Chuyện Queensland: Đạo Cao Đài ở Brisbane

01 - Ông Phan Lương Quới (áo dài trắng) và ông Trần Công Thanh.jpg

Ông Phan Lương Quới (áo dài trắng) và ông Trần Công Thanh

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Ngày Rằm tháng Mười Âm lịch sắp tới, nhằm ngày thứ Hai 27/11, là một ngày rất quan trọng trong niên lịch của tín đồ đạo Cao Đài vì nó đánh dấu ngày Khai Minh Đại Đạo của tôn giáo này vào năm Bính Dần 1926.


Kính mời quý thính giả theo dõi cuộc mạn đàm giữa chúng tôi với hai chức sắc hàng đầu của đạo Cao Đài ở Brisbane là ông Phan Lương Quới và ông Trần Công Thanh về tôn chỉ, giáo lý cùng các sinh hoạt của tôn giáo này.

Hưng Việt: Xin kính chào ông Phan Lương Quới ạ.

Quới Phan: Xin kính chào anh Hưng Việt và cô Mỹ Dung cùng thính giả của đài SBS.

Hưng Việt: Xin kính chào ông Trần Công Thanh.

Thanh Trần: Xin kính chào anh Trần Hưng Việt và cô Mỹ Dung cùng thính giả của đài SBS ạ.

Mỹ Dung: Dạ xin chào hai anh. Đầu tiên hết thì xin hai anh cho biết sơ lược về lịch sử và ba ngày quan trọng nhất trong năm của đạo Cao đài.

Quới Phan: Những ngày quan trọng của Đạo Cao Đài là những ngày ở trong năm đầu tiên các vị tiền bối trong Cao đài đã ghi được để làm những nét căn bản của đạo Cao đài ở tại Việt Nam. Ngày thứ nhất là đêm giao thừa năm Bính Dần 1926, đức Thượng đế giáng cơ ra lệnh khai đạo cao đài tên là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Ngày 23 tháng 8 năm Bính Dần thì các vị tiền bối của đạo Cao đài họp với nhau ở vùng Cầu Kho của Saigon để lập một tờ thông báo cho chánh quyền Pháp là bắt đầu khai sinh ra một nền tôn giáo mới để hoạt động ở tại Việt Nam và trên toàn thế giới, gọi là ngày khai tịch đạo. Rồi kế đến rằm tháng 10 năm Bính Dần thì các vị tiền bối đó mới mở một đại hội để ra mắt quốc dân đồng bào ở tại Việt Nam tại thánh thất Gò Kén vùng Tây Ninh.

Hưng Việt: Dạ, bây giờ mình vượt thời gian cho tới lúc mà người Việt mình sang đến nước Úc này thì thưa hai anh trước nhứt là anh Quới có thể cho biết sự thành hình của cơ quan Liên lạc Cao Đài Hải ngoại?

Quới Phan: Năm 1980 thì tui từ Việt Nam qua Úc châu mục đích thứ nhất là tỵ nạn thứ nhì là mình muốn đem cái đạo mình ra nước ngoài. Thời buổi đó tôn giáo ở Việt Nam hoạt động không có được, rất là khó.

Tôi là một người chức sắc Cao Đài, hoạt động của tôi lúc đó bế tắc thành thử tôi đúc sớ xin Đức Cao Đài Thượng Đế cho tôi đi để tôi đem mối đạo ra ở phía ngoài. Lúc đó tôi không biết cái chỗ nào mình tới mà cũng không biết ở đây có hay không. Thời gian đó mình vận động khai giáo, kêu gọi anh em họp lại để lập cái chổ để thờ tự cúng kiến. Thì cái Cơ quan Liên lạc Hải ngoại lập ra trong mục đích đó.

Tôi mới có một cái thông báo chánh thức đối với cộng đồng người tỵ nạn Việt Nam ở tại Úc Châu để cho mọi người biết rằng bắt đầu từ cái ngày đó chúng tôi có lập những văn phòng để vận động thành lập cho những cơ sở của Cao đài để cho người tín đồ Cao đài có cái nơi để mà thờ tự. Tháng Chín năm 1980 là chúng tôi thông báo khởi sự làm việc.

