“Chính phủ Úc nhân đạo, nền tư pháp cởi mở, tôn trọng quyền hút chích”

Used syringes (AAP)

Used syringes (AAP) Source: AAP

Một nhân viên xã hội có hơn 20 năm tư vấn cai nghiện ma túy cho rằng khi tư duy theo văn hóa Việt Nam và không đặt nó vào nền tư pháp dân chủ và nhân đạo của Úc, sẽ không thể hiểu được ý nghĩa của phòng chích ma túy công cộng. Ở Việt Nam, người nghiện hút là “cặn bã xã hội, tội phạm”, còn ở Úc, họ là con người được chính phủ tôn trọng.


Ông Tường Nguyễn, nhân viên tư vấn cai nghiện rượu và ma túy của chia sẻ với SBS Việt ngữ những ngộ nhận và khác biệt về văn hóa Việt và Úc trong cách tiếp cận với những người nghiện ma túy.

“Chính phủ Úc nói riêng và Bộ y tế nói chung luôn theo đuổi chiến lược “harmonization” trong việc hỗ trợ người nghiện ma túy. Trong đó tập trung giảm đi sự tổn hại của việc dùng ma túy cho cá nhân người nghiện, xã hội và việc tiêu thụ ma túy”, ông Tường Nguyễn nói với SBS.

Hầu hết những người chết do sử dụng ma túy là dùng thuốc quá liều.

“Thống kê trong năm 2016, có 2177 người chết do rượu và ma túy tại Victoria, trong đó tỷ lệ chết vì sử dụng thuốc quá liều lên đến 70%. Do đó, phòng chích được giám sát y tế do chính phủ thử nghiệm đã ra đời, với mục tiêu cứu sinh mạng của những người Úc này”.

Là một người làm việc lâu năm trong lĩnh vực phục hồi nhân phẩm và hỗ trợ cho người nghiện ma túy, ông Tường Nguyễn hiểu rằng quan điểm của chính phủ và cộng đồng người Việt rất khác nhau.

“Nhiều phụ huynh có con cái nghiện ma túy đến gặp tôi và than thở rằng tại sao nền tư pháp Úc và chính phủ Úc lại quá dễ dãi với người chơi ma túy”.

Chúng ta sẽ không thể hiểu được ý nghĩa của phòng chích nếu như không đặt nó vào nền tư pháp dân chủ và nhân đạo của Úc, và tiếp tục tư duy theo văn hóa Việt.
“Tại Việt Nam, sử dụng ma túy có thể bị bắt ngồi tù, đi cải tạo. Còn tại Úc, việc dùng ma túy được luật pháp cho phép. Chính phủ Úc tôn trọng quyền sử dụng ma túy của mọi người". Ông Tường Nguyễn-Nhân viên tư vấn cai nghiện Hội phụ nữ Việt Úc
“Chiến lược của chính phủ là bảo vệ an toàn cho người sử dụng ma túy. Nếu không có phòng chích, những người hút chích sẽ chia sẻ kim tiêm, ống chích bên ngoài hè phố. Việc này tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh nghiêm trọng như viêm gan siêu vi B và C, HIV, AIDS.

Chính phủ đang khuyến khích những người nhiễm bệnh viêm gan siêu vi C đến các trung tâm y tế để điều trị miễn phí, mặc dù để điều trị khỏi bệnh cho một người có thể lên đến hàng chục ngàn đô la. Chính phủ muốn hướng tới việc chấm dứt hoàn toàn căn bệnh viêm gan C trong cộng đồng.

Hầu hết những người nghiện ma túy đều bị viêm gan siêu vi C”, ông Tường Nguyễn chia sẻ với SBS.

Do đó, việc mở ra phòng chích cũng góp phần can thiệp và ngăn các căn bệnh truyền nhiễm này phát tán trong cộng đồng, tiếp tục tạo ra gánh nặng lên hệ thống y tế công của chính phủ và tiền thuế của người dân.

Ông Tường Nguyễn nhấn mạnh quan điểm của nền văn hóa Việt và Úc rất khác biệt trong việc đối xử với người nghiện ma túy.

“Tại Việt Nam, sử dụng ma túy có thể bị bắt ngồi tù, đi cải tạo. Còn tại Úc, việc dùng ma túy được luật pháp cho phép. Chính phủ Úc tôn trọng quyền sử dụng ma túy của mọi người.

Tuy nhiên hoạt động mua bán ma túy là vi phạm pháp luật. Nếu mua bán với số lượng lớn, có thể ngồi tù. Nhưng nếu chỉ bán số lượng nhỏ, có thể chỉ phải hầu tòa, rồi làm các công việc cộng đồng, chứ không bị bắt giam”.

Mời quý vị nghe nguyên văn phần phỏng vấn trong audio phía trên.



Share