Đội tuyển Olympic Tị nạn hy vọng giành huy chương tại Thế Vận Hội Paris

TOPSHOT-OLY-PARIS-2024-OPENING

Athletes from Refugee Olympic Team's delegation sail on a boat along the river Seine during the opening ceremony of the Paris 2024 Olympic Games in Paris on July 26, 2024. (Photo by Miguel MEDINA / AFP) (Photo by MIGUEL MEDINA/AFP via Getty Images) Source: AFP / MIGUEL MEDINA/AFP via Getty Images

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Nếu có thể giành huy chương tại Thế vận hội Paris thì Đội tuyển Olympic Tị nạn sẽ tạo nên lịch sử. Đây là lần thứ ba đội tham gia Thế vận hội từ khi được thành lập vào năm 2016 để nâng cao nhận thức về hoàn cảnh khốn khổ của người tị nạn. Năm 2016, một triệu người đã chạy đến Châu Âu, nhằm trốn thoát khỏi sự đàn áp và xung đột, một con số kỷ lục chưa từng có trong lịch sử. Ngày nay, có 120 triệu người tị nạn trên toàn cầu.


Quy mô của Đội tuyển Olympic Tị nạn đã tăng từ 10 vận động viên tại Thế vận hội Rio năm 2016 lên 37 vận động viên năm nay tại Thế vận hội Paris.

Ủy ban Olympic quốc tế đã lấy cảm hứng để thành lập đội tuyển này do cuộc khủng hoảng người tị nạn tràn ngập các kênh truyền thông vào năm 2015 và 2016.

Vào cuối năm 2016, Liên hợp quốc cho biết con số kỷ lục 65,6 triệu người trên toàn thế giới đã phải di tản do xung đột hoặc đàn áp.

Vào thời điểm đó, ông Filippo Grandi, đang chuẩn bị nhận lãnh chức vụ đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, đã được yêu cầu hỗ trợ đội tuyển và thành lập Hội Tị Nạn Olympic.

Ông cho biết ông hết lòng ủng hộ ý tưởng này.

"Người tị nạn giống như bất kỳ người trẻ nào khác thích thi đấu và giành huy chương và nhiệt tình tham gia vào cộng đồng thể thao. Và đây cũng là lúc mà những người vốn bị mất tất cả, có thể lấy lại phẩm giá, bản sắc và đền đáp cho cộng đồng đã tiếp nhận họ, trong trường hợp này là thông qua các hoạt động thể thao."

Năm nay, tại Paris, là lần thứ ba Đội tuyển Olympic Tị nạn tham gia Thế vận hội từ lúc được thành lập.

37 vận động viên đang thi đấu dưới lá cờ Ủy ban Olympic Quốc tế I-O-C vì họ đã phải di dời khỏi quốc gia nơi họ sinh ra.

Các thành viên nói nhiều ngôn ngữ khác nhau và đến từ nhiều nơi trên thế giới.

Họ đại diện cho số lượng người tị nạn trên toàn thế giới, hiện ở mức cao kỷ lục với gần 120 triệu (117,3 triệu) chiếm 1,5% dân số thế giới.

So với một thập kỷ trước, tổng số người tị nạn trên toàn cầu đã tăng gấp ba lần.

Ông Grandi cho biết sứ mệnh ban đầu của Đội tuyển Olympic Tị nạn vào năm 2016 là nâng cao nhận thức về cuộc khủng hoảng người tị nạn toàn cầu, và hiện nay thì điều này lại càng nổi bật hơn bao giờ hết.

"Thế vận hội là cơ hội quan trọng để thúc đẩy một số giá trị tốt đẹp được chấp nhận rộng rãi hơn trên toàn thế giới và đây cũng là tinh thần của Đội tuyển Olympic Tị nạn. Như tôi đã nói, đây là biểu tượng của sự hòa nhập, bình đẳng, thành tựu cho một cộng đồng lớn người tị nạn trên toàn thế giới, những người thường xuyên phải chịu đựng sự phân biệt đối xử, khước từ và loại trừ."

