‘Đừng ăn cái này khi uống thuốc nọ’

Chúng ta thường nhận thức được những rủi ro của việc uống cùng lúc nhiều loại thuốc, nhưng lại ít bận tâm chuyện những thứ chúng ta ăn uống phản ứng với thuốc như thế nào.

food and drugs

Đừng ăn cái này khi đang uống thuốc nọ Source: CC

Một cuốn sách mới xem xét sự tương tác phức tạp (và thường gây ra nguy hiểm) khi kết hợp thức ăn, nước uống, những chất bổ sung và thuốc uống trị bệnh.

Cuốn sách với tựa đề Don’t Eat This If You’re Taking That (Đừng ăn cái này nếu bạn đang uống cái kia, Nero, $24.99), soi rọi một thế giới đầy nguy hiểm khi thuốc uống và thức ăn đụng nhau, giải thích các quá trình hóa học phức tạp xảy ra trong cơ thể chúng ta.

Có thể chọn bia rượu là một ví dụ rõ ràng nhất. Những thức uống có độ cồn can thiệp vào các chức năng bình thường của nhiều loại thuốc uống thông dụng, làm các tác dụng phụ trở nên nghiêm trọng hơn, như chóng mặt và buồn ngủ.

Dưới đây là một vài phản ứng có hại cho sức khỏe khi cùng lúc ‘ăn cái này, uống cái kia’ mà tác giả Madelyn Fernstrom và Jon Fernstrom phát hiện trong nghiên cứu vừa được viết thành sách của họ.
juice
Chuyện gì xảy ra khi thuốc uống và thức ăn 'đụng độ' nhau trong cơ thể chúng ta? Source: SBS

Thức ăn lên men

Rất nhiều người Việt yêu thích thực phẩm lên men: một loạt các dưa, dưa cải, dưa cà, dưa giá rồi các loại tương chao, rồi đến kim chi của Hàn Quốc, sốt miso của Nhật Bản, hay các loại phô mai, vì những lợi ích thường biết đến của nhóm các loại thức ăn này là mang đến là hàm lượng probiotics cao.

Probiotics là những vi khuẩn hoặc nấm men thân thiện, giúp khôi phục lại sự cân bằng trong đường ruột, kích thích hệ tiêu hóa làm việc, và hỗ trợ miễn dịch cho cơ thể.

Tuy nhiên, nếu bạn đang dùng thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOI), một trong những ‘thế hệ đầu tiên’ thuốc chống trầm cảm được phát triển vào những năm 1950, bạn nên tránh xa các thực phẩm lên men.

Lý do là khi bạn ăn một loại thực phẩm lên men như miso, một phần của quá trình tiêu hóa là phân hóa thức ăn thành các axit amin. Một số các axit amin được chuyển đổi thành các hóa chất được gọi là các amin hữu cơ - tyramine là một trong số đó - có thể làm tăng huyết áp khi chúng đi vào máu.

Tác động này bình thường được hóa giải bởi một enzyme gọi là monoamine oxidase, phá hủy các amin trước khi huyết áp kịp tăng quá cao. Khi bạn uống thuốc các loại thuốc MAOI, hệ thống này không hoạt động được, vậy nên khi ăn các loại thực phẩm giàu tyramine như miso, phô mai, hay dưa cải, bạn đứng trước nguy cơ huyết áp tăng đột biến, và có thể dẫn đến trụy tim.
Vietnamese fermented foods
Hãy hỏi mình đang uống thuốc gì trước khi gắp miếng dưa hay miếng chao Source: CC

Nước bưởi

Ít nhất có 85 loại thuốc được biết có phản ứng với nước bưởi gây ra những tác động không tốt cho sức khỏe con người vì các chất có trong trái cây với tên gọi furanocoumarin.

Các furanocoumarin này gây ảnh hưởng lên một loại enzyme cần thiết để chuyển hóa nhiều loại thuốc, gây ra nguy cơ cho phép nhiều hơn liều lượng chất cần thiết đi vào máu.

