Những điều bạn chưa biết về người Rohingya tại Úc

Khủng hoảng nhân đạo tại Myanmar đã đẩy hàng trăm ngàn người Rohingya phải di tản tìm kiếm tị nạn ở các quốc gia trên khắp thế giới. Hiện ở Úc có khoảng 3,000 người Rohingya, bạn có biết họ sống ở đâu, làm nghề gì không?

Rohingya Women

Source: Burmese Rohingya Community in Australia

Rohingya là một cộng đồng thiểu số theo đạo Hồi ở Myanmar. Họ bị từ chối quyền công dân tại đất nước Phật giáo Myanmar, mặc dù họ đã sống tại khu vực phía Tây đất nước hàng thế kỉ.

Tổ chức Liên hiệp quốc đã lên án mạnh mẽ các báo cáo về vụ tàn sát, cũng như bạo lực tình dục chống lại cộng đồng sắc tộc Rohingya. Tuy nhiên, chính quyền Myanmar luôn phủ nhận các cáo buộc diệt chủng, và giải thích rằng, những chiến dịch của quân đội nhắm mục tiêu là những nhóm nổi dậy trong vùng, chứ không phải là dân thường Rohingya.

Hơn 700,000 người Rohingya đã phải rời bỏ đất nước. Phần lớn sống trong các trại tị nạn ở Bangladesh. Phần còn lại bằng cách này hay cách khác tìm đến những quốc gia khác để tị nạn. Rất nhiều người Rohingya đang sống bất hợp pháp ở Malaysia, ở Saudi Arabia, Bangladesh, Pakistan, và một số quốc gia lân cận. 

Câu chuyện của một người Rohingya ở Úc

Yasmeen Ahmed đến Úc năm 2003 cùng với mẹ và các anh chị em. Trước khi đến Úc, Yasmeen cùng mẹ và các anh chị em đã phải sống trong cảnh bấp bênh ở Malaysia.

“Chính quyền Myanmar từ chối không công nhận chúng tôi là một sắc dân, họ cho rằng chúng tôi không thuộc về họ, họ từ chối chấp nhận người Rohingya là công dân của Myanmar. Chính quyền bắt đầu giết chóc, đàn áp và bắt bớ, nên chúng tôi buộc phải rời bỏ quê hương.”

“Cha tôi đã từng đi khắp nơi nên việc ông tới được Úc cũng không có gì làm lạ, mặc dù lúc đó tôi còn nhỏ nên cũng không nhớ vì sao ông tới được Úc. Sau 4 – 5 năm tôi mới được đoàn tụ với cha tôi và cả gia đình được sống gần nhau.

“Đó là một trải nghiệm mới hoàn toàn vì trước đó tôi chỉ quen sống với mẹ và anh chị em tại Malaysia, cha tôi thì đi khắp nơi, ông đi để tìm kiếm một nơi tốt để gia đình chuyển đến định cư. Và cuối cùng ông quyết định Úc là nơi đáng sống nhất.”

Con đường đến Úc của Yasmeen thuận lợi và dễ dàng hơn rất nhiều người Rohingya khác vì được cha bảo lãnh cả gia đình.

“Tôi nghĩ mình thật may mắn. Dù là lúc nhỏ thường xuyên không sống gần cha nhưng so với bao nhiêu người Rohingya còn đang phải sống trong các trại tị nạn, không lương thực, không được chăm sóc sức khỏe, tôi thấy mình quá may mắn.”

“Bản thân tôi cũng còn một số họ hàng như một người cô bên nội, nhưng tôi cũng không có tin tức gì từ họ.”

“Có rất ít thông tin được cập nhật về người Rohingya ở trong nước vì truyền thông bị ngăn chặn, nên chúng tôi ở nước ngoài cũng không thực sự biết chuyện gì đang xảy ra cho họ.

Không còn người Rohingya nào mới đến Úc

Người Rohingya trước đây đến Úc bằng thuyền rồi sau đó bảo lãnh gia đình. Thế nhưng từ khi chính sách ‘quay đầu thuyền’ của chính phủ Úc ra đời, không còn chiếc thuyền nào của người Rohingya đến được Úc nữa. Họ bị kẹt lại ở một số trại tị nạn trên đảo Nauru và một số đảo lân cận.

Hiện có khoảng 3.000 người Rohingya đang sống ở Úc. Ở Sydney, họ sống co cụm trong cộng đồng ở Bankstown và Lakemba, đó là những nơi có cộng đồng người Rohingya đông nhất Sydney. 

Những người Rohingya thế hệ đầu tiên ở Úc đa số là những người làm lao động chân tay, bởi ngay cả ở trong nước họ cũng không có điều kiện để được học hành và khi đến Úc cũng không có điều kiện để học tiếp. Có những người hành nghề chuyên môn như bác sĩ, kỹ sư nhưng số đó rất ít. 

Đa số người Rohingya mới tới Úc bắt đầu phải nghĩ đến chuyện bảo lãnh gia đình, ổn định cuộc sống, tận dụng cơ hội để có cuộc sống tốt hơn, cho con cái học hành để hi vọng có tương lai tốt hơn.

“Người Rohingya có khởi đầu không thuận lợi nhưng tôi hi vọng sau 10 năm nữa sẽ chứng kiến nhiều người Rohingya thành tài tại đất Úc này,” Yasmeen nói.

Những con người thân thiện và hiếu khách

Người Rohingya theo đạo Hồi nên họ cũng có những ngày lễ như những người Hồi giáo khác như tháng chay Ramanda. Họ sẽ tới thánh đường cầu nguyện, trang trí nhà cửa và ăn mặc đẹp.

Yasmeen nói người Rohingya là một dân tộc thân thiện, và hiếu khách. Họ sẵn sàng mời bạn đến nhà và nấu ăn thịnh soạn mời bạn

“Người Rohingya chúng tôi một khi đã mời bạn đến nhà, chúng tôi sẽ có thể nấu cả trăm món ăn, rồi sau đó bạn sẽ không thể nào biết ăn món gì trước món gì sau.”

Người Rohingya thích sống gần gũi với cộng đồng, có lẽ vì những cuộc đàn áp khiến họ xích lại gần nhau hơn để làm gia tăng sức mạnh đoàn kết, giúp đỡ ngược lại những người Rohingya còn bị kẹt tại quê nhà đang phải chịu áp bức bất công.

“Chúng tôi đối xử với mọi người giống như người trong gia đình, chúng tôi hay gọi nhau thân mật như cậu dì, dù người đó không phải là cậu dì của tôi.”

Thêm thông tin và cập nhật Like 

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share
Published 29 November 2018 11:30pm
Updated 1 January 2019 5:29pm
By Hương Lan

Share this with family and friends