Bầu cử 2016: Nước Úc tiến một bước gần hơn đến cuộc bầu cử vào ngày 2 tháng 7

Lãnh tụ đảng Xanh Richard Di Natale

Lãnh tụ đảng Xanh Richard Di Natale Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Nước Úc tiến một bước gần hơn đến cuộc bầu cử vào ngày 2 tháng 7, với việc Thượng viện bác bỏ dự luật của chính phủ nhằm tái lập cơ quan kiểm soát về xây dựng, tức là Australian Building and Construction Commission viết tắt là ABCC.


Thủ tướng dự trù sẽ tuyên bố bầu cử, sau khi bản ngân sách được trình ra trước Quốc hội vào tháng tới.

Thủ tướng Malcolm Turnbull hiện sẳn sàng để đưa ra một hành động lịch sử, đó là việc giải tán Quốc hội để chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào ngày 2 tháng 7, sau khi Thượng viện bác bỏ dự luật then chốt về kỷ nghệ xây dựng đến lần thứ hai với số phiếu 36 chống và 34 thuận.

Theo yêu cầu của ông Turnbull, Tổng toàn quyền Peter Cosgrove đã tái triệu tập các dân biểu và nghị sĩ sớm hơn 3 tuần lễ, để thảo luận về hai dự luật, đầu tiên là tái lập cơ quan điều hành kỷ nghệ xây cất, đó là Ủy ban Xây dựng và Kiến trúc Úc châu gọi tắt là ABCC.

Dự luật thứ hai liên quan đến việc chính phủ thắt chặt hơn về nghiệp đoàn, vốn đã bị ngăn chận vài lần.

Tuyên bố với đài ABC, lãnh đạo đảng Xanh là Thượng nghị sĩ Richard Di Natale cho biết ông không ngạc nhiên qua cuộc bỏ phiếu đêm thứ hai.

“Tôi nghĩ điều luôn luôn xảy ra theo đường hướng nầy, chúng ta sẽ thấy dự luật ABCC bị đánh bại, chính phủ sẽ giải tán Quốc hội và chính phủ nay có lý do làm chuyện đó bây giờ, chúng ta hiện ở trong một chiến dịch bầu cử sẽ kéo dài rất lâu”.

Ông Turnbull đã từng tuyên bố rằng, việc không thông qua dự luật về cơ quan điều hành ngành xây dựng sẽ là nguyên nhân để tổ chức cuộc bầu cử và nhấn mạnh rằng kỷ nghệ xây dựng cần được theo dõi chặt chẻ để loại trừ vấn đề tham nhũng.

Liên đảng cần sự ủng hộ của 6 trong 8 nghị sĩ độc lập, để thông qua dự luật nói trên.

Trong khi 4 nghị sĩ độc lập bỏ phiếu lần thứ hai trước việc duyệt xét dự luật lần nữa, đảng Lao động và đảng Xanh cùng cách nghị sĩ độc lập khác đã bỏ phiếu chống.

Thượng nghị sĩ của Queensland là ông Glenn Lazarus cho đài Sky News biết rằng, ông có lập trường rõ ràng ngay từ lúc đầu.

“Tôi bỏ phiếu không và tôi đã nói chuyện nầy từ lâu rằng, nếu họ mở rộng cơ quan để trở thành một tổ chức theo dõi toàn quốc về những sai trái và tham nhũng và tôi rất vui lòng bỏ phiếu thuận, thế nhưng họ chẳng chuẩn bị để mở rộng hay tu chính chi cả”.

“Tôi không có lý do gì, tại sao chúng ta lại không mở rộng nó để bao gồm các vụ sai trái và tham nhũng, do chúng ta thấy chuyện nầy trên căn bản hàng tuần, như lãnh vực tài chính, khu vực ngân hàng, các chính trị gia, tất cả những chuyện đó”.

“Có những chuyện sai trái và tham nhũng trong tất cả các lãnh vực đó và tôi tin rằng chúng ta nên xét về mọi thứ, chứ chẳng phải một lãnh vực mà thôi”.

