Tổ Quốc trong lòng người người Việt Nam

Thử tưởng tượng nếu một ngày nào đó quê hương được đặt trong lòng nước bạn, mồ mả ông bà đã thành nơi của đặc khu, và dấu ấn tuổi thơ bản quán không còn…

Tranh Lê Thiết Cương

Tranh Lê Thiết Cương Source: Images of courtesy

"Dì tôi nói 'Nếu biểu tình thì sẽ không có cơ hội về Việt Nam được nữa'” 

"Và Mẹ nói 'Nếu không đi biểu tình thì sẽ không còn Việt Nam để mà về”'

Đó lời cô bé Trần Thị Diễm Mây sinh ra ra và lớn lên tại Úc lần đầu tiên theo mẹ đi biểu tình ngày 17/6 vừa rồi trước tòa lãnh sự Việt Nam ở Sydney.

Trong câu trả lời của người mẹ cô bé Trần Thị Diễm Mây đã truyền đi một thông điệp rõ ràng về Tổ quốc.

Tổ quốc đã như thế nào trong tâm trí của những người Việt trẻ bên ngoài Việt Nam?

Em Loan Trần Nguyễn ở Mỹ, lần đầu tiên Loan online nói về chuyện Việt Nam.

Em kể về cuộc trò chuyện giữa em với người bạn Dek Tùng, cả hai đều rời Việt Nam còn rất nhỏ chưa hết tiểu học.

Trong cuộc trò chuyện, hai người trẻ họ nói về người Việt Nam “Người Việt mình tốt chăm chỉ cần cù vậy sao nước Việt Nam lại không giàu mạnh được?”

“Người Việt chỉ biết nghĩ tới cái lợi trước mắt mà không cần biết cái lợi đó sẽ là tác nhân gây hại cho đời sau cho chính con cháu họ sau này.” 

Người Việt khi có được những như họ muốn họ có niềm vui an hưởng cuộc sống một cách thanh thản như cách người bản xứ ở Úc ở Mỹ hay ở nơi khác không? Dù bỏ chạy ngoảnh mặt, dù không nói đến dù lầm lũi làm ăn hay miệt mài nghiên cứu, trong huyết quản người Việt là dòng máu Việt. Càng càng nghĩ về dân tộc Tổ Quốc càng đau nhiều.

Ký ức Việt Nam trong các em lớn lên ở nước ngoài có thể không nhiều, văn hóa Việt Nam trong các em chắc không thể nào mạnh hơn văn hóa Mỹ nơi em trưởng thành. Điều gì khiến các em bận tâm về Việt Nam khi hay tin một phần lãnh thổ sẽ thành đặc khu 99 năm cho nước bạn?

Có thể ý nghĩa Tổ Quôc trong các em về Việt Nam không rõ rệt nhưng Việt Nam trong các em chắc chắc là Đất Tổ.

Cũng không ít người đã cố nhịn nỗi đau Tổ Quốc. Thôi thì coi như ru lòng mình vậy, rằng thì là nhỏ bé, rằng hãy lo cho những thứ trước mắt và cho đến khi không vun vén bản thân được nữa thì liệu họ có quên mình là người Việt được không?

Thử tưởng tượng nếu một ngày nào đó quê hương được đặt trong lòng nước bạn, mồ mả ông bà đã thành nơi của đặc khu, và dấu ấn tuổi thơ bản quán không còn?
“Nếu bạn chọn thái độ trung lập khi đứng trước bât công, tức là bạn chọn đứng về phe áp bức” (If you are neutral in situations of injustice, you have chosen the side of the oppressors) Desmond Tutu
Tôi lại nhớ một chia sẻ ngắn của một một nhà thiết kế có tên ở Sái Gòn. Anh là người trăn trở và không thích cộng sản. Anh đi nhiều, thấy nhiều và hiểu Việt Nam đang ở đâu so với xung quanh và vì sao nên nỗi. Anh viết:

“Tôi là một Họa sĩ -Một Ngừoi cả đời chỉ biết vun vén -bồi đắp cho cái đẹp. Sửa mình từng ngày để bỏ cái xấu để " Thành Ngừoi"
Tôi ghê tởm chiến tranh,càng không thích nói về chính trị.Bởi chiến tranh đã cướp mất những Người ruột thịt ,người thân của Tôi.Ông Ngoại và Dì Tư của tôi đã hy Sinh cùng một ngày - một giờ - một khắc ....Bà Ngoại tôi đau đớn tận cùng khi cùng lúc nghe tin dữ mất chồng mất con.

