Chuyện Queensland: Đại hội CĐNVTD Liên Bang Úc châu

11 – Tân BCH liên bang (từ trái) Bs Nguyễn Anh Dũng, ông Lê Công, cô Nguyễn Tuyết Linh, cô Nguyễn Thụy Vi, cô Lê thị Thu Trang.jpg

Tân BCH CĐNVTD Liên bang (từ trái) Bs Nguyễn Anh Dũng, ông Lê Công, cô Nguyễn Tuyết Linh, cô Nguyễn Thụy Vi, cô Lê thị Thu Trang.

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Đại hội Cộng đồng Người Việt Tự do Liên bang Úc châu lần thứ 26 diễn ra ở Brisbane trong ba ngày 8, 9 và 10/9 đã bầu ra tân ban chấp hành cho nhiệm kỳ 2023-25.


Ngày 8/9, các phái đoàn cùng quan khách Úc Việt, tổng cộng khoảng 150 người, đã được bà Jessica Pugh, dân biểu tiểu bang đơn vị Mt. Ommaney, đại diện cho bà Thủ hiến Annastacia Palaszczuk, khoản đãi một buổi tiếp tân trong phòng khánh tiết của quốc hội tiểu bang.

Bác sĩ Bùi trọng Cường, chủ tịch Cộng đồng người Việt Tự do (CĐNVTD) tiểu bang QLD, đã đọc diễn văn khai mạc và cảm ơn các đại biểu cùng các nhà tài trợ. Tiếp theo là ông Lê Công Chủ tịch Cộng đồng ACT và quyền Chủ tịch liên bang phát biểu.

Sau đó, lần lượt bà dân biểu Jessica Pugh, ông TNS Liên bang Paul Scarr của Queensland, ông David Crisafulli, lãnh tụ đối lập tiểu bang Qld và bà Sarah Hutton, nghị viên hạt Jamboree, đại diện cho ông Thị trưởng Brisbane đã có các bài diễn văn ca ngợi những thành quả mà cộng đồng người Việt đã đạt được trong gần 50 năm qua ở trên khắp nước Úc.

Sau phần tiệc trà, một số quan khách đã được bà dân biểu Jessica Pugh hướng dẫn đi thăm viếng trụ sở quốc hội tiểu bang.
04 – Bà dân biểu tiểu bang  Jessica Pugh, đại diện bà Thủ hiến Qld.jpg
Bà dân biểu tiểu bang Jessica Pugh, đại diện bà Thủ hiến Qld
Đúng 9 giờ sáng ngày 9/9, lễ khai mạc chính thức Đại hội Liên bang của CĐNVTD Úc châu năm 2023 đã diễn ra ở Trung tâm Sinh hoạt CĐNVTD QLD ở Darra với sự tham dự của khoảng 100 người, gồm có các quan khách, chính trị gia, các cơ quan sở bộ, các cộng đồng bạn, đại diện nhiều hội đoàn, đoàn thể người Việt ở Brisbane và đồng hương.

Đầu tiên, bác sĩ Bùi Trọng Cường đọc diễn văn giải thích ý nghĩa của Đại hội, có đoạn như sau:

BS Cường: Đại hội Cộng đồng người Việt Tự do liên bang được tổ chức mỗi hai năm để bàn thảo về những gì cần làm, sự liên tục vi phạm nhân quyền làm người ở Việt Nam, những vấn đề cần lưu tâm tại quê hương mới, những dị biệt khó khăn cần giải quyết trong cộng đồng người Việt chúng ta…

Tiếp theo, ông Lê Công, tuyên bố khai mạc đại hội.

Sau các bài diễn văn chúc mừng cho Đại hội được thành công, các quan khách – cũng giống như trong lễ liếp tân ngày hôm trước – đã được Bác sĩ Bùi trọng Cường thay mặt Linh mục Nguyễn Hữu Lễ hiện đang sinh sống tại Auckland, New Zealand, trao tặng quyển sách I Want To Live, dịch từ ấn bản Việt ngữ Tôi Muốn Sống mà Linh mục đã viết để tự thuật về những tháng ngày bị tù đày trong lao tù Cộng sản.

