“Cộng đồng cần gì, chúng tôi đều giúp”: nhóm thiện nguyện hỗ trợ cộng đồng người Việt ở Melbourne

Những cuộc gọi điện nhờ tư vấn giữa đêm khuya vì bị trầm cảm, những lớp học tâm lý và tiếng Anh miễn phí cho di dân, những gói thực phẩm miễn phí đến tận tay người neo đơn và du học sinh trong những ngày Melbourne bị phong tỏa vì COVID-19… tất cả khối lượng công việc đồ sộ ấy được đảm nhiệm bởi một nhóm tình nguyện non trẻ vừa ra đời chưa đầy một năm ở Melbourne.

Tarah (ngồi chính giữa) trong ngày Harmony Day tại Brimbank Council

Tarah (ngồi chính giữa) trong ngày Harmony Day tại Brimbank Council Source: nhân vật cung cấp

Ra đời ngay trong thời điểm nước Úc bùng phát dịch COVID-19 vào tháng 2 năm 2020, chị Tarah – trưởng nhóm tại Melbourne – cho SBS Việt ngữ biết, ý tưởng của việc thành lập nhóm xuất phát từ khi chị nhận thấy hoàn cảnh bế tắc của các bạn du học sinh đang ở cùng nhà với chị

“Khi đó cũng có các hội nhóm hỗ trợ thực phẩm cho các bạn du học sinh. Mình thấy các bạn sinh viên ở nhà mình nhận được những phần thức ăn nhỏ thôi mà cũng vui đến mức khóc, nên mình nghĩ chắc là ngoài kia cũng có nhiều bạn cần.”

Chi Tarah cũng từng là một du học sinh sang Úc từ những năm trung học. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Tài chính – Ngân Hàng, Tarah đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, địa ốc, và từng kinh doanh thời trang trước khi bắt đầu dấn thân trong lĩnh vực thiện nguyện.

“Ban đầu mình chỉ lập một nhóm nhỏ để hỗ trợ các bạn du học sinh, khi đó chỉ có khoảng 5-6 cộng tác viên, ban đầu chỉ phát gạo và lương thực.

“May mắn là khi đó nhóm mình đã kết nối được với các anh chị doanh nghiệp nhà hàng và tiệm bánh mì, các anh chị cũng cùng chung tay giúp đỡ nhóm rất nhiều, để lại những phần ăn còn mới trong ngày để đem đến cho những người cần. Ai đến lấy được thì đến, còn không tụi mình giao đến tận nơi.”
community love and share
Source: nhân vật cung cấp
Cứ thế, “khi cộng đồng gọi thì nhóm đáp lời”, những hoạt động khác của nhóm  lần lượt ra đời theo nhu cầu của cộng đồng mà không hề có sự tính toán trước.

Khi thì nhóm giúp mua sắm cho những người gặp khó khăn trong việc đi lại, hoặc giúp điền giấy tờ nếu cần phải làm việc với chính phủ như làm thẻ medicare, đến thời điểm khai thuế lại có hoạt động giúp người dân hiểu về hệ thống MyGov để có thể tự khai thuế, bớt đi phần nào gánh nặng chi trả cho những người vốn đã có cuộc sống khó khăn.

“Tụi mình thấy nhiều mẹ đơn thân, người cao niên, những người neo đơn gặp khó khăn phải ra khỏi nhà để mua sắm, từ đó nhóm lại nảy ra dịch vụ giúp mua đồ.

“Đến khi Melbourne bị phong tỏa thì nhóm bắt đầu nghĩ đến chuyện tạo những hoạt động tích cực cho cộng đồng, giúp những người phải ở trong nhà những vẫn có thời gian ý nghĩa. Và thế là lớp dạy tiếng Anh ra đời.

