca, vì cái thể nhạc này nói về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước. Nó có chất thơ, chất lãng mạn, bay bổng, nhịp điệu chậm, êm dịu, du dương, dễ nghe và dễ đi vào lòng người.

Mỹ Dung: Dạ, mà chị ưa thích tác giả nào nhất hả chị?

Hồ Lan: Dạ, Hồ Lan thích tác giả Trầm Tử Thiêng. Hầu hết những bài hát của ông đều nói về tình yêu. Ông có khả năng viết về Việt sử bằng âm nhạc. Ông còn là nhân chứng của từng giai đoạn lịch sử của thời đất nước còn binh lửa. Như bài Rồi 20 năm sau hoặc Đưa em vào hạ, những bài đó Hồ Lan rất là thích, và khi mà nói về tình yêu thì ông hay nói về những tình yêu của chính ông như là 10 năm yêu em Hồ Lan rất thích. Và bài Tình ca mùa đông khi mà ông qua hải ngoại thì người mà ông yêu thích đã đi lấy chồng và “anh hứng nốt những giọt cuối cùng” và những bài ca để đời như bài Kinh khổ của ông Hồ Lan rất là tâm đắc.

Ngoài Trầm Tử Thiêng thì Hồ Lan thích nhạc của Phú Quang, rất là sâu lắng trầm ấm và lột tả được hết tâm tư của một con người đối với tình yêu, ví dụ như bài Em ơi Hà Nội phố hoặc bài Hồ Lan vừa mới hát đây là bài Biển, nỗi nhớ và em.

Bài Em ơi Hà Nội phố là Hồ Lan thích nó và Hồ Lan diễn tả bài đó được rất là nhiều người yêu thích. Ngoài ra những dòng nhạc mà Hồ Lan hát thì Hồ Lan thích bài của nhạc sĩ Lam Phương như Em đi rồi và cái bài đó có câu “Biết chia cùng ai nỗi buồn nơi xứ người” Hồ Lan rất là tâm đắc cái câu đó mỗi khi buồn.

Hưng Việt: Chị nói là chị thường làm MC cho các buổi trình diễn văn nghệ. Thì một người MC muốn thành công thường là phải chuẩn bị bài vở trước để mà có thể giới thiệu những cái tiết mục sắp sửa được trình diễn. Thì thưa chị, ngoài cái yếu tố đó ra thì người MC cần phải có những cái yếu tố nào khác để mà lôi cuốn khán giả vào cái màn trình diễn sắp được thưởng thức hay không ạ.

Hồ Lan: Vâng thưa anh, bí quyết để trở thành người MC là phải lôi cuốn khán giả, thứ nhất là kỹ thuật sử dụng giọng nói. Thứ hai là nghệ thuật diễn tả cảm xúc. Thứ ba là tìm kiếm ý tưởng để cập nhật làm mới chương trình để cho phù hợp với khán giả, ví dụ chương trình từ thiện nó khác và chương trình dạ vũ nó khác. Mình phải tìm cách biến tấu cho nó như là món ăn tinh thần cho khán giả. Phải nắm bắt được sở thích của khán giả, nhất là chương trình dạ vũ, “Chị Hồ Lan ơi, nhạc buồn nhiều quá, cho em nhạc Disco đi”, thì lúc đó mình phải nắm bắt được cái thị hiếu của khán giả để mình làm cho chương trình nó sinh động hơn. Và cái tiếp tục nữa là tự làm chủ được sân khấu. Phải vượt qua những cái áp lực của sân khấu, xây dựng phong thái tự tin, làm tỏa sáng sân khấu. Phải làm sao mà cách đi đứng, cách cầm micro, điểm rơi, thí dụ mình nhìn cái điểm rơi của mình ở đó là mình chú tâm vào đó để khán giả nhận biết ra mình, về cử chỉ và cách tạo thiện cảm với khách, với khán giả cũng là một điều rất quan trọng của một người MC.

Và tiếp theo đó là xử lý tình huống. Không phải chương trình nào nó cũng được êm trôi, lúc nào nó cũng có một cái tình huống bất ngờ. MC phải cứu vớt những tình huống đó. MC phải nhanh chóng đánh lạc hướng, tránh sự nhàm chán cho khán giả để chương trình không có thời gian chết.

Hưng Việt: Thưa chị, những kỹ năng đó, một người MC có thể học được ở đâu không? hay là chỉ có thể thu thập được qua kinh nghiệm mà thôi?