Một buổi ăn trưa đã được khoản đãi trước khi quan khách ra về để các đại biểu bắt đầu nhóm họp và làm việc trong một ngày rưỡi tiếp theo.
06 – Lãnh tụ đối lập Qld, ông David Crisafulli.jpg
Lãnh tụ đối lập Qld, ông David Crisafulli
Nhân cơ hội này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Công, vào thời điểm đó vẫn còn giữ chức quyền Chủ tịch Cộng đồng Liên bang, về những công tác và thành quả của tổ chức trong hai năm qua.

Hưng Việt: Dạ xin kính chào ông Lê Công.

Lê Công: Dạ Lê Công xin kính chào ông Trần Hưng Việt và tôi xin kính chào toàn thể thính giả của đài SBS.

Hưng Việt: Dạ thưa ông Công, trước hết thì ông đang là quyền Chủ tịch của Cộng đồng người Việt Tự do Liên bang Úc Châu, thì xin ông có thể cho biết một vài thành quả của Cộng đồng chúng ta trong hai năm vừa qua.

Lê Công: Dạ Lê Công served trong Cộng đồng người Việt Tự do liên bang Úc Châu nhiệm kỳ vừa qua và nói về thành quả thì chúng ta chỉ có những thành quả khiêm tốn tại vì đại dịch toàn cầu nó cũng gò bó, không cho mình làm những chuyện lớn lao hơn. Nhưng mà cụ thể những hoạt động, những sinh hoạt mà bắt buộc phải có thì chúng ta không bỏ qua được. Chẳng hạn như chúng ta vẫn tổ chức Mass Protest tức là cái cuộc biểu tình Quốc hận 30 tháng 4 năm nay và năm vừa rồi và mặc dù chúng tôi thiếu thốn phương tiện nhiều lắm, tại vì xưa nay là cái trợ lực mạnh nhất là từ Sydney mà vì những biến động ở Sydney cho nên Sydney không có ban chấp hành trong thời gian đó và Cộng đồng Liên bang phải trực tiếp đứng ra điều hành và vận động tất cả dụng cụ cần thiết, từ cờ phướng cho tới âm thanh, cho tới máy phát điện, sâu khấu lộ thiên, everything, nói cách khác là chúng tôi đã bắt đầu từ con số không năm ngoái để mà có một cuộc biểu tình và phải bỏ tiền túi ra thuê xe bus đưa đồng hương từ Sydney đi xuống Canberra mặc dầu sau đó đồng hương cũng đóng góp trở lại cho nên cũng rất là quý tại vì họ có tấm lòng. Năm vừa rồi, năm nay cũng vậy, chúng tôi cũng làm y theo như vậy và rất là thành công. Năm nay trời mưa rất là lớn, nhưng bà con đi dự rất là đông, và họ đã dầm mưa dãi nắng với chúng tôi từ lúc bắt đầu cho đến cái lúc mà mình bế mạc lễ truy điệu những chiến sĩ trận vong. Đó là những công tác chứ tôi không dám gọi là thành quả.

Những việc khác thì tôi đại diện cộng đồng liên bang để mà dự lễ Long Tân ở tại Canberra rất là lớn, dự lễ Long Tân của hội cựu quân nhân quân lực Việt Nam Cộng Hòa của mình ở New South Wales tổ chức. Chúng tôi cũng tham dự và support họ trong lễ 19/6 tức là ngày kỷ niệm Quân lực VNCH trong suốt hai năm.

Song song với hoàn cảnh đó thì tôi cũng cố gắng hết sức trong cái contact, cái network, cái mạng lưới mình biết để mà hàn gắn lại cái mối quan hệ rất là quan trọng giữa Tổng hội cựu quân nhân Úc và Tổng hội cựu quân nhân Việt Nam. Thực sự là mối quan hệ đó đã có suốt hơn ba bốn thập niên rồi. Chỉ có một cái là việc biến động ở Sydney, Hội cựu quân nhân Úc họ bị bối rối, không biết ai là người phải làm việc với họ và ai là những người họ phải tin tưởng.

Cũng vui là mình giải quyết được vấn đề mà cái cậu bé du học sinh Việt Nam Dương Đức Thịnh đã sỉ nhục cờ vàng của mình và qua những vận động thì cậu ta cuối cùng cũng bị trục xuất về Việt Nam.

