Koh Kra, một đêm trên 'đảo địa ngục' (Phần 2)

Ghi chép của nhà báo Lưu Dân và Lý Nhân trong chuyến thăm lại hoang đảo Koh Kra, nơi được mệnh danh là ‘địa ngục trần gian’, nơi đã trở thành biểu tượng của oan nghiệt và tội ác trong trang bi sử thuyền nhân Việt Nam, tháng 3 năm 2016.

Visiting Koh Kra, Hell on Earth, March 2016

Nhà báo Lưu Dân và chiếc lư hương tìm thấy trong chuyến đi 3/2016, dấu vết thuyền nhân Việt Nam còn lại trên hoang đảo Koh Kra Source: Văn Khố Thuyền Nhân

Ghi chép Koh Kra, một đêm trên 'đảo địa ngục' gồm hai phần đi cùng một album hình ảnh. Đây là phần cuối. Đọc lại phần mở đầu .

-

Tiếng lục đục pha cà-phê từ lúc chưa rõ mặt người của toán thám du lên đỉnh đảo dường như không đủ sức đánh thức những kẻ còn bị “phê” sau đêm văn nghệ.

Toán thám du 6 người; gồm Kenneth Nguyễn (Mỹ), Lý Nhân (Việt Nam), Hùng Lê (Canada), Lym Trần (Úc), Đức “Bolero” (Úc) và “Duyệt Tuyệt sư thái” Phấn (Perth - Úc), không ai từng có kinh nghiệm đi rừng. Thay vì mang dao, giây, nước và lửa, họ chỉ “gói” theo một tràng chuỗi hạt, tượng Đức Mẹ và… kem chống nắng!

Nhóm thám du khởi hành từ 5.30 sáng khi sóng biển còn rì rào ngái ngủ. Tuy nhiên, vì không ai biết địa thế của đảo hay đường đi, mọi người đã quyết định tách làm đôi: một nhóm tản về phía Đông Nam của đảo theo các triền đá và bãi bồi do thủy triều như nhà văn Nhật Tiến đã ghi lại, một nhóm di chuyển theo phía Đông Bắc hướng lên đỉnh đảo để tìm đường xuống các hang động mặt B (xem họa đồ).
Visiting Koh Kra, Hell on Earth, March 2016
Source: Văn Khố Thuyền Nhân
Trích đoạn trong quyển “Thuyền Nhân – Vài Trang Bi Sử” của nhà văn Nhật Tiến (Việt Tide ấn hành nhân dịp tưởng niệm 30.04.2008):

“Có nhóm phụ nữ lẻn vào rừng sâu nằm yên chịu trận với mưa gió lạnh lẽo suốt ngày đêm giữa những bụi rậm um tùm đầy rắn rết và bọ cạp, những con bọ cạp chỉ chích nhẹ một vòi là bắp thịt sưng vù lên và nhức buốt lên tới óc. Cũng có nhóm trèo lên núi cao chênh vênh, vách đá trơn trợt để chui vào những bụi cây um tùm, trong số này đã có những người bị trượt ngã xây xát khắp mình mẩy, nhưng rất may không có ai bị rớt xuống bãi biển qua vách đá dựng đứng ở cả hàng trăm thước bề sâu. Nhiều phụ nữ khác chui nhủi vào những mỏm đá ngoài bờ biển, ngâm chân suốt ngày đêm trong nước mặn, lúc nào lưng cũng phải khom xuống vì trần đá thấp…”

Sau khoảng nửa giờ tìm đường đi, chúng tôi nhận thấy hướng theo phía Đông là đường cùng, hướng duy nhất để lên đỉnh đảo để tiếp cận các hang động trên núi là theo đường rừng. Nhóm nhập lại và cùng tìm đường lên đỉnh.

Một thành viên cao niên trước khi trở về trại do đường đi khó khăn, sau này kể lại ngay lúc đó đã nhìn thấy một cánh bướm trắng cứ quẩn quanh tại vị trí chúng tôi quyết định leo lên núi. Cánh bướm này cũng xuất hiện một lần nữa trước mặt Cô và một thành viên trong nhóm truyền thông Mỹ, khi đoàn tập trung để gắn tượng Đức Mẹ và Phật Quan Âm trên Bia Tưởng nhớ người tỵ nạn và Ghi ơn Ông Theodore G. Schweitzer.

Quãng đường đi và về từ trại mặt A lên đỉnh đảo (nếu không vòng qua các triền đá ở mặt Đông của đảo) mất khoảng 3.5 giờ. Dọc đường đi chúng tôi gặp rất nhiều bụi gai và tàng lá thấp, càng lên cao thì cây càng trở nên thưa và lớn, nhưng có đá tảng và trơn.

Chúng tôi gật đầu với nhau rằng nếu không chuẩn bị cưa tay thì rất khó có thể lên được đỉnh và tìm di tích (bằng chứng là cả 6 thành viên sau khi trở về đều xây xát khắp mình mẩy; một thành viên cao niên còn bị trợt chân té xuống dốc, nhưng rất may mắn đã bám kịp vào một gốc cây; một thành viên khác trong lúc tìm đường xuống dốc đã đạp lên 1 tảng đá khiến nó rơi thẳng xuống người ở dưới, cũng rất may mắn người này tránh ra kịp).

