Feature

Người Việt vượt biên tìm tự do thời hiện đại: băng ngang cửa tử tìm sự sống

Cuộc vượt biên của ba người phụ nữ Bình Thuận đem theo 12 đứa trẻ trên một chiếc thuyền đánh cá trốn khỏi Việt Nam lần thứ hai vào đầu năm 2017 gây xôn xao dư luận Úc. Họ nằm trong số “thuyền nhân Việt Nam” bị chính phủ Úc trả về trong năm 2015-2016. Thuyền của họ bị chết máy và được ngư dân Indonesia cứu đưa vào bờ. Sau 5 năm ở Indonesia với hai lần vào trung tâm giam giữ người nhập cư của Indonesia, vào năm 2022, nhóm gồm 20 người đã được tái định cư ở Canada. Câu chuyện hy hữu này được viết thành sách ‘Thuyền nhân Việt Nam thời hiện đại: Vượt biên vì tự do’, xuất bản gần đây bởi tác giả Úc đồng thời là ân nhân của họ, Shira Sebban.

Maiimagenew.JPG

(From L to R) Tran Thi Thanh Loan, Loc, Tran, Loi, Nhi, and My. Credit: Supplied

Key Points
  • Một cuốn sách kể về hành trình vượt biên từ Việt Nam của ba người mẹ cùng những đứa con
  • Tám năm trước, con thuyền vượt biên của họ đến Úc đã bị quay đầu, nhiều người đã bị tù giam khi trở về Việt Nam.
  • Sau nhiều tháng sống trong trại tầm trú ở Indonesia, cuối cùng các gia đình họ đã tìm được bến bờ định cư ở Canada.
LISTEN TO
Modern Boat People image

Modern Boat People

17:15
Định cư lại ở Canada sau gần 8 năm bị quăng quật trong lòng chảo của những bi kịch kể từ chuyến vượt biên lần thứ nhất vào cuối năm 2015 bị chính phủ Úc trả về đầu 2016, chị Trần Thị Thanh Loan nói gia đình chị nhận được rất nhiều sự thương yêu đùm bọc của các đồng hương khi vừa đặt chân tới Canada.

Chị Trần Thị Thanh Loan – một trong ba phụ nữ chủ chốt của chuyến đi chấn động truyền thông Úc. Câu chuyện vượt biên thời hiện đại của họ được bà Shira Sebban, một tác giả người Úc đồng thời cũng là ân nhân của họ viết lại trong cuốn sách ‘Thuyền nhân Việt Nam thời hiện đại: Vượt biên vì tự do’ (Vietnam’s Modern Day Boat People: Bridging Borders for Freedom) vừa mới được xuất bản.

Để phải mạo hiểm vượt biên trong thời hiện đại, gia đình chị Loan đã trải qua những bức bách cùng quẫn ngay trên quê hương mình. Chị Loan chia sẻ, trước khi đi vượt biên lần nhất thì chồng chị, anh Hồ Trung Lợi đã bị tù ở Indonesia do đánh cá phạm vào vùng biển của nước bạn. Anh chỉ vì tránh khỏi bị các tàu hải cảnh của Trung Quốc ức hiếp mà phải dạt xuống lãnh hải Indonesia. Thuyền cá của anh bị phía Indonesia bắt, bản thân anh bị giam hai năm, sinh kế gia đình mất lao động chính. Ở nhà thì chính quyền giải tỏa nhà không đền bù, bản thân gia đình là người Công giáo bị o ép đối xử đủ điều.

Họ quyết định đi vượt biên, cùng với 40 người khác tổng cộng là 46 người trong chuyến vượt biên lần một. Tàu họ bị hải quân Úc ngăn chặn ngoài khơi. Họ bị giữ trên tàu Hải quân Úc nằm ngoài lãnh hải. Sau một tháng bị nhốt trên tàu với những cuộc phỏng vấn 'sàng lọc nâng cao' gây tranh cãi, chính phủ Úc quyết định rằng không ai trong số 46 người trên thuyền của họ hội đủ quy chế tị nạn để được bảo vệ. Úc trả về dựa vào sự bảo đảm của chính quyền Việt Nam rằng họ sẽ được tái hòa nhập cuộc sống mà không bị trừng trị, như lời của Sebban.

