Nhân ngày Phật Đản nghĩ về những thăng trầm của một tu viện nơi trung tâm nước Úc

Nhân ngày Phật Đản nghĩ về những thăng trầm của một tu viện nơi trung tâm nước Úc, đã góp phần xiển dương tiếng nói của Phật giáo Việt Nam tại Úc ra sao? SBS Việt ngữ hỏi chuyện HT Thích Quảng Ba, Viện trưởng Tu viện Vạn Hạnh tại thủ đô Canberra.

IMG_5145.JPG

Vạn Hạnh trong ánh chiều tà. Credit: Credit to: Tu viện Vạn Hạnh.

Từ đầu năm 2023, tu viện Vạn Hạnh tại thủ đô Canberra tất bật chuẩn bị cho những hoạt động quan trọng xảy ra liên tiếp trong tháng Năm và tháng Sáu.

Tu viện Vạn Hạnh bảo trợ các sự kiện quan trọng của Phật giáo Úc châu năm 2023

Giữa tháng Năm vừa qua, tu viện đã đón tiếp hơn 200 thành viên xuất gia tại Hội nghị thường niên của Hội đồng Tăng già Úc châu.

Hòa thượng Thích Quảng Ba cho SBS Việt ngữ hay Hội đồng tăng già Úc châu thành lập từ năm 2005, gồm từ 40 đến 50 vị tu sĩ Úc mà Hòa thượng là một trong những thành viên sáng lập và luôn có mặt trong ban chấp hành của Hội đồng Tăng già Úc châu từ lúc đó.

Đây là lần bảo trợ thứ ba mà tu viện Vạn Hạnh tổ chức AGM, đón tiếp các tu sĩ Úc về an trú và thảo luận các chủ đề quan trọng đối với Phật giáo nước Úc trong hai ngày hội nghị.

Các chủ đề thảo luận bao gồm giới tì kheo ni trong xuất gia, vấn đề tiếng nói Thổ dân tại quốc hội và đặc biệt là việc đưa tu sĩ vào nước Úc, ngoài ra là các vấn đề Phật pháp và tìm hiểu sự hội nhập Phật giáo vào đời sống nước Úc.

Ngày 12/5 cũng trùng hợp với Lễ Vesak của Liên Hiệp Quốc kỷ niệm 3 sự kiện trong cuộc đời Đức Phật theo Nam truyền bao gồm Lễ Phật thành đạo, Lễ Phật Đản và Lễ Phật nhập Niết bàn.

Vạn Hạnh đã tổ chức một buổi lễ Vesak nghiêm trang với sự tham gia của các chính khách Úc, 3 dân biểu liên bang bao gồm dân biểu Phật tử đầu tiên tại quốc hội Úc Sam Lim, dân biểu của Canberra và một cựu dân biểu lỗi lạc tại địa phương nơi chùa cư ngụ.

Buổi lễ Vesak tại tu viện Vạn Hạnh mang tính nghi thức Phật giáo và được tiến hành với ba thứ tiếng Pali Nam truyền, tiếng Việt Bắc truyền và tiếng Tạng theo Tây Tạng truyền.

Sau buổi lễ tại chùa, các vị tu sĩ tham dự Hội nghị thường niên của Hội đồng Tăng già Úc châu đã đi khất thực tại trung tâm thủ đô Canberra, tái hiện hình ảnh ngày xưa với các Phật tử đứng hai bên đường tham gia nghi thức sớt bát.

IMG_5147 (1).JPG
Lễ sớt bát tại Canberra ngày 12/05/2023. Credit: Credit to: Tu viện Vạn Hạnh.
Hòa thượng Thích Quảng Ba cũng giới thiệu các công việc chuẩn bị của tu viện cho sự kiện lớn của Vạn Hạnh xảy ra vào ngày 4/6, tưởng niệm 60 năm Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu, mà hòa thượng gọi là ngày lễ Phật đản của riêng cộng đồng Việt Nam.

Thầy cho hay tu viện đã hoàn thiện một bức tượng Bồ tát Thích Quảng Đức trong lửa đỏ và được tôn thờ tại chánh điện, nơi các Phật tử tề tựu về tri ân và ngưỡng vọng Bồ tát Quảng Đức, người đã xả thân cho sự sinh tồn của Phật giáo Việt Nam.

20230518_135008.jpg
Tượng Bồ tát Quảng Đức tại chánh điện Tu viện Vạn Hạnh. Credit: Credit to: Tu viện Vạn Hạnh.
Cũng trong tháng Tư, Hòa thượng đã đi Ấn Độ tham dự thượng đỉnh Phật giáo quốc tế tại Deli, do Tổng liên hội Phật giáo quốc tế (IBC) tổ chức, với tư cách là một trong 6 đồng chủ tịch của IBC.

Thượng đỉnh có sự tham gia của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Hòa thượng kể lại khi thủ tướng Ấn Độ đến bắt tay thầy, thầy đã gởi ông một lá thư riêng trong đó thể hiện sự ngưỡng mộ chính phủ Ấn Độ gần đây đã chú ý tới Phật giáo và đề nghị 5 điểm giúp Phật giáo Ấn Độ chấn hưng.

Bài phát biểu của Thủ tướng Ấn Độ tại Thượng đỉnh cam kết nước Ấn Độ từ nay sẽ phục hưng giá trị của Phật giáo và Ấn Độ tự hào là nước sinh khởi giá trị nhân loại này, HT Quảng Ba cho hay.

Ý nghĩa của những sự kiện Phật giáo quan trọng này đối với nước Úc và tại Canbera ra sao?

