Trung Quốc ‘mượn’ áo dài và nón lá Việt Nam

Truyền thông nhà nước và cộng đồng mạng Việt Nam những ngày gần đây thảo luận về một buổi trình diễn thời trang ở Trung Quốc mà truyền thông nước này nhấn mạnh là ‘phong cách Trung Quốc’ của thương hiệu Ne Tiger một năm trước với… nón lá và áo dài.

China steals aodai Vietnam

"Aodai" the fashion show of Ne·Tiger during the China Fashion Week Spring/Summer 2019 in Beijing, China, Oct 25, 2018. Source: VCG

Bộ sưu tập áo dài đi kèm với những phụ kiện như nón lá và mấn đội đầu của thương hiệu Ne Tiger mà Trung Quốc tự hào là ‘của nhà trồng được’ được trình diễn trong khuôn khổ Tuần lễ Thời trang Trung Quốc Xuân Hè 2019 ở Bắc Kinh cách đây hơn một năm, tháng Mười 2018.

Không rõ vì sao những hình ảnh trong chương trình này quay trở lại trên mạng xã hội và khiến nhiều người Việt Nam tức giận viết những câu bình luận như ‘ăn cắp văn hóa’, ‘giành biển, giành đảo, giành đàn bầu, giành áo dài’ và ‘đánh lận con đen’.

Trong một bài viết chủ yếu là hình ảnh bộ sưu tập áo dài mà thương hiệu Trung Quốc Ne Tiger nhận là ‘sự sáng tạo của họ’ trên China Daily, nhiều mẫu thiết kế khiến người Việt ‘ngạc nhiên’ vì sự sao chép rập khuôn phong cách áo dài truyền thống Việt Nam.
ao dai
'Aodai' in The fashion show of Ne·Tiger during the China Fashion Week Spring/Summer 2019 in Beijing, China, Oct 25, 2018. Source: VCG

Âm mưu ‘đường lưỡi bò’ của Trung Quốc trên ‘mặt trận’ văn hóa

Rất nhiều người cho rằng nhãn hiệu thời trang Ne Tiger của Trung Quốc đã cố tình chơi trò ‘đánh lận con đen’ khi trình diễn áo dài truyền thống Việt Nam rồi gọi đó là ‘sáng tạo, cách tân’ [của xường xám].

Nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc ‘cố tình’ làm như vậy với quốc phục của Việt Nam, cáo buộc đây là âm mưu ‘đường lưỡi bò’ thứ hai trong lĩnh vực văn hóa, đánh mạnh vào văn hóa tiêu dùng.
Cũng tại Bắc Kinh, Tuần lễ Thời trang Trung Quốc Xuân hè 2020 lại có sự góp mặt của thương hiệu thời trang Ne Tiger này hồi cuối tháng Mười năm nay.

Báo CGTN của Trung Quốc nhân sự kiện thời trang 2019 mới đây dẫn lời ông Zhang Zhifeng, nhà sáng lập thương hiệu Ne Tiger nhấn mạnh ‘phẩm giá trang phục truyền thống Trung Quốc’ trong những bộ sưu tập của hãng này.

“Khi sáng tạo ra bộ sưu tập này, tôi đã nhấn mạnh vẻ tráng lệ cũng như phẩm giá của trang phục truyền thống Trung Quốc,” ông Zhifeng tuyên bố quan điểm trên CGTN.

“Trong khi vẫn gìn giữ truyền thống, tôi luôn chú ý tới việc hòa quyện vào đó tính hiện đại và các yếu tố toàn cầu gần đây để giành được sự đón nhận của người tiêu dùng trên toàn thế giới.”
Những tuyên bố này của ông Zhifeng cũng xuất hiện trên tờ báo Xinhuanet.

Cũng theo trang này, các thiết kế của Ne Tiger lấy cảm hứng từ trang phục thời Minh và xường xám thời nhà Thanh, sau đó kết hợp với quần dài, mấn, nón để thêm phần độc đáo – dù bộ sưu tập thời trang hoàn toàn mang phong cách Việt Nam.

Đây không phải lần đầu Trung Quốc có những hành động bị cáo buộc là ăn cắp di sản văn hóa, sản phẩm văn hóa của người Việt Nam.

Cách đây 3 năm, tại Hội thảo khoa học “Đàn bầu và vai trò của nó trong nền văn hóa” được tổ chức ở Hà Nội vào tháng Mười 2016, Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Tâm cảnh báo “Việt Nam có thể mất quyền đối với cây đàn bầu – cây đàn vốn được coi là nhạc cụ thuần Việt hiếm hoi” và cho biết có nguồn tin cho hay nhiều học giả Trung Quốc cố gắng tìm kiếm chứng cứ để cho rằng cây đàn bầu có nguồn gốc từ Trung Quốc và là di sản văn hóa của Trung Quốc.

Đài Á Châu Tự Do trong một bài viết liên quan đã dẫn lời nhạc sĩ Đức Trí tại buổi hội thảo, theo đó nhạc sĩ từng xem trên kênh truyền hình CCTV của Trung Quốc một chương trình hòa tấu nhạc dân tộc và đã rất kinh ngạc khi thấy có cây đàn bầu trong dàn nhạc dân tộc Trung Quốc.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 22 November 2019 5:21pm
By Trinh Nguyen

Share this with family and friends