Feature

Maria bị mất hàng ngàn đô la phí pháp lý và nợ nần chồng chất chỉ vì cô muốn thoát khỏi một mối quan hệ lạm dụng

“Tôi thậm chí còn chưa bước chân vào một phiên xử nào. Trong hai năm rưỡi qua, tôi đã tiêu nhiều hơn toàn bộ số tiền hưu bổng của mình và tôi đang bị nợ nần chồng chất”.

domestic violence, family violence, emotional abuse, gina, filipina

Source: Getty Images/SimonSkafar

Maria phải mất nhiều năm mới có thể chấp nhận sự thật mình là nạn nhân của sự lạm dụng trong gia đình.

Cô gái di dân gốc Argentina này đã sống với bạn đời người Úc trong 12 năm. Đó là khoảng thời gian cô bị lạm dụng về tình cảm, về tài chánh và bị sỉ nhục.

Bạn đời của cô không bao giờ đánh đập cô, nhưng cô thường xuyên cảm thấy lo âu rằng mối quan hệ độc hại này sẽ gây ra những tổn thương tâm lý tiềm ẩn đối với con cái mình.
Một đêm nọ khi ngồi ăn tối chung, con gái tôi đã nắm chặt tay tôi dưới gầm bàn, khi anh ta xúc phạm tôi. Tôi thật sự tan nát.
Maria đã mất tới ba năm mới thôi biện minh cho hành vi người bạn đời của mình, và đó là lúc trong cơn tuyệt vọng, cô đã gọi 1800RESPECT. Chính trong những cuộc điện thoại này, cô biết rằng có một tên gọi cho những hành vi đe dọa và sỉ nhục, vốn đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của cô.

Cô học được ý nghĩa đằng sau những từ như: kiểm soát cưỡng bách và thao túng tâm lý.

Bà Michal Morris, Giám đốc Điều hành Trung tâm Đa văn hóa InTouch chống nạn bạo hành gia đình, nói có tới 60% phụ nữ tìm đến trung tâm của bà không biết về sự kiểm soát cưỡng chế và thao túng tâm lý nghĩa là gì, và có khoảng 70% phụ nữ không biết chắc chắn về các quyền lợi hợp pháp của họ.

Cô Maria nói rằng các đường dây nóng giúp đỡ nạn nhân bị bạo hành gia đình có sẵn tại Úc rất hữu ích cho những ai đang ở bước đầu tiên muốn giải quyết tình trạng của mình, bởi vì sẽ luôn có ai đó lắng nghe bạn và cảm xúc của bạn được giải thích và xác minh.
Thật đau đớn khi bạn phải cần một ai đó từ bên ngoài nói ra những điều mà bạn có thể đã biết, nhưng quá xấu hổ và không muốn thừa nhận với bản thân rằng mình là nạn nhân của sự lạm dụng.
Phải chăm hai đứa con, không có tiền túi riêng và người bạn đời thì mức độ kiểm soát và lạm dụng ngày càng gia tăng, Maria nói cô bị quá tải, không biết làm cách nào để hiểu cũng như tiếp cận hệ thống luật gia đình nhằm giải quyết vấn đề bị lạm dụng tình cảm và tài chánh của mình.

Bị từ chối hết lần này đến lần khác

“Sống sót sau một vụ bạo hành gia đình khiến bạn trở nên mong manh và cô đơn hơn. Thật khó có thể tìm đúng nguồn thông tin hữu ích và tìm ra thời điểm, cách thức, địa điểm cũng như người nào sẽ đại diện cho bạn trước pháp luật. Nếu bạn đời của bạn không lạm dụng rõ ràng trên thân thể bạn và cảnh sát không vào cuộc, thì bạn càng cảm thấy mất phương hướng, sợ hãi và vì trách nhiệm với con cái nên bạn càng phải đi đến hành động”.
Tôi đã gọi tới rất nhiều dịch vụ đến nỗi cuối cùng tôi không biết mình đang nói chuyện với ai. Sẽ tốt hơn nếu được hướng dẫn đến một 'cửa hàng tiện lợi' có dịch vụ pháp lý được thực hiện riêng cho nhu cầu của từng nạn nhân.
Buổi tư vấn đầu tiên của Maria là tại một trung tâm cộng đồng gần đó. Sau hai tuần nói chuyện, cô đã chốt được một cuộc hẹn miễn phí kéo dài một giờ với luật sư.

Nhưng vào hôm đó luật sư của cô đến muộn, và Maria lo sợ nếu cô về trễ thì bạn đời của cô sẽ đi tìm cô và có thể tìm đến trung tâm cộng đồng này. Cô nói:

“Khi tôi rốt cuộc cũng nói chuyện được với luật sư, thì anh ấy nói rằng anh không thể giúp tôi vì anh là luật sư hình sự, không phải luật sư về luật gia đình”.

Trong cuộc hành trình dài đi tìm từ dịch vụ trợ giúp pháp lý này đến dịch vụ trợ giúp pháp lý khác, Maria cứ bị xoay vòng vòng vì cố gắng hết sức để tìm kiếm một sự trợ giúp pháp lý miễn phí hoặc có giá cả phải chăng.

Có lần, cô đã thử dịch vụ pháp lý miễn phí tại một trung tâm cộng đồng khác. Hôm đó, pin laptop của người luật sư bị chai và người đó không mang dây cáp nguồn. Người luật sư không thể mở hồ sơ của Maria trên máy tính, người này vẫn tiến hành cuộc nói chuyện và ghi chú lời khai của cô vào một mảnh giấy. 

