Bidong: Dấu xưa, nền cũ (Phần 1)

Ghi chép của nhà báo Lưu Dân và Lý Nhân trong chuyến về thăm lại khu trại tị nạn trên đảo Pulau Bidong, Malaysia, khoảng đời tạm của hơn 250 ngàn thuyền nhân Việt Nam từ năm 1978 đến 1991, nơi người ta vẫn thường nói ‘Tình Bidong có list là dông’, vậy mà nhiều người chọn trở về…

Jetty 4 - Pulau Bidong

Cầu Jetty ở Pulau Bidong (Photo: diligam_te @Flickr CC BY 2.0) Source: Creative Commons

Ghi chép ‘Bidong: Dấu xưa – nền cũ’ gồm hai phần đi cùng một album hình ảnh. Đây là phần mở đầu. Đọc tiếp .

 

“Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương… ”


 (Thăng Long Thành hoài cổ, Bà Huyện Thanh Quan)

 

Về lại Bidong những ngày tháng Ba…

‘Tình Bidong có list là dông’

… mà sao chẳng thấy ai dông. Lại còn nhiều người trở về.

Trong khoảng đời tạm trên đảo, dường như cái gì cũng tạm, kể cả tình yêu. Vì vậy chăng mà Bidong “mang tiếng” như thế? Đến hơn phần tư thế kỷ sau, từ ngày trại tỵ nạn này đóng cửa, người ta vẫn còn nhắc đến câu nói bạc bẽo đó…

Trong chuyến Về Bến Tự Do vừa rồi, lần thứ 24 do Văn khố Thuyền nhân VN (VKTNVN) tổ chức thăm viếng và trùng tu các trại tỵ nạn cũ ở vùng Đông Nam Á trong vòng 10 năm qua, chúng tôi không những không ‘dông’ mà còn tình nguyện về lại, cùng hưởng “thú đau thương” với phương tiện công cộng muôn vẻ ở Malaysia: từ đáp máy bay, lên xe bus, xuống xe van, nhảy lên phà, đổi qua ghe và cuối cùng phóc lên “xe chở heo” (mọi người thân ái đặt tên những chiếc tractor chở chúng tôi di chuyển trên đảo resort Redang như vậy, đành nhận thôi, cãi chi cho… phí sức!). Hay cái là, không ai nói “tôi đi Bidong” mà “tôi về Bidong”. Ngôn ngữ đến tuyệt thế thôi!

Cuối tháng Ba 2016, 30 cựu Thuyền Nhân khắp nơi dắt díu nhau về thăm chốn tạm dung được ghi nhận là lớn nhất trong suốt cuộc đào thoát tìm sống vĩ đại nhất của lịch sử VN. Không nói khoác đâu, cứ tìm đọc “10 biến cố bi thảm nhất của Thế kỷ 20” (Ten most tragic events in the 20th century) ắt gặp ngay chữ “Boat People”. Khổ nỗi, quãng đường gần 2 giờ đồng hồ trong mùa biển động từ bến phà Marang (sau đó còn phải chuyển phà và hành lý thêm lần nữa) để ra đảo Redang nội chiều hôm đó, khiến mọi người trong đoàn dù chưa thấy lại Bidong mà đã “dậy sóng trong lòng”. Nhưng, đó mới chỉ là “Khổ, tập 1”.

Video tư liệu của SkyGallery, Malaysia: Bidong nhìn từ trên cao
Trong chuyến VBTD Bidong lần này, có không ít cựu Thuyền Nhân lần đầu trở về sau bao nhiêu năm xa cách. Vậy mà điều làm chúng tôi vừa ngạc nhiên vừa xúc động nhất là tất cả đều đồng lòng góp mỗi người một bàn tay ngay vừa khi đặt chân lên chiếc cầu Jetty kỷ niệm, mặc dầu ngày nay nó hoàn toàn khác với những hình ảnh thân thương trong ký ức khi họ rời đảo.

Những đợt sóng nhồi không chút thương tình cho các tấm thân vốn quen thuộc với đời sống thành phố, cùng với việc di chuyển từ Bidong về Redang mỗi ngày (Khổ, tập 2 – và còn nhiều tập nữa!) không những không làm các thành viên trong đoàn chùng lòng mà còn khiến mọi người càng tập trung và mau mắn, có lẽ vì ai cũng hiểu rằng lần này mình không có nhiều thời gian trên đảo.

Vừa kịp thích ứng với “lịch hành quân” dồn dập, thức dậy từ tờ mờ sáng để kịp rời Redang sang Bidong trước khi sóng lớn, mọi người còn được ‘mừng mừng tủi tủi’ hội ngộ cái nắng khô hanh khét tiếng miền biển đảo Mã Lai này. Chả thế, chỉ sau ba ngày trân mình trên Bidong, chúng tôi bèn… nhận bà con với lũ “mực ba nắng”.