Các nhóm tìm di tích trong tương lai cũng nên chuẩn bị giày đi rừng và quần áo chống côn trùng đặc biệt là vùng da quanh cổ, đồng thời mỗi người nên tìm một thân cây dài đủ để trợ lực những đoạn khó leo và dò đường, vì qua năm tháng, lá khô và mục đã phủ lên những khe đá nứt, nếu không cẩn thận có thể sụp chân xuống và bị bong gân dễ dàng.
Visiting Koh Kra, Hell on Earth, March 2016
Source: Văn Khố Thuyền Nhân
Visiting Koh Kra, Hell on Earth, March 2016
Source: Văn Khố Thuyền Nhân
Khi tìm đường đi, chúng tôi đã đặc biệt chú ý đến những mỏm đá không bị cản tầm nhìn bởi rừng cây dày đặc, nơi có thể nhìn ra biển mà ngày xưa Đồng Bào đã có thể tập trung để giơ tín hiệu S.O.S cho trực thăng và tàu Hải Quân Thái Lan. Cũng tại những mỏm đá này, Đồng Bào có thể đã đứng canh chừng tàu hải tặc Thái tấp vào, từ đó dẫn các phụ nữ đi trốn trong các hang động mặt B.

Tại một hốc đá ở đỉnh đảo, chúng tôi trân kính đặt một linh tượng Mẹ Maria Ban Ơn đã được làm phép Thánh và mang từ Việt Nam sang. Tượng được đặt hướng ra biển, và dang tay như người mẹ che chở và xoa dịu những đứa con xấu số, trải qua quãng đời ngắn ngủi mà khổ đau.

Chặn giữa đỉnh đảo và khu trại là một triền đá lớn, nhẵn, tương tự như triền đá nơi chúng tôi đặt Bia Tưởng Niệm. Các nhóm tìm kiếm trong tương lai khi gặp triền đá này nên tránh vì khá nguy hiểm, nên rẽ phải nhắm hướng khu trại, men theo một triền cỏ lau vì cỏ lau bám đất, có thể dựa theo đó để xuống sẽ an toàn hơn rất nhiều.
Visiting Koh Kra, Hell on Earth, March 2016
Source: Văn Khố Thuyền Nhân
Dưới bãi, vài nhóm nhỏ khác do Trần Lão gia hướng dẫn (và các toán truyền thông Mỹ - Úc bám theo để ghi nhận những hình ảnh và thực hiện phỏng vấn tại chỗ) cũng bắt đầu tản mác vào các bờ bụi ven chân núi để tìm kiếm di vật. Đường đi cũng gay go và vất vả chẳng kém nhóm lên núi thám du; cũng gai nhọn, kiến vàng, cành mục, lỗ hang trồi sụp bất ngờ… Nghĩ lại mấy chục năm trước, những cô gái tả tơi, ốm đói, kiệt sức đã phải băng mình qua đoạn đường này để lên núi trốn bọn hải tặc mà không khỏi quặn lòng.

Sau vài giờ vạch cây hốt lá tìm kiếm, các nhóm đã phát giác ra bốn ngôi mộ đơn sơ (có thể còn nhiều hơn nếu có thêm thời gian) nằm gần nhau, được đánh dấu bằng những hòn đá xếp thành vòng tròn. Mọi người cũng đứng thành vòng tròn, chắp tay tưởng niệm trong thinh lặng của núi rừng u tịch hoang dã. Làn khói trắng từ những nén hương cầu nguyện tỏa lên, mong manh như phận người mà thắm thiết như tình tự quê hương.

Chúng tôi cũng đã tìm thấy một số vật dụng bên cạnh những ngôi mộ này: một bình trà, lọ hương, chiếc giày của một bé gái, vài mảnh xoong chảo đã rỉ sét và một lon sữa Guigoz, những món đồ không thể nhầm lẫn của thời khốn khó mang đi từ quê hương trên đường tìm sống. Những di vật đó sẽ được gìn giữ ở Viện Bảo tàng Thuyền nhân VN tương lai như các chứng tích của cuộc đào thoát bi tráng nhất trong lịch sử dân tộc.
Visiting Koh Kra, Hell on Earth, March 2016
Source: Văn Khố Thuyền Nhân
Visiting Koh Kra, Hell on Earth, March 2016
Source: Văn Khố Thuyền Nhân
Trên bãi, trời đã sáng rõ. Một ngày mới bắt đầu, tinh khôi như… vừa đến đây hôm qua. Ăn uống qua loa (một chuyện đã làm cho Ban tổ chức nhức đầu, nhưng bây giờ lại quá dư dả), mọi người bắt tay ngay vào việc thiết lập bàn thờ cầu nguyện cho các vong hồn oan thác.