Hồ Lan: Thưa anh, thứ nhất là như ông bà mình nói là phải có năng khiếu. Năng khiếu về giọng nói. Thứ hai là phải tự rèn luyện, phải đi học qua trường lớp thì người MC đó mới được hoàn thiện trước mắt khán giả.

Hưng Việt: Chị có trải qua một lớp huấn luyện nào hay không về MC?

Hồ Lan: Chắc Hồ Lan là năng khiếu nhiều nhất. Cái thứ hai nữa là Hồ Lan tự học hỏi. Thứ ba nữa là lên mạng search những MC chuyên nghiệp, đi đứng, nói cười và cầm micro như thế nào, mình học và cái ánh mắt của họ đối với khán giả như thế nào. Mình phải học, học tất cả anh ạ. Và cái chính nhất Hồ Lan nghĩ đó là phải có sự thiện cảm của khán giả thì người MC mới được thành công.
04.jpg
Hưng Việt: Thưa chị qua bao nhiêu năm làm MC cho các chương trình văn nghệ, chị có thể kể cho thính giả nghe một cái tình huống nào mà chị cảm thấy là khó khăn nhất mà chị đã phải vượt qua và một cái tình huống nào thật là vui mà chị cũng đã trải qua.

Hồ Lan: Vâng thưa anh, cái tình huống khó khăn nhất là hồi đó Hồ Lan làm MC cho ca sĩ Thanh Thảo ở bên Việt Nam qua. Lúc đó Thanh Thảo bị kẹt xe, chưa có tới được. Ca sĩ thì cũng chưa chuẩn bị bài hát, Yeah, và Hồ Lan đã phải cứu nguy bằng cách lên hát tới ba bài liền một lúc. Lúc nghe khán giả nói Thanh Thảo tới một cái, Hồ Lan như trút được cái gánh nặng ngàn cân vì lúc đó Hồ Lan cũng không có chuẩn bị bài để hát, mà tự nhiên mình phải ra hát tới ba bài liên tục. Dạ.

Và tình huống vui nhất… anh Việt hỏi bất ngờ quá Hồ Lan cũng không nhớ ra được. Dạ, rất là nhiều tại vì khán giả đến với chương trình ca nhạc hoặc dạ vũ là đều mang những cái hứng khởi, những cái tình cảm, những cái vui vẻ đến nên nhiều kỷ niệm vui mà Hồ Lan không thể nào nhớ hết được.

Hưng Việt: Nhưng mà chắc chắn là một số những kỷ niệm vui đó là phải nằm trong những buổi văn nghệ từ thiện mà chị đã làm MC, phải không ạ? Bởi vì nó sẽ giúp chị nhớ lại những thành quả đã đạt được khi các anh chị nghệ sĩ cũng như chị Hồ Lan làm MC đã giúp cho các tổ chức từ thiện. Chị có thể kể sơ qua một vài thí dụ hay không?

Hồ Lan: Dạ thưa anh, Hồ Lan khi bước chân vào làm MC thì hầu như làm từ thiện. Dạ.

Và Hồ Lan hay làm từ thiện cho Bệnh viện PA, Bệnh viện Mater và gây quỹ cho các quỹ như là quỹ Suối nguồn, Thương về miền Tây Queensland năm 2018 có sự hiện diện và hỗ trợ của anh Trần Hưng Việt Anh Trần Hưng Việt còn nhớ cái chương trình đó không?

Và Hồ Lan được hân hạnh chia sẻ điều này là Hồ Lan đã là thành viên thường xuyên của hội AVCF tức là cái hội AusViet Charity Foundation do bác sĩ tiến sĩ Phước Võ ở Sydney thành lập nhiều năm qua. Dạ, hầu hết các chương trình từ thiện Hồ Lan đều tham gia với một cái tư cách là gây quỹ, tạo những cái quỹ cho cái hội đó. Và thường thường Hồ Lan còn donate thêm nữa và rất là hết mình.

Hưng Việt: Chị có đề cập tới chị sinh hoạt với tổ chức AVCF của bác sĩ Phước Võ. Thì cái tổ chức đó thường là về Việt Nam để mà giúp cho những đồng bào nghèo, những bệnh nhân mà không có đủ tiền để đi bệnh viện hay đi bác sĩ. Chị mới vừa thực hiện một chuyến về Việt Nam, chị có thể kể cho thính giả nghe những cái hoạt động của chuyến đi vừa rồi hay không?

