Câu chuyện của một người Việt tị nạn và hành trình vượt qua bi kịch tuổi thơ để kết nối với cội nguồn

TDL Photo.jpg

Credit: SBS Vietnamese/Supplied

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Những câu chuyện về người Việt tị nạn luôn muôn màu muôn vẻ. Bước lên con thuyền định mệnh, bỏ lại tất cả phía sau để bắt đầu cuộc sống mới ở Úc, một hành trình đầy mất mát và thương đau mà không phải ai cũng vượt qua được.


Lương Đắc Thắng, một tác giả sách người Việt thế hệ thứ hai, là người đã trải qua những tổn thương từ sự chia cắt gia đình, nhưng đã kiên trì để tìm lại sự kết nối với gia đình và nguồn cội.

Tìm đến chuyện cổ tích như một cách để viết lên những trăn trở, những niềm tin và hy vọng, Lương đắc thắng viết cuốn truyện ngắn đầu tiên có tựa đề “Sói tị nạn”, và nay đã tiếp tục nhận được quỹ tài trợ để tiếp tục hành trình viết sách của mình.

SBS Tiếng Việt trò chuyện với anh Lương Đắc Thắng.

Lương Đắc Thắng (LĐT): Ba của tôi, ông ấy là một ký giả trong thời Chiến tranh Việt Nam, ông ấy làm việc cho một tờ báo tên là Sài Gòn Mới vào năm 1971. Và khi chúng tôi đến Úc trong tư cách là người tị nạn, ông ấy luôn để giấy tờ tùy thân của mình ở khắp nơi, trong phòng khách hoặc bàn bếp hoặc bất cứ nơi nào. Tôi đã không thực sự hiểu ý nghĩa của tất cả những điều đó khi tôi lớn lên, tầm quan trọng của danh tính và nghề nghiệp của ông ấy.

Khi đến Úc vào tháng 6 năm 1975, chúng tôi là những người đầu tiên trong số vài trăm người đến Sydney. Và đó là vì cha tôi, ông biết mình không có nhiều tương lai ở Việt Nam khi là một ký giả. Vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông biết có một chiếc thuyền rất lớn rời Sài Gòn, và đó là một chiếc thuyền rất nổi tiếng, tên là Trường Xuân, trên thuyền này có 3,628 người.

Và khi chiếc thuyền đó rời Sài Gòn, chúng tôi biết rằng buồng máy có rất nhiều vấn đề, có rất nhiều nước trong đó, và thuyền trưởng đã gửi một thông điệp khẩn cấp, và rất may mắn, vài giờ sau, một chiếc thuyền Đan Mạch cập mạn thuyền. Có rất nhiều người khác nhau trên thuyền của chúng tôi, có binh lính, có cảnh sát, có giáo viên, có nhiều gia đình, có bác sĩ, có linh mục Công giáo, có các nhà sư Phật giáo, về căn bản chúng tôi có cả một ngôi làng trên thuyền của mình.

Mẹ tôi nói rằng chúng tôi rất may mắn, mẹ đã cầu nguyện rất nhiều, và vào ngày 2 tháng 5, đó là lúc chúng tôi được chiếc thuyền lớn hơn cứu, và sau đó hai ngày, chúng tôi đến Hồng Kông với tư cách là những người tị nạn đầu tiên đến Hồng Kông. Sáu tuần sau đó chúng tôi đã đến trên chiếc Qantas 747, đến Sydney.

Lúc đó anh bao nhiêu tuổi?

LĐT: Tôi mới hơn bốn tuổi, và tôi có một ký ức mà sau này tôi đã hỏi lại mẹ, nói với mẹ rằng “con nhớ ba đứng trên con thuyền Trường Xuân lớn này, và con nhớ có ai đó đã chĩa súng vào đầu cha”, và tôi đã rất sợ hãi, và mẹ tôi nói rằng tôi đã nhớ đúng. Bà nói những gì đã xảy ra là có rất nhiều sự nhầm lẫn, mọi người cố gắng lên con thuyền. Còn ba tôi, ông ấy là người có thể rất nhanh rơi vào tranh cãi với người khác. Và tất cả những gì tôi có thể thấy là hình ảnh ông rất đau khổ, và đó là cảm giác sợ hãi và tổn thương sớm nhất của tôi, và ký ức đó sẽ tồn tại mãi với tôi.

