Cathy Ngo: Học cách giao tiếp, chia sẻ với gia đình về sức khỏe tâm thần sau sinh

Woman sitting at a table holding a baby

Cathy Ngo says her Vietnamese heritage made it difficult to talk about her mental health issues. Source: Supplied / Cathy Ngo

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Cathy Ngo trải qua trầm cảm và lo âu sau khi sinh con trai đầu lòng. Sinh ra trong gia đình người Việt ở Úc, cô cho biết việc cởi mở và bộc bạch về sức khỏe tâm thần của mình không phải là chuyện dễ dàng.


Câu chuyện lo lắng, trầm cảm trong thời kỳ mang thai và sau sinh không phải là chuyện hiếm gặp đối với các bà mẹ. Thế nhưng, trong văn hóa và lối sống của người Việt, những vấn đề về sức khỏe tâm thần đôi khi vẫn còn được nhìn nhận một cách khiếm khuyết, và không có nhiều cuộc trò chuyện cởi mở chung quanh vấn đề này, khiến hành trình làm mẹ của nhiều người trẻ gốc Việt còn trở nên khó khăn hơn.

Cathy Ngô là một nhà kinh doanh mảng doanh nghiệp xã hội, một cây viết và diễn giả. Sinh ra trong gia đình tị nạn người Việt, cô hiểu hơn ai hết những thách thức khi đối mặt với trầm cảm sau sinh trong khi định hướng giữa các nền văn hóa và giữa các thế hệ.

SBS Tiếng Việt trò chuyện với Cathy Ngô.

Cathy đã từng nói khá nhiều về sự lo lắng và trầm cảm, nhất là là trong thời kỳ mang thai và làm mẹ, và những thách thức trong cộng đồng người Việt khi vẫn còn nhiều kỳ thị về vấn đề sức khỏe tâm thần. Từ lúc nào thì Cathy bắt đầu nhận thấy có điều gì đó không ổn sau khi sinh con đầu lòng?

Cathy Ngo (CN): Tôi biết ngay lập tức có điều gì đó không ổn, nhưng vì nguồn gốc gia đình của tôi, di sản văn hóa của tôi, mọi thứ trong đầu tôi nói rằng có thể tôi chỉ đang bịa ra hay có thể tôi đang làm to chuyện lên mà thôi, và rằng tôi chỉ nên biết ơn tất cả những gì tôi có, tôi có một đứa con đáng yêu, khỏe mạnh, và mọi thứ khác tôi nên im lặng chấp nhận. Vì vậy, về căn bản, tôi tự chỉ trích bản thân và không thừa nhận cảm xúc của mình. Giờ đây, đã bảy năm rưỡi trôi qua và tôi đã học được rất nhiều điều trong những năm đó về bản thân và di sản văn hóa của mình, và tôi rất lưu tâm để không truyền lại kiểu tư duy đó cho các con mình. Tất nhiên là tôi yêu nguồn gốc của mình, nhưng có một số yếu tố văn hóa mà tôi chắc chắn không muốn truyền lại cho con cái mình.

Đúng rồi, nhiều khi cảm thấy khó nói chuyện với chính cha mẹ của mình, bởi vì họ không nhìn nhận yếu tố sức khỏe tâm thần theo cách chúng ta nhìn nó. Nếu chúng ta nói về cái gì đó liên quan đến sức khỏe tâm thần, cảm giác như mình không được hiểu. Bạn thấy vậy không?

CN: Tôi hoàn toàn đồng ý.
Tôi nghĩ, đối với những gì tôi đã học được trong vài năm qua, đó là việc nhìn vấn đề từ quan điểm của họ. Đó là cuộc trò chuyện mà họ chưa bao giờ có với bạn bè, với gia đình, mà chỉ có sự né tránh.
Những cảm xúc, vấn đề sức khỏe tinh thần được coi là điều không đáng nói. Và như vậy, tôi được kỳ vọng cũng đi theo cách đó, và nếu tôi bắt đầu chia sẻ cảm xúc của mình thì bạn sẽ được nhìn nhận rằng, ồ Cathy, con đang yếu đuối quá.

Vậy bạn đã vượt qua khoảng thời gian đó như thế nào, và làm sao bạn tìm ra cách để giao tiếp với gia đình mình theo cách thấu hiểu hơn?

CN: Tôi vẫn đang gặp thường xuyên một nhà tâm lý học chuyên nghiệp. Tôi gặp bác sĩ tâm lý hầu như mỗi tháng trong vài năm qua, và điều đó rất hữu ích, và tôi đã rất cởi mở với gia đình mình về điều đó. Lúc đầu, họ hơi sốc và sau đó họ nghĩ, ôi con có bị suy sụp tinh thần không? Hay con có bị rối loạn tâm thần không? Mọi người thực sự lo lắng cho sức khỏe và hạnh phúc của tôi, nhưng tôi giải thích rằng, nó cũng giống như đi khám bác sĩ để kiểm tra đầu gối của bạn, hay khám cảm lạnh, cảm cúm, đơn giản vậy thôi. Tương tự, đây là khám sức khỏe về mặt tâm thần, và có những cuộc trò chuyện rất hữu ích.