Hưng Việt: Riêng phần anh Thanh, cái tổ chức của anh có danh xưng là gì và sự thành hình của cái tổ chức đó là vào năm nào và dưới hình thức nào?

Thanh Trần: Kính thưa anh Trần Hưng Việt, Thánh thất Cao đài của Tòa Thánh Tây Ninh ở tại Brisbane này được hình thành theo Pháp Chánh truyền của Tân luật của Đại Đạo Tam kỳ Phổ độ. Chúng tôi cũng dựa theo những huấn lệnh và những cái việc làm của bên hành chánh đạo để mà thành lập ra cái thánh thất này.

Đạo Cao Đài bị bản án Cao Đài năm 1986 đã ra lệnh là phải dẹp cái hành chánh đạo từ trung ương cho tới địa phương. Thành ra chúng tôi ở Việt Nam lúc đó không có cái hành chánh đạo hoạt động được nữa. Có lẽ Đức Hộ Pháp đã nhìn thấy được cái tương lai của đạo như thế nào thành ra ngài có ra cái thánh lệnh 257. Thánh lệnh đó được ban hành vào ngày 10/3/1957 của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đưa ra. Trong thánh lệnh này nói rất là rõ nếu mà hành chánh đạo mà có bị cốt đi từ Trung ương và những vị chức sắc có bị bắt, bị đày đi đâu thì tất cả ban trị sự sẽ bầu chọn lại cái người nào mà có uy tín và có khả năng để tiếp tục hành đạo. Dù bị dưới hình thức nào thì cái đạo nó vẫn còn sống còn, và cứ mọc rễ mọc chồi, nó cứ nảy mầm liên tục.

Trước khi đi ba tôi có nhận được cái lệnh bằng miệng của những vị chức sắc ở tại tòa thánh Tây Ninh đi qua đây để mà lập đạo và giữ đạo. Khi qua đây, thì thân phụ của tôi là ông Đầu tộc Trần Công Tâm, hai ngày sau là ông thành lập cái sinh hoạt đạo ở tại nhà rồi, thì cái cơ sở đầu tiên là ở 99 đường Creek Road ở Mt Gravatt. Cho đến năm 1988 thì dời về số 50 đường Hampton ở Durack. Lúc đó là cái sinh hoạt đạo nó trở thành nó đông đảo và có giấy phép của bên Bộ Tư Pháp cấp. Rồi cho đến năm 1989 Đạo mới mua được cái nhà ở 69 Serviceton ở Inala. Rồi từ đó sửa sang, kiến thiết trở lại để được một cái thánh thất như ngày hôm nay.

Hưng Việt: Rồi bây giờ xin nhờ anh giải thích dùm, bình thường nghe nói là Đại Đạo Tam kỳ Phổ độ, thưa anh Tam kỳ là gì? Phổ độ là sao?

Thanh Trần: Thưa anh Tam Kỳ Phổ độ ở đây là ba thời kỳ. Khi mà Đức Chí Tôn xuống để dạy dỗ cho con người về cái cuộc sống tâm linh, thì có ba kỳ, thời kỳ thứ nhất là Nhiên Đăng Cổ Phật. Thời kỳ thứ hai là Thích giáo, Nho giáo và Khổng giáo. Và thời kỳ thứ ba là hình thức của Đạo Cao Đài nên gọi là Tam Kỳ Phổ Độ.

Và mục đích của thời kỳ thứ ba này Đức Chí Tôn không có xuống bằng cái hình thức của con người nữa, mà xuống bằng hình thức tượng trưng thôi. Đại Đạo Tam kỳ Phổ độ mục đích là lấy con người làm chính và dùng chữ Phổ độ làm cứu cánh để mà thực hiện hành động của đạo. Phổ độ ở đây là phổ độ vạn linh - tất cả những sinh vật, con người, cây cối, súc vật. Và khi phổ độ vạn linh như vậy thì trong đó có chính mình. Đạo Cao Đài là một tổ chức hành chánh đạo từ trên xuống dưới rất chặt chẽ, có Bát Quái Đài, Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài thì giống như ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp ở ngoài đời.