Hồ Lan: Vâng, anh hỏi bất ngờ quá, Hồ Lan đi chương trình này rất là vui. Mới qua Việt Nam thì Tổng lãnh sự quán của Úc tại Việt Nam đã mời toàn đoàn là 67 người đến thưởng thức trà chiều tại Đại sứ quán Úc nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập hợp tác giữa Đại sứ quán Úc tại Việt Nam.

Rồi sau đó thì mọi người bắt tay vào làm từ thiện. Năm nay thì đoàn đi từ thiện ở Mỏ Cày, Bến Tre. Một cái vui nữa là trong đoàn càng ngày càng trẻ hóa, tức là các con của bác sĩ đi theo để phụ cha mẹ. Các em rất nhiệt tình, có nhiệt huyết. Và đây là một cái động lực để cho những vị đi trước cảm thấy là mình có lớp trẻ thừa kế.

Đoàn về không những khám chữa bệnh cho người nghèo mà còn phát quà nữa, trong đó có bao gạo nè, nước mắm, nước tương, đường, … bao gạo khoảng 10 kg, thì những người già đó khi mà được phát đều rất là mừng, muốn ôm hết vào lòng như thế này. Cụ còng lưng rồi, tóc bạc rồi, mắt mờ rồi mà phải ôm, phải ôm cái bao gạo cho bằng được, thấy một cái tình cảm, thấy một cái hình ảnh mà không bao giờ xóa nhòa trong cái tâm trí của Hồ Lan được. Người ta nghèo quá, người ta khổ quá!

Đa số là hội AVCF về Việt Nam là vào những cái vùng sâu vùng xa để khám chữa bệnh cho người nghèo. Đến thời buổi này mà Hồ Lan còn chứng kiến người đàn ông đi đôi dép nhựa mà bị rách lấy cọng kẽm cột lại để đi. Người ta không có dép mang đó thưa anh.

Hưng Việt: Thưa chị như vậy chương trình của hội AVCF mà gây quỹ để có phương tiện giúp cho đồng bào nghèo ở Việt Nam thì họ thường thực hiện qua những hình thức gây quỹ như thế nào?

Hồ Lan: Dạ thưa anh thường thường thì gây quỹ vào khoảng tháng 7, tháng 8 tất cả các tiểu bang toàn nước Úc. Ví dụ như ở Brisbane mình gây quỹ xong được bao nhiêu tiền gom cho tổ chức sáng lập đó, người ta sẽ mua máy móc, dụng cụ, phương tiện và thuốc men để mang về khám chữa bệnh cho người nghèo. Và những thiện nguyện viên ở trong hội đó là tự túc ăn uống, đi lại, xe cộ, tiền vé máy bay, tiền ăn, tiền ở tiền khách sạn, …

Hưng Việt: Về đến Việt Nam thì ngoài vấn đề tiếp tế thực phẩm thì phái đoàn còn có rất nhiều bác sĩ, nha sĩ, rồi nhãn sĩ v.v… Thì họ có những cái hoạt động gì để giúp đỡ về phương diện y tế cho đồng bào mình?

Hồ Lan: Ông Phước Võ bao quát chung, còn những bác sĩ, thí dụ Hồ Lan chỉ nói về Brisbane mình thôi thì có bác sĩ Trang Trầm, bác sĩ Hồ Tuấn, bác sĩ Tô Đắc Lộc, về nhà thuốc là có cô Hiền. Bác sĩ Lộc, Bác sĩ Trang, Bác sĩ Hồ Tuấn trực tiếp khám chữa bệnh và kê đơn thuốc và khi đó sẽ cầm toa thuốc đó để lấy thuốc free.

Thí dụ ai mà khám răng thì chỉ nhổ răng thôi chứ không có chữa răng được vì thời gian rất là ngắn. Đa số là nhổ răng cho các em nhỏ. Các em rất sợ nhổ răng nhưng mà khi đưa những món quà dễ thương ra thì các em vừa nhổ vừa khóc mà vừa cười nữa rất là dễ thương và có những em vừa há miệng ra, các em tự nhổ bác sĩ khỏi nhổ, đó là tại cái răng của các em đã đến thời kỳ rồi. Các em há miệng ra nhổ đưa cho nha sĩ luôn. Đó là trường hợp rất là vui.

Mỹ Dung: Dạ, trở về sinh hoạt văn nghệ ở Brisbane thì chị nhận thấy sinh hoạt văn nghệ nó ra sao hả chị?