Là một hình ảnh quá khủng khiếp để chứng kiến khi anh còn nhỏ như vậy, và sau đó, may mắn thay, cuối cùng cả gia đình anh đã định cư ở Sydney?

LĐT: Từ khoảng năm 1975 đến năm 1999, chúng tôi lớn lên ở phía tây Sydney, và vào thời điểm đó, đó là một khu vực rất đa văn hóa, có nhiều gia đình người châu Âu ở đó, các gia đình Trung Đông, người Việt Nam, người Việt Nam gốc Hoa nữa, họ là cũng là những người tị nạn, và chúng tôi lớn lên ở Stanmore, ở Marrickville, ở Peterson, chủ yếu là ở Marrickville, khu vực này là bán công nghiệp, có rất nhiều tầng lớp lao động, có rất nhiều nhà máy và rất nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ.

Ba tôi, ông không kiếm được việc làm trong khoảng 10 năm đầu tiên, ông dường như trầm cảm, và ông cũng đã già, ông không phải là một người tị nạn trẻ tuổi thông thường mà bạn biết, vào thời điểm năm 1975, ông đã khoảng 61 tuổi. Và điều rất buồn đối với tôi đó là ông ấy không thể dạy tôi tiếng Việt, ông ấy có vấn đề về sức khỏe tâm thần do nhiều tổn thương trong cuộc sống khi còn trẻ, ông bị ngược đãi khi còn nhỏ và trở thành vô gia cư trong độ tuổi thanh niên. Và khi tôi hỏi tất cả những câu hỏi này về ba tôi sau khi ông qua đời, cha tôi mất năm 2006, nó dần dần lộ ra rằng có một điều gì đó rất khác thường trong cuộc đời của cha tôi.

Ba mẹ tôi ly dị vào năm 1977, vài năm sau khi chúng tôi đến Úc tị nạn, và đó không phải là một trải nghiệm tốt đẹp cho cả hai bên. Mẹ tôi đã rất đau khổ bởi tất cả những gì đã xẩy ra, và dần dần theo thời gian, chỉ khoảng một năm trở lại đây, mẹ tôi mới có thể kể cho tôi nghe thêm về cuộc đời của ba tôi, nhưng bi kịch là chúng tôi không biết gì về gia đình ông ấy, ông ấy không có gia đình ở đây, chúng tôi không biết về bất kỳ người thân nào ở Việt Nam. Nó giống như cha tôi gần như là một con ma đối với tôi, và tôi gặp rất nhiều khó khăn để có mối quan hệ thân thiết với ba khi tôi lớn lên, vì tất cả những lý do này.

Trong khi ba của anh phải đối mặt với vấn đề sức khỏe tâm thần của chính ông ấy, còn anh thì hoàn toàn bị cô lập, không thể giao tiếp với ba, không có mối kết nối với họ hàng, anh đã trải qua tất cả những điều đó như thế nào?

LĐT: Trong bản thảo cuốn hồi ký mà tôi đang viết, tôi nói về việc cố gắng tìm lại chính mình, và giống như một số người Việt Nam, họ quyết định đến Việt Nam, họ cố gắng kết nối với gia đình, tôi không có những mối quan hệ trực tiếp đó. Giờ đây tôi có biết một chút về gia đình mẹ tôi, vì tôi đã thực hiện khá nhiều chuyến đi đến Việt Nam, nhưng để hiểu về phía ba tôi, nó gần như là một giấc mơ xa vời. Về căn cơ bản câu chuyện của tôi có một lỗ hổng trong trái tim tôi, vì tôi không có mối liên hệ nào với Việt Nam, thì làm sao tôi tìm thấy câu chuyện của mình.

