Chuyên gia y tế lo lắng coronavirus sẽ hung hăng hơn trong mùa đông sắp tới

Chuyên gia y tế nói kinh nghiệm từ Trung Quốc cho biết đa số ca bệnh xảy ra trong mùa đông và đầu xuân, lây nhiễm từ những người sống gần gũi dưới một mái nhà. Kinh nghiệm từ các quốc gia Bắc bán cầu khác cho thấy trời lạnh khiến coronavirus dễ dàng nguỵ trang bằng những triệu chứng cảm thông thường khiến mọi người xem nhẹ, cho đến khi dịch phát ra mạnh mẽ không cách nào kiểm soát. Úc cũng chứng kiến một vài bệnh nhân vừa qua đã cùng một lúc bị nhiễm chồng cả hai loại virus Covid-19 và virus cúm.

Rain falls over Melbourne Park.

Rain falls over Melbourne Park. Source: AAP

Thế giới đang chờ đợi dấu hiệu chứng minh rằng mùa hè trời ấm có thể giúp những nước ở Bắc bán cầu ngăn chặn sự lan rộng của coronavirus. Nhưng Úc đang sắp bước vào những tháng mùa đông, điều này có ý nghĩa gì?


 Highlight:

  • Giáo sư Peter Collignon, nhà vi sinh học và bệnh truyền nhiễm, thuộc trường Đại học Quốc gia Úc nói nỗi lo lắng về mùa đông sắp tới là có thực, dựa trên kinh nghiệm đã qua của các quốc gia Bắc bán cầu.
  • Ông Collignon cảnh báo hãy nhìn lại lịch sử đại dịch Cúm Tây Ban Nha năm 1918, chúng ta cũng từng bị làn sóng dịch bệnh đầu tiên, có quy mô nhỏ vào khoảng cùng thời điểm này trong năm, và sau đó là làn sóng thứ hai, lớn hơn, đã xảy ra vào mùa đông.
  • Chuyên gia y tế đồng ý rằng các biện pháp cách ly hiện tại nhằm giảm sự lây nhiễm qua tiếp xúc và trong không khí phải tiếp tục giữ vững chứ không thể lơ là.

Tiểu bang New South Wales và Victoria trong tuần này có thể đón nhận những đợt lạnh sớm, trong khi đó mùa đông cũng sắp gõ cửa nước Úc.

Tiểu bang Victoria sẽ phải đương đầu với mưa, gió, tuyết và mưa đá suốt cả tuần. Tuyết có thể rơi tại khu vực núi Alpine và Grampians vào thứ Năm.

Người dân Đông Bắc Victoria nhận được cảnh báo rằng thời tiết sẽ trở nên trầm trọng hơn. Lượng mưa đổ xuống đây có thể lên đến 120mm, dự báo gió giật tới 90 cây số/ giờ.

Trong khi đó Melbourne có thể đón nhận kỷ lục mới về lượng mưa đổ xuống, tuy không gây lũ lụt nhưng một vài nơi sẽ bị hứng mưa đá.  

SBS hỏi những chuyên gia y khoa liệu trời lạnh hơn có khiến đại dịch Covid-19 trở nên tồi tệ hơn.

Trời lạnh ảnh hưởng như thế nào đến đại dịch coronavirus?

Nhiều căn bệnh đường hô hấp chủ yếu lây truyền qua những hạt nhỏ li ti, lơ lửng trong không gian, sau khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Khi không khí bị khô và lạnh, những hạt nhỏ này trôi nổi lâu hơn và truyền đi xa hơn, từ đó lây nhiễm cho nhiều người hơn.
Moscow snowfall
A snowfall in Moscow in March. Source: Getty Images
Giáo sư Greg Fox, chuyên gia về dịch tễ học và bệnh hô hấp, thuộc trường đại học Sydney, nói:

‘Chẳng hạn như bệnh cúm, virus cúm sẽ sống lâu hơn trong thời tiết lạnh.

Tuy nhiên, chúng ta chưa có những nghiên cứu đáng tin cậy để có thể biết liệu Covid-19 liên quan tới thời tiết và độ ẩm như thế nào – bệnh dịch mới xuất hiện chưa lâu, thời gian chưa đủ dài để có những kết luận chắc chắn. 

Sau Dịch Tả Heo năm 2009, nhiều nghiên cứu sử dụng heo guinea để kiểm tra sự lây nhiễm của virus này, và họ đã có thể kiểm soát được tình hình dịch bệnh một cách cẩn thận bằng điều kiện thời tiết và độ ẩm.  

Để làm được như vậy, họ đã chứng minh một mối liên hệ rõ ràng bởi vì họ đã có khả năng loại bỏ bất kỳ các nhân tố xã hội khác, ảnh hưởng tới sự truyền bệnh.  