Đội tuyển năm 2020 đã không giành được huy chương nào, và hy vọng rằng với một số vận động viên gia nhập đội, mục tiêu này sẽ đạt được.

Nếu điều đó xảy ra, nó sẽ tạo nên lịch sử.

Đội năm nay được dẫn dắt bởi một vận động viên đã thi đấu với tư cách là thành viên của Đội tuyển Olympic người tị nạn tại Thế vận hội Tokyo 2020.

Tay đua xe đạp người Afghanistan Masomah Ali Zada đảm nhận vai trò Trưởng đoàn của đội, cho biết cô đã vô cùng ngưỡng mộ và có nhiều cảm xúc từ cả 37 vận động viên trong đội.

"Một tấm huy chương cho một trong số chúng tôi, cho những vận động viên này trong Thế vận hội Olympic năm nay, chắc chắn sẽ rất có ý nghĩa, và đó là một thành tựu lớn. Và đối với tất cả những người tị nạn trên toàn thế giới, chắc chắn đó sẽ thực sự là một thành tựu lớn. Và tôi cũng tin rằng chúng tôi sẽ khiến tất cả những người tị nạn trên toàn thế giới tự hào, chúng tôi sẽ làm họ mỉm cười, và chúng tôi hy vọng điều đó. Còn riêng đối với tôi, tất cả những vận động viên tham gia Thế vận hội Olympic, họ đã là người chiến thắng. Tôi thực sự đánh giá cao sự tận tâm tận lực của họ, tôi thực sự đánh giá cao việc họ đã không bỏ cuộc, và tôi thực sự tự hào về tất cả những vận động viên này trong đội của chúng tôi."

Là một thành viên của Đội tuyển Olympic Tị nạn, vận động viên đua thuyền người Iran Saman Soltani đã mất gia đình và cuối cùng đã định cư tại Áo vào tháng 8 năm 2022.

Cô nói rằng với tư cách là một vận động viên tị nạn, có rất nhiều thách thức phải vượt qua để đạt được ước mơ của mình.

"Thật sự rất khó để tôi chấp nhận rằng tôi đã mất tất cả mọi thứ trong cuộc sống trước đây của mình. Khi tôi đến quốc gia thứ ba, những khó khăn như là học ngôn ngữ mới, bắt đầu cuộc sống mới, tìm bạn mới, hòa nhập vào nền văn hóa đó và theo đuổi ước mơ của mình. Là một vận động viên, ước mơ lớn nhất của tôi là được tham gia Thế vận hội Olympic và giành được huy chương vàng tại Thế vận hội Olympic. Hiện tại, tôi đang ở trong tình trạng tốt và tôi thực sự hạnh phúc khi đại diện cho một trăm triệu người. Và giờ tôi thấy rằng có 120 triệu người tị nạn trên toàn thế giới. Và chúng tôi muốn nói rằng khi mọi thứ có vẻ tồi tệ, khi bạn cảm thấy cuộc sống lâm vào bước đường cùng, thì nó không hẳn là như vậy đâu."

Và cô nói rằng cô ấy tự hào về danh tính người tị nạn của mình.

"Không phải lúc nào chúng tôi cũng có quyền lựa chọn. Chúng tôi phải chạy trốn hoặc không thể trở về đất nước, điều này thực sự không hay chút nào. Nhưng điều quan trọng là ở bất kỳ giai đoạn nào bạn phải chấp nhận con người của mình và chấp nhận những gì đã xảy ra với bạn. Và quan trọng hơn nữa là cách bạn phản ứng lại với những gì đang xảy ra với mình. Liệu bạn để cho nghịch cảnh đánh gục bạn hay vượt qua nó và trở thành siêu anh hùng của cuộc đời mình. Vì vậy, đối với tôi, trong trường hợp của tôi, một người tị nạn, tôi là người Iran và tôi tự hào về con người của mình. Và tôi tự hào về đội này vì tôi là một thành viên của nó."

