Cho con ba “tự” hay là biến con thành đứa trẻ tàn phế?

Tiền của ba mẹ có phải là của con không? Bao bọc trẻ có phải là cách duy nhất thể hiện lòng ba mẹ?

holding hands kid

Source: Pexels Life of Pix

Chuyện xảy ra đã lâu, trong một cuộc nói chuyện với bà ngoại, con trai đầu năm tuổi của tôi rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Bà nằng nặc mong cháu nói rằng: “Bà đi làm kiếm tiền để cho Subi. Cho Bi mua sách, mua quần áo”.

Đó hoàn toàn khác với những gì tôi dạy cháu. Con trai tôi hiểu rất rõ tiền của bà là của bà, bà đi làm là cho bà. Tiền của bà không phải là tiền của mình và của bố mẹ mình. Cháu nhìn tôi cầu cứu, không biết phải trả lời sao để bà vui.

Lần ấy tôi đã phải cáu lên và một lần nữa bày tỏ quan điểm dạy con về “sở hữu tiền bạc” với mẹ mình, tránh sự mâu thuẫn trong giáo dục gia đình.

Câu chuyện của mẹ tôi không lạ với số đông bố mẹ Việt. Những người bố người mẹ yêu thương con bằng tình yêu bao bọc. Họ xây dựng khái niệm “người làm – kẻ hưởng” về lao động và vật chất trong con “bố mẹ làm là để cho con cho cháu”, “của bố mẹ là của con”.
“Làm mẹ là bạn đã trở thành bậc thầy trong việc buông tay. Làm mẹ cũng đã dạy tôi rằng công việc của tôi không phải là san phẳng một con đường cho con đi trong nỗ lực loại bỏ mọi nghịch cảnh có thể xảy ra. Thay vào đó, tôi cần phải là một nơi an toàn để con có thể trở về khi thất bại và chỉ cho con cách tự mình đứng dậy”.
Ai không thương con? Ai không yêu con? Nhưng thương như thế nào để con đứng thẳng tự tin bằng đôi chân của mình lại là một câu chuyện khác.

Trách nhiệm, tình thương và bao bọc, nuông chiều là hai thái cực dễ tiệm cận nhau. Nhưng khác nhau hoàn toàn. Chỉ khi phân biệt rõ ràng những thái cực ấy thì con cái mới không ỷ lại vào bố mẹ.
Con trai đầu năm tuổi nhà tôi dùng một tờ giấy trong nhà cũng sẽ hỏi: “Mẹ cho Subi xin một tờ giấy của mẹ được không ạ?”. “Mẹ cho Bi mượn cái bút của mẹ được không ạ?”. “Hôm nay Bi đọc trong sách có từ “bói cá”, tí mẹ có thể tìm trên mạng cho Bi xem bạn bói cá được không mẹ?”. Con định hình rất rõ của mẹ là của mẹ, không phải là của mình.

Nhìn xung quanh, có những người con 40, 50 tuổi vẫn bằng cách này cách khác xin xỏ bố mẹ.

Có người xin “sức khỏe” của bố mẹ. Bố mẹ xưa nuôi mình, giờ già thì ông bà nuôi cháu. Thản nhiên vứt con cho ông bà chăm nuôi. Có người vòi vĩnh tiền bạc của bố mẹ. Nuôi con bố mẹ cho tiền. Mua nhà bố mẹ chu cấp. Mua xe bố mẹ lo. Tình yêu của bố mẹ bị bòn rút đến cùng cực.

Còn bố mẹ thì định nghĩa rằng đấy mới là yêu con. Yêu con là dù con đã trưởng thành cũng vẫn cần bố mẹ cõng trên vai. Vậy là bố mẹ cho con đôi chân. Rồi cũng chính bố mẹ biến con thành tàn phế.
Với vai trò biên tập viên khách mời số tháng 9 của tạp chí Vogue, Meghan Markle, vợ Hoàng tử Harry đã mời cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama thực hiện cuộc phỏng vấn.

Khi Meghan hỏi bà Obama: “Làm mẹ đã dạy bà điều gì?”. Cô đã nhận được một câu trả lời hết sức ý nghĩa từ bà mẹ có hai cô con gái đang bước vào độ tuổi trưởng thành: “Làm mẹ là bạn đã trở thành bậc thầy trong việc buông tay. Làm mẹ cũng đã dạy tôi rằng công việc của tôi không phải là san phẳng một con đường cho con đi trong nỗ lực loại bỏ mọi nghịch cảnh có thể xảy ra. Thay vào đó, tôi cần phải là một nơi an toàn để con có thể trở về khi thất bại và chỉ cho con cách tự mình đứng dậy”.

Vậy đấy bố mẹ ạ, nhà, xe, cơ nghiệp… con cái chúng ta có thể tự làm nên. Nhưng tự lập, tự lực và tự trọng ba “tự” ấy nếu bố mẹ không cho con, chúng mãi mãi là những đứa trẻ tàn phế.

Hà Trang là một người viết tự do. Trước khi có con cô nghiên cứu Chính trị quốc tế, sau chuyển sang tìm hiểu lĩnh vực nuôi dạy con.

Thêm thông tin và cập nhật Like   

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 6 August 2019 12:41pm

Share this with family and friends