Hồ Lan: Dạ thưa chị sau dịch Covid thì có sự chuyển hướng mới vì trong thời Covid thì mọi người ở nhà nên đa số ai cũng sắm một dàn karaoke để hát ở trong nhà, giải tỏa stress, giải tỏa cái tâm tư không được ra ngoài và cuối tuần họ sẽ làm bữa tiệc nhỏ nhỏ để mời bạn bè đến để cùng hát với nhau nên lượng khán giả đi ra ngoài á, thứ nhất là đã lớn tuổi, thứ hai là bị giảm bớt đi. Đa số chương trình dạ vũ hàng tháng đó là bị thiếu khán giả nhiều. Một chương trình dạ vũ đó chỉ khoảng là 60 người đổ lại thôi.

Hồ Lan hy vọng là cái chương trình văn nghệ của Brisbane phải có một hướng mới để làm sao thu hút được khán giả đến với chương trình để nghệ sĩ của Brisbane được đem tiếng hát của mình để phục vụ khán giả nhiều hơn.

Hưng Việt: Theo chị thì cái chiều hướng mới như thế nào? Chị có cái đề nghị nào, ý nghĩ nào cho cái chiều hướng mới đó hay không?

Hồ Lan: Thưa anh thì Hồ Lan chưa tìm được hướng đi mới tại vì thứ nhất là khán giả của dạ vũ bây giờ đa số là người lớn tuổi và những người nhỏ tuổi thì người ta đi theo cái chiều hướng nhạc Disco.

Hiện giờ ở Brisbane đang có một cái chương trình ca nhạc sân vườn của cô Uyên tổ chức đó thu hút được rất là nhiều khán giả lớn tuổi đến đó thưởng thức và lắng nghe những bài hát. Mình được lắng nghe thì mình rất là vui, và mình được diễn tất cả cái cảm xúc của mình.

Hồ Lan chưa có biết được cái hướng đi mới như thế nào. Cần có một người dẫn đầu một cái đoàn tàu để đưa nền văn nghệ của Brisbane lên.

Hưng Việt: Thưa chị, nghĩ sao về cái vấn đề là cố gắng mình mời những ca sĩ ở hải ngoại, mặc dù phí tổn nó sẽ rất là cao và dĩ nhiên là giá vé nó cũng sẽ cao theo, nhưng mà chị nghĩ như thế nó có thể đem lại một cái làn gió mới cho sinh hoạt văn nghệ hay không?

Hồ Lan: Dạ thưa anh thì lúc trước Hồ Lan có làm những cái chương trình các ca sĩ ở hải ngoại qua, như là của Anh Khoa qua nè… nhưng giá vé rất là cao. Nếu mà giá vé mà thấp thì không đủ chi phí cho các ông bầu show. Bây giờ Hồ Lan nhìn toàn là những cái thành phần lớp trẻ thôi.

Hưng Việt: Các em trẻ nếu mà tới để mà vừa thưởng thức nhạc Việt mà vừa vui đó thì hơi khó bởi vì cái vấn đề ngôn ngữ nữa.

Hồ Lan: Thì đa số những bạn trẻ đến với chương trình ca nhạc gây quỹ hoặc là chương trình gì của những ca sĩ nước ngoài đến đó thì cũng một nửa là người rành tiếng Việt, các em mà sanh ra ở đây hình như Hồ Lan không thấy hiện diện nhiều.

Hưng Việt: Vâng, thưa cũng đã mất khá nhiều thời gian của chị. Cuối cùng thì chị còn có điều chi chị muốn chia sẻ thêm với thính giả của chúng ta hay không ạ?

Hồ Lan: Dạ Hồ Lan xin kính chúc anh Hưng Việt, chị Mỹ Dung và thính giả đài SBS một năm mới thật nhiều niềm vui và an lành hạnh phúc. Xin cám ơn.

Hưng Việt: Vâng, thay mặt cho cô Mỹ Dung và thính giả, chúng tôi thành thật cảm ơn chị Hồ Lan rất là nhiều. Một ngày cuối năm bận rộn để mà lo việc nhà, việc cửa, việc làm nữa mà chị cũng dành thời giờ tới đây. Xin trước nhất là kính chúc anh chị và gia đình được nhiều sức khỏe, bình và luôn luôn gặp được nhiều thành công, may mắn, thắng lợi trong sự nghiệp văn nghệ của chị.

Hồ Lan: Vâng, cảm ơn anh Trần Hưng Việt và chị Mỹ Dung rất là nhiều.

Mỹ Dung: Dạ, cảm ơn chị Hồ Lan.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung
05.jpg
MC Ho Lan
 

 

 


Share