Tìm về dấu xưa…

Ý thơ trong bài “Thăng Long Thành hoài cổ” chập chờn hiện đến trong chuyến đi, dù “dấu xưa, nền cũ” trong lòng những người trở về Bidong khác hẳn khung cảnh của tác giả lúc Bà rời cố đô lên đường vào kinh làm quan hơn 200 năm trước. Giống nhau chăng là một mối cảm hoài về một “cuộc hí trường”!
Pulau Bidong
Source: Supplied
Không những chỉ đối với cựu Thuyền Nhân Bidong mà bất kỳ ai đến thăm nơi đây cũng không khỏi bùi ngùi khi biết được hòn đảo nhỏ bé này – lọt thỏm giữa những hòn đảo du lịch nổi tiếng gần kề như Perhentian, Lang Tengah hay Redang – lại từng là chốn tạm dung cho xấp xỉ 250,000 người Việt tỵ nạn vài thập niên trước.

Đối với những ai từng nhận Bidong làm quê hương thứ nhì thì dường như lại có ít nhiều xa lạ, ngỡ ngàng so với hồi ức… Ngày trở về, trải dài trước mắt là cầu Jetty khang trang, vững chãi liền kề với hàng gạch sót lại của Kho Tiếp liệu Cao ủy, một bên (từng) là Bệnh viện Sick Bay nhìn ra xác con tàu sắt nay chỉ còn trơ sườn, nằm gác đầu lên mấy gốc thùy dương tóc xõa rì rào.

Gần như toàn bộ khu B đã khuất lấp sau rừng cây cao lớn, văn phòng Cao Ủy ngày nay chỉ còn là một bãi cát trắng phủ từng cụm rau muống biển xanh mướt. Thấp thoáng sau hàng dừa khu A ngày nào là dãy nhà nguyện mới dựng cùng trại cá của Đại học Thủy sản Terengganu. Bên kia đảo, dọc theo bãi biển khu C là một khu nhà nuôi san hô của một gia đình ngư dân địa phương.

Hàng cây trứng cá dọc đường lên Đồi Tôn Giáo lẫn trong từng bụi cây lớn, các bậc đá dẫn lên Nhà thờ nay chỉ còn sót lại Cung Thánh buồn bã nhìn ra những bụi cỏ lau mọc cao ngang ngực.

Vậy mà, mặc những hoài niệm ùa về, không ai bảo ai, mỗi người một việc bắt tay ngay trong Ngày 1 vào công tác chính của chuyến đi: trùng tu các di tích trên Bidong trong cuộc chạy đua với thời gian ít ỏi trên đảo.

Video: 'Đội hình kiến' trên Bidong
Chúng tôi quyết tâm thay tấm áo mới cho Bidong!

Từng nhóm nhỏ phụ nhau chuyển vật liệu sơn sửa, máy bơm nước, ống nước và thang lên khu đồi Tôn Giáo. ‘‘Vô đội hình kiến!’’ – Đồng loạt ngoảnh đầu về phía tiếng nói dõng dạc tự tin ấy, mọi người không ai có thể ngờ rằng nó phát ra từ Thi sĩ Lâm Hảo Khôi (Sydney, Australia). Nhà thơ của chúng tôi không phải là người thích nói, nhưng quả thật khi đã làm thơ và ra lệnh thì mọi người cũng… khó đỡ.

Trong khi tìm nguồn nước gần nhất lắp máy bơm để rửa Cánh Buồm Tự Do và toàn bộ các kiến trúc trên Đồi Tôn Giáo, một thành viên đã nghĩ ra cách dẫn ống nước từ Đồi Tôn Giáo xuống thẳng tượng Ông Già Bidong, và đặt máy bơm cao áp ở đó (thay vì nối dây xuống nhà máy nước dưới chân đồi Tôn Giáo) để lực nước đẩy được mạnh hơn. Điều đó có nghĩa là phải chuyển máy bơm xuống dốc sau đó luồn ống nước qua bụi gai mà nhiều người mới nghe đã thấy… ớn. Ý tưởng táo bạo này mang lại kết quả mỹ mãn khi mọi người nghe tiếng máy nổ reo vui lúc mặt trời vừa đứng bóng.

Trong khi nhóm đàn ông đánh vật với các đường ống và cái máy bơm nước cứng đầu thì “Hội Phụ nữ Bidong” phụ trách sơn các tượng Phật trên Chùa Từ Bi cùng các tấm Bia Tưởng Niệm dọc theo đường lên Đồi Tôn Giáo. Người pha sơn, người kẻ chữ, người lo việc dọn dẹp và cúng bái. Có những sự quan tâm, cả những tiếng cười pha lẫn những giọt mồ hôi trong nguyện ước sửa sang ngôi nhà cho Đồng Bào không may mắn nằm lại – những điều mà trước hết đã mang chúng tôi đến với nhau, sau hết kết nối chúng tôi lại với nhau, vượt lên trên hết những mỏi mệt hoặc thiếu thốn tiện nghi ở đảo.

(còn tiếp)

Lưu Dân & Lý Nhân
Bidong, tháng 4/2016 

Ghi chép ‘Bidong: Dấu xưa – nền cũ’ gồm hai phần đi cùng một album hình ảnh.

Share
Published 29 April 2016 6:30pm
Updated 21 November 2018 11:29am
By Lưu Dân
Source: SBS Vietnamese

Share this with family and friends