Bóng mát của mái lều, màu sắc của bốn chậu bông giấy tươi tắn, những phẩm vật cúng tế trên bàn thờ, màu áo vàng đất của các sư thầy Thái Lan… hoà quyện trên nền cát trắng và rừng xanh thành một bức tranh sống động giữa trời biển mênh mông. Từng bàn tay ân cần, từng lời nói nhỏ nhẹ, từng bước chân êm ái… tất cả như e ngại một âm thanh hoặc cử chỉ bất nhã nào có thể gây xáo động những vong linh đang tụ về.

Năm vị sư Thái đã cùng hợp niệm với Thượng toạ Thích Phước Thiền (Chùa Quang Minh, Melbourne – Úc) trong buổi lễ chiêu hồn và cầu siêu trang nghiêm và cảm động. Lời kinh trầm buồn quyện theo mùi hương thoang thoảng trong gió sớm đã khiến nhiều người không ngăn được nỗi ngậm ngùi cho những đồng bào bất hạnh trên đường đi không đến.
Visiting Koh Kra, Hell on Earth, March 2016
Source: Văn Khố Thuyền Nhân
Cũng tại địa điểm cầu nguyện này, một nhóm tín đồ Công giáo đã dâng lễ tạ ơn và hát “Kinh Hoà Bình”, một bài thánh ca do Lm. Kim Long viết theo Lời nguyện của Thánh Francis thành Assisi ở Ý vào thế kỷ 13, thay nén nhang lòng gửi đến những người nằm xuống và trao truyền tin yêu cho người đang sống, để đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…”
Visiting Koh Kra, Hell on Earth, March 2016
Source: Văn Khố Thuyền Nhân
Bữa ăn trưa cũng vội vàng để kịp dọn trại trước khi biển trở sóng. Chẳng ai tha thiết lắm về nhu cầu bao tử, vì cảm xúc đã ngập tràn trong lòng họ. Chúng tôi cũng không quên dọn rác trên bãi trước khi rời đảo. Ít ra nó cũng sạch hơn khi chúng tôi mới đến…
Visiting Koh Kra, Hell on Earth, March 2016
Source: Văn Khố Thuyền Nhân
Làn gió biển nhè nhẹ của mùa đồng chung mơn man trên đường về đã giúp những mí mắt trĩu nặng vì thiếu ngủ được dăm phút nghỉ ngơi. Những địa danh xa lắc xa lơ mà cồn cào nỗi nhớ một thời như Hat Yai, Songkhla, Tha Sala, Hua Sai, Nakhon, Pak Panang... đang chờ đợi chúng tôi trong chặng đường kế tiếp của chuyến hành hương.
Visiting Koh Kra, Hell on Earth, March 2016
Source: Văn Khố Thuyền Nhân
Visiting Koh Kra, Hell on Earth, March 2016
Source: Văn Khố Thuyền Nhân
Bỗng nhớ, thật tình cờ, một đoạn trong bài thơ dài “Ta về” của Tô Thùy Yên:

“Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc bể dâu này”…


Bài tường trình này, trong cách riêng của người viết, xin được hoá thân làm một giọt rượu hồng gửi đến những thuyền nhân Việt Nam nằm lại ở Koh Kra.

Lưu Dân & Lý Nhân

Tháng Ba 2016.
(Nhân chuyến Về Bến Tự Do 24 do VKTNVN tổ chức)


Visiting Koh Kra, Hell on Earth, March 2016
Source: Văn Khố Thuyền Nhân



Koh Kra, Koh Kra…

Koh Kra, Koh Kra
Vách đá dựng
Hoang đảo mịt mù xa
Từ hốc núi ẩn thân
Một bước sẩy chân
Xác rơi không tiếng vọng
Còn rờn rợn giọng cười dã thú
Bầy hải tặc gầm rú say sưa
Mưa sớm nắng trưa
Đọng thành dòng tội ác
Như vệt máu thời gian tan tác…

Tháng Ba chúng tôi về
Dù trễ mấy mươi năm
Vẫn những con sóng cũ
Đầu quấn khăn tang
Chập chờn trắng biển…

Hình như có tiếng ai
Nửa như trách
Nửa như than
Cừu hờn, oan nghiệt
Thoảng theo tiếng gió
Về trong tiếng mõ tiếng chuông

Hồi kinh chiêu hồn lặng lẽ
Vị sư già quệt giọt lệ như sương
Đã đi qua mấy đoạn trường
Mà sao hạt bụi vẫn còn vướng mi…

Trên đỉnh đảo
Tiếng hát ai đứt nghẹn
“Xác em nay ở phương nào?”
Xin chờ nhau cuối chiêm bao trùng phùng

Koh Kra, Koh Kra…
Em ở lại, ngàn năm ngời trinh tiết
Tôi để lại, một đời không quên được
Gửi trùng khơi lời tưởng tiếc khôn nguôi…

Lưu Dân (Sydney, Australia)
Tháng Ba 2016.
(Nhân chuyến Về Bến Tự Do 24 do VKTNVN tổ chức)

 

Ghi chép Koh Kra, một đêm trên 'đảo địa ngục' gồm hai phần cùng một album hình ảnh.





Share
Published 15 April 2016 8:47pm
Updated 21 November 2018 11:27am
By Lưu Dân

Share this with family and friends