Tuy nhiên khi vừa về đến nơi thì anh Hồ Trung Lợi, chồng của chị Loan, bị bắt ngay, nhận mức án hai năm tù, còn chị Loan nhận bản án ba năm tù, vì bị coi là những người tổ chức chuyến đi cần bị trừng phạt nặng nề. Các con của họ đứng trước nguy cơ phải gởi vào trại mồ côi khi cả cha và mẹ đều đi tù. Và tệ hại nhất là các con chị bị bêu rếu trong những buổi chào cờ thứ Hai hàng tuần ở trường. Những dồn ép khiến chị phải mang bốn đứa con - lớn nhất là 16 và nhỏ nhất là 6 tuổi dấn vào một hành trình sống chết trên một chiếc thuyền đánh cá thô sơ trốn khỏi Việt Nam.

Tran Thi Thanh Loan and her children in front of the Court House.jpg
From L: daughters, Ho Thanh Nha My, Ho Thanh Nha Tran, and Ho Thanh Thao Nhi, mother, Tran Thi Thanh Loan, and son, Ho Van Loc. Credit: Tran Thi Thanh Loan
Câu chuyện bi thảm của họ đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông Úc. Sebban nói rằng bà không tưởng tượng nổi thời đại này mà còn thuyền nhân Việt Nam, cụm từ mà bà cũng như thế giới nghe nhiều vào thập niên 70s, 80s.

Động lòng trước câu chuyện của họ đăng trên tờ The Australians, Sebban lần mò tìm Facebook của Luật sư Võ An Đôn ở Việt Nam – người nhận bào chữa thiện nguyện cho chị Loan và những người bị chính quyền kết án khi Úc trả về, để hỏi thăm.

Ban đầu, bà Sebban chỉ định gây quỹ Gofundme để giúp chị Loan có thể sắp xếp cho các con ở với một trong những người thân của mình thay vì phải đưa chúng vào trại trẻ mồ côi. Chi phí để bốn đứa trẻ có thể sống được là khoảng 400 đô la Úc mỗi tháng, như vậy ít ra khi cha mẹ đi tù chúng vẫn có thể nương náu gia đình một người bà con, những người mà hoàn cảnh cũng nghèo túng không kém gì cha mẹ chúng. Ý định là vậy nhưng cuối cùng số gia đình mà Sebban hỗ trợ lên đến năm gia đình. Họ đều là những người bị trả về và có hoàn cảnh khó khăn tương tự.

Bà Sebban kể lại hai chuyến thăm Việt Nam – một vào năm 2018 và một vào tháng 6 năm 2022, khi bà gặp gỡ những gia đình vẫn còn ở đó. Bà cũng tham dự lễ tốt nghiệp của một thanh niên trẻ người mà có cha bị tàn tật trong thời gian ở tù do bị trả về và gia đình em cũng được sự bảo trợ của bà Sebban từ quỹ Gofundme để họ có thể ‘đứng trên đôi chân của mình’.

“Cuối cùng, tôi đã phát động gây quỹ cộng đồng đến ba lần cho tất thảy năm gia đình, hai trong số đó đã không bỏ trốn lần thứ hai và vẫn ở lại Việt Nam cho đến ngày nay (…). Mọi người thật hào phóng – rõ ràng hoàn cảnh của các em đã chạm đến trái tim họ. Đôi khi đó là một vài người phụ với nhau để mua một chiếc máy tính cho một trong những đứa trẻ lớn trong nhóm không thể đến trường ở Indonesia. Và cũng cách này, chúng tôi phụ với nhau để đóng học phí – đã được giảm - cho một trong số các bé gái đến trường”.