Đi xa hơn nữa thì chúng tôi có một buổi thuyết trình gọi là Parliamentary Briefing ở trong Quốc hội vào tháng 6 vừa rồi. Những đề tài thuyết trình hôm đó chính là những đề tài mà đại hội kỳ này sẽ bàn thảo trở lại bao gồm thứ nhất chúng tôi gọi cái chủ đề là tiếng nói của người Úc gốc Việt về Geopolitic - chính trị địa lý ở tại trong vùng.

Và những đề tài bao gồm những thử thách của cộng đồng trong bối cảnh hiện tại, thì chúng ta sẽ ráng vượt qua cái thử thách đó để mà có một cộng đồng đoàn kết hơn, thống nhất hơn. Hay là ưu tư của giới trẻ người Úc gốc Việt ở tại Úc châu, Trưng cầu dân ý và The Voice sắp tới đây.

Hưng Việt: Dạ, cám ơn ông đã lược qua những công tác của cộng đồng liên bang trong hai năm qua cũng như cho biết sơ cái nghị trình của đại hội sắp tới.

Thưa ông chúng tôi để ý là trong đại hội này không có sự tham dự của một tiểu bang và của hai lãnh thổ thì thưa ông, cái sự vắng mặt đó nó có gây trở ngại gì cho những quyết nghị mà đại hội sắp sửa đồng ý để Cộng đồng Liên bang và các tiểu bang có thể cùng song hành để thực hiện hay không?

Lê Công: Thưa anh, trên căn bản thì nó không phải là trở ngại, nhưng mà nó không trọn vẹn. Mình cứ hình dung Cộng đồng người Việt Tự do ở tại Úc châu là một đại gia đình người Việt và bây giờ mình vắng mặt hai đứa con. Nhưng mà những đứa con còn lại vẫn tiếp tục cuộc hành trình bắt buộc phải có đó. Và biết đâu chừng trong nay mai thôi hai đứa con còn lại sẽ come back và mình là một đại gia đình trở lại. Tôi hy vọng rằng sự vắng mặt của Bắc Úc và Wollongong chỉ là vấn đề tạm thời thôi, chứ không phải là vấn đề vĩnh viễn.

Tại vì ngày xưa khi mà chưa có liên bang thì chúng ta cũng chỉ có những cộng đồng ở mỗi tiểu bang, lãnh thổ. Rồi chúng ta mới dùng phương pháp gọi là ba cây chụm lại là thành hòn núi cao, mới có hệ thống Liên bang một cách thống nhất. Bây giờ chúng ta không nhìn hai liên bang không tham dự đại hội mà chúng ta nhìn lại là những người còn lại tham dự đại hội. Nó như là nửa ly nước đầy thay vì nửa ly nước bị lưng. Cho nên chúng tôi thay vì vẫn nuôi cái niềm hy vọng vẫn giữ positive mind để mà tiếp tục đi tới.

Hưng Việt: Nếu như mà ông được tín nhiệm để mà đảm nhận cái vai trò chủ tịch cộng đồng liên bang thì ông có những cái phương cách nào để ông mang “hai đứa con” mà ông đề cập đó trở về với đại gia đình Cộng đồng người Việt Liên bang?

Lê Công: Dạ, tôi nghĩ rằng cái phương cách hiện tại bây giờ là một khái niệm thôi tại vì nếu có đáp số thì cái chuyện đó đã không xảy ra và đã được giải quyết rồi. Tôi sẽ trở lại thời gian đầu khi mà mình chưa có hai đứa con đó hoặc là có mà chưa phải là hệ thống liên bang. Tôi sẽ hỏi thăm quý vị tiền nhiệm của chúng tôi, những quý vị sáng lập viên của cộng đồng liên bang và tôi sẽ dùng ý kiến của họ cộng với lại kiến thức tổng quát cũng như kinh nghiệm làm việc cộng đồng của tôi.

