Chuyện Queensland: giải đáp những thắc mắc về bệnh tiểu đường với bác sĩ Hồ Tuấn

03.jpg

Bác sĩ Hồ Tuấn

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng hàng đầu để người bình thường có thể tránh bệnh tiểu dường cũng như cho người đã mắc phải bệnh này tránh được các biến chứng. Chuyện Queensland kỳ này trò chuyện với bác sĩ Hồ Tuấn của AllCare Medical Centre (Inala) về căn bệnh phổ biến này.


Hưng Việt: Dạ xin kính chào bác sĩ Hồ Tuấn ạ.

BS Hồ Tuấn: Dạ Tuấn cũng xin chào anh Việt và chị Mỹ Dung cùng tất cả thính giả của đài SBS.

Mỹ Dung: Dạ chào bác sĩ Tuấn.

Hưng Việt: Thưa bác sĩ, thưa bác sĩ đầu tiên xin bác sĩ có thể giải thích cho biết tại sao có hai loại tiểu đường 1 và tiểu đường 2?

BS Hồ Tuấn: Dạ thưa anh bệnh Tiểu đường mình chia làm hai phần tại vấn đề mà làm bị bệnh nó khác nhau. Tiểu đường 1 là Diabetes type 1 đó thường thường mình gặp từ những đứa trẻ, lý do là tại cái pancreas, cái lá lách trong người của mình không có làm việc được thành ra không có chất insulin, cái chất hormone mà để điều khiển đường trong máu mình, thì loại đó là mình sinh ra hoặc là bị bệnh gì đó nó phá đi cái lá lách mình không có tránh được thì mình phải chịu thôi.

Khi đường trong máu tăng lên thì insulin trong lá lách sẽ chế tạo ra để đem đường ra khỏi máu để đưa vô tế bào, thì những em bé bị bệnh tiểu đường 1 thì lại không có chất insulin đó.

Do đó đường trong máu cứ tăng hoài thì ảnh hưởng nguy hiểm rất nhiều cho đứa bé đó, nếu những nước nghèo, những nước không có bác sĩ để điều trị thì sẽ đem tới tử vong.

Còn tiểu đường loại 2 do đời sống, do cách ăn uống của mình tạo ra, vì lá lách làm việc quá nhiều, vì mình ăn những đồ ăn mà nó đổi qua thành đường. Rồi từ đó cái lá lách nó làm việc nhiều lên để nó tạo được cái chất insulin, mà khi nó tạo nhiều quá, mà lâu ngày quá thì nó cũng mệt mỏi.

Thứ nhì mà quan trọng mà nhiều người không hiểu rõ nữa là khi mà mình ra cái chất insulin quá nhiều và quá lâu thì người mình lại quen, mình không có được nhạy với cái chất đó nữa thành ra cứ tăng lên lên hoài. Rồi cái ảnh hưởng thứ nhì mà nhiều người không biết nữa là Insulin càng cao thì mình lại càng mập. Tại vì sao? Tại vì Insulin là chất kích thích tố nó giữ mỡ trong người thành ra nó ra hai thứ bệnh, một là tiểu đường, hai là bị mập tiếng Anh người ta nói là Insulin resistance.

Mỹ Dung: Theo bác sĩ, thì cái bệnh tiểu đường loại 1, loại 2 sẽ gây ra những tác hại cụ thể như thế nào hả bác sĩ?