Quyết định bỏ trốn lần nữa của chị Loan xuất phát từ nỗi kinh hãi cảnh tù đày mà chị đã chứng kiến chồng mình, anh Hồ Trung Lợi phải chịu, sau khi chồng chị được thả. Trước đó, trước sức ép của dư luận, chính quyền đã nhân đạo cứu xét cho phép chị Loan được tại ngoại để chăm sóc bốn đứa con của mình, và sẽ thi hành án khi chồng chị xong án được thả về.

Chuyến vượt biên lần hai chị Loan lần nữa nhắm lãnh hải Úc mà hướng đến. Nhưng khi đi ngang qua vùng biển Indonesia thì thuyền của họ va vào các rạn san hô bị hư máy và bắt đầu chìm. May mắn, họ được ngư dân Indonesia cứu đưa vào bờ. Theo bà Shira đây là ‘trong cái rủi có cái may’, vì nếu tiếp tục đi thì dẫu có đến được Úc thì họ cũng sẽ vẫn không vào được Úc.

Trong cuốn sách ‘Thuyền nhân Việt Nam thời hiện đại: Vượt biên vì tự do’ (“Vietnam’s Modern Day Boat People: Bridging Borders for Freedom”), bà Sebban mô tả một cách sinh động chuyến thăm trại giam giữ người tầm trú Indonesia, nơi bà đã tận mắt chứng kiến “điều kiện kinh hoàng” mà các gia đình phải đối mặt.

“Nó giống như một nhà tù, với phụ nữ và trẻ em bị nhốt trong một phòng giam có khóa móc với song sắt ngang lối vào. Đàn ông và những em trai lớn hơn thì nhốt ở một phòng giam khác đối diện, còn ở cuối hành lang là phòng giam tù hình sự, những tên tội phạm thực sự. Chúng tôi phải đợi người bảo vệ mở ổ khóa để cho cánh đàn ông và các em trai được vào khu vực dành cho nữ. Mặc dù chỗ ở khá sạch sẽ nhưng nó không có cửa sổ và không có ánh sáng tự nhiên lọt vào. Họ phải ngủ trên nệm trải dưới sàn, giăng ngang trên đầu là dây phơi đồ.”

In the Indonesian Detention Centre.jpg
The families spent 10 months in Indonesian detention. Credit: Supplied
Khi bị đưa vào Indonesia và nhốt trong trại dành cho người tầm trú. Nhóm 18 người họ nhiều lần đối mặt với đe dọa trục xuất về Việt Nam, chị Loan nói với chính quyền Indonesia và Cao ủy Tị nạn LHQ UNHCR họ “thà chết ở đây còn hơn”.

“Chính phủ Úc từng gửi chúng tôi về nước với lời hứa rằng chúng tôi sẽ không bị trừng phạt. Nhưng chúng tôi đã bị kết án và bỏ tù. Điều khủng khiếp nhất là những gì các con tôi phải đối mặt ở trường học ở Việt Nam. Mỗi Thứ Hai, trong buổi họp, nhà trường và công an cùng nhau gọi tên các con tôi, gán cho chúng tôi những kẻ phản bội rời Việt Nam trái phép bằng thuyền. Cảnh sát mặc thường phục sẽ đến quầy bán trái cây trên phố của tôi và xua đuổi khách hàng.”

Cuối cùng thì họ cũng được Cao ủy Tị nạn LHQ (UNHCR) ở Indonesia công nhận tư cách tị nạn, tuy vậy các gia đình này phải đối mặt với thách thức tìm kiếm nước thứ ba để tái định cư.

