Thủ tướng đề xuất một ngày lễ quốc gia tri ân người Thổ dân

Sorry Day Remembrance

Source: Getty Images

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Thủ tướng Scott Morrison đề xuất lấy một ngày lễ mới của quốc gia để bày tỏ sự tri ân người Úc bản địa. Đây được xem là cách xoa dịu những kêu gọi gần đây về việc thay đổi ngày Australia Day 26/1. Ông Morrison nói rằng, một ngày tri ân người Úc bản địa sẽ bổ sung vào lễ kỷ niệm NAIDOC trong tuần lễ văn hóa phong phú của Úc, trong khi ngày quốc khánh Úc hiện tại vẫn được giữ nguyên.


Thủ tướng Scott Morrison đã đề xuất một ngày một ngày lễ mới của cả nước nhằm tôn vinh lịch sử,di sản và truyền thống của người Úc bản địa nhưng vẫn muốn tách biệt ngày lễ mới này với Australia Day vào ngày 26/1.

Đề xuất này được đưa ra sau khi chính phủ đã trừng phạt ngay lập tức hội đồng địa phương Byron Shire, ở tiểu bang New South Wales, do nơi này chuyển việc tổ chức Australia Day sang trước đó một ngày, tức sang ngày 25/1.

Chính phủ Liên bang đã tước đi quyền tổ chức buổi lễ nhận quốc tịch của Hội đồng thành phố này trong ngày 25/1.

Năm ngoái, Chính phủ cũng từng tước quyền tổ chức các buổi lễ nhận quốc tịch từ Hội đồng thành phố Yarra và Darebin [[darruh-bin]] của Melbourne sau khi họ cũng bỏ phiếu không tổ chức nghi lễ này vào ngày 26/1.

Hội đồng Darebin xác nhận với SBS rằng, họ sẽ không thay đổi quan điểm.

Ông Morrison nói rằng, các hội đồng địa phương không nên tham gia vào những tranh cãi này.

Ông nói: “Bất cứ hội đồng nào muốn lạm dụng lễ nhận quốc tịch, ý tôi là, cũng là lạm dụng niềm tin mà chúng tôi trao cho các hội đồng đó. Họ được thay mặt chính phủ liên bang tổ chức lễ đó. Bây giờ, nếu họ muốn lạm dụng đặc quyền đó. Và nếu họ muốn dùng nghi lễ này cho mục tiêu chính trị thì đơn giản là, chúng tôi sẽ nhờ một người khác làm điều đó. Và đó là những gì chúng tôi sẽ được làm với hội đồng Byron Shire”.

Thị trưởng Byron Simon Richardson nói với SBS rằng, ông sẽ viết thư gửi Chính phủ với hy vọng sẽ đảo ngược được quyết định trên.

Ông Richardson nhấn mạnh: “Sự kiện mà chúng tôi tổ chức đâu chỉ có mỗi lễ nhận quốc tịch. Và chúng tôi sẽ viết lại cho ngày Bộ trưởng, và hy vọng chúng tôi có thể sẽ trao đổi thêm về chuyện này. Lễ nhận quốc tịch chỉ là một trong... chúng tôi làm khoảng 6 lần mỗi năm. Và lễ nhận quốc tịch vào ngày Australia Day thì có khác gì với 5 lễ nhận quốc tịch khác mà chúng tôi tổ chức trong năm. Đó chỉ là một trong những thành tố của sự kiện lớn hơn mà chúng tôi tổ chức”.

Chính phủ đang đứng trước áp lực ngày càng tăng của những lời kêu gọi thay đổi ngày Australia Day nhằm thể hiện sự trân trọng với người Úc bản địa.
Nhiều người thổ dân cảm thấy thương tổn khi kỷ niệm Quốc khánh vào một ngày vốn đánh dấu sự khởi đầu của tiến trình thực dân hóa tại Úc.
Nhiều người thổ dân và dân đảo Torres Strait cảm thấy thương tổn khi kỷ niệm Australia Day vào một ngày vốn đánh dấu sự khởi đầu của tiến trình thực dân hóa tại Úc, và sau đó, còn dẫn đến những vụ thảm sát người bản địa và khiến họ mất đi quyền sở hữu đất đai truyền thống.

