Làm gì khi con bạn bị bắt nạt ở trường?

Khi con bạn bị bạn bè bắt nạt ở trường, cha mẹ có nên can thiệp? Và can thiệp như thế nào: nói chuyện với thầy cô, hay với cha mẹ của đứa trẻ kia, hay là cứ để mặc cho con mình tự giải quyết?

Parenting

Làm sao giúp con cái không bị bắt nạt? Source: Getty Images

Có con đi học và bị bắt nạt ở trường là một trong những mối lo lớn nhất của bất kỳ cha mẹ nào – và nghiên cứu cũng đã chứng minh là nỗi lo này là có cơ sở. Bắt nạt học đường được cho là mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe tâm thần của trẻ.

Khi cha mẹ phát hiện ra con cái mình bị bắt nạt, có cần thiết phải lo lắng không, và chính xác là cha mẹ phải làm gì? Nên báo cáo với trường? đến gặp thẳng phụ huynh của đứa trẻ kia? Hay cứ để cho bọn trẻ tự giải quyết với nhau?

Đôi khi rất khó để tìm được một lời khuyên phù hợp trong vô vàn lời khuyên của các phụ huynh khác. Cha mẹ lúc nào cũng muốn giúp đỡ con cái, nhưng nếu can thiệp quá sớm, có khi lại khiến cho đứa trẻ bị mang tiếng là bảo bọc quá kỹ.

Các nhà chức trách trường học thường khuyên phụ huynh để cho trường xử lý. Đó có thể là một giải pháp nếu trường học có thể dừng ngay chuyện bắt nạt. Tuy nhiên không phải lúc nào trường học cũng xử lý được, và chỉ khiến đứa trẻ đó bị bắt nạt thêm.

Cha mẹ ảnh hưởng đến chuyện con bị bắt nạt thế nào?

Chúng ta đều biết cách giáo dục gia đình có thể ảnh hưởng đến nguy cơ bị bắt nạt của con tại trường. Nếu gia đình gần gũi, ủng hộ con cái đó là yếu tố bảo vệ con. Trái lại cách giáo dục mang tính tiêu cực sẽ khiến con có nhiều nguy cơ bị bắt nạt ở trường.

Một cuộc nghiên cứu lớn ở Anh đã cho thấy những gia đình có mối quan hệ gần gũi giúp trẻ mạnh mẽ trong việc xử lý cảm xúc tiêu cực hậu quả của việc bị bắt nạt. Điều đó có nghĩa là khi trẻ cảm thấy mình được gia đình hỗ trợ, chúng ít khi vướng vào chuyện bắt nạt. Chúng có ai đó ở nhà để giãi bày khi mọi chuyện ở trường không như ý muốn và cùng giúp chúng giải quyết những chuyện không hay.

Cha mẹ gặp con cái mỗi ngày, vì thế cha mẹ có cơ hội tốt để giúp trẻ tìm cách xử lý những mối quan hệ với bạn bè. Có thể giúp trẻ cải thiện kỹ năng xã hội, điều đó giúp trẻ được nhiều bạn bè chấp nhận hơn. Cha mẹ cũng có thể hỗ trợ mối quan hệ bạn bè của trẻ bằng cách tổ chức những ngày vui chơi và các hoạt động khác giúp trẻ gắn bó với bạn bè. Có những người bạn tốt sẽ giúp bảo vệ trẻ khỏi chuyện bắt nạt.
Children playing
Trẻ có nhiều bạn tốt sẽ ít có nguy cơ bị bắt nạt Source: The Conversation

Cha mẹ giúp con cái xử lý khi bị bắt nạt như thế nào?

Nếu con bạn nói với bạn về rắc rối với bạn bè tại trường, đây là điều đáng mừng. Rất nhiều đứa trẻ không chịu nói với cha mẹ khi bị bắt nạt, chúng thường cảm thấy xấu hổ hoặc lo sợ không biết cha mẹ phản ứng thế nào.

