Úc thúc giục Liên hiệp quốc đẩy nhanh tiến trình phi hạt nhân hóa.

Foreign Minister Marise Payne

Foreign Minister Marise Payne (AAP) Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Ngoại trưởng Úc, trong bài phát biểu tại tuần lễ các nhà lãnh đạo Đại hội đồng Liên hợp quốc tuần trước, nhấn mạnh sự ủng hộ của Úc với thỏa thuận hạt nhân Iran, cam kết thúc đẩy bình đẳng giới và tầm quan trọng của sự ổn định ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Bà Marise Payne cũng hứa sẽ kiên trì trong mục tiêu tìm kiếm công lý cho những nạn nhân vụ máy bay MH17 bị bắn rơi.


Đây là lần đầu tiên Ngoại trưởng Marise Payne có bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, trong tuần lễ các nhà lãnh đạo, với sự tham dự của các quan chức như Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Bà Payne mở đầu bài phát biểu bằng việc nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế.

Bà Payne kêu gọi các quốc gia duy trì các mối quan hệ, bất kể tình hình địa chính trị hiện tại.

Bà nói: “Điều đó đúng trong một thời đại vốn đang có sự đổi thay đến chóng mặt. Nó đúng trong một thời kỳ mà chủ nghĩa dân  tộc đang dâng cao cũng như trong sự cạnh tranh địa chính trị đang ngày thêm khốc liệt. Những thách thức toàn cầu cấp thiết nhất sẽ không được giải quyết nếu các quốc gia chỉ hành động đơn phương”.

Bà ngoại trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, bà không nghĩ là thứ vũ khí giết người hàng loạt này sẽ sớm được loại bỏ.

Tuy nhiên, bà nói đó chính là lý do vì sao cần có những nỗ lực đột phá nhằm sớm loại bỏ chúng.

Bà Payne nói, Úc vẫn cam kết duy trì thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran. Tổng thống Hoa mKỳ Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận này hồi tháng 5 năm nay sau khi ông đã đưa ra hàng loạt chỉ trích.

Trước đó, phát biểu trước Đại hội đồng LIên hiệp quốc hôm thứ ba ngày 25/9, Chủ nhân Nhà Trắng tiếp tục chê bai thỏa thuận hạt nhân 2015 là "điều tồi tệ"  và kêu gọi cộng đồng quốc tế cô lập Iran.

Tuy nhiên, bà Payne cho rằng, cần ủng hộ cho bất kỳ động thái nào hướng tới việc dỡ bỏ vũ khí hạt nhân.
"Những thách thức toàn cầu cấp thiết nhất sẽ không được giải quyết nếu các quốc gia chỉ hành động đơn phương” - Ngoại trưởng Marise Payne.
Bà Payne nhấn mạnh: “Úc ủng hộ Kế hoạch hành động toàn diện chung về chương trình hạt nhân của Iran, miễn là Iran tuân thủ các cam kết của họ. Đó là bởi lợi ích chung của chúng ta trong kiểm soát chương trình hạt nhân của Iran vẫn còn đó. Và cũng bởi lý do này, thế giới đang chú tâm dõi theo các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn, mà mục tiêu là hướng tới tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược trên bán đảo Triều Tiên, chiếu theo các nghị quyết của Liên hiệp quốc”.

Bà Payne cũng ngợi ca những nỗ lực của cả Liên hiệp quốc lẫn Úc trong thúc đẩy bình đẳng giới. Bà viện dẫn một yêu cầu rằng, tối thiểu 15% binh lính Úc triển khai nhiệm vụ gìn giữ hòa bình là nữ.

Bà Payne nói rằng, trong việc hướng đến mục tiêu đạt được hòa bình lâu dài ở khắp mọi nơi trên thế giới, việc đưa phụ nữ vào các sáng kiến ​​an ninh là rất quan trọng.

Cũng tại tuần lễ các nhà lãnh đạo Đại hội đồng Liên hiệp quốc này, một số quan chức ngoại giao cũng đã đặt dấu hỏi liên quan đến việc tiếp tục các đường hướng ngoại giao vốn đã được người tiền nhiệm của bà Payne là bà Julie Bisho - một gương mặt vốn đã rất quen thuộc tại Liên hiệp quốc – đưa ra.

Bà Payne ca ngợi người tiền nhiệm và khẳng định, sẽ tiếp tục đấu tranh đưa những kẻ chịu trách nhiệm trong vụ bắn rơi chuyến bay Malaysia Airlines 17 tại miền đông Ukraine hồi năm 2014 ra trước ánh sáng công lý.

“Ngài Chủ tịch hay tất cả mọi người ở đây hẳn vẫn nhớ những nỗ lực và sự kiên trì của người tiền nhiệm, cũng là người bạn của tôi, bà Julie Bishop trong việc truy vấn những ai phải chịu trách nhiệm về việc chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn hạ. Úc cam kết tiếp tục theo đuổi mục tiêu này, theo đuổi việc tìm kiếm công lý cho các nạn nhân xấu số và những người thân yêu của họ”- bà khẳng định.

Đội điều tra chung quốc tế do Hà Lan dẫn đầu tuyên bố sở hữu bằng chứng là Nga phải chịu trách nhiệm về thảm kịch vốn đã khiến 38 người Úc trong số 298 nạn nhân bị thiệt mạng.

Nga đã bác bỏ những công bố này.

Năm ngoái, Úc lần đầu tiên được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, với nhiệm kỳ 3 năm.

 Vào thời điểm đó, các quan chức ngoại giao cho biết, họ sẽ ủng hộ các hành động nhằm trao quyền cho phụ nữ, quyền của người thổ dân, bãi bỏ án tử hình và nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Syria và Bắc Hàn.

Bà Payne nói rằng, Úc là nước chỉ trích mạnh mẽ nhất tình hình nhân quyền ở Myanmar, nơi đã có hơn 700 ngàn người Hồi giáo thiểu số Rohingya đã phải trốn chạy sang nước láng giềng Bangladesh do đàn áp của lực lượng an ninh.

Bà nói: “Úc luôn hành động hướng tới mục tiêu xây dựng một khu vực thúc đẩy các quốc gia hành động một cách có trách nhiệm, tôn trọng luật pháp quốc tế, vì lợi ích của tất cả các quốc gia và người dân. Úc đã ủng hộ mạnh mẽ cho phái bộ điều tra quốc tế độc lập nhằm tìm kiếm sự thật ở Myanmar. Và chúng tôi rất bàng hoàng trước những phát hiện qua cuộc điều tra này”.

Một báo cáo gần đây đã tìm thấy bằng chứng về việc quân đội Myanmar phạm tội ác chống lại nhân loại và tội ác chiến tranh.

Úc đã thành công trong thúc đẩy việc ban hành nghị quyết nhằm thành lập một hội đồng đặc biệt thu thập các bằng chứng về các hành vi vi phạm nhân quyền ở Myanmar.


Share