Rồi những ngày tàn của cuộc chiến....Bà Ngoại

Lại mõi mòn chờ hai người con trai của Bà trở về nhà như bao nhiêu người Mẹ khác...Cậu Năm thì còn tìm được hài cốt, cậu Bảy thì xác chôn vùi ở trận địa nào đó ....Suốt 43 năm sau cuộc chiến cậu chỉ tồn tại bằng nấm mồ không hài cốt với cái tên được ghi trên bia mộ rêu xanh hoen ố....tủi buồn!

Mẹ tôi đến bạc trắng đầu vẫn còn đau nhức vì những vết đạn thời chiến và lặng lẽ khóc khi ngồi trước màn hình ti-vi nhìn những đồng đội không quen qua những thước phim tư liệu đã bị sờn xước qua bao thời cuộc ...Nhìn Mẹ, tôi hiểu rằng vết thương trên cơ thể chưa nhức nhối bằng nỗi đớn đau khi nhớ lại những chiến hữu đã vì nước vong thân!

Bà Ngoại tôi khoác trên người chiếc áo được xưng danh là "Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng " được điểm trang bằng mạng sống của chồng và ba người con chính bà banh da xẻ thịt sinh ra....chắc gì Bà hãnh diện -Chắc gì Bà vui Sướng????

Chắc gì trong lòng bà không cay đắng khổ đau???

Chính vì Tôi sinh ra từ một gia đình " Có công với cách Mạng - được Tổ Quốc Ghi Công "

Nên Tôi càng buồn hơn Những người" Bình Thường " khác khi thấy Sợ rằng máu Thịt và sự Hy Sinh của gia đình Mình trở thành Vô ích...và sợ rằng 50 năm sau ....100 năm tới ,thế hệ sau khi nhắc đến những người đã hy sinh tính mạng mình cho tổ quốc như những kẻ " Tội Đồ" của dân tộc Việt Nam!
Nghĩ tới đó....thì hỏi sao tôi không buồn, không sợ.....?!?!?”
“Đừng mắng lũ trẻ khi sợ bóng tối. Những người lớn sợ ánh sáng mới là bi kịch thật sự” (We can easily forgive a child who is afraid of the dark; the real tragedy of light when men are afraid of the light) - Plato
Nếu không bây giờ thì sẽ không bao giờ.

Trong những đợt xuống đường biểu tình gần đây trong tháng Sáu tại Sài Gòn, dù bị bắt bớ đàn áp nhưng những gì diển ra cho thấy một Việt Nam khác hẳn những gì trước đó. Trong một status của mình nhà báo Mạnh Kim viết:

“Lần đầu tiên sau 43 năm, Sài Gòn mới vang dội dõng dạc và minh định một tuyên ngôn đanh thép: ‘Đả đảo cộng sản bán nước! Đả đảo bọn bán nước!’. Tuyên ngôn này là nhát dao đâm thẳng vào tim óc nhà cầm quyền. Nó là nhát búa thì đúng hơn. Sự ngạo mạn và hoang tưởng ‘chính quyền luôn là của nhân dân’ của nhà cầm quyền, trong tích tắc, đã bị đập vỡ bởi rền vang tiếng búa. Lần đầu tiên, nhà cầm quyền mới nhận ra một sự thật mà trong tâm khảm họ có lẽ luôn biết nhưng không muốn tin và không bao giờ muốn nghe từ người dân: chính quyền này không hề đại diện cho người dân, và nhân dân ngày càng khinh bỉ chính quyền.”

Tổ quốc. Tôi tin rằng những người Quốc Gia khi buông súng họ sẽ ít ít ray rứt hơn nếu quê hương được người anh em phía bên kia vun đắp cho hùng cường hòng đem lại cuộc sống ấm no cho dân và tự hào cho Tổ Quốc.

Hẳn không ít người như gia đình anh họa sĩ kia thật khó khăn khi nhìn nhận niềm tin và sự hy sinh của mình đã bị đánh cắp.

Có đến một nữa đất nước Việt Nam đổ máu cho niềm tin thống nhất, độc lập và tự do hạnh phúc.

Nếu biết xương máu mình đổ ra cho một tương lại Việt Nam sẽ bị đem đi làm bắc thuộc thì liệu những người từng cầm súng phía bên kia sẽ chọn để đứng bên nào?

Và hôm nay đứng trước mệnh nước, những người từng là Cộng Sản hay đang là cộng sản đã minh định như thế nào giữa Tổ Quốc và cá nhân?