Mặc dù cộng đồng người Việt ở Queensland ngỏ ý muốn đứng ra bảo trợ cho cả nhóm 18 người tái định cư tại Úc, nhưng nhận thấy Canada có hệ thống linh hoạt hơn Úc với các chương trình như là Tư nhân Tài trợ cho Người Tị nạn, Nhóm Vận động Thiện nguyện, VOICE Canada – những tổ chức đã đóng vai trò then chốt trong việc tái định cư các gia đình tị nạn từ nhiều năm qua, và nhất là có sự vận động nhiệt thành của Thượng Nghị Sĩ gốc Việt Ngô Thanh Hải nên bà Sebban quyết định hướng đến Canada để tìm nơi trú thân cho cả nhóm.

“Chúng tôi biết rằng họ không thể ở lại Indonesia lâu dài vì đây không phải là quốc gia tái định cư và Indonesia sẽ không cho họ làm việc. Lúc mà họ được ra khỏi nơi giam giữ, họ đã được chính phủ Úc cấp một số tiền nhỏ để sống ở Indonesia trong cộng đồng nhưng không được đi làm và chỉ 10% trẻ em tị nạn được đến trường ở Indonesia và đây là một tình huống không thể giải quyết được. Do đó mà chúng tôi biết rằng chúng tôi phải tìm một nước thứ ba và chúng tôi đã cố gắng thử với Úc như tôi đã trình bày chi tiết tất cả những điều này trong cuốn sách nhưng cuối cùng Canada đã chứng tỏ là lựa chọn tốt nhất cho các gia đình và vì vậy chúng tôi đã từ bỏ Úc.”

Câu chuyện có hậu của ba người phụ nữ Việt đi vượt biên thời hiện được viết thành sách “Vietnam’s Modern Day Boat People: Bridging Borders for Freedom” - ‘Thuyền nhân Việt Nam thời hiện đại: Vượt biên vì tự do’, không chỉ lý thú về tình tiết, cuốn sách của bà Sebban làm sáng tỏ tác động trái ngược giữa các chính sách kiểm soát biên giới nghiêm ngặt của Úc và cách tiếp cận nhân đạo hơn của Canada.

"Thật không may, ở Úc, những câu chuyện về người tị nạn có thể được đưa tin với kiểu giật gân hoặc tiêu cực, và sự thật thường bị bóp méo. Đây là một câu chuyện chưa nhận được nhiều sự chú ý trên các phương tiện truyền thông phương Tây và tiếng Anh. Do đó mà việc để nhiều người biết về nó càng trở nên quan trọng hơn, nhất là là khi họ được cho tái định cư ở Canada sau khi đã đi qua vô vàn những khó khăn.

"Tôi muốn câu chuyện của họ được xem xét một cách nghiêm túc, đó là lý do tại sao tôi đã đưa vào đó rất nhiều bằng chứng với rất nhiều nghiên cứu - đặc biệt là khi một số chủ đề được đề cập không được công chúng biết đến, tôi muốn tiếng nói của những người tị nạn được nghe thấy. Đồng thời, tôi đã viết cuốn sách theo cách mà những độc giả muốn theo dõi câu chuyện mà không cần bận tâm đến nguồn vẫn có thể thoải mái đọc nó.”

Chuyến đi của chị Trần Thị Thanh Loan là một chuyến đi tìm sự sống bằng cách băng ngang qua cửa tử. Rất may mắn con thuyền đã đi đến bến bờ bình an. Các con chị nay đã có thể nghĩ đến tương lại và mạnh dạn nói lên ước mơ của mình. Hồ Thanh Bảo Trân – ngày theo mẹ bước xuống thuyền lần thứ hai mới 10 tuổi nay em 16 tuổi, mong muốn trở thành nhạc sĩ hay ca sĩ. Hồ Thanh Thảo Nhi, cô bé có tấm hình đứng sau song sắt ở trại giam giữ người nhập cư ở Indonesia được Shira chọn làm bìa sách, mong muốn học thật giỏi để trở thành bác sĩ hay luật sư. Hồ Văn Lộc, cậu con trai duy nhất trong bốn anh chị em, mong muốn trở thành chuyên viên điện toán. Em nói cuộc đời em chắc chắn sẽ rất khác nếu mẹ em không đưa ra quyết định táo bạo trốn đi trong chiếc thuyền đánh cá bé nhỏ đó.