Chắc chắn là chúng ta sẽ nhìn thấy ảnh hưởng của sự thay đổi thời tiết trong những tháng sắp đến, còn cho đến nay thì các nghiên cứu đã công bố vẫn chưa chứng minh được một mối quan hệ mạnh mẽ giữa nhiệt độ và sự lây nhiễm coronavirus’.

Tuy nhiên trời lạnh không phải là nhân tố duy nhất khiến sự lây nhiễm tăng thêm trong những tháng tới.

Tại sao chuyên gia y tế lo lắng về mùa đông sắp tới?

Theo giáo sư Peter Collignon, nhà vi sinh học và bệnh truyền nhiễm, thuộc trường Đại học Quốc gia Úc, nỗi lo lắng về mùa đông sắp tới là có thực, dựa trên kinh nghiệm đã qua của các quốc gia Bắc bán cầu.
Spring has arrived in London.
Spring has arrived in London. Source: AFP/Getty Images
Hơn 1 triệu ca nhiễm Covid-19 ở Hoa Kỳ, còn Tây Ban Nha, Pháp và Vương quốc Anh ghi nhận đã có hơn 20,000 nạn nhân tử vong vì coronavirus. Giáo sư Collignon nói:

‘Đó là một thảm hoạ, trừ một vài ngoại lệ xảy ra tại Nam Hàn và Đài Loan, những quốc gia này kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Nhưng ở đâu thì cũng có nguy cơ chung, đó là sự lây nhiễm của bất kỳ virus nào theo đường hô hấp, cũng phát tán mạnh mẽ hơn trong mùa đông và đầu xuân’.

Giáo sư Collignon cũng lo lắng rằng mùa đông có thể là cơ hội để coronavirus nguỵ trang bằng những triệu chứng giống như một trận cúm hoặc một cơn cảm lạnh. Ông nói:

‘Đó có lẽ là nguyên nhân tại sao nó lan rộng khắp Ý, Âu Châu và Mỹ, bởi vì không ai chú ý đến nó, cho đến khi nó bắt đầu có biểu hiện mạnh mẽ, qua số nạn nhân cao niên tử vong.

Nhưng Úc sẽ không lặp lại tình huống như Ý hay Mỹ bởi vì chúng ta đã tiến hành thử nghiệm trên phạm vi rộng, và chúng ta sẽ tiếp tục thử nghiệm Covid-19 cho bất kỳ người dân nào có dấu hiệu hắt hơi, cảm lạnh hay viêm họng.’

Còn nhân tố nào khác có thể khiến tình hình tồi tệ hơn?

Mùa đông cũng có nghĩa là mọi người khó chống cự lại với virus vì khả năng miễn dịch kém hơn, giáo sư Fox nói.

‘Theo giả thuyết đưa ra thì lượng vitamin D sẽ bị giảm xuống và những nguyên nhân khác của thời tiết.

Chẳng hạn giả thuyết cho rằng tia cực tím chính là nguyên nhân tại sao coronavirus và những virus khác có thời gian sinh tồn ngắn ngủi hơn trong thời tiết ấm, khi trời nắng và có thời gian mặt trời chiếu sáng dài hơn, nhưng một lần nữa, điều này cần phải được điều tra thêm’.

 Giáo sư Collignon bổ sung thêm:

‘Nếu chúng ta nhìn lại Dịch Cúm Tây Ban Nha năm 1918, chúng ta cũng từng bị làn sóng dịch bệnh đầu tiên, có quy mô nhỏ vào khoảng cùng thời điểm này trong năm, và sau đó là làn sóng thứ hai, lớn hơn, đã xảy ra vào mùa đông’.

Phải chăng quốc gia có khí hậu ấm hơn thì lợi lạc hơn?

Nhà virus học Kirsty Short, thuộc trường Đại học Queensland nói điều đó không có nghĩa các quốc gia ấm hơn sẽ hưởng lợi.

‘Không thể nói đơn giản rằng, các quốc gia nhiệt đới sẽ được thời tiết bảo vệ còn những nước lạnh hơn sẽ dễ bị ảnh hưởng, bởi vì rõ ràng virus lan truyền khắp nơi từ Canada tới Singapore’.

Một nghiên cứu bởi trường đại học Michigan, tung ra đầu tháng Tư tiết lộ những coronavirus phổ biến nhất, đều có liên quan chặt chẽ tới thời tiết, với đa số trường hợp, ca bệnh đều lên đến đỉnh điểm trong những tháng mùa đông. Tuy nhiên tiến sĩ Short nói:

những loại coronavirus như MERS dường như xảy ra quanh năm, vì vậy thật sự là nó phụ thuộc vào từng chủng loại virus riêng biệt – và chúng tôi vẫn đang tập trung nghiên cứu về coronavirus này’

Liệu hoạt động của người dân trong mùa đông cũng góp phần khiến virus lan rộng?