Liệu họ chọn bảo vệ cho cái quá khứ đã qua của họ hay cho Tổ Quốc của ngày hôm nay và sau này?

Liệu họ chọn mình hay sự tồn vong của dân tộc?

Câu nói nổi tiếng của ông Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khi  huấn thị lực lượng công an rằng “Còn Đảng còn mình”. Và câu mới nhât là lời ông Trọng “luật làm ra là để bảo vệ chế độ” minh định cho phán quyết của đảng cộng sản về về luật an ninh mạng mà Quốc Hội Việt Nam đã bấm nút thông qua.

Trước đó nữa, hẳn nhiều người biết đến đến câu nói được cho là của ông Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh “Thà mất nước còn hơn mất đảng”.

Trong thời khắc Đông Âu sụp đổ để Liên Sô tan rã, các ông linh và bộ sậu đã có chuyến qua Tàu và mật ước Thành Đô được ký kết. Sau ký kết thì lần lượt mất Thác Bản Giốc, mất Ải Nam Quan rồi đến Biển Đông và giờ là đặc khu kinh tế. Phần đất biên giới phía Bắc bị Trung Quốc chiếm được cho biết gần bằng diện tích của cả tỉnh Thái Bình.

Một câu nói Không một lời nào từ các ông nói về Tổ Quốc.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh vào những ngày tháng đen tối của đất nước đã có những lời viết đẹp đến nao lòng về đất mẹ - Tổ quốc.

“Thật bí ẩn khi đem vào tâm trạng của con người nỗi buồn ngập đến lúc ra đi, khi thấy mình bất lực. Nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1888 – 1939) lúc say, đã giắt tấm bản đồ nước Việt rách ở lưng quần, lang thang ca hát nghêu ngao “Dù như sông cạn đá mòn. Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa” (Thề non nước).

Đất mẹ dưới ách thực dân, quan tham dẫy đầy, quân dữ lao nhao, người Việt không còn thương nhau, tổ quốc điêu linh, người trí thức nếu không viết xuống bằng thơ văn, thì biết phải làm sao?”

Tổ quốc là gì mà đời mình phải nhớ, đời sau phải giữ? Nguyễn Phi Khanh (1335 – 1428) khi kháng chiến chống quân Minh xâm lược nước Việt bị bắt, giải qua biên giới chịu tội đã quay lại dặn Nguyễn Trãi (1380 – 1442) rằng hãy quay về tìm cách diệt giặc cứu giang sơn. Trong Hận Nam Quan của nhà thơ Hoàng Cầm có hát lại lời xưa: Về ngay đi, ghi nhớ hận Nam Quan./ Bến Kim Lăng cho đến ngày nhắm mắt,/ Cha nguyện cầu con lấy lại giang san…”

Với những người ghi danh trong lịch sử thì đã vậy, còn với từng con người Việt bình thường, Tổ quốc là gì trong trái tim họ? Cô bạn có hơn 20 năm sống ở nước ngoài nói mỗi khi gần Tết Việt, nghe một khúc nhạc quê, nghe mùi hương trầm lại dậy lên nỗi nhớ nhà kinh khủng. Tổ quốc như một vết cắt trong tim, tưởng đã lành với nhiều người đi xa, nhưng không ngờ cứ nhói lên khi nghĩ đến.

Như trong câu hát Mẹ năm 2000 của nhạc sĩ Phạm Duy, có đứa đã là bạo chúa, có đứa là kẻ hèn, có đứa tham lam muốn bán đứng chính ngôi nhà của mẹ mình… nhưng dẫu thế, những đứa con còn lại rồi sẽ chung tay dựng lại, làm lại từ đầu, dù là tro tàn. Ngôi nhà đó – đất mẹ – và anh chị em tôi, tôi gọi tên, là Tổ Quốc.”

Lịch sử đã có Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc mang vết nhơ muôn đời cho người sau phỉ bàng. Đừng để lịch sử Việt phải nối thêm những cái tên mà ngay cả sự căm giận cũng là nỗi buồn cho cả dân tộc.

Và cuối cùng bạn chọn mình hay Tổ Quốc? Vì nếu không lên tiếng bây giờ sẽ không bao giờ.  

Đất Mẹ Việt Nam, Tổ Quốc Việt Nam, nói như cô bé Trần Thị Diễm Mây ở Úc “Nếu không đi biểu tình thì sẽ không còn Việt Nam để mà về”

Thêm thông tin và cập nhật Like   

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share
Published 20 June 2018 8:04pm
Updated 19 July 2018 1:12pm
By Mai Hoa

Share this with family and friends