James Macleod là Giám đốc Đoàn kết Olympic tại I-O-C biết tác động của Đội tuyển Olympic Tị nạn vượt xa hai tuần của Thế vận hội.

"Chúng tôi thậm chí còn có một trong những vận động viên, anh Cyrille Tchatchet, người đã cầm cờ ở Tokyo, nếu bạn còn nhớ. Anh ấy đã thi đấu cử tạ. Anh ấy hiện tham gia đội với tư cách là bác sĩ sức khỏe tâm thần của chúng tôi. Vì vậy, mối liên hệ giữa đội Paris, đội Tokyo và đội Rio rất chặt chẽ. Và như bạn biết, Yiech Pur Biel, người ở đội Rio hiện là thành viên IOC. Vì vậy, tất cả những mối liên hệ đều có ở đó. Về vấn đề hồi hương, chưa có ai trong đội của chúng tôi làm điều đó. Nhưng có một số vận động viên đã trở thành công dân của quốc gia chủ nhà, đáng chú ý là Kimia Alizadeh, người mà bạn sẽ thấy thi đấu ở đây trong môn TaeKwonDo đại diện cho Bulgaria. Và đối với chúng tôi, đó là một thành công."

Jojo Ferris là Trưởng ban Quỹ Tị nạn Olympic tài trợ cho chương trình đào tạo và nguồn lực cho các vận động viên trong Đội tuyển Olympic Tị nạn.

Bà cho biết nhóm 37 người năm nay được chọn từ 74 vận động viên tị nạn, những người nhận được học bổng hỗ trợ để tiếp tục tập luyện, chuẩn bị và tham gia các cuộc thi cấp cao.

"Việc lựa chọn dựa trên hai tiêu chí chính, đó là trình độ thể thao, mà chúng tôi xem xét rất kỹ lưỡng với tất cả các liên đoàn quốc tế. Và sau đó bảo đảm rằng các vận động viên đó có tình trạng tị nạn được Cơ quan tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR) xác nhận. Ngoài ra, cần cân nhắc đến bản thân đội với sự đa dạng; và bảo đảm rằng đội này đại diện cho tình hình toàn cầu và người tị nạn di tản nói chung."

Bà cho biết sứ mệnh của quỹ là thúc đẩy truyền thống Hy Lạp cổ đại về lệnh ngừng bắn Olympic, đặc trưng trong các kỳ Thế vận hội đầu tiên.

Có từ thế kỷ thứ 9 trước Công nguyên, quỹ dùng thể thao để tạo ra một nền văn hóa hòa bình thông qua tình bạn và sự hiểu biết giữa các vận động viên.

"Nó cho phép chúng tôi thu hút sự chú ý và hiểu biết về thực tế toàn cầu rằng 120 triệu người, hay một trong số 69 người trên toàn cầu đã buộc phải rời bỏ nhà cửa để di tản. Và ngoài đội ngũ của Olympic Refuge Foundation, thông qua thể thao chúng tôi làm việc 365 ngày một năm để hỗ trợ người tị nạn và những người phải di dời, cho dù đó là ở Uganda qua chương trình Game Connect, tập trung vào việc cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất; hay ở Bangladesh xây dựng khả năng phục hồi để giải quyết vấn đề di dời do biến đổi khí hậu. Hoặc ngay tại đây ở Greater Paris, nơi chúng tôi có một sáng kiến tuyệt vời, cung cấp quyền truy cập miễn phí cho hàng ngàn người bị ảnh hưởng bởi tình trạng di dời để họ có thể tiếp cận thể thao, đủ các bộ môn gồm quyền anh, taekwondo, bơi lội, khiêu vũ, nhiều môn thể thao khác nữa."

Kể từ năm 2017, Olympic Refuge Foundation đã cung cấp quyền truy cập vào thể thao cho gần 400.000 người và đào tạo cho 1.600 huấn luyện viên.

Mục tiêu của họ là tiếp cận 1 triệu thanh thiếu niên bị ảnh hưởng bởi tình trạng di dời.

Share