Và sau đó tôi đã suy nghĩ rất nhiều về tầm quan trọng của truyện cổ tích, tôi nghĩ về những câu chuyện cổ tích phương Tây, và tôi đã bắt gặp một số câu chuyện cổ tích Việt Nam. Điều mà truyện cổ tích làm, là nó sử dụng trí tưởng tượng của chúng ta, để chúng ta kết nối với một nhân vật, và một số những nhân vật trong truyện cổ tích này, họ hoặc là những đứa trẻ bị bỏ rơi, ví dụ như Hansel và Gretel, hoặc câu chuyện về Cô bé Lọ Lem, thậm chí còn có một phiên bản Cô bé Lọ Lem của Việt Nam mà tôi biết, cô ấy đã bị ngược đãi ở nhà, tương tự như ba tôi.

Trong quá trình cố gắng hiểu mọi thứ, đôi khi tôi phải buông bỏ và nói, có những điều tôi không thể hiểu, và do đó tôi phải tiếp tục, tôi phải cố gắng hàn gắn, gắn kết với gia đình nhiều hơn, để hiểu rằng không phải mọi thứ đều hoàn hảo, và đôi khi không có cái kết như cổ tích. Mỗi câu chuyện cổ tích đều có một nhiệm vụ, nó có một hành trình tìm kiếm điều gì đó, tìm kiếm tình yêu, tìm kiếm sự kết nối , để chữa lành, và tôi vẫn cảm thấy rằng hành trình của mình lúc lên lúc xuông, và đối với bản thân tôi, tôi cũng phải nhớ chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình, bởi vì vào thời điểm tôi đang viết cuốn sách của mình, tôi đã khóc rất nhiều. Lý do chính khiến tôi khóc nhiều là vì khi còn nhỏ tôi luôn cố gắng không khóc, tôi không muốn cho ba biết rằng tôi có giữ liên lạc với mẹ, bởi ông đã không cho phép chúng tôi gặp mẹ nữa, điều đó rất khó khăn cho tôi và em gái tôi.

Và phải rất nhiều năm sau, rất, rất nhiều năm sau, khi tôi đã lớn hơn rất nhiều, ở độ tuổi cuối hai mươi, tôi mới nhận ra mình cần gặp mẹ, từ từ kết nối lại với bà ấy. Đó là một quá trình rất chậm vì chính bà đã trải qua quá nhiều trong quá khứ và rất khó để mở lại những ký ức đó.

Giờ đây thì anh cảm thấy thế nào về ba mình? Hành trình tìm lại sự kết nối của anh đã tiến triển ra sao?

LĐT: Cha tôi sống với tôi cho đến khi ông qua đời, nhưng đến cuối đời, chúng tôi vẫn không thực sự nói chuyện với nhau nhiều. Tôi đã có nhiều vết thương trong cuộc đời mình, và lý do chính khiến tôi bị thương, vết thương về thể chất, là vì tôi không muốn ở nhà khi còn nhỏ với ba, quá khó để ở cùng trong một căn phòng với ông ấy. Tôi ra ngoài, leo cây, ngã gãy tay, và khi tôi chơi cricket, tôi bị gãy mũi, và khi tôi tập taekwondo, tôi bị gãy ngón chân, và sau đó, tôi thậm chí còn bị thương nhiều hơn khi tập võ thuật nhiều hơn. Và tôi luôn đi ra ngoài, vì nhà đối với tôi không phải là một nơi an toàn.

Thỉnh thoảng chúng tôi được gặp bà con của mẹ ở Tây Nam Sydney, khoảng năm sáu năm, dì tôi, Đặng Lan, dì là một ca sỹ khá nổi tiếng, và thông qua dì, tôi đã kết nối theo cách mà tôi không nghĩ rằng mình có thể. Chúng tôi thường gặp dì vào những năm 80, mỗi cuối tuần, bố tôi cho phép chúng tôi gặp dì. Chúng tôi ăn đồ ăn Việt Nam, chúng tôi đến Bankstown, chúng tôi đến Cabramatta. Vì vậy thực sự là từ tuổi thiếu niên trở đi, mối liên hệ đó bắt đầu phát triển trong tôi, nhưng luôn luôn có nỗi buồn sâu thẳm rằng tôi không bao giờ có thể kết nối với mẹ tôi, tôi không bao giờ có thể kết nối với ba tôi.

