Biến cố 30/4/1975: Làm một người dân lưu vong, có dễ không hả bạn?

“Tôi đã sống hơn nửa đời ở Úc, nơi đã cho tôi cơ hội và quyền con người. Tôi xúc động mỗi lần nghe bài hát “I Still Call Australia Home” và cảm thấy ấm áp hơn mỗi lần đi xa trở về. Nhưng tôi cũng có nửa đời trước sinh ra và lớn lên, ăn miếng cơm và uống miếng nước ở Việt Nam, nơi tôi được hấp thụ nền văn hóa đẹp đẽ và tình tự quê hương ngọt ngào…”, trích bài viết của nhà báo Lưu Dân, Sydney.

30/4 and your identity

Tác giả Lưu Dân (đứng, thứ nhất từ trái) trong một buổi sinh hoạt Hướng Đạo ở Sài Gòn 1975. Source: Supplied

Bây giờ, tôi là người Úc hay Việt?

“Ba Mươi Tháng Tư Bảy Lăm, bạn ở đâu? làm gì?”

Câu hỏi tưởng đơn giản nhưng không dễ trả lời, vì nó lay động cả một vùng ký ức phủ bụi, về một thời biến động tang thương và trong hoàn cảnh “có trăm người vui, có vạn người buồn…”

Bây giờ, thế hệ tròm trèm 60 như chúng tôi lại càng có nhiều chuyện để kể, vì lúc đó đang tuổi thanh niên với “mộng vói tay cao hơn trời”. Nhưng thôi, tôi không muốn… nhiều chuyện, chỉ xin kể chuyện mình.

Quãng 8 giờ sáng 30.4, chúng tôi – một số Trưởng và Tráng sinh Hướng đạo – họp mặt làm lễ kéo cờ lần cuối tại sân trường Lê Quý Đôn, gần Dinh Độc lập, trong giờ phút hấp hối của Sài Gòn. Lúc ấy, chúng tôi đã biết số phận của Việt Nam Cộng Hòa.

Buổi họp mặt diễn ra ngắn ngủi và buồn bã. Vẫn với bộ đồng phục Hướng Đạo, chúng tôi phân tán đến nhiều địa điểm trong thành phố để tiếp tục công tác cứu trợ cho đồng bào nạn nhân chiến cuộc từ miền Trung kéo về tràn ngập thủ đô. Dù trong hoàn cảnh nào, Hướng đạo sinh vẫn không quên lời hứa “Giúp ích”.

Địa điểm tôi được phân công là Sân vận động Hoa Lư, gần Đại học Văn khoa Sài Gòn, ngôi trường thân yêu mà tôi còn mang nhiều kỷ niệm của thời sinh viên.

Đến nơi, tôi chỉ còn thấy lác đác vài nhóm người dân tản cư và một số binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đang thay quần áo dân sự để trở về nhà. Và cũng nơi đó, lần đầu tiên tôi nhìn thấy những chiếc xe tăng T-54 của Liên Xô vượt qua cầu Thị Nghè về hướng trung tâm thành phố.

Tôi không nhớ rằng mình đã khóc, nhưng rõ ràng có một nỗi buồn mênh mang…
30/4 and your identity
Tác giả Lưu Dân (giữa, mặc áo thun) trên chuyến vượt biển tỵ nạn đến Indonesia 1983. Source: Supplied
Tôi chưa biết gì nhiều về người anh em “bộ đội giải phóng” trên những chiếc xe tăng ấy, hoặc các nhóm thanh niên “ba mươi tháng tư” không biết từ đâu hiện ra trên đường phố với những khẩu tiểu liên AK-47 và những mảnh vải đỏ buộc trên cánh tay.

Dù sao, như nhiều người lúc ấy, tôi đã nhen nhúm trong lòng một niềm hy vọng: chiến tranh đã chấm dứt, mọi người Việt – dù cộng sản hay quốc gia – sẽ cùng chung tay xây dựng lại đất nước.

Tám năm sau, một thời gian đủ dài để chứng nghiệm niềm hy vọng ấy là vô vọng, tôi đã chấp nhận cuộc vượt biển mười chết một sống và trở thành người tỵ nạn.

Bây giờ, tôi là người Úc hay Việt?

Tôi đã sống hơn nửa đời ở Úc, nơi đã cho tôi cơ hội và quyền con người. Tôi xúc động mỗi lần nghe bài hát “I Still Call Australia Home” và cảm thấy ấm áp hơn mỗi lần đi xa trở về. Nhưng tôi cũng có nửa đời trước sinh ra và lớn lên, ăn miếng cơm và uống miếng nước ở Việt Nam, nơi tôi được hấp thụ nền văn hóa đẹp đẽ và tình tự quê hương ngọt ngào.

Tôi thật sự đã có một lúc hoang mang về căn cước (identity crisis) của mình. Tôi không nói rằng mình đã vượt qua cơn khủng hoảng đó vì thỉnh thoảng nó vẫn nhói lên như một nhắc nhở về quê hương đã xa và mái ấm đang có.

Chỉ mới đây thôi, khi đội Matilda của Úc thắng áp đảo trước đội tuyển túc cầu quốc gia nữ của Việt Nam với tỷ số 9-0 trong vòng loại của giải Thế Vận Hội 2016, tôi vừa muốn nhảy cẫng lên vì vui mừng nhưng lại vừa buồn tủi đến rớt nước mắt!

Làm một người dân lưu vong, có dễ không, hả bạn?

Lưu Dân
(Sydney, cuối tháng Tư, 2016) 

-

Đây là bài viết và hình ảnh gửi về đóng góp trong chuyên đề 30/4 và bản sắc của bạn. Đọc thêm .

Share
Published 25 April 2016 12:55pm
By Lưu Dân
Source: SBS Vietnamese

Share this with family and friends