Các cựu du học sinh Việt ở Úc nói gì trước hành động phá hoại cờ vàng?

“Cộng đồng người Việt ở hải ngoại giận dữ là đúng vì đó là lá cờ xương máu của họ”, nhưng “ai cũng sẽ sai phạm nên không thể ép người đến đường cùng”, và “không phải ai cũng là 'cộng sản nằm vùng', đừng tạo áp lực khiến di dân Việt về sau bắt buộc phải gò mình vào ‘bản sắc dân tộc’ vốn dĩ xa lạ với họ”.

Vietnamese community

Young generation of Vietnamese community in Australia Source: SBS Vietnamese

Các du học sinh và cựu du học sinh trả lời phỏng vấn SBS Việt ngữ đã cho những góc nhìn khác nhau về Phần lớn đều đồng ý rằng đây là hành động sai trái không thể chấp chận trong cộng đồng, đặc biệt là đối với cộng đồng tị nạn hải ngoại.

Hai Le, một du học sinh ở Tasmania, nói rằng mọi hành động sai trái đều phải được xử lý theo luật pháp nước sở tại, nhưng cho rằng không nên quá mạnh tay đẩy một bạn trẻ đến đường cùng.

“Việc kỉ luật hay răn đe là thích đáng, nhưng vì ai cũng sẽ sai phạm nên không thể ép người đến đường cùng, hãy dựa vào tinh thần luật pháp hơn là thù hằn. Tuổi đời bạn cũng còn dài nếu chuyện làm lớn thì có thể mình đã tiếp tay giết chết tương lai 1 đứa trẻ.”

Còn N., một cựu du học sinh ở Adelaide, cho rằng hành động của bạn trẻ này làm xấu hình ảnh du học sinh Việt Nam tại Úc.

“Nếu đặt trường hợp cờ đỏ sao vàng của mình bị như vậy thì mình sẽ cảm thấy làm sao? Có thể đây là hành động bốc đồng hoặc để chứng tỏ bản thân một cách ‘trẻ trâu’ nên cần có biện pháp như thế nào để các bạn thấy rằng, nhiệm vụ của các bạn tới đây là học, chứ ko phải làm ra mấy hành động ‘chứng tỏ’ như vậy.”
Th., cựu du học sinh ở Melbourne, nói rằng du học sinh không được phép tham gia các hoạt động phá hoại tới tài sản công cộng hay cá nhân theo điều khoản visa, và việc gây hấn với một cộng đồng là chuyện cũng không chấp nhận được.

“Cộng đồng người Việt ở hải ngoại giận dữ là đúng vì đó là lá cờ xương máu của họ, nếu cộng đồng hải ngoại bỏ qua chuyện này dễ dàng tức họ sẽ phải chấp nhận hạ toàn bộ cờ vàng xuống, trừ khi cậu học sinh kia đứng ra xin lỗi đàng hoàng.”

Một cựu du học sinh ở Melbourne khác là T. thì bày tỏ sự lo ngại hành động của cậu học sinh này có thể dẫn đến mâu thuẫn giữa các nhóm cộng đồng.

“Việc cậu học sinh dùng những từ ngữ thô lỗ, chửi bới những người chưa bao giờ làm hại cậu có thể dẫn đến mâu thuẫn rất lớn, đặc biệt trong ngày rất nhạy cảm là 30/4. Điều này có thể dẫn đến xung đột giữa 2 phe VNCH và CHXHCNVN.”
Nhưng bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng CĐNVTD đang làm quá mạnh tay đối với một học sinh trung học.

P, cựu du học sinh ở Melbourne, nói rằng việc cộng đồng gây sức ép chỉ khiến lan toả sự tiêu cực.

“Một câu chuyện đã bị ép tới mức đe doạ cả thế hệ tương lai và chia rẽ sắc tộc là một chuyện quá đáng. Cậu kia chắc về sau đi đâu cũng sợ người Việt Nam luôn.”

D, cựu du học sinh, hiện là y tá ở Melbourne thì nói:

“Nhìn sơ qua thì có thể gán ghép tội phá hoại tài sản nhưng chỉ được định tội nếu chứng minh được thôi. Nếu có phạm luật thì phải được toà án định tội, nếu chỉ nói theo cảm tính thì được cho là quy chụp và đe doạ dân và khủng bố tinh thần cũng sẽ được định tội.”
Một số người cũng cho rằng tuy rằng hành động của cậu học sinh là hoàn toàn sai, nhưng CĐNVTD nên có biện pháp ôn hoà hơn để mọi người “tâm phục khẩu phục”, thay vì quyết ăn thua đủ sẽ chỉ càng làm chia rẽ các nhóm cộng đồng.

H., cựu du học sinh ở Sydney, cho rằng du học sinh và những di dân mới sau này không dám đụng chạm hoặc tránh né những người Việt tị nạn lớn tuổi vì khác biệt quan điểm và tiếng nói không được tôn trọng, và họ cảm thấy bị “đàn áp” nếu dám thể hiện “bản sắc dân tộc” là mặc áo có cờ đỏ hoặc treo cờ đỏ trong cửa hàng.

“Đã gần 50 năm sau cuộc chiến, dòng người nhập cư sang Úc từ Việt Nam cũng đã nhiều. Không phải ai cũng là "cộng sản nằm vùng", ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc và có quyền bình đằng trong xã hội (bao gồm quyền tự do ngôn luận).

“Chính trong cộng đồng Việt cũng nên rút kinh nghiệm và đừng tạo áp lực khiến di dân Việt về sau bắt buộc phải gò mình vào “bản sắc dân tộc” vốn dĩ xa lạ với họ. Hãy để họ tự hào là người Việt theo cách riêng của họ.”

D., một nhân viên xã hội ở Melbourne, cho rằng Cộng đồng người Việt nên cư xử công bằng và đúng mực, chứ không nên “ăn thua đủ” với một cậu bé còn tuổi vị thành niên, vì điều đó chỉ gây thêm thù oán.

“Tôi chỉ thấy buồn cười ở chỗ, là tôi nhớ mấy năm về trước, lúc Việt Nam thắng SEAGames hay bóng đá gì đó, thì nhiều người Việt ở đây đã ngang nhiên giật/tước đoạt và giẫm lên cờ đỏ của những người ủng hộ cho đội Việt Nam, trong khi họ chỉ ủng hộ vì tinh thần thể thao chẳng dính gì đến chính trị.

“Nên tôi chỉ cảm thấy buồn cười cho một nhóm những ‘người lớn’ mà quyết ‘truy cùng đuổi tận’ một đứa bé đang tuổi ‘dở dở ương ương’. Trong khi luôn hô hào về tính nhân đạo, vị tha, tử tế. Họ làm vậy chỉ làm cho những người trẻ trong nước chán ghét thêm chế độ VNCH và nghĩ rằng những người VNCH là những người nhỏ nhen, vị kỷ, quyết ăn thua đủ với một thằng bé chưa đủ trưởng thành.”

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share
Published 5 May 2021 9:46pm
Updated 12 August 2022 3:04pm
By Đăng Trình, Hương Lan

Share this with family and friends