Phương châm hành động của đạo Cao Đài có năm điểm chính: gia cư, mưu sinh, giáo huấn, kiến thiết và tôn giáo. Đến cái độ mà trước năm 1975, quý vị đi vô vùng chu vi của Tòa Thánh Đạo, quý vị rớt một đồng không ai lượm. Và có thể mở cửa ngủ, cũng không có ai mà vào lấy trộm. Cái chiếc xe có thể để ngoài đường bao lâu thì bao lâu. Rồi trong gia cư vẫn nhau giúp đỡ với nhau, liên hệ với nhau để mà sống.

Quới Phan: Tui xin bổ sung một chút. Đại đạo là con đường lớn, Tam Kỳ là lần thứ ba, Phổ độ là bày ra cho người ta xem. Tóm tắt là Một cái con đường lớn Thượng Đế bày ra cho thế giới xem lần thứ ba.

Mỹ Dung: Dạ, vậy hai anh có thể cho biết mục đích, tôn chỉ, lý tưởng và lập trường của Đạo Cao Đài là như thế nào không hả anh?

Quới Phan: Tóm tắt cái lý tưởng đạo Cao đài:

Đồng tin nhận Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế Tá danh Cao Đài Tiên ông Đại Bồ Tát Ma ha tát là cha chung của nhân loại và là thầy chung của tất cả môn đồ trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, tức là Đạo Cao Đài.

Một cái điểm thứ hai nữa là đồng tin nhận các tôn giáo có cùng một nguồn cội phát sinh nơi Đức Thượng Đế vì sứ mạng cứu thế.

Thì hai điểm này nói lên là con người có cùng một cha, tức là anh em với nhau, thì đối xử với nhau phải có tình, không có được kỳ thị. Còn những người trong Đạo Cao Đại dầu cho ở cái môn phái nào thì cũng là tín đồ Đại Đạo Tam Kỳ phổ độ.

Thanh Trần: Mục đích của đạo Cao đài để giải quyết những vấn nạn của một cái xã hội hiện tại bây giờ để tạo một cái nền văn minh mới. Đạo Cao đài có một lập trường rất là rõ ràng đó là phải xây dựng một tôn giáo và một xã hội dân chủ về hình thức về tinh thần.

Đạo Cao đài có hai cái hội Thánh: một là hội thánh chính lo về hành chánh đạo và một bên gọi là hội thánh phước thiện để giúp cho những người đạo có nơi ăn, chốn ở, có việc học, có công việc làm, đời sống của họ sẽ tốt hơn, ngay cả những quan hôn, tang tế và tất cả cái đó đều là miễn phí hết.

Hưng Việt: Thưa hai anh, ở bên đạo Phật cũng như bên đạo Công giáo thì thường có những cái buổi lễ để cho Phật tử hay là những tín đồ Công giáo tới để mà cầu nguyện v.v… Đạo Cao đài có những buổi cầu nguyện như vậy hay không và với ai?

Thanh Trần: Thưa anh Việt, đạo Cao đài lấy hình tượng Thiên Nhãn, coi đó là hình tượng của tôn giáo. Mà cái hình tượng này đã được phát hiện từ ngài Ngô Minh Chiêu người đệ tử đầu tiên của Đức Chí Tôn, quận trưởng của Hà Tiên. Khi mà Ngài cầu cơ thì Ngài đã thấy được một cái ánh sáng của một con mắt trong buổi chiều rất là sáng thì coi như đó là cái hình tượng.

Nhãn thị chú tâm,
Lưỡng quan chủ thể
Quang thị Thần
Thần thị Thiên
Thiên giả ngã giả

Nhãn thị chủ tâm tức là đôi mắt đó nó làm chủ của cái tinh thần và cái trái tim, cái tâm tư của con người về tinh thần. Lưỡng quan chủ thể hai cái ngôi đó, nhập lại là một. Thần thị thiên, tức là thần là trời. Thiên giả ngã giả là trời, chính là ta đây. Ý nghĩa của thiên nhãn là như vậy.