Và chắc chắn mình sẽ có một phương án đưa đến một giải đáp mình gọi là win-win, tức là tất cả đều thắng. Và tôi nghĩ rằng Wollongong và Bắc Úc, họ cũng như tôi, là những người phục vụ cộng đồng với trái tim. Và chắc chắn trước sau gì thì họ cũng phải đặt quyền lợi của đoàn thể trên hết. Và khi làm như vậy thì mình giải quyết vấn đề rất là dễ thưa anh.
01 - Bác sĩ Bùi Trọng Cường.jpg
Bác sĩ Bùi Trọng Cường, Chủ tịch CĐNVTD Queensland
Đến 6 giờ tối Chủ nhật 10/9, một buổi tiệc bế mạc liên hoan mừng sự thành công của kỳ Đại hội Liên bang lần thứ 26 đã được tổ chức tại nhà hàng Taste of Sinnamon.

Chúng tôi lại có dịp phỏng vấn ông Lê Công, lần này đã chính thức được bầu làm Chủ tịch Ban chấp hành CĐNVTD liên bang Úc châu, nhiệm kỳ 2023-2025.

Hưng Việt: Dạ, trước hết xin thành thật chúc mừng ông Lê Công đã chính thức đắc cử Chủ tịch của Ban Chấp hành Cộng đồng Người Việt Liên bang Úc Châu nhiệm kỳ 2023 – 2025

Lê Công: Dạ xin cảm ơn ông Trần Hưng Việt. Tôi đã may mắn được tất cả mọi người tín nhiệm ở đại hội.

Hưng Việt: Dạ, thưa ông có thể cho biết được thành phần của Tân ban chấp hành nhiệm kỳ này hay không ạ?

Lê Công: Dạ, thưa anh, thành phần ban chấp hành Cộng đồng Liên bang thì nó cũng giống như những tiểu bang thường thường là năm vị trí bắt buộc phải có.

Tân Chủ tịch là cá nhân của Lê Công ở Canberra, Phó Chủ tịch Ngoại vụ là Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng là Chủ tịch Cộng đồng người Việt Tự do ở WA, Phó Chủ tịch Nội vụ là một phụ nữ. Lần đầu tiên mình có phụ nữ cô Nguyễn Tuyết Linh ở Queensland, và mình cũng có một phụ nữ nữa đóng vai trò là tổng thư ký cho liên bang và cô này rất trẻ, tên là Thúy Vy, hiện tại cô là phó chủ tịch ngoại vụ cho Cộng đồng người Việt Tự do Victoria. Và sau cùng là cô Lê Thu Trang cũng đang ở trong ban chấp hành Cộng đồng người Việt Tự do ở WA. Cho nên chúng tôi rất là mừng vì mình có một cái Ban Chấp hành đó liền mà đặc biệt là có ba phụ nữ mới hoàn toàn và họ đến từ ba nơi tiểu bang khác nhau ở tại Úc Châu.

Hưng Việt: Thưa, cảm ơn ông, như vậy là thành phần rất là hùng hậu. Bây giờ mình nói về đại hội của Cộng đồng Liên bang trong hai ngày vừa qua. Thì thưa ông, ông có thể cho biết một cách tổng quát là Đại hội đã bàn về những cái điều gì và đã đạt được những cái kết quả gì?

Lê Công: Dạ thưa anh, Đại hội đã có những cái thảo luận rất là sâu và rất chi tiết trong hai ngày liên tục và chúng tôi đã rút ra những số quan điểm mà đồng thuận, gồm có năm điểm tổng cộng và chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện ở cấp liên bang và tiểu bang trong hai năm sắp tới. Tôi không nhớ từng chữ một, nhưng mà cụ thể là cộng đồng liên bang sẽ cùng với các tiểu bang sẽ cố gắng thành lập những ủy ban đặc trách, những kế hoạch có tính cách chuyên môn ở cấp liên bang.

Trong tương lai khi mình vận động hay là mình làm kế hoạch gì cho cộng đồng, ở cấp liên bang thì mình phải cần sự tham vấn và cố vấn, yểm trợ của những người có khả năng chuyên môn thì nó mới dễ thành công hơn. Đó là điểm một.

Điểm thứ hai là sẽ cố gắng liên lạc với chính giới để đặt vấn đề với họ nhờ họ quan tâm cao hơn với hiểm họa Trung cộng và an ninh quốc gia. Nếu có thể được thì mình có thể truyền bá hay là phổ biến những quan tâm đó cho giới trẻ ở cấp trung học hay là cho quần chúng.