BS Hồ Tuấn: Dạ khi đường trong máu tăng lên, nó phá đi rất nhiều bộ phận trong người của mình. Thí dụ như nó sẽ làm cho mạch máu của mình hư và những cái mạch máu nhỏ, nhỏ hơn cây kim nữa, mà nó chạy vô con mắt mình, nó chạy vô bắp thịt của mình chạy xuống tới đầu ngón tay ngón chân của mình thì những mạch máu đó bị nghẹt, khi những cái mạch máu đó bị nghẹt thì nó lại không đem được chất bổ, chất sinh sống cho những dây thần kinh mà đi xuống tới cái ngón chân của mình, thì những người đó bị tê, vì dây thần kinh nó không làm việc được nữa, bàn chân sẽ bị tê mà khi bị tê rồi từ từ không cảm giác được luôn, có nghĩa là nếu đi chân không mà họ đạp lên một cái cây đinh họ không biết đau, rồi nó làm cho bị nhiễm trùng, họ cũng không biết họ bị nhiễm trùng, khi đi gặp bác sĩ thấy nhiễm trùng thì cho thuốc trụ sinh uống nhưng mà ngặt một cái khi uống vô rồi thì thuốc trụ sinh đi vô trong máu của mình để dẫn tới vết thương để trị. Nhưng mà bây giờ cái mạch máu nó đã bị nghẹn rồi nó đâu có đem thuốc trụ sinh xuống tới được, cuối cùng khi bị nặng quá, cái nhiễm trùng từ ngón chân cho tới bàn chân cho tới cổ chân lên tới người của mình, ở nước giàu có như ở Úc, như Mỹ bây giờ họ vẫn phải hy sinh cái chân nghĩa là cắt bỏ.

Rồi không những nó làm cho bàn chân bàn tay của mình tê liệt nó còn làm cho cái thận của mình nữa. Nó làm hư cái mạch máu thì đương nhiên cái thận không làm việc, khi thận không làm việc sẽ tăng áp huyết cao. Rồi những cái chất dơ, chất bả trong người không được lọc để đi tiểu ra khỏi người thì nó sẽ nằm lại thì làm cho mình bịnh thêm.

Cái lý do đó mà họ khoa học đã chế biến ra cái máy lọc máu. Những bác, những chú mà bị tiểu đường lâu năm khi cái thận hư rồi thì phải vô nhà thương. Có khi một tuần vô ba lần để lọc máu hai ba tiếng. Cái đó là cái máy thay cái thận để lọc.

Rồi nói về cặp mắt mình sẽ bị mù hoặc dễ bị mù hoặc dễ bị mờ. Trở lại với mạch máu nhỏ nó đi vô mắt để giúp cho tế bào con mắt làm việc bây giờ cũng bị hư, nó bị áp huyết tăng lên rồi nó bể mạch máu trong con mắt, rồi từ đó nó làm cho bệnh mờ mắt rồi bị mù. Thì đó là những cái bệnh thường thấy nhứt trong những người bệnh tiểu đường sau nhiều năm.

Bệnh tiểu đường làm cho mình mệt mỏi chán đời là cái thứ nhứt, cái thứ hai nó làm cho mình mập phì ra rồi từ mập với phì ra như vậy thì nó tạo ra bệnh áp huyết cao, bệnh đau khớp xương, bệnh hư thận, bệnh hư mắt, rồi nó đưa tới những cái loại bệnh khác thí dụ như stroke, heart attack, thì anh thấy một bệnh tiểu đường mà nó làm ra rất nhiều bệnh khác thì nó sẽ tệ hại cho sức khỏe cá nhân, rồi nó tệ hại cho sự giao thiệp giữa gia đình, rồi cho xã hội nữa, tại một người mà bị tiểu đường khi mà phải vô nhà thương rồi có thể tốn cái nền kinh tế của quốc gia lên tới 100.000 khi mà họ phải đi lọc máu tại vì cái thận họ bị hư. Rồi những người bị tiểu đường họ sẽ dùng dịch vụ y tá rất là nhiều, họ phải gặp bác sĩ thường, không phải bác sĩ gia đình không, phải gặp bác sĩ chuyên khoa xong rồi họ uống rất nhiều thuốc, rồi sau đó mặc dù đã được trị rồi mà cái bệnh lại không bớt phải tăng lên càng ngày bị tệ thêm rồi tới vô nhà thương để lọc máu Cái đó là cái nguy hiểm của bệnh tiểu đường Mà mình chỉ dòm vô cái cách trị bệnh bằng thuốc thì cái đó không nên, tại vì như Tuấn đã nói hồi nãy cái bệnh tiểu đường là một bệnh do cái đời sống, do cái cách ăn uống của mình tạo ra thì mình không thể nào dùng thuốc để trị cái bệnh mà do đời sống, do đồ ăn, mình phải thay đổi cái đời sống mình, mình phải thay đổi đồ ăn của mình, rồi cộng với thuốc, thì cái đó mới có hiệu quả hơn. Cái đó là cái mà mình nên làm.

