Ước gì tôi biết điều này trước khi qua Úc sống

Một cô gái trẻ Sài Gòn theo chồng sang Úc đã khóc hết mấy đêm vì ở bên nhà chồng ở Úc, cô không có bàn trang điểm như ở quê nhà. Cô nói mọi người quanh cô đều sống trong các căn hộ chật hẹp, lối vào tối tăm và đôi khi nhà vệ sinh xây ngay gần cửa chính. Tuy nhiên đó chỉ là ấn tượng lúc ban đầu với nhiều cô gái trẻ theo chồng sang định cư ở Sydney. Sau đó hai, ba năm hoặc lâu hơn, những thách thức nào họ sẽ phải đối mặt? Liệu ước mơ của họ có được thực hiện? Sydney khó sống với người mới đến ra sao, đặc biệt là phụ nữ?

ngoc anh 2.jpg

Rose Nguyen va con trai. Credit: SBS Vietnamese

“Đôi khi tôi ước giá như tôi có thể biết trước một chút ít sự thật về việc sống ở Sydney sẽ khó khăn như thế nào.”

Rose Nguyễn nhớ khi mới lấy chồng và qua Úc, cô chỉ mới 20 tuổi.

Trải qua gần 20 năm và sinh hạ bốn đứa con, giờ đây, Rose là một người mẹ tự mình đi làm nuôi các con, và bây giờ theo lời cô là mới bắt đầu trải nghiệm niềm vui của cuộc sống độc lập thoải mái hơn một chút.

Nếu Rose mất hơn 20 năm ở Úc để tìm được một chỗ đứng, có công ăn việc làm và tìm thấy sự ổn định trong cuộc sống dù đơn chiếc của mình, thì Hannah Hà, 40 tuổi, nghĩ rằng cô sẽ lên kế hoạch trong hai đến ba năm tiếp theo để tìm được một chỗ đứng ở Úc đúng với kỳ vọng và năng lực của cô.

Hannah theo chồng qua Úc sống từ năm 2021. Nay cô có hai con, một em mới vừa vào tiểu học và một em mới bước vào trung học.

“Em nghĩ câu chuyện của em không có kịch tính lắm nhưng nó rất phổ biến trong những bạn trẻ di dân mới qua Úc. Đương nhiên là số người tiếp cận được hệ thống chính mạch theo đúng nghề nghiệp của họ tại Việt Nam, mà không bị rào cản ngôn ngữ là rất hiếm, mặc dù họ có chuyên môn cao, kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài và kiến thức trong lĩnh vực vô cùng phong phú.”

Hannah cho rằng tiếng Anh là rào cản lớn nhất đối với di dân có chuyên môn tay nghề cao. Cô nói cô không có sự lựa chọn giữa việc ngồi ở nhà để học một cái gì đấy nâng cao bản thân, chẳng hạn nâng cao kỹ năng tiếng Anh để đi xin việc, với việc bị cuốn vào guồng quay tiền bạc, đi làm việc tay chân để kiếm thêm 100, 200 đô la mỗi ngày.

“Bảo ngồi nhà không đi kiếm tiền để sống qua ngày thì rất khó. Nếu có thì phải là một sự hi sinh rất lớn mới làm được. Em không thể vì ước mơ của mình mà bỏ qua cái trước mắt. Cơm áo gạo tiền trước mắt thì rất thách thức, rất lớn, và còn dễ đong đếm, còn những tầm nhìn xa hơn thì lại quá xa vời.”
New Year's Eve Fireworks on Sydney Harbour
Sydney, dễ sống hay khó sống? Source: AAP
Hannah nói ước gì cô dành gấp đôi, gấp ba thời gian trước đây khi còn học cấp 3, học đại học ở Việt Nam và sau này học thạc sĩ tại Úc để chỉ rèn luyện kỹ năng tiếng Anh, thì có lẽ bây giờ cô vẫn sẽ tiếp tục được làm công việc chuyên môn của mình.

Hannah lớn lên ở vùng nông thôn Việt Nam, cô tự nhận mình là một học sinh giỏi và đã thi đậu vào một trường đại học tốt ở Việt Nam học về ngành Tài chánh, sau khi ra trường cô được nhận vào làm việc tại một nơi được nhiều người mơ ước, cô cho rằng mình là một người thành công trong sự nghiệp. Sau đó cô xin học bổng để tiếp tục sang Úc học thạc sĩ.

“Lúc ở Úc đi học em không suy nghĩ gì cả. Lúc đó cảm giác chỉ như một bông hoa cắm vào bình, cắm xong thì đi cắm chỗ khác. Còn bây giờ qua với tư cách di dân, đã ở lại Úc thì như cái cây phải cắm rễ để phát triển, cần bén rễ nên rất nhiều điều đã xảy ra.”



Hannah cho rằng Sydney vẫn dễ sống, nếu có sức khoẻ và chịu khó lao động thì ở đâu cũng sống được.

Với Hannah để sống thì không có gì khó khăn, nhưng liệu những di dân đến Úc có chuyên môn khác các ngành nghề đang thiếu tay nghề ở Úc, có thật sự bước chân được vào lĩnh vực của họ?

“Bản thân em nhận thức được và xác định có thể lao động chân tay đến lúc nghỉ hưu. Nhưng khi gặp thực tế thì quả là nhiều rào cản và mâu thuẫn. Em thức dậy từ 6 giờ sáng phục vụ chồng con, rồi làm việc và kết thúc một ngày khoảng 10 giờ tối. Nhưng cảm giác của em là mình vẫn chưa làm gì cả. Đó là mâu thuẫn bên trong em. Vì mình không làm được những việc theo ý muốn nên dù mình rất vất vả nhưng vẫn cảm thấy chưa làm được gì. Vậy là mình càng muốn làm nhanh hơn, nhiều hơn để xong những thách thức trước mắt đi, để làm được điều mình muốn. Và thế là mình lại tạo thêm gánh nặng cho mình.”

Hannah tự cho bản thân thêm hai đến ba năm nữa để tìm được một chỗ đứng thích hợp với chuyên môn mà cô có. Sau thời gian vật lộn để tìm việc, cô nói người Việt ở Úc đang thiếu một sự kết nối, thiếu một cộng đồng mạnh mẽ hoặc một mạng lưới người Việt giúp đỡ nhau và có thể khai thác một cách tích cực tiềm năng từ di dân như em.
 
“Nếu em cố gắng trong vòng hai ba năm mà em ko làm được thì em sẽ nghĩ đến khả năng chuyển hướng. Mong muốn lúc này của em là cộng đồng người Việt sẽ có một mạng lưới giúp đỡ nhau tìm việc làm, hỗ trợ kỹ năng và kiến thức cũng như mở rộng cơ hội thực tập cho những di dân như em để tham gia vào thị trường lao động đúng tay nghề.”

Đồng hành cùng chúng tôi, Follow & Like 
Cập nhật tin tức mọi lúc mọi nơi tại 
Nghe SBS tiếng Việt trên trang mạng, hay trên ứng dụng SBS Radio, tải về từ hay 


Share
Published 7 April 2023 9:08am
Updated 11 April 2023 11:02am
By Lê Tâm
Source: SBS

Share this with family and friends