Thực sự là chỉ sau thời gian cách ly với COVID, mẹ tôi, khi tôi gặp bà, bà mới có thể nói về quá khứ. Và tôi có một câu chuyện thú vị với mẹ tôi khoảng một tháng trước, tôi nói với mẹ, ‘mẹ ơi, con đang học tiếng Việt trên YouTube đấy’, và mẹ đã cười lớn, sau đó là dì của tôi, tôi nói với dì của tôi ở Mỹ, rằng tôi đang học tiếng Việt bằng cách hát, tôi đã hát với dì của tôi. Trong cuốn sách “Dust child” của Nguyễn Phan Quế Mai, có một thành ngữ hay của Việt Nam, đó là “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Bạn biết đây, cái tên mà ba tôi đã đặt cho tôi - Đắc Thắng - tôi luôn nghĩ về lý do tại sao ông ấy lại đặt tên cho tôi như vậy, bởi vì ông ấy tự hào về việc đánh đuổi thực dân Pháp ở Việt Nam vào năm 1954.

Và tôi nghĩ thông qua quá trình học hỏi của bản thân, sự kiên trì của bản thân, tôi đã cố gắng kết nối theo nhiều cách, tôi đã kiên trì cố gắng trở thành một người bình thường, tôi đã có một số thành công. Nền tảng của tôi là ngành luật, trước đây tôi cũng làm báo, và tôi nghĩ rằng bài học của cuộc sống là bạn chỉ cần tìm thấy điều gì đó trong chính mình, bạn cần tìm chút can đảm, và nếu bạn cần tự quan tâm đến bản thân, thì hãy tìm những cơ hội để chăm sóc bản thân mình.

Có vẻ như câu chuyện của anh cũng khá quen thuộc trong cộng đồng người Việt tị nạn?

LĐT: Vâng, tôi đã nói chuyện với khá nhiều người Việt Nam, những người tôi biết thông qua những mối liên hệ khác nhau, tôi có nói chuyện với người hàng xóm, tôi gặp anh tuần trước, và anh ấy nói với tôi rất nhiều câu chuyện bi thảm trong cộng đồng. Có những câu chuyện về mối quan hệ tan vỡ với cha mẹ, có những cái chết trong gia đình, và có rất nhiều bi kịch xảy ra, có rất nhiều sự im lặng, vì vậy tôi cảm thấy rằng mình không đơn độc khi nói về một số điều mà tôi đã nói hôm nay.

Tôi nghĩ có rất nhiều người ngoài kia, có rất nhiều người đau khổ trong im lặng, và tôi nghĩ những người như mẹ tôi và phụ nữ Việt Nam, họ làm rất nhiều. Đôi khi người Việt Nam, họ luôn thích thể hiện sự thành công, họ luôn thích thể hiện mình đang làm tốt, và đôi khi có thể vài người trong gia đình đang không có cuộc sống tốt như vậy, đôi khi tôi rất đau lòng khi nghe tin về gia đình ly tán, nghe về những điều tương tự như tôi đã trải qua trong quá khứ.

Anh đến với truyện cổ tích như thế nào và nó ảnh hưởng ra sao đến sự nghiệp viết văn của anh?

LĐT: Tôi đến với truyện cổ tích rất ngẫu nhiên, khi tôi còn rất nhỏ. Ba tôi không nói chuyện nhiều với tôi, nên ngôi nhà lúc nào cũng lặng thinh. Khi tôi lên cấp ba ở trường công, các giáo viên chắc hẳn đã nhìn thấy điều gì đó trong tôi, và tôi tham gia nhiều hơn vào kịch nghệ, và nó sẽ liên quan đến những thứ như hát, hay đọc rap, về căn bản là trình bày suy nghĩ ra ngôn từ. Và điều đó cuối cùng dẫn tôi đến việc viết truyện ngắn có tên Refugee Wolf - Con sói tị nạn.