Khi họ gần kết thúc buổi tư vấn, người luật sư mới nhận ra lời khuyên pháp lý không chính xác bởi vì người này nghĩ rằng Maria đã kết hôn, nhưng trên thực tế thì cô đang ở trong một mối quan hệ de-facto. Thời gian quý báu của buổi tư vấn miễn phí lại một lần nữa bị lãng phí.

Cuối cùng, cô Maria đã nộp đơn xin trợ cấp pháp lý Legal Aid. Cô đã vượt qua bài kiểm tra trước trên mạng về khả năng tài chánh, điều này đã khuyến khích cô gởi hồ sơ đăng ký. Tuy nhiên, cô đã không vượt qua được 'Bài kiểm tra tài chánh' chính thức vì cô có một doanh nghiệp nhỏ của riêng mình, và đang hoạt động thua lỗ.

Hơn nữa, do cô là đồng sở hữu đứng tên ngôi nhà của gia đình đang bị tranh chấp (hầu hết là tiền vay ngân hàng chưa trả xong) khiến cô càng không đủ điều kiện để được trợ giúp pháp lý hoặc có đại diện pháp nhân. Maria đã dọn ra khỏi ngôi nhà đó, vì lo lắng cho sự an toàn của cô và các con cô, nhưng điều này không thay đổi được gì cả.

Nghiên cứu Toàn cầu năm 2016 của  về Trợ giúp Pháp lý nói nước Úc có "trở ngại đặc biệt khiến phụ nữ không thể tiếp cận sự trợ giúp pháp lý bởi vì tiêu chuẩn tài chánh để đủ điều kiện nhận trợ giúp pháp lý, thường xem xét thu nhập tổng thể của hộ gia đình chứ không tính đến thu nhập cá nhân (vốn thấp hơn rất nhiều) của người phụ nữ."

Maria tiếp tục tìm kiếm các dịch vụ pháp lý miễn phí có sẵn. Cuối cùng, cô đã tìm thấy một nhà cung cấp dịch vụ có thể tư vấn cho trường hợp cụ thể của cô.

Trong trường hợp này, cô có đủ điều kiện nhận trợ cấp, nhưng nhà cung cấp dịch vụ không thể giúp cô bởi vì họ bị xung đột lợi ích. Bạn đời cũ của cô đã tìm thấy dịch vụ này trước cô, và nhà cung cấp dịch vụ không thể tư vấn cho cả hai bên liên quan đến cùng một xung đột.

Nợ nần chồng chất chỉ vì muốn thoát khỏi người bạn đời bạo hành

Maria không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đi tìm một luật sư tư nhân. Cô nói:

"Luật sư tính phí trả lời cuộc gọi điện thoại và trả lời email. Tôi đang lái xe trở về nhà, mệt mỏi sau 11.5 tiếng làm công việc vệ sinh dọn dẹp tại một công trường xây dựng cách nhà tới một tiếng rưỡi lái xe thì tôi nhận tin rằng số tiền kiếm được ngày hôm đó chỉ vừa đủ để trả cho 30 phút chi phí luật sư của tôi, viết một email trả lời tôi."
Tôi thậm chí còn chưa đặt chân đến tòa án và trong hai năm rưỡi qua, tôi đã tiêu nhiều hơn toàn bộ số tiền hưu bổng của mình và tôi đang mắc nợ.
Mỗi cuộc giao tiếp với luật sư đều có nghĩa là tiền, mà Maria thì không còn đồng nào. Một lần luật sư của cô bị mắc sai lầm và Maria đã thức cả đêm suy nghĩ cô sẽ phải trả bao nhiêu tiền cho thời gian luật sư đọc email, hiểu được sai lầm và sửa chữa sai lầm đó.

"Tôi sợ không dám hỏi luật sư liệu cô ấy có lấy tiền tôi vì sai lầm của cô ấy hay không, nhưng cuối cùng, tôi lấy hết can đảm và đã hỏi cổ. Tôi không thể diễn tả hết sự nhẹ nhõm của mình khi nghe tin cô ấy nói sẽ không. Đó là một áp lực cực đoan kinh hoàng mà mọi người sẽ không hiểu nếu họ chưa từng trải qua.”

Vấn đề của Maria vẫn chưa được giải quyết và khoản nợ với công ty luật vẫn tiếp tục tăng lên.


Đọc loạt bài điều tra của  về hệ thống trợ giúp pháp lý Úc


Tìm hiểu thêm về sự bạo hành gia đình tại Úc trong loạt phim tài liệu See What You Made Me Do của SBS. Phát trực tuyến miễn phí trên SBS On Demand với .


Nếu bạn, một đứa trẻ hoặc một người nào đó đang gặp nguy hiểm xin hãy gọi 000 ngay lập tức.

Nếu bạn hoặc một ai đó mà bạn biết đang cần giúp đỡ, vui lòng liên hệ với các tổ chức sau:

1800 RESPECT

Điện thoại: 1800 737 732

Website: www.1800RESPECT.org.au 

 

Đường dây trợ giúp Trẻ em:

1800 55 1800

Website: kidshelpline.com.au

 

Dịch vụ giới thiệu cho nam giới

Điện thoại: 1300 766 491

Website: www.ntv.org.au

 

Đường dây nóng Lifeline

Điện thoại: 13 11 14

Trang web: www.lifeline.org.au






Share
Published 24 May 2021 1:10pm
Updated 12 August 2022 3:04pm
By Florencia Melgar, Josipa Kosanovic
Presented by Lê Tâm


Share this with family and friends