Hòa thượng Thích Quảng Ba cho biết theo cá nhân thầy thì chính trị dòng chính của Úc chưa đánh giá các giá trị của Phật giáo là quan trọng.

Thầy nói “Bản chất của Phật giáo là không có sự trung ương tập quyền, không có cơ chế đại diện cho toàn thể nước Úc. Chỉ có Hiệp hội Tăng già Úc châu và cơ chế FABC tức Hội đồng Phật giáo Liên bang Úc. Ở cấp địa phương thì mỗi council có một hội đồng Phật giáo nhưng không tác động vào xã hội được nhiều. Tuy nhiên từng chùa, từng tu viện thì có sự đóng góp mạnh mẽ.”

Đó là sắc thái xưa nay của Phật giáo, mà thầy nói sức thẩm thấu và hội nhập của đạo Phật vào xã hội Úc ngày càng sâu, nhưng lặng lẽ mà không khoa trương.

Một ví dụ cho thấy sự lớn mạnh của Phật giáo tại Canberra là tuy dân số chỉ có khoảng 450 ngàn dân, nhưng vào Lễ giao thừa tại Vạn Hạnh đã đón tới 3000 khách tham gia. Đó là một lễ hội văn hóa thật sự của thủ đô, và thể hiện năng lực lớn mạnh của Vạn Hạnh âm thầm từng bước thu hút xã hội trong 40 năm qua.

Thầy nhận xét “đó là các sinh hoạt mang đậm tính cách nội bộ Phật giáo nhưng có ý nghĩa với xã hội Úc. Từ giữa thế kỷ 19, người Á châu đã tới Úc và từ sau đệ nhị thế chiến, đạo Phật bắt đầu xuất hiện trên đất Úc. Sau chiến tranh Việt Nam, làn sóng đông đảo Phật tử từ Việt, Miên, Lào đã mang đạo Phật thấm sâu vào nước Úc hơn bao giờ hết với trên 500 hội đoàn Phật giáo tại Úc mà Vạn Hạnh là cơ sở đầu tiên tại Canberra.”

20230518_134935.jpg
Trang hoàng ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN 2547 & TRI ÂN 60 NĂM BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC TỰ THIÊU ĐỂ GIÁI CỨU DÂN TỘC & ĐẠO PHÁP TẠI CANBERRA ngày 04/06/2023. Credit: Credit to: Tu viện Vạn Hạnh.
Vậy tu viện Vạn Hạnh đóng vai trò gì trong quá trình xiển dương đạo Phật tại Úc nói chung và tiếng nói của cộng đồng người Việt nói riêng?

Khi được hỏi câu này, HT Quảng Ba cho hay thầy đơn độc xây dựng toà tu viện khi chưa đầy 30 tuổi, bây giờ đã ngoài thất tuần.

Thầy quý mến và nhắc đến công lao các Phật tử đã từng hợp tác với thầy để đưa tu viện hiện diện sừng sững như ngày nay tại đất Canberra. Đó là hai cụ Hoàng Trọng Chuỳ, phật tử Đồng Tiến, ông Lê Quang Thừa, anh Võ Văn Đô đoàn trưởng Gia đình Phật tử, chị Trương Huệ…

Ý nguyện của thầy khi xây dựng tu viện Vạn Hạnh thể hiện qua chính tên gọi của ngôi chùa, mang tên Thiền sư làm cố vấn cho Vua Lý Công Uẩn, đã xây dựng một đất nước thịnh vượng không đổ máu, một thời kỳ thịnh hành của Phật giáo. HT Quảng Ba nói:

“Thầy nghĩ cái tên đó thu hút suy tư của thầy, đạo ở trong đời mà đời cần đạo. Thầy mong rằng các ý tưởng đó xuyên suốt qua các hoạt động của chùa.”

HT Quảng Ba nói vui rằng nhiều người đã nói với thầy toà Vạn Hạnh giống như toà đại sứ của người Việt ở nước Úc.

Từ năm 1988 đến 2004, với nhu cầu bênh vực cho quê nhà, HT Quảng Ba tham gia vào những đòi hỏi và giúp đỡ về nhân quyền cho Việt Nam, bênh vực các tình hình đấu tranh vì dân chủ cho Việt Nam.

Thậm chí trong năm 1993, HT Quảng Ba đã tham gia các hội thảo nhân quyền tại Liên Hiệp Quốc để lên tiếng thay mặt cho HT Huyền Quang.

Còn với tiếng nói của cộng đồng Việt Nam, thầy cho hay tiếng nói đó đi đôi với sức thẩm thấu theo chiều dài lịch sử của đạo Phật vào nước Úc, nhưng với Vạn Hạnh thì năng nổ và đa dạng hơn.

Trong suốt 40 năm nay, Vạn Hạnh đã giúp đỡ thiên tai tầm quốc tế và Việt Nam, quyên góp dẫn đoàn đi cứu trợ, uỷ lạo thiên tai tại Phillipine, Bangladesh, Myanmar, Thổ Nhĩ Kỳ và mới đây là Ukraine.

Mỗi khi có biến động lớn tới sự đau xót lương tâm nhân loại thì ngôi chùa nhỏ bé giữa thủ đô đã liên lạc đầu tiên với các tổ chức cứu giúp như UNICEF và UNHCR mà đài SBS vẫn thường phản ánh, khiến cho moi người càng lưu tâm và thu hút cộng đồng chung của Úc.

Đó là sự lan toả và ảnh hưởng đích thực mà chỉ có thể đạt được nếu xuất phát từ tấm lòng chân thật của người đệ tử Phật.

Share
Published 2 June 2023 5:49pm
Updated 2 June 2023 7:25pm
By Lê Tâm
Source: SBS

Share this with family and friends