Bất kì ai đang uống thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau nhóm opioids (chiết xuất từ thuốc phiện tự nhiên hay tổng hợp), một số loại triptans (điều trị các chứng đau nửa đầu), thuốc chống đông máu, thuốc đau nửa đầu có ergotamin, một số loại thuốc trị tiểu đường, và các loại thuốc chữa bệnh tim mạch nên tránh ăn bưởi và uống nước bưởi để tránh các biến chứng, trong trường hợp nghiêm trọng có thể gây ra suy thận.
Grapefruit juice
Ít nhất 85 loại thuốc được biết có phản ứng với nước bưởi gây ra những tác động không tốt cho sức khỏe con người Source: CC

St John’s wort (cỏ St John)

St John’s wort thường được biết đến là một phương thuốc tự nhiên chữa bệnh trầm cảm và các rối loạn liên quan, tuy nhiên quan trọng là những người đang uống thuốc chống trầm cảm hãy tránh xa loại dược thảo có chiết xuất St John’s wort vì sự an toàn của mình.

St John’s wort không chỉ làm giảm hiệu quả của thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCAs), nó còn có thể gây ra hội chứng serotonin, có thể gây ra tình huống dẫn đến tử vong bởi mức độ độc hại của serotonin dẫn truyền thần kinh trong cơ thể.

Nguy cơ này xảy ra khi cùng lúc uống dược thảo có chiết xuất St John’s wort với ba loại thuốc chống trầm cảm: MAOIs, SSRIs và SNRIs, và một số thuốc trị đau nửa đầu được biết đến như triptans.

Giống như bưởi, St John’s wort có phản ứng xấu cho sức khỏe con người với một danh sách dài các loại thuốc khác.

Chúng bao gồm nhóm thuốc giảm đau opioids (chiết xuất từ thuốc phiện tự nhiên hay tổng hợp) như codeine, fentanyl và methadone; thuốc điều trị tiểu đường như nateglinide và pioglitazone; proton pump inhibitors, sử dụng để điều trị trào ngược axit; thuốc hạ huyết áp; thuốc statin dùng hạ cholesterol gồm simvastatin và atorvastatin; thuốc chống loạn nhịp tim như amiodarone, dronedaron, disopyramide và quinidin, cũng như nhiều thuốc tim mạch khác.

Tất cả những loại thuốc vừa kể trên sẽ trở nên kém hiệu quả khi cùng lúc uống với dược thảo có chiết xuất St John’s wort.
St-John's wort (Hypericum perforatum)
St-John's wort (Hypericum perforatum) Source: SBS

Kale (cải xoăn)

Vài loại rau cải lá xanh như kale có thể can thiệp vào chức năng thông thường của warfarin, một loại thuốc phổ biến làm loãng máu.

Với vài người, hoàn toàn bỏ đi kale trong chế độ ăn uống là một chuyện không vui, vì những tác dụng tốt cho sức khỏe của kale được phát hiện gần đây như ngăn ngừa ung thư, đào thải độc tố, giảm câm… Nhưng với những người phải uống warfarin theo toa bác sĩ, nên hạn chế ăn những loại rau cá lá xanh như kale trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày.

Vấn đề là vitamin K, chất cần thiết trong quy trình đông máu, được tìm thấy với số lượng lớn trong các loại rau cải lá xanh như spinach (cải bó xôi, rau chân vịt, 145 microgram trong một cốc), kale (cải xoăn, 113 mcg mỗi cốc), và broccoli (bông cải xanh, 110mcg một cốc).

Để bảo đảm bảo một lượng lớn vitamin K không can thiệp vô thuốc, thì những người đang phải uống warfarin nên tránh ăn những loại rau lá xanh đậm trong bữa ăn của mình.
Kale
Những loại rau lá xanh đậm như kale là thuốc bổ của nhiều người, nhưng với vài người khác thì nên... tránh. Source: SBS

Nước cam

Ít ai ngờ tới nước cam, một loại thức uống vô cùng phổ biến mạ bạn có thể tự pha ở nhà để uống, nhâm nhi khi ngồi trong quán, hay mua từ các máy bán hàng tự động để giải cơn khát… lại nằm trong danh sách này.

Nước cam là món cấm kỵ với những người đang phải uống thuốc atenonol, thuốc đối kháng beta theo toa bác sĩ có tính năng làm giảm huyết áp, vì nó hạn chế sự hấp thu của thuốc trong ruột non.

Nước cam cũng tương tác với quinidine, thuốc chống loạn nhịp tim.

Vitamin C trong nước cam làm tăng lượng thuốc sẽ thải ra trong nước tiểu, do đó ảnh hưởng đến liều lượng đi vào máu.
Orange Juice
Nước cam không tốt với những người đang uống thuốc atenonol và quinidine Source: SBS

Share
Published 11 March 2016 3:42pm
Updated 12 August 2022 4:01pm
By Nicola Heath, Trinh Nguyen


Share this with family and friends