Thủ tướng hiện chờ đợi việc tuyên bố bầu cử, sau khi bản ngân sách được công bố vào ngày 3 tháng 5 sắp tới.

“Mọi chuyện kém hơn là một cuộc điều tra Hoàng gia về những sai trái trong dịch vụ Ngân hàng và tài chính, chỉ là chuyện che giấu được dàn dựng của Thủ tướng và chính phủ Tự do”. Lãnh tụ Lao động đối lập, Bill Shorten.


Tuyên bố với đài Sky News, Tổng trưởng Tư Pháp George Brandis bác bỏ các quan ngại về các cuộc thăm dò công luận tiên đoán, cuộc tranh cử sẽ khít khao.

“Hầu như các cuộc bầu cử tại Úc nằm trong mức độ chênh lệch là 52-48, còn mức 52-47 thì được xem là một chiến thắng lớn lao, vì vậy mọi cuộc bầu cử tại Úc hết sức khít khao cho cả đôi bên, nên chẳng có gì mới về chuyện nầy cả”.

“Khi chúng ta tiến vào lãnh vực gia đình, quí vị mong chờ một cuộc chạy đua được thu hẹp lại, vì đó là chuyện luôn luôn xảy ra”.

Còn lãnh tụ đối lập tại Thượng viện là Thượng nghị sĩ Penny Wong cho đài ABC biết rằng, Lao động hiện nhắm vào việc thực hiện các vấn đề quan trọng cho người dân Úc.

“Đó là chuyện công ăn việc làm vào một thời điểm mà nền kinh tế hiện thay đổi, đó là chuyện bảo vệ các định chế quan trọng như Medicare và chắc chắn rằng, mọi trẻ em có cơ hội dành cho các em tốt đẹp nhất, đó là chính sách về học đường của chúng tôi chủ trương”.

“Tôi nghĩ đây là những vấn đề mà người dân Úc quan tâm nhiều nhất”.

“Công việc của chúng tôi với tư cách đối lập và trong lúc mọi người sẽ tìm cách thành lập chính phủ, họ sẽ yêu cầu người dân Úc ủng hộ, bằng cách đi vận động bên ngoài và nói chuyện với người dân Úc về các kế hoạch của chúng tôi, đó là lý do chúng tôi nghĩ đó là những điều quan trọng”.

Trong một cuộc thảo luận trước đó, phe đối lập liên bang mở cuộc tấn công vào vị Tổng toàn quyền, về việc triệu tập Quốc hội.

Thượng nghị sĩ Stephen Conroy cho Thượng viện biết rằng, chính phủ tái triệu tập Quốc hội nhằm đạt được lợi thế và cáo buộc Tổng toàn quyền đã đảo ngược ý muốn của Thượng viện.

“Một trò hề chính trị hào nháng vô giá trị và vị Tổng toàn quyền đã hạ thấp văn phòng đáng kính của ông”.

Thượng nghị sĩ Conroy đã bị cảnh cáo rằng ông gần đến việc vi phạm về qui tắc thường trực của Thượng viện.

Lãnh tụ đối lập Bill Shorten sau đó nói rằng, các nhận xét của Thượng nghị sĩ Conroy được ông xem là phát ngôn quá độ và không cần thiết.

Sau đó một lần nữa, ông Shorten đẩy mạnh cho việc mở cuộc điều tra Hoàng gia về hệ thống ngân hàng và dịch vụ tài chính  Úc và kêu gọi Quốc hội hãy để dành trọn ngày vào hôm thứ tư, để thảo luận về chuyện đó.

“Mọi chuyện kém hơn là một cuộc điều tra Hoàng gia về những sai trái trong dịch vụ Ngân hàng và tài chính, chỉ là chuyện che giấu được dàn dựng của Thủ tướng và chính phủ Tự do”.

Chính phủ hiện dùng đa số dân biểu để ngăn cản hành động nói trên và tiếp tục bác bỏ các yêu sách của lao động.


Share