Hưng Việt: Thưa tại sao phụ nữ mà mang thai đó, khi có bầu thì thường bị tiểu đường?

BS Hồ Tuấn: Thì cũng một phần là do ăn uống nữa, đó là một cái bệnh mới năm, sáu chục năm nay thôi trước đó thì ít. Có nghĩa là người phụ nữ đó đã có hiện tượng sắp sửa bị tiểu đường đa số những người phụ nữ khi có bầu mà có tiểu đường thì cái phần trăm sau này sẽ bị bệnh tiểu đường cao hơn cái số phụ nữ bình thường, có nghĩa là đã gần tới bị tiểu đường rồi nhưng mà chưa biết thôi. Rồi khi mà có bầu đó nó đem ra những cái stress khác trong người, rồi thay đổi chất kích thích tố trong người nó đem ra cái bệnh tiểu đường hơi sớm hơn một chút thôi. Những người mẹ mà bị tiểu đường mà đang có bầu thì đa số những đứa nhỏ trong bụng nó sẽ bự lên, rất là nguy hiểm cho sự sanh đẻ thành ra bác sĩ chuyên khoa bên này phải mổ chứ tại đứa bé quá lớn thành ra cái có bầu nó cũng là một cái risk factor cho cái bệnh tiểu đường.

Hưng Việt: Thưa bác sĩ có thể cho biết những nguyên tắc căn bản nhứt về thức ăn mà chúng ta cần nên theo để thứ nhứt là tránh tiểu đường và thứ hai là nếu bị tiểu đường rồi thì có thể giúp về vấn đề trị liệu cái bệnh đó.

BS Hồ Tuấn: Dạ cái vấn đề nếu nói thì rất là dài nhưng mà Tuấn sẽ cố gắng tóm tắt lại một ít. Như Tuấn nói hồi nãy là bệnh tiểu đường loại 2 là do đời sống với do ăn uống. Thật ra đối với Tuấn có ba chuyện cần phải làm khi mình còn trẻ hoặc khi mình lớn tuổi hay mình già. Cái thứ nhất là ăn uống cho đúng, cái thứ nhì tập thể dục thể thao, cái thứ ba là giữ tinh thần, khỏe mạnh, vui vẻ. Ba cái đó thật ra không cần giàu hay nghèo, ai làm cũng được.

Thì trở lại cái ăn uống. Hiện giờ trên thế giới mình thấy những món ăn mà mình có bây giờ, bốn năm chục năm trước không có hoặc là rất là ít. Tuấn thí dụ thôi, khi mà mấy chú mấy bác lái xe tới chỗ đổ xăng rồi cái vô trả tiền, thì trước khi tới cái kệ trả tiền thì mình đi qua cái chừng ba, tới bốn thước là đồ ăn để mình có thể là mua một cái, hai cái đem vô xe. Nếu bữa nào rảnh mấy chú, mấy thiếm trước khi trả tiền có thể đi một vòng xung quanh đó 99.9% những gì mà nằm trên đó là những đồ ăn mình không nên đụng tới vì nó toàn là bột với đường với chất chemical. Tại vì sao? Tại vì nó rất rẻ tiền và lâu hư.