“Mức phí mình lấy ở các lớp tiếng Anh chỉ hoàn toàn tượng trưng là $5/giờ, dành cho những bạn trong độ tuổi lao động. Còn những hoàn cảnh khó khăn như mẹ đơn thân, những người ở bất hợp pháp, người cao niên thì hoàn toàn miễn phí.”
Phát quà bánh trung thu cho các trẻ em miền núi ở việtnam
Phát quà bánh trung thu cho các trẻ em miền núi ở việtnam Source: nhân vật cung cấp
Nhưng phải 2 tháng sau nhóm thiện nguyện này mới bắt đầu được chú ý nhiều hơn sau một lần hỗ trợ một bạn trẻ bị tai nạn lao động. Người bạn trẻ này đã bị thương tật nặng ở bàn tay trong lúc làm việc, bị mất khả năng lao động và bị rơi vào trầm cảm. Khi đó Tarah và cùng nhóm ngoài việc tìm hiểu để hỗ trợ về mặt vật chất và tinh thần, cũng đã liên lạc luật sư để giúp đỡ về mặt pháp lý về luật lao động.

“Sau sự việc đó, nhóm nhận được sự hưởng ứng từ cộng đồng rất nhiều. Rồi dần dần có nhiều người tìm đến với nhóm để nhờ trợ giúp tư vấn về mặt pháp lý nhiều hơn, nhóm mình khi đó đã kết nối với các chuyên viên về mặt pháp lý để hỗ trợ miễn phí.”

Tarah kể khi làm công việc này chị đã được gặp và tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhiều trường hợp bị lợi dụng liên quan đến visa, bị lừa lấy tiền mà không làm hồ sơ, và cả những câu chuyện bị bạo hành, bị trầm cảm vì bế tắc trong cuộc sống.

“Mình đã gặp những trường hợp yêu cầu trả tiền phí visa lên tới $80,000, thậm chí $300,000 cũng có, rồi sau đó tiền mất nhưng visa không có, rồi được giới thiệu tìm đến nhóm của mình nhờ hỗ trợ.

“Có những trường hợp bế tắc đến mức gọi điện cho mình vào lúc nửa đêm trước khi chuẩn bị cầm dao kết liễu cuộc sống. Tất cả những trường hợp khẩn cấp đều gọi đến mình để mình ngay lập tức có thể chuyển qua chuyên viên tâm lý hoặc luật sư để hỗ trợ tức thì.

“Mình muốn mọi người hãy mạnh dạn lên, nói lên những khó khăn hoặc bất công mà mình phải gánh chịu, từ câu chuyện của mình có thể lên tinh thần cho những người khác, giúp đưa thêm nhiều câu chuyện uất ức ra ánh sáng.”
Community Love and Share trong ngày Harmony Day tại Brimbank Council
Source: nhân vật cung cấp
Đến tháng 8/2020 nhóm đã đăng ký chính thức trở thành một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ cộng đồng. Đến nay chỉ sau mới được một năm hoạt động, nhóm thiện nguyện này đã có 750 người đăng ký học các lớp tiếng Anh, 260 người được hỗ trợ tâm lý và khoảng 1500 hồ sơ được hỗ trợ pháp lý.

Ngoài Tarah, nhóm hiện có 92 thành viên tình nguyện, được phân công theo chuyên môn như nhóm dạy tiếng Anh, nhóm hỗ trợ điền form, hỗ trợ khai thuế, giúp tìm việc làm… Tất cả các tình nguyện viên và cộng tác viên của nhóm Community Love and Share đến từ mọi lĩnh vực, trong đó có cả các chuyên viên di trú, luật sư, kế toán viên, thậm chí nhân viên làm ở Centrelink, hoặc có người là nhân viên xã hội có kiến thức và kỹ năng trong việc giải quyết các vấn đề về gia đình.

“Bọn mình may mắn có nguồn thông tin để khi cần là có thể hỏi ý kiến từ những người có chuyên môn. Vì thế các hoạt động của nhóm chủ yếu dựa vào chất xám của các tình nguyện viên, chứ không cần quá nhiều về mặt tiền bạc nên vẫn duy trì được hoạt động.”