Khi con cái đến gặp bạn để giãi bày, hãy dừng lại để lắng nghe. Nhưng nếu bạn trở nên tức giận hay phản ứng thái quá, điều này lại khiến con bạn không dám thổ lộ thêm nữa.

Nếu đứa trẻ không chịu nói, sẽ có những dấu hiệu cho thấy chúng có thể bị bắt nạt ở trường. Đó có thể là khi trẻ không muốn đi học, không muốn gặp bạn bè, nhạy cảm hơn hay tâm lý thay đổi, thay đổi thói quen ăn uống và giờ giấc sinh hoạt, ngủ nghỉ, và có những triệu chứng tâm lý không giải thích được. Nếu trẻ có những biểu hiện trên, hãy nhẹ nhàng gợi chuyện.

Dù trẻ có bị bắt nạt hay không, cha mẹ vẫn phải luôn hỗ trợ các mối quan hệ bạn bè, dành thời gian cho trẻ để gặp bạn và làm quen với các phụ huynh khác cũng là cách xây dựng mối quan hệ cho trẻ.

Khi trẻ trở nên buồn phiền về hành vi của các bạn, cha mẹ có thể cho những lời khuyên, giải thích tình huống và giúp trẻ quyết định nên làm gì.

Thông thường trẻ có thể tự giải quyết vấn đề, lúc này cha mẹ chỉ cần giúp trẻ thực tập nên làm thế nào.

Cha mẹ cũng nên giúp trẻ học cách phớt lờ những vấn đề nhỏ nhặt, củng cố tình bạn với những đứa trẻ ngoan, và chỉ nên nhờ cậy giáo viên khi cần.

Đến trường nhờ can thiệp hoặc gặp trực tiếp phụ huynh của đứa trẻ bắt nạt có phải là giải pháp tốt?

Nếu con bạn không thể tự mình giải quyết rắc rối và nó khiến bé ngày một căng thẳng hơn, lúc này phải nói chuyện với con. Nếu con gặp rắc rối ở trường, hãy đến trường đầu tiên. Gặp giáo viên của con nếu chuyện xảy ra với một học sinh khác trong lớp, hoặc gặp quản lý nhà trường nếu chuyện xảy ra ở phạm vi ngoài lớp học.

Hãy chuẩn bị kỹ mình nên nói gì. Sẽ rất dễ trở nên nổi nóng khi đề cập đến vấn đề bắt nạt, do đó, cha mẹ hãy bình tĩnh và giải thích chính xác chuyện xảy ra, đứa trẻ bị ảnh hưởng như thế nào. Sau đó yêu cầu trường can thiệp và kiểm tra tình hình có tiến triển hay không.

Có nhiều phụ huynh chọn cách quan sát trẻ khi chuyện bắt nạt xảy ra. Cách này thường khá nhạy cảm, trong trường hợp đó, hãy bình tĩnh yêu cầu phụ huynh khác không đổ lỗi cho con mình hoặc la mắng con họ, và đề nghị hợp tác để cùng xử lý.

Nói chung, điều quan trọng nhất vẫn phải có mối quan hệ tốt với con, nếu không, mọi cố gắng hoặc giải pháp đều khó đem lại kết quả.

Nếu mọi cố gắng không đem lại kết quả?

Trong trường hợp con bạn ngày càng trở nên căng thẳng, chuyện bắt nạt vẫn tiếp tục xảy ra, nhà trường không thể xử lý, thì hãy cân nhắc giải pháp khác – bao gồm cả chuyện báo cáo lên cấp quản lý cao hơn, kể cả cảnh sát nếu như liên quan đến tấn công làm tổn hại cơ thể hoặc bắt nạt trên mạng.

Thêm thông tin và cập nhật Like 

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 15 January 2018 6:23pm
Updated 16 January 2018 12:28pm
By Hương Lan
Source: The Conversation


Share this with family and friends