Về căn bản, tôi rất cởi mở với điều đó với gia đình mình, và tôi nghĩ giờ đay mình mạnh mẽ hơn và kiên định hơn rất nhiều về những gì tôi cần.
Trước đây, tôi luôn đặt nhu cầu của gia đình lên trước hết. Còn bây giờ, tôi nghĩ về nhu cầu của bản thân mình và tôi không làm điều đó một cách ích kỷ. Tôi nghĩ điều đó có lợi cho mọi người.
Ví dụ như nếu tôi không muốn làm điều gì đó thì tôi phải nói rõ ràng về lý do tại sao, bởi vì nếu tôi vẫn làm nó mặc dù không muốn thì nó gần giống như là tôi đang lừa dối. Tôi đang lừa dối chính mình và tôi đang lừa dối gia đình mình.

Nghe có vẻ rất đơn giản nhưng bây giờ tôi chỉ nói thật và thẳng thắn về cảm giác của mình, thay vì che giấu nó. Và vâng, tôi nghĩ từ lâu tôi đã luôn muốn là một đứa con ngoan và không muốn ai cảm thấy bị xúc phạm.

Bảy năm rưỡi và bạn đã học được rất nhiều, và dường như bạn đã bượt qua được những lo lắng và trầm cảm?

CN: Đối với một số người thì mất nhiều thời gian hơn, nên tôi nghĩ bảy năm rưỡi đối với tôi là khá tốt, tôi hiện đã 36 tuổi. Tôi đã trải qua khá nhiều lo lắng và trầm cảm trong suốt cuộc đời mình. Tôi chỉ không nhận ra điều đó cho đến mãi sau này, thông qua trị liệu, qua rất nhiều nỗ lực của bản thân.

Thực sự rất nhiều nỗ lực, và nhiều lúc tôi không thực sự thoải mái khi thừa nhận sự thật, nhưng tôi nghĩ bây giờ tôi đang ở giai đoạn mà tôi có thể thoải mái nói về những điều này với những người khác, như bạn chẳng hạn, mà tôi không suy sụp và không khóc.
Woman speaking to camera
Cathy Ngo experienced postnatal depression and anxiety after the birth of her first son. Source: SBS
Tôi muốn cho mọi người biết rằng, chỉ vì bạn biết nguồn gốc của mình và bạn sợ khiến gia đình cảm thấy buồn phiền hay xúc phạm, tôi hiểu điều đó, nhưng bạn cũng cần chăm sóc bản thân, và chia sẻ với gia đình. Như tôi đã đề cập trước đó, nếu bạn không chăm sóc sức khỏe tinh thần và nhu cầu của bản thân, thì bạn đang nói dối bản thân mình và cả mọi người nữa.

Đó có lẽ không phải là điều hiếm gặp đối với những người Úc gốc Việt thế hệ thứ hai, bởi vì về căn bản, bạn biết đấy, họ có xuất thân tương tự về gia đình và cộng đồng với những kỳ vọng giống nhau.

CN: Vâng, có rất nhiều kỳ vọng và tôi và tôi hiểu rằng giống như gia đình tôi đến đây với tư cách là người tị nạn, ở một đất nước mới, họ tự đặt ra rất nhiều áp lực cho bản thân, làm việc chăm chỉ, kiếm thật nhiều tiền để chu cấp cho con cái, rất khó khăn.

Đó là câu chuyện mà nhiều gia đình tị nạn đều rất quen thuộc, tôi hiểu điều đó, và từ nhỏ tôi đã không bao giờ muốn làm ba mẹ buồn hay làm ba mẹ nghĩ rằng mình không biết ơn.

Tôi rất biết ơn về mọi thứ mà ba mẹ mang đến cho tôi, nhưng tôi chỉ không thể sống theo cái khuôn mà họ đã đặt ra, vì tôi là con người của chính mình.
Vậy làm thế nào để cộng đồng thay đổi thái độ để hỗ trợ phụ nữ mang thai và những bà mẹ tốt hơn?

CN: Đối với những người mới làm mẹ, phụ nữ mang thai, bác sĩ hoặc y tá của bạn sẽ nói chuyện với bạn về sức khỏe tâm thần, đó cũng là một phần trong quá trình quản lý rủi ro và một phần trong quá trình tư vấn của họ, nhưng tôi khuyên những người mới làm mẹ hoặc đang mang thai nên nhìn nhận nghiêm túc, đừng chủ quan nghĩ rằng nó sẽ không xẩy ra với mình đâu, vì nó có thể xảy ra.
Có rất nhiều áp lực mà chúng ta tự đặt ra trong vai trò là cha mẹ, áp lực to lớn này đôi khi ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của chúng ta, và vì vậy tôi kêu gọi mọi người tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia.
Đó có thể là gặp bác sĩ trong kế hoạch chăm sóc sức khỏe tâm thần, liên hệ với nhiều tổ chức. Có rất nhiều tổ chức rất tốt ngoài kia, như quỹ Gidget, họ cung cấp dịch vụ tư vấn, các cuộc hẹn với nhà tâm lý học, tôi nghĩ được chính phủ trợ cấp. Có rất nhiều sự trợ giúp, và bước đầu tiên là tìm đến nó và nhận sự trợ giúp đó.