Điểm thứ 3 đề cập tới vấn đề nội quy của cộng đồng liên bang nên tu chỉnh một cách thường xuyên hơn ở mỗi đại hội. Ngay cả không có gì để tu chỉnh thì ít nhất mình cũng phải review nó. Dạ, thì đó là những cái điểm sơ khởi chúng tôi sẽ phổ biến cái quyết nghị đó ra rõ ràng hơn.
08 - Đại hội đang nhóm họp.jpg
Đại hội đang nhóm họp
Hưng Việt: Có một điểm mà tôi xin được hỏi ngay lúc này là đại hội có chú tâm vào những hoạt động cho giới trẻ tức là thế hệ hậu duệ sắp sửa tiếp theo cho cộng đồng của chúng ta hay không ạ?

Lê Công: Dạ thưa anh chắc chắn đó là một đề tài cũng khá rộng cho đại hội của mình.

Chúng tôi muốn biết giới trẻ muốn cái gì, làm thế nào để cộng đồng có thể đáp ứng được nhu cầu của họ với hy vọng là họ sẽ đến nhiều hơn với cộng đồng. Vì chúng ta muốn trẻ trung hóa cộng đồng nếu có thể được và trước khi mình đạt được cái điểm đó mình phải mời họ đến với mình đã. Họ phải tin tưởng mình và mình phải sẵn sàng truyền đạt lại tất cả những kinh nghiệm sẵn có và họ có thể sử dụng nếu họ muốn còn không thì họ chỉ dùng cái kinh nghiệm riêng của họ. Đường nào cũng được miễn sao là họ đến với mình, họ có tinh thần, có cái giá trị đạo đức căn bản của cá nhân và cái tinh phần phục vụ là mình vui rồi, rồi mình đứng bên cạnh yểm trợ họ.

Hưng Việt: Cảm ơn ông, ông có đề cập tới chuyện là mời giới trẻ tới để mà mình có thể giới thiệu những sinh hoạt của cộng đồng nhưng mà bằng cách nào các anh gọi họ tới bởi vì giới trẻ thường rất là ngần ngại tham gia vào những sinh hoạt của cộng đồng theo chỗ chúng tôi nhận thấy.

Lê Công: Dạ, anh nói không sai, cái đó chính xác 100%. Như anh biết rồi, những công văn ở level của quyết nghị thì nó thường thường là những viễn kiến và những cái mình muốn làm, nhưng mà làm bằng cách nào thì nó sẽ tùy thuộc vào phương tiện và điều kiện ở mỗi địa phương vào thời điểm đó, và cái how đó, nó còn khó what nhiều. Một trong những cái how mà chúng tôi bắt buộc phải làm là phải tiếp xúc trực tiếp với giới trẻ và phải lắng nghe họ muốn cái gì trước đã, sau đó mình mới cân nhắc, mình mới giám định được cái đó nó có khả thi hay không. Nhưng mà nói một cách khác, mình phải là provider và họ chính là cái người client. Họ phải provide cho mình cái information on cái nhu cầu thì mình mới có thể cung ứng được. Thì đó là two-way conversation.

Hưng Việt: Cảm ơn ông. Ông có dự định là sẽ đi thăm viếng các tiểu bang để tiếp xúc với đồng hương nhiều hơn hay không?

Lê Công: Dạ chắc chắn, trong điều kiện sẵn có của tôi thì đó cũng là ước mơ của tôi đấy. Nếu mà tôi có thể là một cái nhịp cầu để mà nối kết tiểu bang này với tiểu bang kia hoặc làm một cái cặp lỗ tai để lắng nghe họ để rồi mình có thể chia sẻ với người liên bang mình áp dụng thì cái đó là một trong những hoài bão mà tôi muốn làm.

Hưng Việt: Thưa cảm ơn ông tân Chủ tịch Công đồng Liên bang Úc Châu, Lê Công rất là nhiều. Thành thật cảm ơn ông, chúc mừng ông và chúc ban chấp hành liên bang sẽ đạt được rất nhiều thành công và thắng lợi trong nhiệm kỳ 2023-2025.

Lê Công: Xin cảm ơn ông Trần Hưng Việt và SBS Radio.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung
09 – Quang cảnh nhóm họp của Đại hội.jpg
Quang cảnh nhóm họp của Đại hội

Share