‘Sói tị nạn’ được viết cách đây khoảng 10 năm, và nó đã được phát hành trực tuyến, nó là một phần trong bộ sưu tập lớn hơn của các nhà văn Úc trong cuốn sách có tên South of the Sun, Những câu chuyện cổ tích của Úc từ thế kỷ 21. Và câu chuyện về Sói tị nạn về căn bản, đó là một câu chuyện kể về một người tị nạn nghèo khổ, nhưng thực ra anh ta là một con sói, và vấn đề là mọi người trong xã hội đôi khi khá tiêu cực đối với người tị nạn. Vì vậy tôi đã nhìn vào câu chuyện đó, làm sao tôi có thể dùng nhân vật sói để bày tỏ sự cảm thông, tôi muốn sự cảm thông, để mọi người hiểu rằng hành trình của những người tị nạn, đó không phải là một hành trình thẳng tắp, đó không phải là điều được ban cho bạn, tôi muốn ghi nhận rằng rất nhiều người tị nạn đã không thể lên được đến thuyền tị nạn, hàng ngàn người, họ đã bỏ mạng trên biển, tôi luôn nghĩ về họ.

Bây giờ, với cuốn sách mới mà anh đang viết, anh đã nói rằng anh khóc rất nhiều, mang đến rất nhiều tâm trạng và cảm xúc buồn, điều gì cho anh động lực để viết nó?

LĐT: Tôi thấy nhiều người Việt Nam trên YouTube, họ hát karaoke, bạn biết đấy, người Việt Nam thích hát karaoke và họ thích ca hát. Nhiều khi họ quá ồn ào khiến hàng xóm phàn nàn, nhưng tôi nghĩ vấn đề chính ở đó, khi mọi người hát, khi mọi người cố gắng thể hiện bản thân, họ có thể đang ở trong một tình huống mà người ngoài không biết.

Như tôi đã biết Phật giáo dạy bạn rằng, nếu bạn bị tổn thương trong cuộc sống, mũi tên đầu tiên bắn trúng bạn, đó sẽ là mũi tên làm bạn đau nhất trong cuộc đời, vì vậy trong suốt cuộc đời của bạn, một khi bạn nhận ra rằng mũi tên đó đã bắn trúng mình, tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời, bạn nhận ra điều đó và bạn bắt đầu giải phóng, giải tỏa nỗi đau đó theo một cách nào đó. Nó có thể là thông qua thiền định, có thể thông qua cầu nguyện, có thể thông qua trò chuyện, và đối với một số người, đó có thể là karaoke, và có thể là bài hát. Còn đối với tôi, khi tôi tìm hiểu về lịch sử Chiến tranh Việt Nam, và tôi đã xem rất nhiều video thú vị trên internet, có nhiều bài hát, và tôi bắt đầu nghĩ, ồ, tôi có thể học tiếng Việt qua YouTube không, tôi có thể hát một bản tình ca bằng tiếng Việt không, liệu tôi có thể tìm thấy sự kết nối ở đó không. Và khi tôi hát trước mặt mẹ tôi vài tháng trước, tôi chưa bao giờ thấy mẹ cười nhiều như vậy, lúc đó tôi mới bắt đầu hiểu cảm giác như thế nào khi có mối liên hệ đó với gia đình mình.

Vâng, viết cuốn sách, mặc dù nó mang lại cho anh những cảm xúc và kỷ niệm buồn, nhưng đó là cách để anh hô lên với cả thế giới về cảm xúc của mình. Cám ơn anh rất nhiều vì đã chia sẻ những điều này ngày hôm nay. Cám ơn về những bài học cuộc sống đầy cảm hứng.

LĐT: Thực sự là, rất nhiều điều tôi đã nói với bạn ngày hôm nay, tôi đã không thể làm được nhiều trong số đó nếu không nhờ mẹ tôi, vì vậy tôi muốn nói cám ơn mẹ rất nhiều, và tôi yêu bà ấy rất nhiều.

Share