Việc đó đòi hòi rất nhiều can đảm, nhưng nó cũng cần rất nhiều sự hỗ trợ từ người bạn đời của bạn, và các thành viên khác trong gia đình, bạn bè. Đó là điều tôi rất khuyến khích.

Còn đối với những thành viên gia đình, như cha mẹ chẳng hạn, làm sao để họ hỗ trợ con cái tốt hơn trong vấn đề sức khỏe tâm thần?

CN: Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng là mình nói rõ ràng về quan điểm của mình. Tôi biết rằng cha mẹ thường đưa ra lời khuyên không được yêu cầu. Tôi biết họ làm như vậy chỉ là vì muốn tốt cho mình, họ muốn bạn được an toàn, khỏe mạnh và hạnh phúc, nhưng điều đó trên thực tế có thể gây ra rất nhiều tác hại, vì nó lấy đi quyền tự chủ của bạn.

Vì vậy tôi nghĩ rằng, chúng ta cần thực sự rõ ràng với các thành viên trong gia đình, rằng bạn đang muốn lời khuyên hay không, thay vì cứ để nó trong lòng rồi buồn rầu vì nó.

Tôi đang nghĩ về cha mẹ tôi, lúc này họ đã ngoài 70, những người vốn đã quen với cách nghĩ lâu nay của minh và tôi không mong họ thay đổi chỉ sau một đêm.
Tôi nghĩ điều đó tùy thuộc vào chúng ta. Chúng ta nên là người chủ động giao tiếp với cha mẹ và cố gắng xây dựng cầu nối cho chủ đề.
Tất nhiên đó là trường hợp của riêng tôi, mỗi người sẽ có các hoàn cảnh gia đình khác nhau, có thể có các cha mẹ Việt Nam khác cởi mở hơn. Bạn có thể có những cuộc trò chuyện hiệu quả hơn với họ. Còn cha mẹ tôi thì lớn tuổi rồi, cho nên những cuộc trò chuyện chỉ nhỏ giọt dần dần thôi.

Và cuối cùng, Cathy có lời khuyên nào các những người mẹ ngoài kia, đặc biệt là những người gốc Việt cũng trải qua những thời gian khó khăn và có những lo lắng trầm cảm như Cathy đã trải qua?

CN: Lời khuyên của tôi là luôn có sẵn sự trợ giúp, vấn đề là bạn phải thực sự chủ động và tìm kiếm sự trợ giúp đó. Chỉ cần thừa nhận rằng lo lắng hoặc trầm cảm có thể xảy ra, và đó không phải là điều xấu.

Tôi nghĩ rằng sự lo lắng trầm cảm của chính tôi đã giúp tôi ở một số khía cạnh, nó khiến tôi quan tâm nhiều hơn, nó khiến tôi đồng cảm hơn với mọi người.
Những tổn thương trong quá khứ của tôi không định nghĩa con người tôi, nhưng nó đã tạo nên con người tôi của ngày hôm nay, nó khiến tôi trở nên khá kiên cường.
Vì vậy đừng nhìn nó theo hướng tiêu cực mặc dù điều đó có thể thực sự khó khăn.

Hãy liên hệ để được giúp đỡ. Và nếu bạn cảm thấy như bạn đang cô độc, bạn có thể xây dựng một cộng đồng trong cộng đồng của riêng bạn. Tôi đang ở Sydney nên có rất nhiều cộng đồng người Việt quanh đây, chắc chắn sẽ có một nhóm các bà mẹ nào đó, và nếu bạn không thể tìm thấy nhóm phù hợp với nhu cầu của mình, bạn hãy bắt đầu nó.

Đó là lời khuyên rất hữu ích. Có phải trải nghiệm của Cathy chính là động lực để bạn bắt đầu dự án khởi nghiệp về doanh nghiệp xã hội của mình không?

CN: Vâng, đúng là như vậy. Tôi không thấy một kiểu kinh doanh tương tự, nên tôi nghĩ thôi thì mình sẽ bắt đầu nó và xem nó sẽ đi đến đâu.

Nó cần rất nhiều can đảm để làm và tôi biết rằng không phải ai cũng như vậy, nhưng một lần nữa, tôi cũng đã phải nỗ lực rất nhiều để xây dựng lòng dũng cảm đó. Không phải lúc nào tôi cũng như vậy đâu. Bạn biết đấy, đừng so sánh bản thân mình với những người mẹ khác.

Tôi nghĩ trong văn hóa Việt Nam, chúng ta luôn so sánh mình với các bà mẹ khác, với những đứa trẻ khác. Tôi nhớ khi lớn lên, chiều cao của tôi luôn bị so sánh với các anh chị em họ và điều đó thường khiến tôi khó chịu. Tôi biết mọi người làm điều đó vì tình yêu, họ muốn tôi ăn nhiều hơn, phát triển hơn, nhưng tôi nghĩ việc so sánh quá mức có thể trở thành nguy hiểm khi chúng ta bắt đầu khiến người khác xấu hổ.

Share