Một bịt bột mình có thể đem qua cả thế giới không bị hư. Mà khi mình bỏ chút nước, chút màu mè, chút vị hương, đường với muối, là mình sẽ tạo ra một món ăn rất ngon mà lâu hư. Theo Tuấn nghĩ đó là một cái nguy hiểm nhất cho sức khỏe của con người chúng ta hiện giờ. Toàn thế giới chứ không phải từ những nước giàu không, mà những nước nghèo cũng vậy.

Khi mình ăn vô rồi thì những chất đó nó đổi qua thành đường hết. Thí dụ như một cây chocolate, một miếng bánh mì mà có cream với có đường trong đó, hoặc là cái một bình nước ngọt. Toàn là đường. Khi mà đường vô rồi thì nó sẽ vô trong máu liền. Khi vô trong máu thì đường nó tăng, người của mình phải tự bảo vệ mình chứ, thì cái lá lách phải làm ra chất insulin để kéo cái đường ra khỏi máu để mình đừng có bị tiểu đường. Nhưng mà khi lấy đường ra khỏi máu rồi thì phải đem cất nó vô chỗ nào chứ? Thì cất nó vô những cái tế bào, bắp thịt, này nọ. Rồi cái đường đó bây giờ phải thay đổi nữa chứ không có thể nằm đó được. Thì nó đổi qua cái gì? Nó đổi ra mỡ. Từ đó làm cho người ta bị mập thêm trước khi bị tiểu đường. Đôi khi nhiều người hiểu lầm là mập nó làm cho mình bị tiểu đường nhưng mà không đúng. Sắp sữa bị tiểu đường làm cho mình bị mập. Rồi bị tiểu đường. Hai cái khác nhau. Thành ra mình trị cũng khác. Khi mình hiểu rồi thì mình trị mới đúng.

Mình phải tránh những món ăn nào mà sau khi ăn nó sẽ đổi qua thành đường. Đó là cái nhiệm vụ của người bác sĩ, nhiệm vụ của những người chỉ cách ăn uống và cũng là nhiệm vụ của cá nhân để đọc, để học, để hỏi, để biết biết cái món ăn nào để tránh. Mình cứ nghĩ một chén cơm không có đường tại nó không ngọt nhưng mà một chén cơm có sáu bảy muỗng đường, như Tuấn là bác sĩ khi gặp bệnh nhân những bác lớn tuổi nói, hồi đó ông cha mình ăn cơm hoài, đâu có sao đâu. Đúng, ngày xưa ông cha mình ăn cơm, nhưng mà ăn cái kiểu không đủ để ăn, cái thứ nhất, mà khi ăn rồi, là phải ra làm hoạt động 10 tiếng, 12 tiếng một ngày. Những cái đường nó cũng là một chất bổ, một chất làm cho mình có sức để làm. Khi mình ăn, nó đổi qua đường. Mình ra ngoài ruộng, ngoài vườn mình làm việc thì cái đường đó nó sẽ đổi ra thành energy, để cho mình có sức mình làm, cái đó là đúng. Thành ra ông nào cũng ốm nhom, có bụng xẹp lép.

Nhưng bây giờ ăn một chén cơm, rồi ăn thêm chén nữa. Trưa chiều tối ăn bốn năm chén, cộng với những món ăn khác nữa mà không làm gì hết, chỉ ngồi trong văn phòng, chỉ đi bộ đi qua đi lại, thì đường nó tăng lên, rồi từ đường nó tăng lên thì người mình tạo ra insulin để hạ nó xuống. Insulin đó thì nó lại đổi đường thành mỡ rồi nó store mỡ, nó giữ mỡ lại. Cái vòng tròn đó nó đi hoài. Từ đó mà bị tiểu đường, rồi bị mập, rồi bị tăng áp huyết, rồi bị stroke, bị heart attack, bị cholesterol lên cao.