Tran Thi Thanh Loan and her children at her home in Canada.jpg
From L, Ho Van Loc (son), Tran Thi Thanh Loan, and daughters Ho Thanh Thao Nhi and Ho Thanh Nha Tran. Nhi's picture behind the bar in the Immigration Centre Indonesia is used as the book's cover. Credit: Supplied
Nhìn lại chặng đường gian khổ của gia đình cho đến ngày hôm nay, chị Loan cảm ơn tất cả những người đã dang tay giúp đỡ gia đình chị và những người trong chuyến đi liều mạng đó.

Nói về cuốn sách của mình, bà Sebban hy vọng độc giả được truyền cảm hứng từ người phụ nữ tuyệt vời này (Trần Thị Thanh Loan) và những người đã cùng cô ấy đến Canada. Họ là nhóm người phi thường nhất, họ mạnh mẽ, kiên cường, họ quyết tâm và tràn đầy hy vọng và tôi không bao giờ có thể thấy họ tái định cư ở Canada nếu không có tất cả nỗ lực họ đã bỏ ra họ để tự giúp mình “chúng tôi chỉ ở đó để hỗ trợ’.

"Đây là câu chuyện của họ và tôi muốn nêu bật lòng dũng cảm phi thường của những người được gọi là bình thường. Tôi không nghĩ ai là bình thường cả, mọi người đều có một câu chuyện để chia sẻ và đây là câu chuyện của họ, cuộc chiến giành tự do của họ.”

Bà Sebban nói rằng lòng trắc ẩn thì không có biên giới, và bất cứ ai cũng có thể tao ra sự khác biệt. Những điều tưởng chừng như bất khả thi vẫn có thể đạt được khi mọi người từ khắp nơi bất kể bạn ở đâu chung tay lại với nhau để giúp đỡ những người đang cần sự giúp đỡ.

"Bạn không cần phải giàu có, bạn không cần phải có quyền lực, và không nhất thiết phải giúp đỡ người tị nạn. Bạn có thể làm bất cứ điều gì mà bạn thấy mình cần làm, hứng thú làm, để giúp ai đó bất kể sở thích của bạn là gì và đó là điều tôi muốn độc giả nhận được từ cuốn sách này.”

Shira Sebban, một nhà văn và đại diện di trú ở Sydney, đã cống hiến nỗ lực của mình cho công ty luật từ thiện, Human Rights For All, đấu tranh cho việc thả những người tị nạn khỏi nơi giam giữ nhập cư dài hạn. Được trao giải OAM vào tháng 6 năm 2022 vì sự phục vụ của mình cho cộng đồng Do Thái, bà cũng đóng góp cho tổ chức Hỗ trợ Người tị nạn Sydney và làm hướng dẫn viên tại Bảo tàng Do Thái Sydney. Cuốn sách đầu tiên của Sebban, “Mở khóa quá khứ: Những câu chuyện từ Nhật ký của mẹ tôi”, là một loạt truyện ngắn phi hư cấu đầy sáng tạo. Các bài viết của cô cũng đã xuất hiện trên các ấn phẩm bao gồm The Sydney Morning Herald và The Guardian.

Cuốn sách về câu chuyện của các gia đình thuyền nhân Việt Nam hiện có thể mua qua Amazon hoặc đọc qua bản Kindle.

“Vietnam’s Modern Day Boat People: Bridging Borders for Freedom” (Jefferson: McFarland, 2024) ‘Thuyền nhân Việt Nam thời hiện đại: Vượt biên vì tự do’

Share
Published 25 December 2023 11:09am
Updated 25 December 2023 6:14pm
By Mai Hoa Pham
Source: SBS


Share this with family and friends