Còn cái vấn đề mà cầu nguyện thì một là cầu tại tư gia, rồi một nơi nữa là thánh thất. Thì ở tư gia đó thì khuyến cáo tất cả các đại đệ tử thì phải cúng tứ thời, tức cúng, đọc kinh bốn lần trong một ngày, buổi sáng 6g, buổi trưa 12g, buổi chiều là 6g, và 12g khuya. Còn nếu mà trong một tháng như vậy thì người đạo hữu phải đến thánh thất tại địa phương đó ít nhứt là hai ngày mùng 1 là ngày sóc, và ngày rằm ngày vọng.

Chúng tôi chỉ dựa lại những cái tân luật, cái thi văn đại đạo Đức Chí Tôn đã dạy đó rồi chúng tôi từ theo đó mà giảng dịch ra để cho anh em hiểu chứ mà nói mà để mà giảng thì ở đây chưa có đủ khả năng để mà làm cái việc đó. Mình ngồi để đàm đạo, xây dựng với nhau, tạo cho một cái sinh hoạt của đạo đây.

Quới Phan: Là do cái nhu cầu, khả năng của địa phương thì sinh hoạt như vậy. Nhưng mà cái sinh hoạt truyền thống của đạo Cao Đài ở tại Việt Nam thì cái bửa cúng là đặc biệt chiêm ngưỡng Đức Chí Tôn. Đặc biệt là ngày sóc ngày vọng người ta tụ tập lại cái thánh thất. Cũng cúng như vậy mà có nhạc lễ. Sau cái phần mà cúng kiến theo nghi thức, có khi hội thánh người ta có lựa ra những bài Thánh giáo đọc để nhắc nhở những người tín đồ, ngoài hình thức mà như vậy, có khi tổ chức những buổi giảng giáo lý hay là sinh hoạt giáo lý.

Hưng Việt: Thưa các anh có thể cho biết những cái sinh hoạt tiêu biểu nào mà Cơ quan Liên lạc Cao Đài Hải Ngoại đã thực hiện?

Quới Phan: Cái sinh hoạt mà chúng tôi nỗ lực nhứt là bảo lãnh và bảo trợ người tỵ nạn Việt Nam. Mình giúp đỡ mấy người đó từ kiếm nhà cửa, rồi cho mấy đứa con học hành, rồi đi xin tiền nọ kia đủ thứ.

Chương trình kéo dài khoảng chừng 15 năm, lãnh qua được khoảng chừng 7,000 người Việt Nam, tui không nói Cao Đài nha. Ở tại Brisbane này đó chính tôi đích thân săn sóc mấy vị đó khoảng từ 700 cho tới 1,000 người.

Thanh Trần: Thưa anh Việt, chúng tôi cũng ở trong trại tỵ nạn thành ra hiểu được cái tâm tư, cái hoàn cảnh cái đời sống và cảm giác người tỵ nạn thế nào nên khi đặt chân đến Úc thì ba tôi nói phụ để mà vận động bảo lãnh những người đạo của mình qua đây. Chúng tôi bảo lãnh được 317 gia đình từ năm 1986 cho đến 1993. Chúng tôi tự trong đạo, tự chi ra, tự lo, tự chăm sóc những người bảo lãnh vào đây, lo chỗ ăn, lo chỗ ở và tìm việc làm cho họ. Chính vì nhờ cái điểm đó mà Sở Di Trú không có giới hạn cái con số cho tụi tui bảo lãnh qua đây.

Ngoài cái việc mà giúp đỡ cho những người đồng đạo những khi hữu sự hay có những điều gì khó khăn, bên cạnh đó chúng tôi cũng hỗ trợ cho Cộng đồng.

Hưng Việt: Cảm ơn anh. Thưa chắc hai anh có nhận thấy sự thiếu vắng của giới trẻ Việt Nam hay là không? Nếu có thì các anh có những cái biện pháp nào để mà khuyến khích giới trẻ tham gia vào sinh hoạt tôn giáo, riêng về đạo Cao đài hay không?

