Úc: 276 người chết đuối trong 12 tháng

A sign warns again dangerous surf conditions at a beach

Source: SBS

Có một sự gia tăng đáng ngạc nhiên về những vụ tử vong do đuối nước - với nạn nhân là những người Úc cao niên và những người có nguồn gốc đa văn hóa. Điều này đã một lần nữa thúc đẩy một lời kêu gọi khẩn cấp để mọi người thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn dưới nước và tận dụng các chương trình có thể cứu sống họ.


Alex Chang 40 tuổi là một nhân viên cứu hộ tình nguyện tại Bãi biển Tamarama của Sydney.

Những việc anh đang làm khác xa với cuộc sống của anh hai năm trước, khi anh ấy đến Úc từ Hàn Quốc, với khả năng bơi lội lúc ấy còn rất hạn chế.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ về việc này. Tôi đã từng xem một chương trình trên TV - hoặc bộ phim nào đó mang tên Baywatch nhưng nó rất khác với bản thân tôi. Tôi thường sống ở thành thị, làm việc trong văn phòng. Còn bây giờ, thì tôi hầu như sống ở xung quanh vùng biển."

Alex Chang hiện cam kết giúp đỡ những di dân khác ý thức về an toàn khi lướt sóng bằng các chương trình được tổ chức thông qua câu lạc bộ Surf Life Saving của mình.
Đã có 276 người chết đuối tại Úc trong 12 tháng qua, tăng 10% so với năm trước.
"Ngay cả những điều rất căn bản, như bơi giữa khu vực cờ đỏ và vàng. Có lẽ đây là điều rất căn bản ở Úc nhưng tất cả các quốc gia khác có thể không biết ý nghĩa của những lá cờ đó là gì, giống như tôi lúc trước. Hồi tôi mới đến , khi nhìn thấy cờ đỏ và vàng, tôi đã nghĩ đó là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Nhưng thực ra, bạn phải bơi giữa khu vực đó để bảo đảm an toàn."

Đó là một chương trình đơn giản để có thể cứu sống ai đó - và qua bản phúc trình các vụ đuối nước toàn quốc của Hiệp hội Cứu sinh hoàng gia Úc cho thấy trước tình trạng gia tăng các vụ đuối nước trong 12 tháng qua, mọi người được cảnh báo không nên ỷ y.

Theo bản phúc trình được công bố hôm thứ Hai, đã có 276 người chết đuối tại Úc trong 12 tháng qua, tăng 10% so với năm trước.

122 trong số các vụ tử vong xảy ra tại các địa điểm ven biển, tại các tảng đá và vách đá và ngoài khơi.

101 vụ đuối nước đã xảy ra tại các tuyến đường thủy nội địa và 31 vụ tại bể bơi.

Stacey Pidgeon từ Hiệp hội cứu sinh hoàng gia Úc, phát biểu rằng trong khi số người chết đuối đã giảm trong mười năm qua, có một số nhóm nhất định đã đẩy số liệu mới nhất tăng lên.

"Năm nay chúng ta đã chứng kiến một xu hướng ở những người có nguồn gốc đa văn hóa ở khắp cả nước về các vụ đuối nước ngoài biển. Chúng ta cũng nhìn thấy nhiều người Úc cao niên bị đuối nước trong suốt 10 năm qua, vì vậy chúng ta đang thấy sự gia tăng chết đuối ở nhiều nhóm cộng đồng ở tất cả các địa điểm."

Ví dụ, nhiệt độ kỷ lục vào mùa hè năm ngoái đã góp phần tăng 17% các trường hợp tử vong do đuối nước mùa hè, so với mức trung bình 10 năm.

Cũng có một bước nhảy vọt về các thảm kịch những vụ nhiều người chết đuối cùng lúc, tăng 39%.

Shane Daw, giám đốc an toàn của Surf Life Saving Australia, đang kêu gọi mọi người tìm hiểu về những rủi ro có thể xảy ra, trước khi xuống nước.

"Điều chúng tôi đang mong mỏi ở mọi người- đó là bất kể nơi họ đến - họ cần hiểu nơi nào họ bơi được, hiểu những rủi ro, các giới hạn và nguy hiểm. Và với hơn 12, 000 bãi biển trên khắp nước Úc, mọi người đều có thể đến một địa điểm nào đó xa hơn, nơi không được kiểm soát, vì vậy điều quan trọng hơn là mọi người hiểu rằng những người cứu hộ lướt sóng, nhân viên cứu hộ, cảnh sát và các nhà chức trách không thể có mặt ở khắp nơi để bảo vệ an toàn cho mọi người."

Cộng đồng Nepal được cho là một trong những nhóm người có nguy cơ chết đuối cao nhất, cùng với người Đài Loan, Sudan, Hàn Quốc và Ái Nhĩ Lan.

Rishi Achary a, từ Hiệp hội Úc Nepal, đang kêu gọi thiết kế riêng các chương trình đa văn hóa để tránh những bi kịch trong tương lai.

"Hiện tại, tất cả các tài liệu đều bằng tiếng Anh - hoặc được dịch sang ngôn ngữ. Những tài liệu vẫn chỉ được phát triển cho các cộng đồng đại chúng nên một số nội dung có thể không phù hợp hoặc gây khó hiểu. Nếu các tài liệu được phát triển nhắm đến nhiều cộng đồng đa văn hóa hơn thì sẽ rất tốt."



Share