Tất cả ba chuyên gia đều cho biết vào mùa đông, khi tất cả hoạt động đều tập trung trong nhà, thì đây chính là nhân tố lớn lao nhất khiến Covid-19 sẽ lan rộng hơn vào những tháng sắp tới. Giáo sư Collignon nói:

‘Khi bên ngoài trời lạnh, gió lớn và ảm đạm, bạn sẽ ở trong nhà nhiều hơn, và ở gần mọi người hơn, mọi người tụ tập bên nhau trong khoảng cách gần sẽ là nguy cơ rất lớn khiến bạn bị nhiễm virus từ người khác’.

Fire Pit Gather
Fire pit gathering. Source: Credit to Flickr/Andres Rodriguez


Giữa những người sống chung một nhà, sự lây nhiễm cũng trở nên dễ dàng hơn trong mùa đông. Giáo sư Fox nói:

‘Điều đó chắc chắn đã xảy ra tại Trung Quốc, vào thời kỳ đầu của đại dịch, khi đa số ca truyền nhiễm đều xảy ra từ những người sống gần gũi trong cùng một mái nhà, kinh nghiệm đó cho thấy tụ tập gần gũi nhau trong nhà vào mùa đông là nhân tố nguy hiểm đối với sự lan rộng của Covid-19’.

Tuy nhiên TS Short nói, các biện pháp giữ khoảng cách trong giao tiếp xã hội, cũng như lệnh cấm tụ tập đông người đã đạt được hiệu quả - và có thể bảo vệ mọi người khỏi bị nhiễm coronavirus.

‘Mùa cúm năm nay chúng ta đã thấy các ca nhiễm cúm đã giảm đáng kể - tại Hồng Kong và Nhật Bản cũng vậy. Tất cả các biện pháp giữ khoảng cách trong giao tiếp xã hội đã bảo vệ chúng ta khỏi coronavirus, và cũng vô tình giúp ngăn ngừa luôn virus cúm’.

Liệu Covid-19 có thể chồng lên mùa cúm không?

Mùa của dịch cúm và đại dịch coronavirus bị trùng nhau, khiến tăng thêm nguy cơ là người dân có thể một lúc bị nhiễm cả hai loại virus. TS Short nói:

‘Chúng tôi nhận thấy điều này đã xảy ra cho một vài bệnh nhân, chúng tôi không nói rằng chuyện này có thể tăng thêm nguy hiểm chết người, nhưng cá nhân tôi sẽ không muốn một lúc bị mắc cả hai loại virus.

Còn giáo sư Fox nói:

‘Hiện nay có lo ngại rằng bệnh nhân bị nhiễm cúm có thể đã dùng hết sự miễn dịch của cơ thể khiến cho họ dễ mắc phải coronavirus hơn.’

Còn mối lo ngại của TS Short là hệ thống y tế có thể bị ‘quá tải’ vì một lúc phải ứng phó cả dịch cúm và đại dịch coronavirus.

'Điều này khiến tỷ lệ mắc bệnh tăng lên và ca tử vong nhiều hơn, vì vậy sự lo ngại về mùa đông sắp tới là sự chồng chất của những lo ngại khác thường xảy đến cho Úc vào cùng thời điểm này trong năm’.

Làm sao bảo vệ bản thân thoát khỏi dịch bệnh trong mùa đông?

Giáo sư Fox khuyên người dân nên tiêm ngừa cúm.

Với Covid-19, chuyên gia y tế đồng ý rằng các biện pháp cách ly thông thường để giảm sự lây nhiễm qua tiếp xúc và trong không khí nên được tiếp tục giữ vững. Giáo sư Fox nói:

‘Phải bảo đảm giữ khoảng cách trong giao tiếp xã hội, rửa tay thường xuyên và nếu bạn ho, thì che chắn kín đáo, cũng như tránh đi ra ngoài chỗ công cộng khi cảm thấy không khoẻ’.

Còn giáo sư Collignon thúc giục mọi người ‘hãy làm bất kỳ điều gì có thể để ngăn bạn khỏi tiếp xúc với virus và lây nó cho người khác’.

Người Úc phải giữ khoảng cách với người khác ít nhất 1.5 mét. Trong nhà, phải có mật độ không quá một người trên bốn mét vuông không gian sàn.

Nếu bạn tin rằng bạn có thể đã nhiễm virus, hãy gọi cho bác sĩ của bạn (đừng đến phòng mạch) hoặc liên hệ với Đường dây Nóng Thông tin Y tế Quốc gia Coronavirus – Coronavirus Health Information Hotline theo số 1800 020 080.

Nếu bạn đang khó nhọc để thở hoặc trải qua một trường hợp khẩn cấp y tế, hãy gọi 000.

SBS tận lực mang đến tin tức cập nhật giúp bạn nắm bắt thông tin những diễn biến mới nhất của COVID-19 bằng tiếng Việt, xem tại: https://www.sbs.com.au/language/vietnamese/coronavirus-updates
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 29 April 2020 4:10pm
Updated 12 August 2022 3:20pm
By Nadine Silva, Lê Tâm

Share this with family and friends