Thanh Trần: Thưa anh Việt, cái này cũng gần như là vấn nạn chung của cộng đồng người Việt của mình đây. Giới trẻ sinh ra ở đây họ sinh hoạt theo cái xã hội Úc, rồi suy nghĩ của họ đôi khi cũng khác với những cái suy nghĩ của lớp trước. Mà để cho lớp trẻ hiểu được cũng là một vấn đề khó khăn đó.

Nói như vậy không có nghĩa là mình làm không được, vẫn có làm được nhưng mà con số không có như ý mình muốn. Cái yếu tố quan trọng nhất là từ trong gia đình. Mấy em lớn lên trong cái nôi của đạo thì cha mẹ ráng gìn giữ cho con cái của mình nó theo đường hướng đó mà đi. Bên cạnh đó thì chúng tôi chỉ có việc hỗ trợ về vấn đề tài liệu, về những cái khó khăn của mấy em mà có thể không hiểu đủ thì chúng tôi sẽ giải thích thêm. Hiện tại ở thánh thất của chúng tôi cũng được cũng còn khoảng cỡ chừng được mười mấy em từ 9-10 tuổi cho tới 25-26 tuổi. Thì chúng tôi cũng đang ráng cố gắng để đào tạo những em này để gìn giữ cái mối đạo ở đây.

Hưng Việt: Các anh có những sinh hoạt gì, thí dụ như là cắm trại hoặc là tụ họp ca hát chung, chơi những trò chơi này kia hay không?

Thanh Trần: Thưa hồi trước lúc ba tôi còn sống thì có tổ chức một Đoàn thanh niên Đại Đạo ở trong đó gồm khoảng ba mươi mấy em có đồng phục đàng hoàng. Theo thể thức tôn giáo, các em tổ chức đi cắm trại, đi ra biển sinh hoạt với nhau, giống như tổ chức một hướng đạo vậy đó nhưng mà sau này rồi từ từ rồi cái cũng phai dần đi. Dự định trong tương lai tui cũng sẽ làm cái việc đó.

Quới Phan: Nếu mà đặt cái vấn đề tuổi trẻ để mà nó đi theo đạo thì cái đó là cái ưu tư chung của những tổ chức Cao đài thế giới gọi là cái thế hệ kế thừa. Thì cái đó là một cái vấn đề rất là trăn trở. Kế thừa cái gì? Nếu mà kế thừa cách cúng kiếng thì cái giới trẻ nó hổng có thích. Một, nó đọc kinh hổng được, thứ nhì nữa bắt nó quỳ ở trong cái chánh điện là hương khói rồi quỳ đau đầu gối mà hổng có thích cái gì hết thành thử nó hổng có muốn.

Hưng Việt: Chúng tôi xin thay mặt cho thính giả cảm ơn ông Phan Lương Quới và ông Trần Công Thanh rất là nhiều đã dành thời gian quý báu của hai ông để giải thích về lịch sử, cách sinh hoạt cũng như những cái lập trường mục đích của đạo Cao đài. Xin thành thật kính chúc hai ông được nhiều sức khỏe và đạo Cao đài sẽ luôn luôn được vững tiến trên con đường phục vụ nhân loại.

Quới Phan: Chúng tôi xin thành thật cảm ơn quý vị đến đây. Đây cũng là cái hình thức mà quý vị lưu tâm đến tôn giáo của người Việt Nam ở Hải Ngoại. Chúng tôi xin thay mặt cho tất cả những người tín đồ ở đây để mà cảm ơn và gửi lời cầu chúc đến quý vị và gia đình thân tâm thường lạc.

Thanh Trần: Chúng tôi đại diện cho Thánh thất Cao đài ở tại Brisbane này xin chân thành cảm tạ anh Việt và cô Dung đã cho chúng tôi có cơ hội để trình bày thêm cho quý thính giả hiểu được thêm về đạo cao đài.

Chúng tôi thay mặt cho toàn thể thánh thất xin cảm ơn anh và cô cũng như quý thính giả, cầu nguyện đức ơn trên phù hộ cho tất cả mọi người được bình yên.

Mỹ Dung: Dạ cảm ơn hai ông.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung



Share