Úc đối diện với khủng hoảng rác thải gia đình

Protesters are seen outside of the Parliament House, Melbourne, Tuesday, March 19, 2019.

Protesters are seen outside of the Parliament House, Melbourne, Tuesday, March 19, 2019. Source: AAP

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Những rác thải tái chế, được hàng chục hội đồng thành phố tại tiểu bang Victoria thu gom từ các hộ gia đình, sẽ bị chuyển thẳng đến bãi rác mà không qua tiến trình tái chế, sau khi một công ty tái chế lớn tuyên bố sẽ ngừng nhận rác thải. Đây là diễn biến mới nhất trong một cuộc khủng hoảng tái chế rác thải đang ngày một leo thang, gây rắc rối trên khắp nước Úc.


Vào năm ngoái, Trung Quốc tuyên bố sẽ ngừng nhập cảng rác thải từ các quốc gia khác.

Với lý do lo ngại về ô nhiễm và ảnh hưởng đến môi trường, chính phủ Trung Quốc khẳng định nước này sẽ không mua các vật liệu tái chế, không còn độ tinh khiết ở mức 99.5%

Ông Damien Giurco, giám đốc Học viện phát triển bền vững thuộc Đại học Công nghệ Sydney giải thích.

"Về căn bản, giờ đây Trung Quốc đã thẳng thừng tuyên bố chúng tôi không muốn nhận rác thải từ các quốc gia khác nữa, trừ khi chất lượng của các loại rác phải thực sự rất rất tinh khiết. Trung Quốc muốn nói rằng chúng tôi không muốn nhập cảng những loại rác thải mà chất lượng của chúng không thể tái chế trở thành nguồn tài nguyên tuyệt vời, đủ để bù đắp những khoản đầu tư giá trị vào đó."

Sau tiến trình cải tổ chính sách nhập cảnh rác thải của Trung Quốc, những quốc gia như Philippines, Malaysia, Việt Nam và Thái Lan đã nhập cảng thêm các vật liệu tái chế để lấp đầy khoảng trống. Thế nhưng sau đó, các quốc gia này đã tuyên bố ý định hạn chế việc nhập cảng rác.

Điều đó khiến cho hệ thống xử lý rác tái chế của Úc phải chịu áp lực chưa từng có từ trước đến nay.

Việc này dẫn đến việc S-K-M, một công ty tái chế ở tiểu bang Victoria, nơi đang xử lý khoảng một nửa số rác thải tái chế từ các hộ gia đình được hội đồng thành phố thu gom hàng tuần,  ngừng việc nhận rác thải.

Tại sao đây lại là một tin tồi tệ với môi trường sống của chúng ta?

Thông thường, các vật liệu không thể tái chế do quá dơ hoặc chất lượng kém sẽ bị đốt bất hợp pháp hoặc đổ vào các bãi rác hoặc thủy lộ, tạo ra rủi ro cho môi trường sống và sức khỏe cộng đồng.

Việc ném rác tái chế vào bãi rác dẫn đến quá trình sản xuất khí nhà kính gia tăng và tạo ra các rủi ro cháy lớn, vì hầu hết vật liệu có thể tái chế đều dễ cháy.
 
 Vậy, chúng ta có thể làm gì để giảm đi tác hại của việc này, ở mức độ cá nhân?

Tiến sĩ Trevor Thorton là giảng viên về Quản lý vật liệu nguy hiểm tại Đại học Deakin.

"Mỗi người trong chúng ta phải chịu một số trách nhiệm cho việc này. Trước tiên, điều chúng ta phải làm là tránh việc mua sắm quá mức các hàng hóa có bao bì, hoặc giảm càng nhiều, đồng thời nói với các cửa hàng bán lẻ là chúng ta không muốn họ dùng bao ni lông hoặc túi nhựa, hộp nhựa. Đôi khi, việc này không dễ dàng gì. Ngoài ra, điều tiếp theo cần làm là bảo đảm rằng chúng ta bỏ rác vào đúng thùng. Chúng ta phải dừng việc nhiễm bẩn các loại rác thải tái chế".

Tiến sĩ Thornton nói rằng có một vài quan niệm sai lầm về loại rác nào, và ở đâu, các rác thải có thể được tái chế.

Ví dụ, túi nhựa có thể được tái chế, nhưng không phải trong các thùng rác gia đình,  chúng cần phải được đưa vào các thùng ký gửi được chỉ định.

Điều tương tự cũng xảy ra với quần áo, hàng dệt may, thiết bị điện tử và pin.

"Hầu hết các hội đồng thành phố sẽ có một nơi thu gom các loại rác thải này, nơi mà bạn có thể bỏ những món đồ này, sau đó chúng sẽ được tái chế và giảm tác động đến môi trường. Hội đồng thành phố cần phải chủ động hơn trong việc tư vấn cho người dân, đưa ra thật nhiều thông điệp. Có rất nhiều kế hoạch hay, rất nhiều lời khuyên tốt ngoài kia, nhưng chúng ta vẫn chưa theo đuổi chúng. "

Các mối quan ngại về tái chế rác ít khẩn cấp hơn bên ngoài tiểu bang Victoria, nhưng các chuyên gia nói rằng điều này không có nghĩa là các tiểu bang và vùng lãnh thổ khác sẽ không có vấn đề lớn trong tương lai.

Theo Bộ Môi trường và Năng lượng, Úc đã xuất cảng hơn 400 nghìn tấn chất thải vào tháng 12 năm ngoái, với giá trị lên tới 585 triệu đô la.

Tiến sĩ Thornton nói rằng Úc cần phát triển và cải tổ thị trường tái chế rác trong nước.

"Chúng ta không thể dựa vào thị trường nước ngoài để bán các vật liệu tái chế của Úc mãi được. Chúng ta đã có các doanh nghiệp ở Úc bắt đầu mua nhựa, giấy, bìa cứng, và sử dụng nó làm nguyên liệu thô. Cho đến khi chúng ta có thể tái chế rác thải một cách chuyên nghiệp, có lẽ chúng ta sẽ phải vật lộn một thời gian."

Giáo sư Giurco đồng ý.

"Việc này nên được coi như một tham vọng quốc gia, thế nhưng phản ứng sẽ khác nhau ở mỗi tiểu bang. Để làm được điều này, cần có những  đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới, cho phép chúng ta tái chế các sản phẩm quay trở lại thị trường tiêu dùng tại địa phương”.



Share