Một người bị tiểu đường uống năm, sáu loại thuốc. Không phải để trị tiểu đường không, trị mỡ, trị áp huyết cao, trị đau khớp xương tại mập quá, nặng quá, đè lên đầu gối, chịu không nổi, đau lưng. Một bệnh tiểu đường mà tạo ra 10 thứ bệnh khác.

Hưng Việt: Như vậy có thể nói bệnh tiểu đường loại 2 là bởi vì người đó ghiền ăn đường không? giống như một người ghiền hút thuốc vậy đó?

BS Hồ Tuấn: Dạ nói như vậy thì cũng đúng, không phải họ ghiền nhưng mà đa số Tuấn biết là những người đó không hiểu hết những cái đồ ăn nào làm ra nhiều đường cái đồ ăn nào làm ra ít đường. Tuấn thí dụ ăn một chén nếp thì nó không có ngọt không gì hết, nhưng mà ăn một chén nếp thì nó sẽ tạo ra tới mười mấy muỗng đường trong người sau khi ăn. Một chén xôi sẽ tạo ra nhiều đường hơn một chén cơm. Lý do đó là người châu Á mình thời nay bị tiểu đường nhiều.

Hưng Việt: Như vậy bác sĩ có thể cho biết đối với người Á châu nói chung và người Việt mình nói riêng thì gạo là một thức ăn căn bản mà bây giờ bác sĩ nói ăn một chén cơm vô thì có bảy tám muỗng đường nghe thì ai cũng phải sợ hãi hết thì có còn nên tiếp tục ăn cơm nữa hay không hoặc ngoài cơm ra thì còn có những loại thực phẩm nào mà chúng ta nên tránh không.

BS Hồ Tuấn: Dạ thưa anh cái này là cái dễ thì rất dễ nhưng mà làm thì rất là khó. Tại vì người châu Á mình đương nhiên nếu không có cơm là không được. Nhưng Tuấn nghĩ không đúng há. Tại vì Tuấn có một số chú bác đã bị tiểu đường, rồi vô để Tuấn dạy cách ăn uống, đa số Tuấn ngừng thuốc được hết nhé.

Lý do mình bị tiểu đường là do mình ăn đồ ăn nó đổi qua chất đường nhiều quá, thì mình phải tránh những đồ ăn đó. Cơm nè, bún nè, bánh mì nè, …là những chất tinh bột ăn vô là nó đổi qua thành đường. Mình phải dòm cả hai cách trị bệnh, một người mà, trẻ, khỏe, không bị tiểu đường, không bị mập, không bị áp huyết cao, không hút thuốc, không rượu chè nhiều thì cái cách ăn uống nó khác hơn những người đã bị bệnh. Tuấn chia ra như thế này, một người đã khỏe còn trẻ chưa bị bệnh gì hết mà không bị mập thì có thể ăn cơm, ăn bún, ăn bánh mì nhưng mà cố gắng ăn ít lại. Đừng có ăn bún và ăn bánh mì, cái đó là bột trắng làm ra, cái chất đường trong đó rất là cao. Còn ăn cơm thì đừng có ăn cơm trắng, ăn cơm gạo lức đi, tại vì cơm gạo lức khi mình ăn nó vẫn ra đường, nó ra chậm, người của mình điều khiển cái đường đó dễ hơn. Rồi ăn bánh mì thì mua multigrain để nó có những hạt đậu, ngũ cốc trong đó, nó lâu tiêu, thì khi lâu tiêu thì nó ra đường chậm. Đó là những người khỏe.

Nếu cực chẳng đã thì ăn cơm, nhưng mà ăn cơm gạo lức hoặc là ăn cơm Basmati của Ấn độ nhưng mà ăn ít, ăn một chén thôi. Rồi cộng theo đó ăn rau cải thật nhiều, ăn thịt cá nhiều.

CHÚ Ý: Trên đây chỉ là thông tin tổng quát mà thôi. Muốn biết cụ thể cho trường hợp của bản thân, quý vị cần gặp bác sĩ của mình.

Share