“Khi làm việc thiện nguyện rồi mình mới nhận thấy cộng đồng người Việt của mình rất đoàn kết, có tấm lòng rất to lớn, khi mình mở lời lúc nào cũng nhận lại được sự đồng tình chung tay giúp đỡ, chẳng hạn như các doanh nghiệp hỗ trợ thực phẩm trong mùa COVID-19, hoặc có những chuyên viên di trú rất sẵn lòng hỗ trợ nhóm, như chuyên viên di trú Tạ Quang Huy đã tặng cho nhóm 10 hồ sơ miễn phí, và nhiều văn phòng luật sư và di trú khác cũng luôn hỗ trợ thông tin miễn phí dù là nhóm gọi 10-11 giờ khuya cũng vẫn nhiệt tình bắt máy. 

“Nhóm có được sự thành công và được nhiều người tin tưởng như hiện nay thì mình nghĩ rằng một phần là do nhóm mình không bao giờ xin tiền gây quỹ. Như đợt quyên góp lũ lụt năm ngoái thì mình và một số bạn đã livestream bán quần áo với giá rẻ từ chính shop của mình để có tiền, còn những hoạt động khác thì hoàn toàn nhờ vào chất xám như tư vấn pháp lý hoặc giúp điền form, và hoàn toàn nhờ vào sự tự nguyện của tình nguyện viên. Nên có lẽ vì thế mà nhóm tạo được sự tin tưởng.”

Những hoạt động nhóm Community Love and Share đã và đang tổ chức:

- Những bữa ăn miễn phí, khẩu trang miễn phí, nơi ở miễn phí (chúng tôi thuê một ngôi nhà ở Pakenham và Sunshine North cho những người vô gia cư ở trong thời gian khó khăn này và cung cấp cho họ sự chỗ ở ấm áp và bữa ăn hàng ngày);

- Tổ chức các buổi chia sẻ nhóm về những sức khoẻ tâm lý và những vấn đề khi sống và làm việc tại Úc cho những người mới định cư và sinh viên quốc tế;

- Các buổi tham vấn tinh thần cho những phụ nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình;

- Các buổi hướng dẫn thanh niên và giới trẻ trong cộng đồng, cung cấp cho họ thông tin và kỹ năng để định hướng tương lai và vượt qua khó khăn;

- Các lớp học tiếng Anh chi phí thấp $5/ giờ để hỗ trợ những người thiếu kỹ năng tiếng Anh và khó hòa nhập ở Úc;

- Các lớp học tiếng Anh miễn phí cho những người trên 50 tuổi, cha mẹ đơn thân và những người thất nghiệp và gặp khó khăn về tài chính;

- Hỗ trợ những người thiếu kỹ năng tiếng Anh điền vào các biểu mẫu / tài liệu (ví dụ: các yêu cầu về Medicare, hộ chiếu, giấy phép lái xe, yêu cầu giảm tiền thuê nhà do COVID-19, v.v.)

- Cung cấp các buổi tham vấn pháp lý cho những người thiếu tiếng Anh hoặc có nhu cầu và giúp họ chuẩn bị hồ sơ xin visa miễn phí;

- Kết nối các doanh nghiệp/ dịch vụ ở địa phương để cung cấp hỗ trợ dịch vụ cho cộng đồng. Ví dụ: đối với những người gặp khó khăn về tài chính, mất phương hướng trong cuộc sống hoặc chịu hậu quả của COVID-19, chúng tôi có thể kết nối họ, không tính phí, với các nguồn trợ giúp và hỗ trợ phù hợp.

Nếu ai cảm thấy bế tắc tâm lý hoặc bất cứ khi nào rơi vào hoàn cảnh khó khăn cần sự hỗ trợ của nhóm Community Love and Share để được hỗ trợ thông tin căn bản, hoặc muốn chung tay góp phần hỗ trợ cộng đồng, quý vị có thể liên lạc nhóm qua số điện thoại 0422 386 789

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share
Published 31 March 2021 4:48pm
Updated 31 March 2021 8:21pm
By Hương Lan

Share this with family and friends