"Con trai thích quê mẹ, con gái thích quê cha"

Tôi có hai đứa con, một trai một gái, thằng bé rất thích quê mẹ của nó ở Việt Nam, còn con bé thì lại muốn nghỉ hè ở quê của tôi là Anh quốc, nhưng chúng tôi đang sống ở Úc.

Gia đình ông Foot và chị Ái Tâm ở Melbourne

Gia đình ông Foot và chị Ái Tâm có cô con gái Carolyn hát tiếng Việt rất hay. Source: Supplied

Để tôi phải nói ngay, tôi là người Anh, dân Ăng-lê chính hiệu, tự hào, bảo thủ, sáng uống trà, và sẽ tự động xin lỗi nếu bạn đạp lên chân tôi.

Tám năm sống ở Úc không hề thay đổi bản chất Ăng-lê của tôi một mảy may nào hết.

Tôi qua đây theo tiếng gọi của tình yêu từ một người đàn bà Úc gốc Việt kiên nhẫn chưa từng thấy và kết quả của mối tình ấy là hai đứa nhỏ lên 5 và 6 không biết mệt mỏi là gì.

Chúng là người Úc, người Anh và cũng là người Việt.

Để chúng biết cội nguồn, năm nay chúng tôi quyết định nghỉ hè ở Việt Nam.

"Các con à", tôi loan báo tin vui này lúc ăn cơm, một phần để giúp thằng nhỏ bớt cảm thấy bị tra tấn vì phải ăn rau.

“Các con đoán xem năm nay chúng ta sẽ nghỉ hè ở đâu? Đi Việt Nam! Yaaaaay!”

Mặt con gái tôi bí xị khi nghe sẽ đi Việt Nam, "tại sao chúng ta không đi Anh?"

“Well,” tôi nhắc nó, “chúng ta đã đi Anh năm ngoái và "ÔNG BÀ" muốn cho tụi con biết quê ở Việt Nam. Chưa kể thời tiết ở Anh quá u ám à."

Ông bà tụi nhỏ cũng ở Melbourne chỉ cách chúng tôi 20 phút lái xe và thường xuyên giữ con cho chúng tôi. Hoan hô những ông bà giữ trẻ!!

Con gái không muốn làm người Việt lắm thì phải. Có lẽ vì nó không thích bị tra tấn trong bỏ ra 3 tiếng mỗi chủ nhật để học tiếng Việt và văn hóa Việt.

Nhưng cũng có thể nó sợ mỗi khi gia đình tụ tập, mấy người cậu chứ bẹo má cháu và buộc nó phải ăn móng heo.

Hoặc cũng có thể do cháu sống trong một xã hội rất Anglo mặt dù đây là thế kỷ của Á châu.

Mẹ của bọn trẻ hồi còn nhỏ cũng không cảm thấy Việt lắm. Vợ tôi cùng gia đình vượt biên đến Úc khi cô mới 4 tuổi, đi học trường đa số là da trắng, và cảm thấy xấu hỗ vì gốc di dân khi là thiếu nữ.

Cô ấy không giao du nhiều với người Á châu, sửa tên lại cho người Úc dễ phát âm, rất ghét đi học tiếng Việt vào cuối tuần và gần như ngày nào cũng gặp những chuyện kỳ thị.
Tôi rất hãnh diện về cái gia đình Anh-Úc-Việt của tôi không chỉ vì tôi nghĩ rằng nó làm cho tôi cảm thấy rất "cool" đâu.
Vợ tôi chỉ kể cho tôi nghe qua loa những chuyện đó, nhưng có lẽ không phải như vậy.

Thí dụ năm lên 7 hay 8, cô ấy bị một thằng bé 10 tuổi sống trong căn hộ chính phủ dùng vỏ lon Coca Cola cứa cổ thì sao gọi là qua loa được chứ.

Rồi khi được nhờ giải quyết vụ cô bị một thằng bé da trắng ăn cắp chó, người cảnh sát Úc khuyên cô về lại Việt Nam đi nếu không thích luật ở nước này.

Nhưng năm lên 16 vợ tôi tìm lại cội nguồn và cảm thấy hãnh diện vì gốc gác đó. Và cái tình cảm dành cho quê hương đó lây qua tới tôi.

Tôi rất hãnh diện về cái gia đình Anh-Úc-Việt của tôi không chỉ vì tôi nghĩ rằng nó làm cho tôi cảm thấy rất "cool" đâu.

 Nỗ lực học tiếng Việt của tôi phải nói là thảm hại, ngoại trừ một vài câu như "ông già vô dụng" hay là "ba khổ quá".

Tôi hào hứng thuyết phục trong bữa cơm: “Sẽ thật tuyệt vời khi đi Việt Nam vì Việt Nam là một phần của gia đình chúng ta, và chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về Việt Nam".

Tôi chưa bao giờ đến Việt Nam, trong đầu tôi đã lo lắng vì cái nóng ẩm ở đó, và con gái tôi bị dị ứng với đậu phộng, nhưng tôi phải tiếp tục thuyết phục.

"Chúng ta sẽ cùng nhau khám phá cội nguồn của mình và điều đó thật hấp dẫn!"

Con trai tôi suy nghĩ một chút rồi hỏi: "Ở đó có bánh da lợn không ba?"

“Có, ở đó có rất nhiều bánh da lợn," tôi hí hửng.

Con gái tôi bĩu môi: "Con không thích bánh da lợn."

"Ba cũng không thích lắm," tôi an ủi con gái.

“Nhưng ba à, ba có phải là người Việt đâu," con trai tôi trừng mắt.

Con trai tôi nói đúng.

“Ba không phải người Việt, ba người Anh, và không bao giờ quên rằng "thongs" là "flip-flops", "chips" là "crisps" và "football" là "football", không phải "soccer". Bỏ thêm sốt vô chén cơm của con đi."


Share
Published 5 May 2016 3:02pm
Updated 5 May 2016 6:32pm
By Ian Rose

Share this with family and friends