Bệnh viện St Paul Hà Nội cắt đôi que xét nghiệm HIV: Gian dối trở thành tội ác

Bệnh viện Xanh Pôn cắt đôi que xét nghiệm HIV

Bệnh viện Xanh Pôn cắt đôi que xét nghiệm HIV Source: VTC

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Hàng ngàn que xét nghiệm HIV và Viêm gan B tại bệnh viện St Paul Hà Nội bị cắt đôi trước khi xét nghiệm, các chuyên gia vi sinh nói hành động gian dối này hoàn toàn có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm. Người nhiễm HIV không hề biết mình bị bệnh và ngược lại.


Theo báo chí và truyền hình trong nước, một trong những câu chuyện đang khiến người dân quan tâm và lo ngại đó là hành động gian dối của bộ phận xét nghiệm thuộc bệnh viện St Paul (Xanh Pôn) ở Hà Nội.

Theo đó, hàng ngàn que xét nghiệm HIV, viêm gan B tại bệnh viện St Paul bị cắt đôi trước khi xét nghiệm, và sau các phóng sự của VTV và báo chí quốc nội, đã có một số cuộc họp báo chí của Sở Y tế và bệnh viện này, 3 cán bộ trực tiếp liên quan đến sự việc đã bị đình chỉ.

Theo các chuyên gia vi sinh, đây là hành động không thể chấp nhận được bởi hoàn toàn có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm của người bệnh.

"Không nước nào nghĩ ra cách làm như vậy"

Trường hợp bệnh nhân dương tính HIV nhưng kết quả trả lại khẳng định âm tính sẽ vô cùng nguy hiểm.
Cắt đôi que xét nghiệm HIV
Cắt đôi que xét nghiệm HIV Source: Dân Trí
Chưa biết hành động gian dối mang lại được bao nhiêu tiền bạc nhưng một bộ xét nghiệm HIV gồm 100 que thử cũng chỉ có giá 3 triệu đồng Việt Nam. Con số đó không lớn nhưng ảnh hưởng thì không nhỏ.

Ở góc độ y tế, bác sĩ Phan Đình Hiệp ở Melbourne cho rằng tác hại của việc cắt xén que thử HIV là rất nghiêm trọng với sức khỏe và sinh mạng người bệnh, ngoài ra còn là vấn đề y đức.

“Nếu chẩn đoán chỉ một chút không chính xác, từ có HIV thành không có hoặc ngược lại thì đó là sự nghiêm trọng với sức khỏe và là nỗi lo của người bệnh.”

“Về khoa học, nếu cắt mẩu xét nghiệm còn một nửa thì còn đâu độ chính xác và nguyên tắc là không có ai cho phép, không có nước nào mà nghĩ ra chuyện này để làm như vậy,” bác sĩ Hiệp nói.

Còn về mặt xã hội, theo bác sĩ Hiệp thì có rất nhiều vấn đề trong việc này, kể cả về đạo đức, lòng tham, sự giả dối và cả việc đào tạo của nền y tế.
Còn có rất nhiều sự việc và đây chỉ là một chuyện thôi, từ việc cắt nửa liều thuốc, ăn bớt thuốc, các xét nghiệm trong nước có thể làm giả dối hết…bản chất của vấn đề nó nằm ở lòng tham, ăn cắp thành hệ thống, y tế chỉ là một nhánh thôi.
Bác sĩ Hiệp nhấn mạnh, ngành y là phải lấy tâm lấy đức làm trọng, không thể nào đánh giá tính mạng bệnh nhân như vụ việc này, vậy mà bệnh viện lớn như Saint Paul dám làm chuyện này.

Người dân mất niềm tin

Người dân thủ đô lâu nay cũng đã không ít lần thất vọng với các dịch vụ chăm sóc y tế, từ những mũi tiêm chủng cho trẻ em cho tới lề lối phục vụ của y giới.

Tuy nhiên, niềm tin của người dân vào y tế một lần nữa lại bị giảm sút sau vụ cắt xén que xét nghiệm HIV và viêm gan B của bệnh viện St Paul gần đây.

Chị Hiền đang sống tại Hà Nội, có 2 con nhỏ khẳng định sự việc gần đây khiến cá nhân chị và người dân "mất niềm tin kinh khủng".

"Biết thông tin mình thấy rất bức xúc, từ kết quả thì có thể rất nhiều người có thể là không bị bệnh mà lại nghĩ là mình bị bệnh rồi, hoặc là bị bệnh không điều trị, vô cùng nguy hiểm vì còn ảnh hưởng xung quanh nữa," chị Hiền nói.

Người phụ nữ này cũng chia sẻ thêm rằng bản thân chị và gia đình đã có hai lần thất vọng khi đưa người nhà đến khám bệnh ở bệnh viện St Paul vì kết quả chẩn đoán và bó bột gẫy xương ở đây không chuẩn xác.
Người dân chờ xét nghiệm ở bệnh viện
Người dân chờ xét nghiệm ở bệnh viện Source: Hai quan online
Trong khi đó, với những người Việt sống tại Úc vốn được hưởng phẩm chất y tế cao, công bằng và an toàn thì sự việc gian dối xét nghiệm HIV của bệnh viện ở Việt Nam là điều "khủng khiếp".

Chị Uyên Di ở Melbourne, một người thường xuyên theo dõi hiện tình đất nước cho rằng gốc rễ vẫn đề là những người làm việc trong ngành y mà cụ thể là ở trường hợp bệnh viện St Paul họ không còn đạo đức.
Họ cũng có bằng cấp, có học chữ nghĩa nhưng mà hình như cái đạo đức, cái lương tâm của một con người không còn nữa, và khi mà cái xã hội, đạo đức lương tâm không còn nữa thì mình còn cái gì được.
Theo chị Uyên Di, người dân là nạn nhân của dịch vụ y tế thiếu đạo đức, bị đối xử không công bằng là vì họ không kiện ra pháp luật bởi lo sợ bị trù dập và "cái vòng luẩn quẩn" đó vẫn cứ tiếp tục.
Liên lạc với chúng tôi (02) 9430 2849 | (03) 9949 2394 | Gửi hình ảnh, Video, và câu chuyện của quý vị tới 

Thêm thông tin và cập nhật Like 

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share