Tuy nhiên, Thủ tướng vẫn quyết giữ Quốc khánh Úc vào ngày 26/1: “Quý vị không thể giả vờ tổ chức sinh nhật của mình vào một ngày khác. Điều chúng ta vẫn làm trong ngày đó là nhìn lại vào toàn bộ trải nghiệm của cuộc đời mình, những gì ta đã đạt được, cũng như một vài vết sẹo do những sai lầm trong quá khứ để từ đó nghiệm ra những gì sẽ giúp chúng ta có thể làm tốt hơn. Chúng ta cũng cần suy nghĩ về tất cả những điều đó trong Ngày Quốc khánh Úc. Nhưng như quý vị cũng biết, chúng ta có điều đáng tự hào, hơn rất nhiều so với những điều làm ta xấu hổ”.

Và ông Morrison đề nghị chọn một ngày riêng để tri ân người Úc bản địa và trân trọng lịch sử 60 ngàn năm của họ.

Phó lãnh đạo Đảng Quốc gia, Bridget McKenzie, ủng hộ một động thái như vậy dù trên Sky News, bà đã nhầm lý do tại sao ngày 26/1 lại được chọn là Quốc khánh Úc.

“Thực tế là, đất nước của chúng ta thay đổi mãi mãi từ khi nào, quý vị biết đấy, vào cái ngày thuyền trưởng Cook đặt chân lên bờ. Và từ đó trở đi, chúng ta đã cùng nhau xây dựng một xã hội vô cùng thành công” – bà này nói.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo nhật ký cá nhân của James Cook, ông đã đặt chân lên bờ biển Úc lần đầu tiên vào ngày 29/4/1770.

Còn Australia Day đánh dấu ngày Đệ nhất hạm đội (First Fleet) cập bến vịnh Sydney vào năm 1788.

Trong những người ủng hộ cho quan điểm của của Thủ tướng có ông Ken Wyatt - người Úc bản địa duy nhất trong nội các.

Ông Wyatt nói với Cơ quan Truyền thông Úc ABC rằng, ông từng nêu ý tưởng về một ngày quốc lễ mới với cựu thủ tướng Malcolm Turnbull.

Phó lãnh đạo phe đối lập Tanya Plibersek cũng cho biết là, phe đối lập ủng hộ việc giữ Quốc khánh Úc vào ngày 26/1 và có  thêm một ngày nữa để tri ân người thổ dân.

Nhưng bà cũng nói rằng, đảng Lao động thấy thất vọng khi Thủ tướng đưa ra cái mà bà gọi là "ý tưởng quan trọng" thông qua báo chí trong khi chưa hề tham khảo ý kiến ​​của người thổ dân Úc.

Còn nhà lãnh đạo đảng Xanh, ông Richard Di Natale lại cho rằng, với đề xuất này, ông Morrison đang muốn phủ nhận một vấn đề cốt lõi, rằng Australia Day được chọn đúng vào cái ngày gây ra nhiều thương tổn trong xúc cảm của những người Úc bản địa.

Ông Di Natale nhấn mạnh: “Với rất nhiều người, ngày chúng ta kỷ niệm Quốc khánh Úc là một ngày đau khổ, đau khổ và đau khổ. Và chúng ta sẽ không bao giờ có một ngày mang tất cả mọi người ở quốc gia này lại gần với nhau nếu chúng ta cứ tiếp tục ăn mừng vào một ngày vốn gắn với việc các anh chị em người Thổ dân của chúng ta bị mất đi đất đai truyền thống của mình. Giả như chúng ta thay đổi ngày đó thì chúng ta có mất gì đâu?”.  

Trong khi đó, tại Byron Shire, Thị trưởng Richardson hoan nghênh việc có thêm một ngày lễ kỷ niệm của quốc gia.

Tuy nhiên, ông cho biết là hội đồng đã có các lễ hội trong Tuần lễ NAIDOC nhằm tôn vinh nền văn hoá và lịch sử lâu đời cũng như những thành tựu của người Thổ dân, từ Chủ Nhật đầu tiên đến chủ nhật thứ hai trong tháng Bảy.

Ông nói: “Chúng tôi đã có Tuần lễ NAIDOC trong cộng đồng Byron. Và chúng tôi sẽ rất vui nếu ngài  Thủ tướng đến tham dự. Chúng tôi có một tuần lễ kỷ niệm ngập tràn sắc màu văn hóa bản địa, được dựng xây, vun đắp và phát triển bởi những cư dân người Úc bản địa của chúng tôi”.


Share